Sunday 7 October 2018

CHIẾN THUẬT, CHIẾN CÔNG & CHIẾN TÍCH


Chiến thuật : 1/ Cách đánh trong từng trận . Thí dụ  1 : chiến thuật du kích  Thí dụ 2. Chiến thuật lấy ít đánh với nhiều
                      2/Bộ phận của nghệ thuật quân sự, nghiên cứu quy luật, phương pháp chuẩn bị và tiến hành chiến đầu.

Chiến công : công trạng trong chiến đấu.

Chiến tích : thành tích chiến đấu .

“Chiến tranh du kích “ đã có từ lâu , nhưng mãi tới giữa thế kỷ 20 người ta mới nghe nói đến chiến thuật TỨ KHOÁI NHẤT MÃN do nguyên soái LÂM BƯU  đề xướng (ông này sau khi Mao Trạch Đông đánh đuổi được Thống Chế Tưởng Giới Thạch từ thủ đô Nam Kinh chạy ra đảo Đài Loan, thì LÂM BƯU lên làm Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng, đứng hàng thứ tư sau Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ ,Chu Ân Lai trong Ban Lãnh Đạo của Đảng Cộng Sản Trung Hoa). Ngoài chiến thuật TỨ KHOÁI NHẤT MÃN, Lâm Bưu còn đưa ra 2 chiến thuật nữa là CÔNG ĐỒN ĐẢ VIỆN và TIỀN PHÁO HẬU XUNG mà tất cả quân nhân của Quân Lực VNCH từ binh sĩ đến tướng lãnh đều đã “được” (hay “bị” cũng không sai) trải qua suốt từ năm 1960 đến 30-4-1975.

TỨ KHOÁI NHẤT MÃN là tiếng Hán Việt, dịch ra chữ Quốc Ngữ của VN ta là “ 4 NHANH, 1 CHẬM” , nghĩa là “Tập Trung Nhanh”, “Tấn Công Nhanh” , “Thu Dọn Chiến Trường Nhanh” , “Rút Lui Nhanh” . Muốn thực hiện  được 4 NHANH, phải “CHUẨN BỊ”  thật “CHẬM” (cũng có nghĩa là phải CHUẨN BỊ KỸ CÀNG).
Các nhà viết sử như Trần Trọng Kim, Phạm Văn Sơn, Trần Nhu, Phạm Cao Dương…đã ghi lại những chiến tích của nhà Trần trong công cuộc chống lại sự xâm lăng của quân đội Mông Cổ vào thế kỷ thứ 13. Tuy nhiên có rất nhiều người Việt Nam hiện nay tự hào về chiến tích của nhà Trần cũng như hiểu rõ và kể vanh vách những chiến công của các tướng lãnh như tướng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, tướng Trần Quang Khải, tướng Trần Nhật Duật, tướng Trần Khánh Dư, anh hùng Trần Quốc Toản, tướng Trần Bình Trọng, tướng Phạm Ngũ Lão , tướng Nguyễn Khoái…v…v…

Tuy nhiên nếu có ai cắc cớ hỏi ngược lại với chữ WHY đứng trước, thí dụ như “tại sao nước Đại Việt nhỏ bé, dân số và binh lực nhỏ không bằng ½ quân số của quân Mông Cổ, tại sao lại chiến thắng được đạo quân hùng mạnh nhất thế giới chỉ trong vòng 6 tháng – mà lại chiến thắng đến 3 lần ?” (nghĩa là không có sự may rủi).

Người viết cũng đoan chắc là nếu người ngoại quốc hỏi thêm một câu hỏi nữa với chữ HOW đứng trước , như là “Binh đội nhà Trần vào thế kỷ 13 đã chiến thắng quân Mông Cổ như thế nào ?” thì có lẽ người VN chúng ta sẽ ấp úng trả lời với những lý do mơ hồ , thần bí…Hay hoặc là trả lời kiểu chỉ nêu “hiện tượng” mà không giải thích được “bản chất” sự việc.

Bài viết này nhằm bổ sung thêm cho những lý giải lịch sử của nước VN ta mà những sử gia vừa nêu không đề cập đến. HƯNG ĐẠO VƯƠNG TRẦN QUỐC TUẤN được suy tôn và kính trọng, ngài được gọi với danh xưng THÁNH TRẦN từ 7-8 thế kỷ nay, đó là một thực tế không cần phải bàn cãi hay tranh luận gì hết.
Tuy nhiên để cho công bằng, người viết cho rằng nhà Trần không có Trần Thủ Độ thì nước Đại Việt không thể có HƯNG ĐẠO VƯƠNG TRẦN QUỐC TUẤN. Người viết sẽ không bàn luận về những “bá đạo” mà các nhà viết sử “lên án” Trần Thủ Độ, người viết chỉ nêu những việc “phi thường” mà chính trị gia Trần Thủ Độ đã dám thực hiện trong giai đoạn CHUẨN BỊ KỸ CÀNG để nước Đại Việt sau này có nhiều cơ may chiến thắng quân xâm lược Mông Cổ.

