Sunday 7 October 2018

VỤ KAVANAUGH TIẾP TỤC SÓNG GIÓ - Vũ Linh - Diễn Đàn Trái Chiều

Diễn Đàn Trái Chiều

Câu chuyện TP Kavanaugh chưa kết thúc. Hai bài bình luận hai tuần liền tưởng đã quá đủ. Nhưng rồi vẫn... chưa đủ. Xin thành thật cáo lỗi cùng quý độc giả nào cảm thấy quá nhàm chán, nhưng đây vẫn còn là câu chuyện thời sự nóng bỏng, đáng tiếc thay.
Tuy nhiên, kẻ này xin hứa đây là bài cuối, bất kể kết quả báo cáo của FBI viết gì hay Thượng Viện biểu quyết như thế nào. Cùng lắm thì sẽ chỉ có vài mẫu tin trong trang Tin Vắn thôi.
     Trong khi mọi bên chờ FBI điều tra bổ túc thêm sau khi đã điều tra ông Kavanaugh 6 lần, thì cuộc chiến vẫn tiếp tục, với bên bênh bên chống bắn nhau loạn đả không ngừng nghỉ.
Dưới đây là vài tin mới nhất, không theo thứ tự đặc biệt nào. Chỉ muốn giúp quý độc giả có thêm dữ kiện bàn ra tán vào.
Trong mấy ngày qua, thiên hạ đã nhìn thấy phe cấp tiến tung ra chiến lược mới chống TP Kavanaugh, da trên 4 mũi tấn công mới:
-       Tố ông Kavanaugh phe đảng;
-       Chê ông Kavanaugh thiếu bình tĩnh;
-       Chỉa mũi dùi vào tội mới của ông Kanavaugh, nghiện rượu;
-       Đặt vấn đề FBI điều tra hời hợt.
Câu chuyện tấn công tình dục bà Ford dường như lọt đài, chìm vào lãng quên phần nào vì quá lỏng lẻo.
TTDC loan tin TT Trump giới hạn cuộc điều tra tối đa, chỉ cho FB được thẩm vấn hai người là bà Ford và bà Ramirez, ngay sau đó bị TT Trump vạch tội loan tin fake news. Ông cho biết FBI có quyền điều tra và thẩm vấn bất cứ ai tùy nhu cầu, kể cả bà Swetnick mà ai cũng biết chỉ là màn xiếc tự quảng cáo lếu láo của luật sư Avenatti của bà đào đóng phim sex. Tuy nhiên, không được kéo dài cuộc điều tra thành màn đi mò cua vô hạn định như công tố Mueller đang làm. Hạn chót nộp báo cáo: Thứ Sáu 5/10/2018. Báo cáo được FBI hoàn tất và đệ nạp TT Trump khuya Thứ Ba 2/10. FBI không phỏng vấn bà Ford và ông Kavanaugh.
Về cuộc điều tra của FBI, ngay từ đầu, bà Feinstein đã chuẩn bị chiến trường cho trận đánh tới, viết thư cho Tòa Bạch Ốc và FBI yêu cầu làm sáng tỏ tầm mức cuộc điều tra vì bà nghi ngờ cuộc điều tra không đầy đủ và chu đáo. Đây là mũi dùi mới của khối DC: dàn trận để bác bỏ kết quả điều tra của FBI ngay từ khi FBI chưa bắt đầu điều tra vì biết báo cáo sẽ không thuận lợi cho phe DC. Đòi điều tra cho bằng được, đến lúc được thì đổi giọng tố điều tra không đáng tin. Cái lộ liễu của DC phảng phất mùi khinh thường cả thiên hạ.
Thật ra, chẳng có gì để điều tra hết. Câu chuyện xẩy ra giữa 5 người, 1 người tố, 1 người bị tố đã bác bỏ toàn bộ câu chuyện, và 3 người được đưa ra làm nhân chứng thì đều cho biết không nhớ đã có buổi tiệc đó. Thế thì điều tra cái gì? Phe DC chỉ là muốn câu giờ trong khi phe CH chấp nhận điều tra như là cái dù che mưa, giúp cho vài nghị sĩ lừng chừng có thể biểu quyết thuận.
