Sunday 7 October 2018

Tin Đáng Chú Ý

Căng thẳng quân sự Mỹ-Trung gia tăng

Thanh Phương
media
Khu trục hạm USS Decatur đang hoạt động tại Biển Đông (Ảnh chụp ngày 28/06/2016)(www.public.navy.mil)

Giữa lúc chiến tranh thương mại ngày càng ác liệt, căng thẳng quân sự Mỹ- Trung cũng đang gia tăng một cách nguy hiểm, thể hiện qua sự cố vừa xảy ra gần đây giữa chiến hạm của hai nước ở vùng Biển Đông.
Trong một thao tác mà hải quân Hoa Kỳ xem là “không an toàn và thiếu chuyên nghiệp”, một chiến hạm của Trung Quốc ngày Chủ nhật 30/09 vừa qua đã tiến sát khu trục hạm Mỹ USS Decatur ở khoảng cách chưa tới 41 mét, khi chiến hạm này đi gần các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng ở Biển Đông. Hành động nguy hiểm của chiến hạm Trung Quốc khiến chiếc USS Decatour phải chuyển hướng để tránh va chạm.
Trả lời hãng tin AFP, nhà phân tích Timothy Heath, thuộc Viện tư vấn quốc phòng RAND Corporation của Mỹ, cho biết chưa bao giờ một chiến hạm Trung Quốc áp sát một chiến hạm Hoa Kỳ gần như thế. Theo nhà phân tích này, sự cố nói trên có thể phản ánh căng thẳng gia tăng giữa Washington với Bắc Kinh, nhưng cũng có thể là do Trung Quốc muốn “nắn gân” Mỹ ở Biển Đông.
Sau sự cố ở vùng biển này, Bắc Kinh đã phản ứng rất giận dữ, khẳng định rằng các chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải của Mỹ đang đe dọa đến chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, đồng thời gây tổn hại quan hệ quân sự giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.
Vào năm 2014, quân đội Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đạt thỏa thuận về một bộ quy tắc ứng xử để tránh các vụ va chạm trên biển giữa hải quân hai nước. Theo hãng tin AFP, hiện chưa rõ là hành động của chiến hạm Trung Quốc hôm Chủ nhật vừa qua là theo lệnh của Bắc Kinh hay chỉ là quyết định của thuyền trưởng, nhưng rõ ràng là có những chủ đích chính trị đằng sau sự cố này.
Theo nhân định của nhà phân tích Timothy Heath, RAND Corporation, với căng thẳng đang gia tăng, Trung Quốc “có vẻ như muốn hù dọa Mỹ bằng một hành động liều lĩnh có thể gây ra va chạm giữa chiến hạm hai nước”. Ở đây có nguy cơ thật sự là tính toán sai lầm sẽ dẫn đến đụng độ.
Thật ra thì trong quá khứ, quan hệ quân sự Mỹ - Trung cũng đã từng trải qua giai đoạn căng thẳng. Vào năm 2001, trên vùng biển ngoài khơi miền nam Trung Quốc, một máy bay do thám của Hoa Kỳ, chiếc US EP-3 đã đụng một chiến đấu cơ Trung Quốc. Phi công của chiến đấu cơ Trung Quốc đã thiệt mạng, còn phi cơ của Mỹ đã phải đáp khẩn cấp xuống đảo Hải Nam và phi hành đoàn thì bị phía Trung Quốc bắt giữ, đến 11 ngày sau mới được thả ra. Sau vụ này, mọi trao đổi quân sự giữa hai nước, kể cả các chuyến ghé thăm cảng, đều đã bị đình chỉ.
Kịch bản này đang tái diễn với việc Trung Quốc không cấp phép cho một chiến hạm Mỹ ghé thăm cảng Hồng Kông, hủy cuộc họp giữa tư lệnh hải quân hai nước, cũng như cuộc gặp giữa bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Jim Mattis và đồng nhiệm Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe).
Theo dự báo của chuyên gia Bonnie Glaser, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), Mỹ, căng thẳng quân sự hiện nay rất có thể sẽ kéo dài, vì nó theo đúng mục tiêu chính trị của tổng thống Donald Trump, tức là gây áp lực càng mạnh càng tốt lên Trung Quốc. Bà Glaser ghi nhận rằng, hành động của chiến hạm Trung Quốc hôm Chủ nhật vừa qua đã vi phạm những quy định hiện hành và qua sự cố này, Bắc Kinh đã dấn thêm một bước trong việc can thiệp vào các chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải của Hoa Kỳ ở Biển Đông.

