Sunday, 7 October 2018

Lịch sử chợ Đông Ba

Trước khi có chợ Ðông Ba, bên ngoài cửa Chánh Ðông (tức cửa Ðông Ba theo cách gọi dân gian) dưới thời Gia Long có một cái chợ lớn mang tên "Qui giả thị". Tên cái chợ này đánh dấu sự kiện trở lại Phú Xuân của quan quân nhà Nguyễn. Thời Quang Toản loạn lạc, nhân dân chạy tứ tán, đến đầu triều Nguyễn thái bình, nhân dân trở lại từ khắp nơi. Qui Giả là ngôi chợ của những người trở về. 

Chợ Đông Ba
Chợ Đông Ba xưa
Gần một thế kỷ sau, mùa hè năm 1885, Kinh đô thất thủ, chợ Qui Giả bị giặc Pháp đốt sạch. Ðến năm 1887 vua Ðồng Khánh cho xây lại chợ có tên là Đông Hoa do ở gần cửa Chánh Đông của Kinh thành Huế.

Mặt tiền chợ Đông Ba, khoảng 1940-1950. Ảnh tư liệu 

Kiêng huý tên bà Hồ Thị Hoa, mẹ vua Thiệu Trị nên Đông Hoa đổi tên thành một âm có cùng chữ viết là Đông Ba (cửa Đông Ba, sông Đông Ba, cầu Đông Ba).

Khi chợ chuyển ra từ năm 1899 thì đó cũng là thời điểm hoàn thành xây dựng cầu Trường Tiền, ra đời dãy phố buôn bán trên trục đường Trần Hưng Đạo ngày nay theo một đạo dụ của vua Thành Thái.

Bên trong chợ Đông Ba, khoảng năm 1925-1930. Chợ được vua Đồng khánh cho xây dựng năm 1887 trên nền một khu chợ cũ đã bị phá hủy trong chiến tranh. Ảnh tư liệu 

Chợ Ðông Ba thời Thành Thái gồm có 4 dãy quán: trước, sau, phải, trái. Mặt trước một dãy 8 gian, mặt sau một dãy 12 gian, dãy phía tay phải 13 gian... đều lợp ngói. Giữa chợ có một toà lầu vuông, ba tầng. Tầng dưới có 4 bức tường, mỗi tường có 2 cửa. Tầng trên 4 mặt đều có cửa, đều có mặt đồng hồ để điểm giờ khắc. Trong chợ xây một giếng đá, có hệ thống máy giúp cho việc múc nước. Khi lấy nước dùng tay quay máy, tự nhiên nước trong giếng tràn lên, phun ra.

Năm 1899, chợ Đông Ba được chuyển từ nơi bây giờ được gọi là Ngả Giữa ra vùng đất ven bờ sông Hương, thường được gọi là Giại. Nơi đó trước đây có các dãy trại và địa danh Giại là do một sự đồng hóa ngữ âm mà ra.

Bộ Hộ và bộ Công làm nhiệm vụ phân lô, ai muốn xây thì nhận một lô để xây nhà hướng về chợ Đông Ba. Dãy phố hình thành nối vuông góc với dãy phố bên ngoài cửa Đông Ba có từ thời Đồng Khánh để trở thành là phố của Huế sau này. 

Chợ Đông Ba ngày nay 

Chợ Đông Ba là trung tâm thương mại lớn nhất của tỉnh Thừa Thiên - Huế và khu vực

Chợ nằm dọc theo bờ bắc sông Hương, bên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Huế, cách cầu Trường Tiền khoảng 100m về phía bắc.