Bà Rachel Mitchell, công tố đặt câu hỏi với bà Ford trong cuộc điều trần đã cho biết theo nhận định của bà, bà Ford không đủ lý do vững chắc để thưa kiện ông Kavanaugh trước một tòa án bình thường, và không có một công tố nào có thể kết tội ông Kavanaugh dựa trên tố giác của bà Ford được.
TNS Lindsey Graham, người bênh vực TP Kavanaugh mạnh nhất trong cuộc điều trần vừa qua, lên tiếng kêu gọi FBI điều tra làm sao bức thư nặc danh của bà Ford gửi cho bà Feinstein lại bị lộ ra cho Washington Post, ai xì ra, bà Ford hay bà Feinstein? Đồng thời, FBI cũng phải truy xét vai trò của bà Feinstein trong toàn bộ câu chuyện.
Phe cấp tiến tìm ra được chiêu võ mới tấn công ông Kavanaugh: chê ông này mang tính phe đảng quá nặng cũng như đã có vẻ quá xúc động khi ra điều trần, chứng tỏ không đủ công tâm và không đủ bình tĩnh để làm thẩm phán TCPV.
Nói về tính phe đảng, TP Kavanaugh trong cuộc điều trần đã cố biện hộ cho mình và phơi bày ra những tấn công vô lý của các đối thủ chống ông như họ đã tố ông là ‘evil’, là hàng triệu người sẽ chết nếu ông vào TCPV, là ông đã tham gia vào các vụ hãm hiếp hội đồng,… Ông đả kích những người đã tung những luận điệu xuyên tạc đầy ác ý và vô lý đó. Tại vì những người tung những tố giác đó chính là vài nghị sĩ DC trong Ủy Ban Tư Pháp, nên TTDC tố ngay ông Kavanaugh đã có tính phe đảng, dám đả kích các nghị sĩ DC. Theo kiểu lý luận này, các nghị sĩ DC tha hồ vu cáo, nhục mạ ông Kavanaugh, nhưng nếu ông này dám than phiền mấy ông bà DC đó thì đã có nghĩa là ông Kavanaugh có tính phe đảng. Nôm na ra, một quan tòa công tâm không phe đảng theo định nghiã của TTDC phải là một quan tòa không đụng đến đảng DC.
Về sự xúc động của ông Kavanaugh, quý độc giả thử đặt mình vào chỗ ông Kavanaugh: bị vu cáo và đánh tàn nhẫn như vậy, quý vị có thể bình tĩnh như cái tủ lạnh được không? Trước khi ném đá vào người khác, có nên tự soi gương không?
Năm xưa, thống đốc DC Micheal Dukakis ra tranh cử tổng thống. Ông chủ trương chống án tử hình bất kể tội phạm nặng cỡ nào. Trong cuộc tranh luận trên TV với ông Bush cha, ông Dukakis bị hỏi “Nếu như bà vợ ông bị hãm hiếp và giết chết, ông có chấp nhận án tử hình chống hung thủ không?”. Ông Dukakis mặt tỉnh bơ, không đỏ mặt cũng chẳng ‘nghiến răng nghiến lợi’ gì, bình tĩnh nêu ra đủ thứ luật lệ rồi nhấn mạnh ông sẽ áp dụng luật. Ông Dukakis thất cử. Các chuyên gia khi đó cho rằng ông Dukakis đã chứng tỏ mình là một cái máy không có tình người, không thể làm tổng thống được vì tổng thống là người lúc nào đầu óc cũng phải tỉnh táo dĩ nhiên, nhưng cũng phải có tình người để hiểu lòng người, ý dân.
Xin nhắc lại, vài ngày trước khi ra điều trần, hai ông bà Kavanaugh lên đài TV Fox để phỏng vấn. Ông nói chuyện bình tĩnh, nghiêm chỉnh vì nói với phóng viên đài Fox và cho khán giả nghe, là những người không có trách nhiệm gì trong vụ tấn công ông. Phe cấp tiến xúm vào chê ông là robot, người máy trả bài, không có tình người, có vẻ nhu nhược, không thể làm quan toà được. Không khác gì trường hợp ông Dukakis mấy. Vào cuộc điều trần, đối diện với những người cố tình muốn tàn sát ông, tàn sát sự nghiệp và gia đình ông, ông xúc động và nặng lời thì bị tố thiếu bình tĩnh. Nói cách khác, kiểu gì thì cũng bị đánh thôi.