Biển Đông : Đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ngày càng bị thách thức

Trọng Nghĩa
media
Tầu chiến Nhật Bản trong một đợt tham gia tập trận với hải quân Anh ở Ấn Độ Dương, ngày 26/09/2018.REUTERS/Kim Kyung-Hoon

Kể từ hôm nay, 02/10/2018, cuộc tập trận thường niên của 5 nước trong khối Ngũ Cường bao gồm Anh, Úc, New Zealand, Malaysia và Singapore bắt đầu diễn ra tại vùng Biển Đông. Nhân sự kiện này, các nước ngoài khu vực đã đưa chiến hạm vào khu vực, một sự kiện được nhiều nhà phân tích cho là sẽ tạo áp lực trên Trung Quốc, nước đã đòi hỏi chủ quyền trên hầu như toàn bộ vùng Biển Đông, và muốn các nước khác phải xin phép khi đi vào trong khu vực.
Cuộc diễn tập quân sự của nhóm 5 nước trong khối Hiệp Ước Phòng Thủ Ngũ Cường (Five Power Defence Arrangements FPDA) sẽ kéo dài cho đến ngày 19/10, và theo hãng tin Úc AAP, sẽ diễn ra tại Biển Đông.
Điểm mà giới quan sát chú ý là các nước như Úc, New Zealand, và cả Anh Quốc đã loan báo gởi tàu và máy bay đến tham gia diễn tập. Úc chẳng hạn, cho biết sẽ phái hai tàu Hải Quân, 9 chiến đấu cơ F/A-18 Hornet, cùng 4 máy bay quân sự khác đến tham gia. New Zealand cũng góp mặt với khu trục hạm Te Mana, trong lúc chiến hạm Anh Argyll, trên đường đến cuộc tập huấn, đã cùng luyện tập với chiến hạm Nhật Bản ngoài Ấn Độ Dương.
Dĩ nhiên là nội dung thao diễn của các quốc gia trong khối Ngũ Cường không liên can gì tới tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc với 4 nước ASEAN quanh Biển Đông, nhưng mật độ cao của chiến hạm ngoài khu vực trong vùng được cho là sẽ làm Trung Quốc bất an, trong bối cảnh Bắc Kinh tự nhận mình là chủ nhân của hầu hết Biển Đông, và luôn luôn dọa nạt nước khác mỗi khi lên án tàu thuyền nước họ đi vào vùng mà Trung Quốc cho là lãnh hải của mình.
Theo ghi nhận của nhật báo Hồng Kông South China Morning Post trong số ra ngày 01/10, bối cảnh hiện nay không mấy thuận lợi cho Trung Quốc và “Bắc Kinh đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng nhiều đối với các yêu sách chủ quyền của họ trên Biển Đông”, vì các cường quốc lớn ngoài vùng đang càng lúc càng tăng cường sự hiện diện trong khu vực.
Đi đầu vẫn là Mỹ, đã tăng cường các chiến dịch không quân và hải quân để thách thức các “yêu sách quá đáng” của Trung Quốc. Ví dụ rõ nhất là chuyến tuần tra hôm Chủ Nhật 30/09 của khu trục hạm USS Decatur vào bên trong vùng 12 hải lý của đá Ga Ven và Gạc Ma.
Bên cạnh đó, trong khu vực thì Úc, và nhất là Nhật Bản, đều tỏ thái độ ủng hộ việc thực thi quyền tự do hàng hải tại Biển Đông. Ngoài khu vực, phải kể đến các động thái của Pháp và mới đây là của Anh.
Theo SCMP, nhiều chuyên gia phân tích nghĩ rằng trong bối cảnh Hoa Kỳ cứng rắn hơn với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, các đồng minh, đối tác của Mỹ khó có thể đứng ngoài.
Chuyên gia an ninh hàng hải Collin Koh thuộc Đại Học Kỹ Thuật Nanyang tại Singapore nhận định : “Sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông không phải là điều đáng chú ý duy nhất nữa. Ta có thể thấy rằng các cường quốc khác cũng tăng cường sự hiện diện quân sự của mình tại đây”.
Chuyên gia Trung Quốc Ngô Sĩ Tồn, viện trưởng Viện Nghiên Cứu Nam Hải (tức Biển Đông) của Trung Quốc cho rằng chính thái độ quyết đoán hẳn lên của Trung Quốc trong việc khẳng định chủ quyền, được các đảo nhân tạo mới bồi đắp ở Biển Đông hỗ trợ, đã khiến Mỹ cứng rắn hơn : “Điều đó đã gây áp lực lên Mỹ, và Washington đã kêu gọi các đồng minh như Nhật Bản và Anh, thậm chí là cả Úc, cùng tham gia vào việc đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông”.