Bên ngoài chợ Đông Ba, khoảng năm 1962-1963. Ảnh:Ned Scheer 

Ðầu thế kỷ 20, chợ Ðông Ba được tu sửa nhiều lần nhưng vẫn giữ cốt cách cũ. Ðến năm 1967, chính quyền VNCH cho triệt hạ chợ cũ và xây lại chợ mới. Công trình đang dang dở thì bị tàn phá bởi trận chiến năm Mậu Thân 1968. Sau đó chính quyền   cho sửa chữa tạm để buôn bán. Ðến năm 1987, chợ Ðông Ba được đại trùng tu theo hướng thông hoáng và mềm mại hơn với bản thiết kế của kiến trúc sư Lê Văn Rọt. Ngoài lầu chuông ở trung tâm, chợ Ðông Ba mới có 9 dãy nhà bao quanh cùng 4 khu hàng mới, như chợ cá, khu hàng tự sản, tự tiêu, khu hàng dịch vụ... với tổng diện tích mặt bằng xây dựng 15.597m². Ngoài ra ban quản lý chợ còn quản lý khu Hoa Viên Chương Dương, các bến bãi đỗ xe ôtô, xe lam, nơi giữ xe đạp, xe máy... nâng tổng diện tích mặt bằng thuộc chợ lên trên 47.614m² với 2.543 hộ kinh doanh cố định, 141 lô bạ, 500 - 700 hộ buôn bán rong. Bình quân mỗi ngày có từ 5.000 đến 7.000 khách đến chợ. Vào những dịp lễ tết, chợ đông hơn, có trên 1,2 vạn người.

 
Chợ Ðông Ba - 1987

Khu chợ tinh hoa của xứ Huế 

Ngày nay chợ Ðông Ba giữ một vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Ngoài nhiệm vụ cung cấp thực phẩm và hàng tiêu dùng cho thành phố, chợ Ðông Ba còn là nơi tạo việc làm cho hàng ngàn người . Chợ Đông Ba  thật sự xứng đáng với tên gọi “Khu chợ tinh hoa của xứ Huế”.

Những tinh tuý văn hoá vật chất của Thừa Thiên - Huế còn giữ được cho đến nay đều có thể tìm thấy ở chợ Ðông Ba như: nón lá Phú Cam, mè xửng Song Hỷ, dâu Truồi, chè Tuần, đến những sản vật, cây trái đặc sản như quít Hương Cần, măng cụt Kim Long thanh trà Lại Bằng, sen khô hồ Tịnh, hàng mã hoa giấy làng Sình… hay những sản phẩm thủ công như đồ kim hoàn Kế Môn, đồ đồng Phường Đúc, đồ rèn Hiền Lương  …


Những món ăn truyền thống Huế như bún bò giò heo, cơm hến, bánh ượt thịt nướng, bánh khoái, bánh lá chả tôm, bánh nậm, bánh ướt, bánh bột lọc, chè đậu ván đặc, chè thập cẩm, chè thịt quay...  bán ở chợ Đông Ba là ngon nhất. Bún bò giò heo phải ăn ở chợ Đông Ba mới đúng điệu.

 

Nói đến chợ Đông Ba mà chỉ nói đến thực phẩm, ăn uống, quà bánh không thôi thì chưa đủ. Chợ Đông Ba là nơi qui tụ tất cả những mặt hàng tiểu thủ công nghiệp truyền thống Huế. Những mặt hàng thân thiết nhất đối với người lao động là đồ ngũ kim, nhất là đồ kim khí do dân làng rèn Hiền Lương sản xuất. Hiện nay có 42 hàng bán đồ rèn mà có đến 35 người xuất thân từ làng rèn Hiền Lương. Nước thép của hàng rèn Hiền Lương rất tuyệt vời. Bên cạnh hàng rèn là hàng đúc sản xuất từ Phường Đúc nổi tiếng từ hồi mới thành lập dinh phủ ở Phú Xuân cách đây ba bốn thế kỷ. Hàng đúc thông dụng nhất gồm có chuông, lư đồng, tượng Phật... Chuông đồng ở Huế đúc tiếng rất ấm và vang rất xa. Bên cạnh những mặt hàng truyền thống, do yêu cầu của khách hàng chợ Đông Ba, Phường Đúc đã dùng nguyên liệu nhôm cũ đúc soong, nồi, chảo, cối cũng rất được tín nhiệm. Hàng đúc của chợ Đông Ba được đóng đem đi bán nhiều tỉnh ở miền Trung