Cụ xã nghĩa Bernie Sanders đã tung ra mặt trận mới, ồn ào lên tiếng đòi FBI điều tra cặn kẽ quá khứ của ông Kavanaugh từ ngày bắt đầu vào trung học đến hết thời sinh viên, xem ông này đã uống bao nhiêu bia, đã say xỉn mấy lần, tham dự các đêm hoan lạc bao nhiêu lần,… Cụ Sanders vẫn còn ‘nhân đạo’, chưa đòi điều tra xem ông Kavanaugh đã hãm hiếp bao nhiêu phụ nữ.
Ta thấy phe DC bắt đầu chuyển hướng, nại ra cớ khác để đòi FBI điều tra tiếp. TTDC (New York Times, Washington Post, CNN, NBC,...) tiếp hơi, đổi đề tài, không viết về bà Ford nữa vì cơ sở tố cáo quá lỏng lẻo, không ăn khách, bây giờ viết về chuyện ông Kavanaugh say xỉn thời sinh viên.
Ngoài ra, nhiều mũi tên khác cũng đang được bắn tới tấp vào ông Kavanaugh, hy vọng sẽ có một mũi bắn trúng tử huyệt.
Bà Feinstein than phiền ông Kavanaugh đã không tôn trọng các nghị sĩ DC. Làm như thể các nghị sĩ DC rất tôn trọng TP Kavanaugh vậy. Tôn trọng là con đường hai chiều chứ không phải một chiều. Đòi hỏi người khác phải tôn trọng mình trong khi mình đạp người ta xuống bùn là một đòi hỏi lố bịch.
Báo USA Today, có lẽ hy vọng đoạt giải Pulitzer về tin bẩn, đã đưa ra bài quan điểm kinh hồn: cần phải cấm TP Kavanaugh không được tới gần trẻ con, cấm không cho làm ông bầu đội bóng rổ của con gái ông. Bị phản đối quá mạnh, USA Today sau đó đã xóa đoạn này trên bài bình luận, đổ thừa đó là quan điểm cá nhân của người viết, nhưng không có một lời xin lỗi ông Kavanaugh.
Một tờ báo khác muốn dành giải Pulitzer với USA Today, đăng hình vẽ một cô bé gái quỳ cạnh giường cầu nguyện “Xin Chúa tha tội cho ông bố nóng tánh, nói láo, say xỉn của con đã tấn công tình dục bà Ford”. Ngay sau đó, phản ứng của độc giả quá mạnh khiến tờ báo đã phải xóa cái hình đó. Bức hình này bôi bác việc TP Kavanaugh trong cuộc điều trần đã kể lại chuyện con gái của ông, 10 tuổi, đã cầu nguyện cho bà Ford. 
Bà Hillary cho biết bà theo dõi cuộc điều trần trên TV và thấy cần phải tin bà Ford. Bà nhận định phụ nữ đã bị coi thường, xử ép, không ai tin lời của họ từ quá lâu. Câu hỏi cho bà Hillary: thế năm xưa, trước khi cái áo đầm dính tinh khí của ông chồng bà bị lộ ra, bà tin cô Monica hay bà tin ông chồng? Kẻ này nhớ lại câu nói của đại triết gia Pháp Voltaire: “Chính trị là phương tiện để những chính khách không có nguyên tắc chỉ đạo dùng để điều khiển những người không có trí nhớ”. Bà Hillary có nguyên tắc gì không? Có nghĩ là dân Mỹ không có trí nhớ không?
Tổ chức cực tả ACLU (American Civil Liberties Union) so sánh ông Kavanaugh với cựu TT Clinton. Hai câu hỏi cho ACLU: 1) Với TT Clinton, có bằng chứng cụ thể là chiếc áo đầm dính tinh khí, vụ tố ông Kavanaugh có bằng chứng gì? 2) Hai trường hợp ‘giống nhau’, vậy tại sao ông Clinton vẫn xứng đáng làm tổng thống mà ông Kavanaugh không xứng đáng vào TCPV?