Tân Cương: Mỹ hạn chế xuất công nghệ Bắc Kinh có thể dùng để đàn áp

Thu Hằng
media
Cảnh sát bán quân sự Trung Quốc đến vùng tự trị Tân Cương. Ảnh chụp ngày 27/02/2017.REUTERS/Stringer

Chính quyền tổng thống Trump đang xem xét hạn chế xuất khẩu các công nghệ Mỹ, có thể được Bắc Kinh sử dụng để giám sát và giam giữ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Đây là nội dung chính của bức thư bộ trưởng Thương Mại Mỹ gửi đến Ủy ban Điều hành của Quốc Hội Mỹ về Trung Quốc, mà Reuters có được ngày 02/10/2018.
Bộ Thương Mại Mỹ đang tham khảo với bộ Ngoại Giao và một số cơ quan khác và có thể thông báo chính sách xuất khẩu mới trong vài tuần tới. Vẫn theo bức thư, nhiều cá nhân, doanh nhân Trung Quốc có thể bị liệt vào danh sách các thực thể cần giấy phép đặc biệt. Ngoài ra, bộ Thương Mại Mỹ cũng đang xem xét lại thủ tục cấp giấy phép và cập nhật các loại công nghệ bị kiểm soát, nhằm mục tiêu bảo vệ nhân quyền.
Nếu các biện pháp trừng phạt được thông qua, đây sẽ là một hành động hiếm hoi về mặt nhân quyền của chính quyền Trump nhắm vào Trung Quốc.
Đây là thư hồi âm của bộ trưởng Thương Mại Mỹ Wilbur Ross gửi đến Ủy ban Điều hành của Quốc Hội Mỹ về Trung Quốc sau khi thượng nghị sĩ Marco Rubio và dân biểu Chris Smith, vào tháng 09/2018, đã đề nghị mở rộng trừng phạt Trung Quốc, sau những cáo buộc có hàng loạt « trại cải tạo » lớn ở Tân Cương, giam giữ rất nhiều người Hồi Giáo, bao gồm dân Duy Ngô Nhĩ cũng như nhiều sắc tộc khác.
Washington cáo buộc Bắc Kinh làm suy yếu an ninh Mỹ
Một nghiên cứu của bộ Quốc Phòng Mỹ, do tổng thống Trump đặt làm, đã cáo buộc Trung Quốc chủ trương tăng cường thế độc quyền trong một số nguồn nhiên liệu quan trọng, nhằm phá hoại ngành công nghiệp quốc phòng Hoa Kỳ.
Theo nghiên cứu này, Trung Quốc bán tràn lan trên thị trường thế giới, với giá rất rẻ, nhiều nguyên liệu cần thiết cho việc sản xuất nhiên liệu, được sử dụng trong các loại tên lửa, pháo hay động cơ máy bay Mỹ (ví dụ như chất ammonium perchlorate).
Phát biểu với Foreign Policy, một quan chức Mỹ nhận định Trung Quốc áp dụng chiến lược bán phá giá như trên nhằm buộc các nhà cung cấp Mỹ ngừng hoạt động. Thông tin được trang Foreign Policy đăng ngày 02/10/2018, dựa trên hai nguồn tin ẩn danh.