Phi Thường thứ nhất :  thân phụ của Trần Thủ Độ là em trai thứ ba của Trần Thừa (ông này có 2 con là Trần Liễu và Trần Cảnh) và Trần Tự Khánh (thời điểm Thái Tử Sam phải chạy về Hải Dương lánh nạn khi Thăng Long có loạn và được lực lượng võ trang của Trần Tự Khánh hộ tống về Thăng Long dẹp loạn, sau đó lên ngôi là Lý Huệ Tông ). Con gái của Trần Tự Khánh lấy Thái Tử Sam , nên sau khi lên làm vua, bà này được phong làm Hoàng Hậu và sinh được 2 công chúa là Thuận Thiên và Chiêu Hoàng. Về sau, Trần Tự Khánh qua đời nên trao cho người cháu (gọi Trần Tự Khánh bằng bác) là Trần Thủ Độ quyền chỉ huy tất cả các lực lượng võ trang của họ Trần. Có binh lực trong tay nên vua Lý Huệ Tông bổ nhiệm Trần Thủ Độ vào chức vụ Điện Tiền Chỉ Huy Sứ (về sau,  Hoàng Đế Bảo Đại của triều Nguyễn đổi qua thành Chỉ Huy Trưởng Ngự Lâm Quân).

Vua Lý Huệ Tông nhu nhược và bất tài (có sử gia cho rằng Lý Huệ Tông bị mắc bệnh “tâm thần”), khi Công Chúa Chiêu Hoàng được 7 tuổi, Lý Huệ Tông truyền ngôi cho lên làm vua tức là Hoàng Đế Lý Chiêu Hoàng rồi bỏ vào chùa đi tu ! Sách sử và các sử gia kết tội Trần Thủ Độ “thông dâm “ với Trần Hoàng Hậu – là chị họ con ông bác của Trần Thủ Độ. Nhưng dưới con mắt “chính trị” (xin bỏ qua con mắt “luân lý – đao đức thường tình) , người viết cho rằng hành động của Trần Thủ Độ là  một “nhu yếu chính trị” để chuyển giao quyền lực một cách êm thắm từ nhà Lý sang nhà Trần.

CHÚ THÍCH : người viết sử dụng nhóm chữ “nhu yếu chính trị” của tác giả VŨ TÀI LỤC trong các ấn bản bình luận chính tri hồi thập niên 1965 – 1975 tại Sài Gòn. Nhu yếu có nghĩa là “nhu cầu trọng yếu” . NếuTrần Thủ Độ không lấy “bà” chị họ thì nếu muốn đoạt quyền thì chính ông phải làm một cuộc đảo chánh có đổ máu để lên ngôi vua. Việc cướp chính quyền như vậy sẽ sinh sôi những bạo loạn , lo đánh dẹp cũng đủ mệt . Và quan trọng hơn nữa, đó là đất nước sinh nội chiến và là miếng mồi ngon cho quân xâm lược phía Bắc.

Phi Thường thứ hai : 12 năm sau, khi Lý Chiêu Hoàng mới chỉ 19 tuổi mà chỉ sinh được 2 công chúa, Trần Thủ Độ truất phế Lý Chiêu Hoàng từ ngôi Hoàng Hậu xuống làm Công Chúa và đem gả cho tướng quân Lê Phụ Trần (người giúp ông đánh dẹp giặc giã trong nước). Lúc đó, Thuận Thiên đang mang thai (bào thai trong bụng là con của Trần Liễu) được Trần Thủ Độ “bổ nhiệm” làm Hoàng Hậu của vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh). Trần Liễu ức quá nổi loạn, nhưng Trần Thủ Độ không giết mà Trần Liễu được bổ nhiệm ra  làm lãnh chúa cai trị vùng Hải Dương với tước hiệu là An Sinh Vương.