Về phần bà Ford, Bà nói trước Thượng Viện là bà đã run sợ khi đi thử máy dò nói dối. Tin mới nhất: bà Ford là chuyên gia về máy dò nói dối, và trong tư cách giáo sư tâm lý, biết rất rõ cách trả lời máy nói dối cho thông, đã từng chỉ dẫn cho một người bạn xin việc với FBI cách để lách qua cửa ải phải qua máy này mới được FBI nhận vào làm. Đây là tiết lộ của kép cũ của bà Ford. Bà bạn của bà Ford đã chối chuyện này. Không lẽ bà ta lại nhận đã gian trá với FBI? Đúng là chuyện lẩm cẩm.
Anh kép cũ này cũng cho biết trong suốt thời gian sống chung với bà Ford (1992-1998) anh ta không hề nghe bà Ford nói về vụ ông Kavanaugh gì hết và cũng chẳng thấy triệu chứng bà Ford bị khủng hoảng tâm thần gì.
Tin mới lạ về bà Ford:
Trong cuộc điều trần trước Thượng Viện, bà Ford khai năm 2012 bà phải đi gặp bác sĩ cố vấn tâm thần vì bà bị khủng hoảng tinh thần dây dưa từ vụ tấn công tình dục của ông Kavanaugh.
Bà cho biết khi đó, bà nhất định phải làm thêm một cửa ra vào ở nhà bà. Ông chồng không đồng ý, hai vợ chồng cãi cọ. Ông chồng bắt bà vợ phải giải thích cho rõ tại sao muốn làm vậy. Bà Ford đành thú tội cho ông chồng bà cần có một cái cửa ra vào thứ hai vì bà cảm thấy sợ hãi, có cảm tưởng bị đe dọa thường trực, cần phải có nhiều lối thoát. Là hậu quả trực tiếp của vụ tấn công của ông Kavanaugh vẫn còn ám ảnh bà từ 30 năm trước. Cuối cùng thì ông chồng đồng ý, làm thêm cửa thứ hai và mang bà vợ đi khám bác sĩ tâm thần.
Trong cuộc điều trần, bà Feinstein hỏi mớm bà Ford “bà xây thêm cửa vì sợ hãi cảm giác tù túng?”. Bà Ford trả lời, “đúng vậy”.
Ai nghe câu chuyện này mà không cảm thông cho bà nạn nhân tấn công tình dục đáng thương này?
Vấn đề là có một anh nhà báo của Real Clear Politics tên là Thomas Lipscomb đã khúc mắc đi điều tra, và khám phá ra câu chuyện... ‘coi dzậy mà hổng phải dzậy’.
Theo anh Lipscomb, nhà bà Ford mở thêm cửa vào năm 2008 theo giấy phép của thị xã, vài tháng sau khi bà mới mua căn nhà cuối năm 2007. Bốn năm sau, bà mới đi khám bệnh tâm thần năm 2012, tức là hai việc dường như chẳng có gì liên hệ gì với nhau.
Vui hơn nữa, là anh chàng Lipscomb này cũng khám phá ra là trong nhà bà Ford, cái cửa mới xây đó là cửa của một phòng riêng trong nhà mà bà Ford sửa lại để cho sinh viên thuê lại. Khi làm thêm cửa thì bà Ford cũng làm thêm phòng tắm riêng cho căn phòng đó. Nói cách khác, đó là cửa ra vào riêng cho căn phòng bà Ford cho thuê. Hiển nhiên việc làm thêm cửa chẳng có liên hệ xa gần gì đến chuyện ông Kavanaugh tấn công tình dục ba chục năm trước như bà Ford tả oán.
Trong suốt cuộc điều trần tại Thượng Viện, bà Ford không hề nói một tiếng nào về chuyện sửa nhà, làm phòng riêng với cửa riêng cho sinh viên thuê, mà chỉ nói cần làm thêm cửa thứ hai vì sợ cảm giác tù túng, hậu quả củ akhủng hoản gâm thần sau vuụ tấn công của ông Kavanaugh.