Ngoại trưởng Mỹ đến Bình Nhưỡng gặp Kim Jong Un

Trọng Nghĩa
media
Ngoại trưởng Mike Pompeo (P) cùng ông Kim Yong Chol, lãnh đạo Ủy Ban Thống Nhất của Bắc Triều Tiên, Bình Nhưỡng, 6/7/2018.Reuters

Bộ Ngoại Giao Mỹ ngày hôm qua, 02/10/2018 chính thức loan báo : Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ trở lại Bình Nhưỡng vào Chủ Nhật 07/10 tới đây để khởi động lại các cuộc đàm phán về giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Lần này, ông sẽ có cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Kim Jong Un, vốn đã không tiếp ngoại trưởng Mỹ trong chuyến thăm gần đây.
Theo bà Heather Nauert, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ, ông Pompeo ghé Bình Nhưỡng lần này trong khuôn khổ một vòng công du ngắn trong khu vực. Trước khi đến Bắc Triều Tiên, ngoại trưởng Mỹ sẽ ghé Tokyo vào ngày thứ Bẩy 06/10 để gặp thủ tướng Shinzo Abe, và sau khi rời Bình Nhưỡng, ông sẽ đến Seoul hội đàm với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In.
Chặng cuối vòng công du vào hôm thứ Hai, 09/10 được cho là tế nhị hơn cả, vì ngoại trưởng Mỹ sẽ ghé Bắc Kinh để thảo luận về « các vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu » với các « đồng nhiệm » Trung Quốc vào lúc hai bên đang đối đầu nhau trong một cuộc chiến thương mại và một cuộc khủng hoảng ngoại giao đang manh nha.
Dẫu sao thì chủ đề trung tâm của vòng công du Đông Bắc Á lần này của ông Pompeo vẫn là Bắc Triều Tiên và việc nối lại các cuộc đối thoại về phi hạt nhân hóa đang có dấu hiệu không được suôn sẻ lắm.
Mike Pompeo còn có nhiệm vụ chuẩn bị một hội nghị thượng đỉnh thứ hai giữa Donald Trump và Kim Jong Un trong tương lai gần, sau một cuộc gặp lịch sử vào tháng Sáu vừa qua tại Singapore. Chính điểm này đã cho phép Washington tin tưởng rằng ông Pompeo sẽ được nghênh tiếp tại Bình Nhưỡng.
Bắc Triều Tiên cũng gặp hiện tượng ly khai chống chế độ
Trong khi chờ đợi, chế độ Kim Jong Un đang rất bực tức trước một hành vi « phá hoại » ở một thành phố nhỏ.
Theo báo mạng Daily NK (của người Bắc Triều Tiên đào thoát xuống miền Nam), hôm 01/10, thì vào đầu tháng 9 vừa qua, tại huyện Kimhyongjik, tỉnh Ryanggang ở Bắc Triều Tiên, ánh sáng chiếu lên hai bức chân dung khổng lồ của hai lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Il Sung, đột nhiên bị cắt trong khoảng 5 tiếng đồng hồ buổi tối ngày 02/09.
Các cấp bộ Đảng tại địa phương nhỏ đó đã hoảng hốt họp khẩn cấp, tăng cường tối đa an ninh và lập tức cho điều tra tìm nguyên nhân của sự cố đồng nghĩa với tội « phạm thượng » ở Bắc Triều Tiên.
Kết quả điều tra là đường dây điện đã bị kẻ lạ dùng kìm cắt đứt, nhưng không biết ai là thủ phạm. Giới lãnh đạo địa phương đã quyết định giấu cấp trên về sự cố, đồng thời bắt toàn bộ các nhân viên an ninh, trong đó có những người phụ trách bảo vệ các bức ảnh, học tập chính trị, và huy động mọi tổ chức, đoàn thể trong huyện là phải thay phiên nhau tuần tra để bảo vệ khu vực có ảnh.