Sử sách không ghi, nhưng người viết nghĩ rằng Trần Thủ Độ đã khuyên bảo Trần Liễu như sau : “ Cả mày và Trần Cảnh đều là cháu của tao, tao không thiên vị cũng như không ghét bỏ đứa nào hết. Vì Lý Huệ Tông viết chiếu chỉ nhường ngôi cho Lý Chiêu Hoàng . Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng nên Trần Cảnh mới lên ngôi vua. Nếu Lý Huệ Tông viết chiếu chỉ cho Thuận Thiên thì mày lên làm vua rồi còn đâu. Nhà Trần chúng ta hiện nay cần có hoàng tử mà Trần Cảnh chỉ có 2 công chúa , nên tao mới đổi vợ mày qua làm vợ của Trần Cảnh. Vả lại  tao không cướp vợ của mày cho tao. Và nếu Trần Cảnh có con trai thì tao đã không phải sử dụng đến “hạ sách” này.”

Phi Thường thứ ba : nhiều người vẫn cứ thắc mắc là Lý Huệ Tông đã bỏ ngai vàng vào chùa đi tu mà vẫn không được yên. Một hôm, Trần Thủ Độ đi qua chùa Chân Giáo thấy Lý Huệ Tông đang nhổ cỏ, Trần Thủ Độ nói : “nhổ cỏ thì phải nhổ đến tận rễ”. Lý Huệ Tông phủi tay đứng dậy nói : “ nhà ngươi nói như thế, ta hiểu rồi” . Lý Huệ Tông đi ra phía sau chùa dùng giải lụa thắt cổ tự tử.
Tôn thất nhà Lý thấy quyền lực nhà Lý bị cướp đọat ngang xương như thế nên họ có ý định “đoạt lại vương quyền” . Mặc dù Lý Huệ Tông không làm gì hại đến nhà Trần , nhưng sự hiện hữu của ông là mầm mống của những “coup đảo chánh” sẽ xảy ra. Người viết cho rằng Lý Huệ Tông thắt cổ tự tử là cách xử thế quá đẹp cho cá nhân ông và cũng đẹp cho cả Trần Thủ Độ, vì nếu Lý Huệ Tông không treo cổ tự tử thì Trần Thủ Độ buộc lòng phải giết ông để dập tắt mọi mầm mống nổi loạn (trường hợp này có thể ví như là “giết một người để khỏi phải giết nhiều người” )

Phi thường thứ tư: nhiều người Việt không khỏi thắc mắc tại sao Trần Thủ Độ không dẹp ông vua 8 tuổi Trần Cảnh rồi lên làm vua sướng hơn đi làm Tể Tướng dưới quyền của vua , mà lại phải làm Tể Tướng tới 40 năm (1224 – 1264). Người viết cho rằng nhãn quan chính trị của Trần Thủ Độ cao siêu hơn nhiều người khác, bởi 2 lý do:

4.1 Trần Cảnh làm vua là CHÍNH DANH vì có chiếu chỉ của vua Lý Chiêu Hoàng  nhường ngôi  lại cho chồng, trong khi Trần Thủ Độ nếu dẹp ngôi vua của Trần Cảnh rồi tự xưng làm vua thì chỉ là “KẺ CƯỚP NGÔI” và các phần tử bất mãn sẽ đồng loạt nổi dậy, Trần Thủ Độ không muốn tình trạng “Thập Nhị Sứ Quân” xảy ra lần thứ hai.

4.2 Khi quân Mông Cổ kéo vào nước ta lần thứ nhất vào năm 1258, vua Trần Thái Tông lúc ấy mới có 32 tuổi, lo sợ nước Đại Việt quá nhỏ bé không chống nổi, ngỏ ý muốn đầu hàng, Trần Thủ Độ khẳng khái nói “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo” . Đây là điều sử sách ghi lại cho phù hợp với nghi lễ và ngoại  giao, chớ  người viết phỏng đoán  nội dung thật sự còn ghê gớm hơn nhiều. Theo suy nghĩ của người viết, Trần Thủ Độ có thể nói là : “Tao còn ngồi đây, đứa nào nói tới chuyện đầu hàng, tao sẽ chặt đầu trước ”. Đây không phải là chuyện võ đoán của người viết, mà là sư suy luận có cơ sở hẳn hoi. Nhắc lại lịch sử một chút xíu, khi vua Trần Thái Tông hỏi quan Thái Úy Trần Nhật Hiệu là nên “hòa hay chiến”. Quan Thái Úy không dám trả lời bằng miệng mà ông ta rút cây sào của người chèo thuyền, rồi viết lên mặt nước 2 chữ NHẬP TỐNG.
Thái Úy là ngạch quan to thứ nhì chỉ đứng sau Thái Sư Tể Tướng, vậy thì ông Thái Úy này sợ cái gì mà không dám nói ? Phải chăng ông Thái Úy sợ  khẩu lệnh quyết chiến của Thái Sư Tể Tướng “…đứa nào nói tới chuyện đầu hàng, tao sẽ chặt đầu trước ”