Bà Swetnick, người đã từng tố cáo ông Kavanaugh tham gia vào những cuộc vui hãm hiếp tập thể thời còn học ở đại học Yale, đã được mời lên đài NBC phỏng vấn. Trên TV, bà xác nhận ông Kavanaugh ‘có mặt’ nhưng không tham gia, cũng không có chuyện ông cởi quần áo ‘chuẩn bị tham gia’ luôn. Chỉ là chuyện Yale luôn có những trận hãm hiếp tập thể như vậy và ông Kavanaugh với tư cách sinh viên Yale đã có mặt. Thế thì tội của ông này tóm lại là gì?
Bà Swetnick đưa ra tên bốn người nhân chứng. Một người đã bác bỏ ngay, cho là không biết gì về những chuyện hãm hiếp tập thể này, một người đã qua đời, còn hai người kia chưa tìm ra, không biết có thật hay không. Anh kép cũ của bà Swetnick công khai tố bà này là vua nói láo, đừng ai tin bà ta. Trong khi đó, bà cũng bị thưa kiện lung tung về chuyện tiền bạc lộn xộn và thiếu thuế, khiến nhiều người nghi ngờ bà đã được luật sư Avenatti trả tiền để tố ông Kavanaugh.
Điều lạ lùng là cả trăm sinh viên Yale đã bãi học, biểu tình chống ông Kavanaugh. Tức là họ nhìn nhận tại Yale đã có những buổi tiệc hoan lạc ‘hãm hiếp tập thể’ vậy sao?  Chưa nghe bán giám đốc Yale lên tiếng. Cả sinh viên Harvard cũng bắt chước theo. Khiến ông Kavanaugh đã hủy bỏ ý định đi dạy học tại Harvard trong mùa hè tới. Tin buồn cho nước Mỹ: đó là những sinh viên luật của các trường lớn, tức là những đại luật gia tương lai của Mỹ: bây giờ nền tảng pháp lý của chúng là “có tội cho đến khi chứng minh được là vô tội’. Quý độc giả muốn an toàn, nhớ đừng chọc giận ai hết vì có thể bị tố bất cứ tội gì mà không cần bằng chứng hay nhân chứng.
Trong khi đó, hàng trăm phụ nữ khắp nước đã lên tiếng bênh vực ông Kavanaugh, chỉ trích việc ông này bị phe cấp tiến và TTDC lôi xuống bùn mà chẳng có bằng chứng hay nhân chứng gì. Báo cấp tiến The Atlantic gióng chuông báo động: các bà bảo thủ đang nổi giận và nhất quyết lên tiếng trong cuộc bầu cử tới khi thấy đảng DC đã đi quá xa, khai thác phụ nữ làm vũ khí chính trị.
TT Trump đã tuýt đả kích cuộc điều trần là đáng hổ thẹn khi nhìn thấy ông Kavanaugh bị đánh một cách cực kỳ vô lý. Ông cũng tiên đoán bất kể kết quả điều tra của FBI như thế nào, DC sẽ vẫn tiếp tục tìm cách đánh ông Kavanaugh. Ông kêu gọi cử tri CH có hành động bằng cách tích cực tham gia đi bầu trong cuộc bầu quốc hội một tháng nữa để ngăn chặn DC phá đám thêm nữa.
Một bình luận gia DC, Brian Dean Wright cho rằng DC tấn công ông Kavanaugh một cách quá đáng có thể sẽ gặp phản ứng ngược của cử tri, giống như năm xưa khi khối CH nghiến răng đàn hặc TT Clinton, đưa đến việc tỷ lệ hậu thuẫn của ông Clinton vọt lên đến mức kỷ lục gần hai phần ba dân Mỹ.