Việt Nam : Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ kiêm chủ tịch nước

Thanh Phương
media
Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Ảnh chụp ngày 28/01/2016, sau khi ông Trọng tái đắc cử tại Đại hội 12.REUTERS/Luong Thai Linh/Pool

Thách thức nào với xe chạy điện hiện nay?


Trọng Thành

Theo tin từ báo chí trong nước, chiều nay, 03/10/2018, Văn phòng Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam vừa thông báo là Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương với tỷ lệ phiếu thuận 100% đã quyết định « giới thiệu » tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng để Quốc Hội Việt Nam bầu vào chức chủ tịch nước.
Quốc Hội Việt Nam sẽ chính thức bầu chủ tịch nước mới thay thế ông Trần Đại Quang trong kỳ họp tới, sẽ khai mạc ngày 22/10. Sau khi ông Trần Đại Quang qua đời vào ngày 21/9, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh đã được phân công giữ quyền chủ tịch nước cho đến khi Quốc Hội bầu ra chủ tịch nước mới. Nhưng trong thời gian qua đã có nhiều lời đồn đoán về khả năng ông Nguyễn Phú Trọng sẽ kiêm nhiệm luôn chủ tịch nước, chức vụ lãnh đạo quan trọng hàng thứ hai ở Việt Nam.
Khác với Trung Quốc, cho tới nay chức tổng bí thư đảng và chức chủ tịch nước do hai người nắm giữ (trước đây ông Hồ Chí Minh đã từng kiêm nhiệm chức chủ tịch nước, nhưng lúc đó ông là chủ tịch đảng). Theo Nikkei Asian Review ngày 02/10, những người ủng hộ việc tổng bí thư kiêm nhiệm chủ tịch nước lập luận rằng làm như vậy sẽ tránh những rối rắm về ngoại giao và giúp cắt giảm chi phí của Nhà nước. Nhưng những người chống thì cho rằng một người mà kiêm nhiệm hai chức vụ này sẽ nắm quá nhiều quyền lực trong tay.
Kể từ khi tái đắc cử tổng bí thư đảng năm 2016, ông Nguyễn Phú Trọng đã không ngừng củng cố vị thế trong và ngoài nước. Trong chuyến viếng thăm Pháp năm nay, ông đã hội kiến tổng thống Emmanuel Macron, như là với tư cách một vị nguyên thủ quốc gia.


media
Ông Carlos Ghosn, tổng giám đốc hãng Renault-Nissan, giới thiệu xe Renault K-ZE chạy điện. Ảnh chụp ngày 1/10, trước khi Triển lãm khai mạc. le 1er octobre 2018.REUTERS/Benoit Tessier

Triển lãm Xe hơi Paris lần thứ 120 khai mạc hôm qua, 02/10/2018. Điểm đáng chú ý của Triển lãm lần này là có rất nhiều mô hình xe hơi chạy điện hay kết hợp điện xăng được giới thiệu. Cuộc đua từ bỏ xe chạy xăng, dầu, đến chuyển sang loại năng lượng được coi là ít tổn hại cho môi trường dường như đang có dấu hiệu tăng tốc. Tuy nhiên đây là một cuộc đua đầy bất trắc. Hai thách thức hàng đầu là khả năng dự báo tương lai và quyết tâm từ phía chính quyền.