Phi thường thứ năm : không thấy tài liệu lịch sử nào cho biết Trần Thủ Độ học hành như thế nào, nhưng những suy nghĩ và những mệnh lệnh ông ban ra để điều hành đất nước (  khi vua Trần Thái Tông còn quá nhỏ  - 8 tuổi ) đã chứng tỏ ông là một nhà cai trị đại tài. Ông đã đặt nước Đại Việt với mục tiêu có chữ WHAT trước, rồi mới lập kế hoạch thực thi có chữ HOW theo sau, cho nên từ nhân sự (MAN) cho đến ngân sách (MONEY) đều do ông sắp đặt và chọn lựa. Ông chọn tướng Trần Quốc Tuấn nắm binh quyền vì qua đàm đạo, ông đánh giá tướng Trần Quốc Tuấn có phương cách hữu hiệu ( MANNER ) chống lại quân  Mông Cổ xâm lược. Chính ông đã căn dặn tướng Trần Quốc Tuấn (trích dẫn) : “…nước ta trên đường quân Mông Cổ nam tiến, trước sau gì cũng bị chúng xâm lăng. Chiến tranh chỉ có thể bị trì hoãn chứ không thể nào tránh được. Công việc nặng nhọc khó khăn đó, ngươi sẽ phải gánh vác. Ta suốt đời tận tụy lo toan cho đất nước, cho đế nghiệp của họ Trần, đã thống nhất và gìn giữ đất nước. Kế nghiệp ta sau này là ngươi đó. Ta trông cậy ở ngươi, mong ngươi sẽ làm trọn được sứ mệnh đó” (Hết trích).

GHI CHÚ CỦA NGƯỜI VIẾT :

Tiền bán thế kỷ 20, các nhà nghiên cứu bộ môn “Quản Trị Xí Nghiệp” mới tìm ra quy tắc 3M (MAN – MANNER – MONEY) , trong khi Thái Sư Trần Thủ Độ đã áp dụng quy tắc nầy từ thế kỷ 13 !

Quy tắc 3M cũng có ngoại lệ khi Joseph Kennedy (thân phụ của Tổng Thống John F. Kennedy và Bộ Trưởng Tư Pháp Robert Kenndy) cho rằng “ 3 yếu tố thành công trên đời : thứ nhất là Tiền, thứ nhì là Tiền và thứ ba cũng vẫn là Tiền !!!”

Phi Thường thứ sáu : Trần Thủ Độ luôn đặt quyền lợi đất nước lên trên tình cảm cá nhân, thí dụ minh họa : năm 1264 khi cảm thấy khó ở, ông đã dặn vua Trần Thánh Tông “ban cho con trai của ông một chức quan vô thưởng vô phạt để cho nó được hưởng ấm tập, vì nó chẳng có tài cán chi cả”.

Trong phương pháp dạy con trẻ nên người, không có bài học nào hữu hiệu cho bằng chính bố mẹ phải làm gương tốt cho con cái. Trần Thủ Độ là founder của nhà Trần, trong dòng họ ông là người cao niên và có quyền lực tuyệt đối (có thể coi như ông là bậc cha mẹ của các vì vua nhà Trần), cho nên tấm gương chí công vô tư của ông đã là tấm gương  tốt mà các con cháu phải noi theo.

Người viết cho rằng chiến tích vĩ đại nhất của Trần Thủ Độ (không phải là việc chống lại quân Mông Cổ) , đó là ông đã đem lại tính trong sạch và tương kính lẫn nhau giữa các nhà vua và các vương hầu, từ đó mọi người sống hòa ái với  nhau và góp phần không nhỏ vào tình hình nội an  bền vững của triều đình nhà Trần. Tình trạng chính trị ổn định như thế khiến các vương hầu và các tướng lãnh  cầm quân ra mặt trận chiến đấu không còn lo nghĩ, nghi ngại hay ngờ vực lẫn nhau nữa.