Khi bài này được viết thì mới có tin FBI đã nộp báo cáo cho Tòa Bạch Ốc và Thượng Viện. Cả Tòa Bạch Ốc và Thượng Viện đều cho biết báo cáo chẳng có gì kết tội ông Kavanaugh hết. FBI phỏng vấn 10 người, không có một người nào xác nhận câu chuyện của bà Ford và bà Ramirez hết. Thượng Viện đã biểu quyết Thứ Sáu 5/10 gần như theo đúng làn ranh đảng phái, 51/49, với mỗi bên có một nghị sĩ ‘phản đảng’ (bà Murkowski của CH chống, trong khi ông Manchin của DC thuận), chấm dứt thảo luận, đưa vấn đề ra trước phiên họp khoáng đại để tất cả các nghị sĩ biểu quyết việc phê chuẩn TP Kavanaugh, có thể vào ngày Thứ Bẩy 6/10. Chưa có nghĩa đó sẽ là số phiếu cuối cùng về việc phê chuẩn TP Kavanaugh.
Phe cấp tiến phản đối dữ đội vì ‘FBI đã không phỏng vấn bà Ford’. Phỏng vấn gì nữa? Cả bà Ford lẫn ông Kavanaugh mỗi người đã bị tra hỏi bốn tiếng đồng hồ trước Thượng Viện. Bà nói gà, ông nói vịt, Thượng Viện yêu cầu điều tra xem ai nói thật. FBI chỉ cần giữ những lời khai của hai người trước Thượng Viện, rồi đi tìm dữ kiện hay nhân chứng để kiểm tra. Đó là việc FBI đã làm và FBI đã không phỏng vấn hai người này mà phỏng vấn 10 người khác. Phe cấp tiến cũng tố FBI đã phỏng vấn quá ít người. Thế nào là đủ? Nếu báo cáo của FBI bất lợi cho bà Ford thì phỏng vấn 1.000 người vẫn chưa đủ; nếu báo cáo bất lợi cho ông Kavanaugh thì phỏng vấn một người cũng là dư thừa, đó là quan điểm của phe DC.
Phe cấp tiến và TTDC đe dọa phê chuẩn kiểu này sẽ khiến phụ nữ nổi giận và CH sẽ thua to trong cuộc bầu cử tới. Bên nào thua, bên nào thắng chưa ai rõ vì chưa biết cử tri bên nào nổi giận mạnh hơn, nhưng chắc chắn là nếu được phê chuẩn, ông Kavanaugh sẽ ngồi trong TCPV hai ba chục năm, trong khi bầu cử quốc hội là chuyện bầu bán mỗi hai năm. Thua năm nay, hai năm nữa tính lại. Đường xa, bên nào thắng?

TIN GIỜ CHÓT: Bà nghị sĩ Susan Collins đã cho biết sẽ bỏ phiếu thuận. Bên CH, chỉ còn bà Murkowski có thể bỏ phiếu, dù vậy, vẫn đủ phiếu rồi. TP Kavanaugh sẽ được phê chuẩn. 



Thông báo cùng quý độc giả: tuần này đánh dấu một bước tiến quan trọng của Diễn Đàn Trái Chiều, nên có bức Thư Ngỏ mới cám ơn quý độc giả. Xin kính mi quý độc giả ghé vào trang “Thư Ngỏ 10/2018”.

OCTOBER 6 – 2018

LỜI CÁM ƠN

Diễn Đàn Trái Chiều tháng 10/2018 này mở đầu bằng một Thư Ngỏ đặc biệt: cám ơn sự ủng hộ của quý độc giả.
Tháng Chín vừa qua đánh dấu một mốc quan trọng cho Diễn Đàn: số lượt người coi DĐTC vượt qua MỘT TRIỆU cuối tháng Chín vừa qua, đã lên tới mức hơn 1.112.000 lượt xem, theo thống kê của Blogger.com, là công ty quản trị diễn đàn này.
Đúng ra thì tôi cũng chẳng có nhu cầu đưa thống kê này ra làm gì, cũng chẳng được ... tăng lương hay được thêm tiền quảng cáo gì. Nhưng đã có nhiều độc giả thắc mắc và đoán chừng, nên tôi xin công bố, gọi là chia vui cùng quý độc giả.