Tại triển lãm lần này, công chúng ở Pháp sẽ có dịp chứng kiến một làn sóng chưa từng có các mô hình xe điện, trong bối cảnh áp lực chống ô nhiễm, khí thải gây hiệu ứng nhà kính, khiến các nhà sản xuất xe hơi truyền thống ngày càng mất khách.Hãng Renault đã mở màn tối thứ Hai với trương mục « Cuộc cách mạng điện ». PSA giới thiệu mô hình DS3 Crossback e-Tense 100% điện và concept-car Peugeot e-Legend, cũng toàn chạy điện. Mercedes tung ra mô hình xe chạy điện mới EQC, chiếc xe không dùng năng lượng xăng dầu đầu tiên của hãng ô tô Đức. Về phần mình, Citroen giới thiệu DS7 Crossback e-Tense rất được trông đợi. Nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc GAC Motor, lần đầu tiên xuất hiện tại Paris, cũng cho biết nóng lòng nhìn thấy các xe hơi Trung Quốc chạy trên đường phố châu Âu.

Tương lai khó dự báo

Sự lên ngôi của xe chạy điện là điều rõ ràng, thế nhưng vấn đề trước hết với các nhà sản xuất là rất khó dự đoán một cách chính xác về tương lai của xe chạy điện hay động cơ lưỡng hợp điện xăng trong những năm tới. Đối với ông Guillaume Crunelle (1), một phụ trách của hãng Deloitte, thì làn sóng xe điện sẽ là điều « không thể tránh khỏi ». Vị chuyên gia này cho biết, sẽ có gần một nửa số xe mới, được bán ra thị trường thế giới, vào năm 2030, sẽ là xe chạy điện, trong đó hai phần ba là 100% điện, còn một phần ba là điện- xăng hỗn hợp. Tốc độ phát triển mạnh mẽ này sẽ để lại một hệ quả lớn. Đó là giá thành sản xuất sẽ nhanh chóng hạ thấp, đến mức rẻ hơn so với xe hơi xăng dầu, chỉ trong vòng năm năm tới.
Tuy nhiên nhiều người khác, như ông Flavien Neuvy, giám đốc của Observatoire Cetelem de l'automobile, thì tỏ ra dè dặt hơn nhiều. Theo chuyên gia này, trong thời điểm hiện nay, thật khó mà dự đoán trước được chính xác sự biến đổi của thị trường trong vòng 5 hay 10 năm tới. Tương lai ngành xe hơi đầy bất trắc. Nếu căn cứ vào xu thế hiện nay, vị chuyên gia nói trên dự đoán xe chạy điện và động cơ hỗn hợp chỉ đạt 3% thị trường tại Pháp và châu Âu vào năm 2020.
Trả lời AFP, ông Didier Leroy, phó chủ tịch Toyota (ông Leroy là công dân châu Âu duy nhất có mặt trong ban điều hành tập đoàn xe hơi Nhật), tỏ ra tin tưởng trong vòng vài năm trước mắt, mô hình xe hỗn hiệp điện-xăng sẽ phát triển rất nhanh, và nhìn chung sẽ có nhiều tiến bộ về công nghệ, cho phép sử dụng xe chạy điện thuận lợi hơn, như trọng lượng ắc quy giảm, điện dự trữ dùng được lâu hơn, hay thời gian nạp điện giảm xuống. Chính vì vậy, xe chạy điện sẽ ngày càng hấp dẫn với người sử dụng ở đô thị.
Trong khi đó, theo ông Yves Bonnefont, lãnh đạo công ty DS automobile, thị trường xe hơi điện « tăng mạnh hay chững lại » phụ thuộc rất nhiều vào các biện pháp hỗ trợ của chính quyền. Mà đây chính là một ẩn số rất lớn.