Trần Thủ Độ còn là vị Tể Tướng (Thủ Tướng chính phủ) nhìn xa trông rộng và chu đáo. Khi ông giao trọng trách nắm giữ binh quyền cho tướng Trần Quốc Tuấn, ông cũng giao luôn cả một tập sách bản đồ với lời chú thích rõ ràng các nơi hiểm yếu của nước ta mà trong thời gian dài làm Tể Tướng, ông đã ra lệnh cho các quan chức hành chánh tại các địa phương thực hiện. Tập sách rất cần cho một tướng lãnh đảm trách chức vụ Tổng Tiết Chế (tương tự như chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng kiêm Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng thời nay)

Như đã đề cập trong bài viết này, tướng Trần Quốc Tuấn đã có gần 30 năm để chuẩn bị cho cuộc chiến vệ quốc chống lại quân xâm lược (1258 – 1287), trong chiến thuật TỨ KHOÁI NHẤT MÃN, tướng Trần Quốc  Tuấn chỉ sử dụng có 3 NHANH  mà thôi, đó là :

A. Tập Trung Nhanh  : vì rành địa thế và chuyển quân bằng thủy quân nên  quân nhà Trần thường đến chiến trường trước quân Mông Cổ.

B. Tấn Công Nhanh : quân nhà Trần tấn công quân Mông Cổ bằng “loạn tên” nên chiếm thế thượng phong  ngay từ xa, điều đó cũng có nghĩa là chiến thắng quân Mông Cổ với ít thương vong.

C. Thu Dọn Nhanh : nếu quân Mông Cổ không bị giết trong những giây phút đầu tiên thì số còn lại phải bỏ chạy bởi họ không thể có đủ “mũi tên “để phản công.
Giai đoạn Rút Lui Nhanh mà Lâm Bưu đề cập đến không được sử dụng vì quân Mông Cổ không đủ khả năng để kéo binh đội từ nơi khác đến chiến trường cho mục đích phản công.

Tướng Trần Quốc Tuấn viết Hịch Tướng Sĩ để khích động tướng lãnh và binh sĩ thuộc cấp hăng hái lên tinh thần để chống quân Mông Cổ xâm lược. Đây là tài liệu Chiến Tranh Chính Trị thứ nhì trong lịch sử nước ta (sau bài thơ Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư của tướng Lý Thường Kiệt vào thế kỷ 11)

Không có tài liệu nào cho biết sách BINH THƯ YẾU LƯỢC được viết vào năm nào và người viết chưa được đọc bản dịch của quyển sách này, tuy nhiên người viết phỏng đoán rằng nội dung quyển sách này dạy cho các tướng lãnh của nhả Trần “điều binh” các đại đơn vị quân đội (có lẽ cấp sư đoàn trở lên). Sự phỏng đoán của người viết dựa trên 2 cơ sở :

Cơ sở 1 : kể cả sử ký của ta và của Tàu, không có tường thuật nào diễn tả các vị tướng của ta giao chiến với tướng Mông Cổ dưới hình thái như các cuộc giao tranh trong Tam Quốc Chí hay Hán Sở Tranh Hùng.

Cơ sở 2 : quân Mông Cổ bị đại bại do “loạn tên” chứng tỏ  rằng tên được bắn từ nhiều phía và quân nhà Trần tham dự chiến trận rất đông.

Sách BINH THƯ YẾU LƯỢC do HƯNG ĐAO VƯƠNG TRẦN QUỐC TUẤN biên soạn có thể coi như tài liệu “Quân Huấn” đầu tiên của nước ta. Minh Thái Tổ và Minh Thành Tổ khi xâm lăng nước ta đã ra lệnh cho Trương Phụ tịch thu sách vở của nước trong đó có quyển BINH THƯ YẾU LƯỢC. (Nhiều dịch giả Việt Nam dịch quyển sách này ra chữ Quốc Ngữ có lẽ căn cứ vào bản gốc của Trường Viễn Đông Bác Cổ của Pháp). Dĩ nhiên các nhà sử học của Trung Hoa cũng như các nhà nghiên cứu quân sự trên thế giới đều cố gắng tìm hiểu nguyên nhân nào đã khiến nước Việt Nam nhỏ bé của chúng ta đã chiến thắng được quân đội của Mông Cổ mà các đại cường như Trung Hoa, Nga…đã phải “bó tay” chịu thua và đầu hàng.

Người viết hy vọng rằng bài viết này là một phẩm vật kính dâng lên công đức các tiền nhân của chúng ta nhân ngày giỗ húy nhật của Đức HƯNG ĐẠO VƯƠNG TRẦN QUỐC TUẤN vào ngày 20 tháng 8 âm lịch hàng năm.

Trần Trung Chính
Viết xong tại San José ngày 01 tháng 10 năm 2018