Khi kẻ này còn viết cho Việt Báo, mỗi lần thấy số người đọc bài của mình trên VB lên đến 5.000 người là đã muốn khui sâm-banh ra ăn mừng, chỉ tiếc là không có tiền mua loại rượu đó. Sau đó, vì khác biệt quan điểm trên vài vấn đề, tôi quyết định ngưng viết cho VB dù VB đã có nhã ý mời tiếp tục hợp tác. Quan hệ cá nhân giữa VB và tôi sau đó vẫn tốt đẹp khi VB đã tự ý giới thiệu hai số đầu của Diễn Đàn Trái Chiều cùng độc giả VB. Việc này, cũng như sự hợp tác và giúp đỡ của VB trong cả chục năm trước và hai cuốn sách anh Phan Tấn Hải tặng làm quà chia tay là những chuyện không thể quên. Một lần nữa, xin chân thành cám ơn anh Hải và anh Trần Dạ Từ.
Khi quyết định ra diễn đàn độc lập, tôi nghĩ mất phương tiện chuyên chở của một báo lớn trong cộng đồng thì may lắm sẽ còn được một hai ngàn người vào đọc diễn đàn. Thôi kệ, việc mình làm tôi nghĩ khá quan trọng, có được một hai ngàn người đọc còn hơn không. Ít ra thì một hai ngàn người đó cũng có dịp biết được câu chuyện thời sự dưới một khiá cạnh khác, trái chiều với truyền thông dòng chính Mỹ cũng như Việt.
Kẻ này cũng ‘hồi hộp’ không hiểu diễn đàn này sẽ thọ được mấy tuần hay mấy tháng. Nghĩ đến biết bao cơ sở kinh doanh ‘tưng bừng khai trương rồi âm thầm đóng cửa’ mà lo. Nhưng thật ra cũng chẳng có gì đáng lo. Có mất đồng nào đâu mà lo. Trái lại, lỡ không ai đọc, có âm thầm đóng cửa thì... khỏe hơn, có nhiều thời giờ chơi với đám cháu nội, cháu ngoại hơn thôi.
Thế nhưng, chỉ vỏn vẹn 9 tháng mà đã có hơn một triệu lượt coi.


 (Hình chụp lại trang Statistics Overview của Blogger sáng ngày 3/10/2018)

Theo Blogger, trong tháng vừa rồi, đã có hơn 170.000 lượt coi, chia làm bốn, mỗi tuần có xấp xỉ 44.000 lượt coi, mỗi ngày trung bình có hơn 5.000 lượt coi, có những ngày lên tới 10.000.
Đó là chưa kể bài Bình Luận chính và cả trang Tin Vắn luôn được các ‘đồng minh’ và thân hữu phổ biến rộng rãi qua TV, radio, báo viết, emails cho bạn bè và hội viên của chẳng biết bao nhiêu diễn đàn. Tôi chẳng biết số người coi gián tiếp này là bao nhiêu, nhưng chắc không dưới vài ngàn người. Đoán mò, có thể mỗi tuần diễn đàn này được ít ra 50.000 lượt chiếu cố. Chứng minh là tôi đã không sai lầm khi quyết định mở diển đàn này để chia sẻ ý nghĩ với cộng đồng tỵ nạn chúng ta.
Tôi cũng chẳng biết các diễn đàn khác, các trang Facebook, các phim YouTube,... của những bình luận gia chính trị khác có bao nhiêu người đọc, 5.000 hay 500.000. Điều đó đối với tôi không quan trọng. Việc người khác làm là việc của họ. Diễn đàn này, ‘đứa con ngang hông’ của tôi mới là điều đáng cho tôi quan tâm. Muốn biết có bao nhiêu người ghé thăm, coi như là chỉ số cho tôi biết nên tiếp tục viết hay nên... đi câu cá.
Việc đạt được cái mốc một triệu lượt coi trong 9 tháng là một bất ngờ lớn. Một bất ngờ không nhỏ khác là đã có khá nhiều độc giả ngoài nước Mỹ ghé mắt vào đọc, cho dù trên diễn đàn toàn là những bài bàn về chính trị Mỹ. Đặc biệt là ngay cả tại Việt Nam, mỗi tuần cũng đã có gần 4.000 lượt coi, chứng tỏ ngay ở Việt Nam, cũng đã có khá nhiều người muốn tìm hiểu về chính trị Mỹ. Hay bị lôi cuốn bởi đá nam châm Trump?