Trung Quốc, kẻ dẫn đầu

Dù lưỡng lự thế nào trước tương lai của xe chạy điện, các nhà sản xuất xe hơi Pháp và châu Âu nói chung đang phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ phía Trung Quốc, nhưng mặt khác thị trường Trung Quốc cũng là một cơ hội lớn cho ngành xe điện.
Trước Triển lãm Xe hơi Paris khai mạc ít hôm, một nghiên cứu của France Stratégie, một cơ sở nghiên cứu về chiến lược trực thuộc thủ tướng Pháp (2), cho thấy tương lai của ngành xe hơi điện thế giới phụ thuộc rất nhiều vào sự trỗi dậy của thị trường xe hơi điện tại Trung Quốc.
Hiện tại Trung Quốc đang dẫn đầu về sản lượng xe điện thế giới, với gần 800.000 chiếc bán ra năm 2017. Lượng xe hơi điện của Trung Quốc chiếm đến 60% xe loại này bán ra trên thị trường thế giới, nhưng hiện tại vẫn chủ yếu chỉ là để phục vụ các khách hàng trong nước. Về mặt số lượng, Trung Quốc cũng có 7 nhà sản xuất hàng đầu thế giới về xe điện trong số 10 công ty hàng đầu thế giới, 7 nhà sản xuất này đều chỉ nổi tiếng với thị trường trong nước (hãng Renault của Pháp là công ty xe hơi lâu đời duy nhất có mặt trong tốp 10 này).
Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc có chính sách riết ráo để phát triển xe hơi điện, với hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất cho phép ra đời nhiều công ty mạnh, để chiếm lĩnh trước hết thị trường quốc gia, nhờ nhiều hậu thuẫn về tài chính. Hiện tại, Bắc Kinh đang chuyển qua giai đoạn hai, được coi là « bước ngoặt chiến lược hiện nay », với mục tiêu thúc đẩy các công ty trong nước vươn ra ra thị trường thế giới. Các nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc buộc phải cung cấp các loại xe chạy điện, với giá cả thấp hơn xe chạy xăng dầu. Nhà nước cũng rút dần trợ cấp, để chuyển vốn đầu tư sang cho các cơ sở hạ tầng phục vụ xe chạy điện, đặc biệt là các trạm nạp điện.
Kể từ năm tới, các nhà sản xuất xe hơi tại Trung Quốc sẽ buộc phải tuân thủ hai định mức. Thứ nhất là phải bảo đảm số xe điện bằng 10% so với xe chạy xăng. Tỉ lệ này sẽ được nâng dần, với 12% vào năm 2020. Định mức thứ hai là lượng khí thải CO2. Công ty vi phạm sẽ bị phạt tiền, hoặc ngừng sản xuất các loại xe gây ô nhiễm nhất. Hãng Volvo Thụy Điển, thuộc sở hữu của công ty Geely Trung Quốc, mới đưa ra tuyên bố sẽ ngừng sản xuất hoàn toàn xe chạy xăng, diesel, kể từ năm 2019.

Nghị Viện Châu Âu, nơi quyết định tốc độ cuộc đua

Chính sách chuyển mạnh sang xe hơi điện của Trung Quốc, vừa là một áp lực, nhưng cũng là cơ hội cho các nhà sản xuất châu Âu. Hiện tại, Bắc Kinh đang gỡ bỏ dần một số rào cản cho đầu tư nước ngoài. Tập đoàn Mỹ Tesla vừa ký một thỏa thuận sản xuất 500.000 xe hơi, gần Thượng Hải. Tập đoàn Đức Volkswagen chuẩn bị đầu tư 15 tỉ đô la, và hướng đến mục tiêu sản xuất 1,5 triệu xe điện tại Trung Quốc. Một số công ty Pháp, như PSA hay Valeo, đang nỗ lực cho ra các sản phẩm với giá tương đối thấp, để chinh phục giới trung lưu Trung Quốc.
Về phía châu Âu, theo nhiều nhà quan sát, triển vọng của ngành xe hơi điện có lẽ được quyết định nhiều hơn tại một nơi ít được chú ý của công luận. Tại Nghị Viện Châu Âu hôm nay, 03/10/2018, đúng vào lúc Triển lãm Xe hơi Paris vừa mở ra, các nghị sĩ châu Âu sẽ phải đưa ra các quy định mới về khí thải xe hơi. Châu Âu dự kiến sẽ đưa ra nhiều quy định mới khắt khe hơn, ví dụ như các hãng xe buộc phải sản xuất 20% xe không phải khí thải hoặc rất ít, ngay từ năm 2025. Có nghĩa là không để chậm chân so với Trung Quốc.

Ghi chú
  1. La Croix, 2/10/2018.
  2. Mạng Actu-environnement.com, ngày 01/10/2018.