Hàng rèn Hiền Lương 

Hàng gia dụng đất nung nầy sản xuất ở làng Phước Tích bên bờ sông Ô Lâu. Đây là một ngôi làng cổ. Ngày xưa hàng tháng Phước Tích cho đò chở om đất, trách, siêu sắc thuốc vào nhập cho kho nhà vua. Bếp ngự thiện nhận xong thả tất cả các đồ đất mới ấy vào một cái chảo to đựng nước chè xanh đặc quánh đang sôi. Đồ đất được ninh cho đến lúc chất ta nanh của nước chè tráng một lớp men xanh xám ngoài da đồ đất rồi mới tắt lửa. Tất cả đồ đất đã "tráng men" nước chè được vớt ra và trữ vào kho. Mỗi ngày lấy ra mấy cái để nấu cơm và thức ăn cho vua dùng. 

Hàng gia dụng đất nung nầy sản xuất ở làng Phước Tích 

Chợ Đông Ba là nơi che chở cho sự cố thủ của đặc sản truyền thống của vùng văn hóa Huế. Sự tồn tại của các đặc sản truyền thống đó đóng một vai trò quan trọng trong quá trình gìn giữ bản sắc dân tộc của di sản văn hóa Huế. Và ngược lại di sản văn hóa Huế được thế giới công nhận cũng giúp cho di sản vật chất vùng văn hóa Huế qui tụ tại chợ Đông Ba có hoàn cảnh tốt để duy trì và phát triển, việc gìn giữ và phát triển di sản vật chất còn giữ được ở các quầy hàng truyền thống ở chợ Đông Ba, ở những người bán hàng đã giữ cho sự ổn định của chợ Đông Ba suốt hơn nửa thế kỷ qua. 

Sẽ rất thiếu sót, nếu đi tìm nội lực của dân tộc, đi tìm bản sắc của dân tộc mà quên vai trò văn hóa truyền thống của chợ Đông Ba. 

 

Chợ Đông Ba trong Văn Hoá 

Có lẽ không có ngôi chợ nào trên đất nước này mà lại đi vào những ca khúc trữ tình nổi tiếng một thời như chợ Đông Ba của Huế. Những biến thiên lịch sử, số phận cuộc đời, duyên phận nổi trôi của ngôi chợ bên dòng Hương Giang chìm nổi đã tạo thêm những nỗi niềm cho Huế.

Trong Tiếng sông Hương của Phạm Đình Chương ta như nghe được nỗi niềm đó : 

“Phiên Đông Ba buồn qua cửa chợ.
 Bến Văn Lâu thuyền vó đơm sầu”. 

Hay nỗi sầu của lòng người giữa một buổi chiều “Mưa trên phố Huế” trong thơ Tôn Nữ Hỷ Khương được Minh Kỳ phổ nhạc “ 

Chợ Đông Ba khi mình qua.
Lá me bay bay là đà.
Chiều thiết tha có anh bên mình mà ngỡ hôm qua.
Hò ơi! Ơi hò! Chiều mưa. Phố buồn…”. 

Chợ Đông Ba là hồn của phố Huế. Người Huế ở vùng nông thôn xa khi lên thành phố thường gọi là đi Dinh, lên Dinh, vùng nông thôn gần hơn gọi là đi Huế, vùng ngoại ô gọi là đi phố và ngay ở trong thành phố cũng gọi là qua phố, lên phố, xuống phố.

Mà ở Huế nơi được gọi là phố chỉ có chợ Đông Ba, đường Trần Hưng Đạo, đường Phan Bội Châu (bây giờ là Phan Đăng Lưu). Đường Huỳnh Thúc Kháng tấp nập, đường Chi Lăng nhộn nhịp cũng không được gọi là phố.

Trục đường Hùng Vương, Lê Lợi phát triển sầm uất sau này không gọi là phố. Ngay cả đường Trần Hưng Đạo, chỉ có đoạn từ ngoài cửa Thượng Tứ trở xuống mới gọi là phố. Phố của Huế gắn với quá trình dịch chuyển của ngôi chợ trung tâm là chợ Đông Ba và hai dãy phố ra đời từ cuối thế kỷ XIX. 

Như máu chảy về tim, trong một thời gian dài, chợ Đông Ba là trung tâm của thành phố Huế, mọi con đường, mọi chuyến xe đều đổ về nơi ấy từ những chiếc xe Lam ba bánh giản dị tuyến gần ven phố, những chiếc xe đò xanh đỏ vàng lục lam lũ đi các huyện, những chiếc tắc-xông sang trọng vượt đèo Hải Vân vào Đà Nẵng. 

Trên bến dưới thuyền. Thuyền về Đại Lược, Thuận An, Tư Hiền, thuyền ngược bến Tuần, Tân Ba, Dương Hòa và cả đò chèo tay đưa khách qua về Đập Đá – Đông Ba. 

Đò từ Đông Ba Đò qua Đập Đá
Đò từ Vĩ Dạ Thẳng Ngã Ba Sình
Lờ đờ bóng ngả trăng chênh
Tiếng hò xa vọng thắm tình nước non 
(Hò mái nhì) 

Mỗi người có những kỷ niệm riêng về ngôi chợ như trái tim Huế không bao giờ ngưng nhịp đập ngay trong những lúc phong ba, giặc giã, cũng như những kỷ niệm trên các tuyến đường xuôi về phố chợ. 

Chợ Đông Ba là pho từ điển tiếng Huế sống động, phong phú. Vào chợ nghe đủ giọng Huế, kiểu Huế, từ giọng Huế gốc của các o tôn nữ đến giọng Huế-Phò Trạch, Huế-Tứ Hạ, Huế-Truồi. Hay nhất, tôi vẫn thích mấy o, mấy chị ở Kim Long, Vĩ Dạ, Thành Nội nói chất giọng Huế mượt mà, như hút hết vị Huế vào cả trong ấy

Tiếng Huế của các mệ, các o đặc sệt cái giọng Huế gốc gác, ý tứ mà nhẹ nhàng. Mua giúp chị cái ni hí; con ơi, mì-xưa cho mệ đi con; áo ni đẹp, em mặc vô, phoọt hết chê… Nhất là các chị trẻ trẻ, nói đã hay mà cười lại duyên, cười đẹp thì bao nhiêu khách cứ nhắm đấy mà vào hàng.


Nói chợ Đông Ba là bộ sưu tập các người đẹp xứ Huế thì cũng không sai. Nghe chuyện xưa mấy bác kể chuyện chợ Đông Ba có o bán gạo đẹp như tiên. Học trò đi học thi thoảng tò mò chạy sang hàng gạo mà “dòm” cho bằng được cái khuôn mặt hoa khôi, làn da sáng hơn cả gạo ấy. Còn nhiều, nhiều hoa khôi hàng chợ lắm, kể tên không hết được. Vậy thì, chị em tiểu thương cũng là “một đặc sản” của chợ Đông Ba, của xứ Huế vậy. 

Lời kết 

Thời buổi bây giờ, dù siêu thị, trung tâm thương mại, các chợ được xâydựng khắp nơi nhưng Đông Ba vẫn có vị trí riêng trong lòng người Huế.

Những ngày Tết đến hay những dịp cúng giỗ trong gia đình, người phụ nữ Huế nào cũng muốn đi chợ Đông Ba, vừa để mua hàng cho có vẻ trang trọng hơn, vừa để coi ngó có gì khác lạ nơi ngôi chợ tần tảo chở đầy ký ức đời người. Du khách gần xa cũng vậy, sau những buổi thăm hoàng cung, lăng tẩm u hoài, mọi người đều muốn đến chợ Đông Ba nhộn nhịp để xem ngôi chợ thường được cả nước nhắc đến với tình cảm yêu thương, trân trọng, để được nghe tiếng Huế giữa đời thường, để có món quà lưu niệm một ngày đến với cố đô xưa.