Hiển nhiên một số không nhỏ độc giả vào đọc diễn đàn cũng vì có rất nhiều góp ý của các độc giả khác. Tính trung bình, mỗi bài Bình Luận hàng tuần đều có từ hơn 300 đến 500 góp ý (không kể cả chục góp ý lăng nhăng hay vi phạm điều lệ đã không được đăng) mang đến cho diễn đàn tính đa dạng rất thu hút người đọc.
Cũng là một bất ngờ thật thú vị mà kẻ này không biết phải nói sao cho đủ để cám ơn những vị đã tích cực góp ý giúp diễn đàn.
Những con số thống kê trên cho thấy diễn đàn này đã được cộng đồng tỵ nạn chiếu cố và ủng hộ khá mạnh. Nghiã là cộng đồng đã đánh giá những bài viết trên diễn đàn đáng đọc, đáng suy nghĩ, không nói tới chuyện đồng ý hay không. Chỉ nguyên việc cộng đồng để ý đến cũng đã khiến diễn đàn này đạt được ý nguyện là giúp phổ biến một cái nhìn khác với quan điểm chung của TTDC Mỹ. Giúp cho độc giả có dịp so sánh, cân nhắc qua nhiều cách nhìn để họ tự quyết định lấy. Đây là việc cực kỳ quan trọng, nhất là trước những ngày bầu cử. Dân chủ cần có tiếng nói, có lá phiếu của dân, và người dân chỉ có thể có tiếng nói nếu hiểu được vấn đề một cách trọn vẹn, dưới nhiều góc nhìn đối nghịch. Hiểu vấn đề mới là chuyện quan trọng, và đó là lý do tại sao tôi chủ trương không đả kích cá nhân. Dân chủ trong các nước độc tài là dân chủ cuội vì người dân chỉ nhìn thấy những gì Nhà Nước cho nhìn, chỉ bầu được những người đã được Nhà Nước cho phép ra 'ứng cử'.
Đã có nhiều người không hiểu được đa dạng là nền tảng của dân chủ, không hiểu mục đích của diễn đàn,  thấy tôi viết không đúng ý họ thì bực mình, chê tôi là phe phái, không công tâm. Xin lỗi, bình luận tự nó không thể là trung dung, ba phải, mà trái lại có nghĩa là đưa quan điểm chủ quan của mình ra để mọi người thấy được một góc nhìn khác. Tệ hơn nữa, đã có nhiều người chửi rủa tôi là thành phần “bưng bô cho da trắng” hay nhiều tội lạ lùng khác, mà tôi nghĩ không đáng để bàn thêm.
Điều thật tình đáng tiếc là những ‘góp ý’ chống đối đó hầu hết là những phỉ báng, chửi rủa vớ vẩn, công kích cá nhân không đáng được đăng lên, làm bẩn diễn đàn. Đây là một ví dụ:


Một số độc giả khác chống đối bằng cách gửi email riêng vì không dám hay không có khả năng lên tiếng công khai trên diễn đàn qua cách góp ý, cũng chỉ là chửi rủa và công kích cá nhân.
Chưa có một người nào viết một tiểu luận phản bác quan điểm của tôi về một vấn đề cụ thể nào đó một cách nghiêm chỉnh để tôi có dịp trả lời cho quý độc giả thấy được nhiều khía cạnh của một vấn đề, hay tốt hơn nữa, để tôi hiểu được quan điểm của họ và thấy được điểm sai của tôi.
Có một người duy nhất có bài viết chống quan điểm của tôi tương đối nghiêm chỉnh, khiến tôi đã đăng nguyên văn và phản bác lại chu đáo. Rất tiếc là ông này chỉ nghiêm chỉnh được đúng một bài, sau đó quay qua lôi gia đình tôi vào cuộc với dụng ý bôi bác không tốt, là điều tôi đã viết rõ sẽ không chấp nhận bất cứ trong hoàn cảnh nào, nên tôi đã ngưng không đăng bài của ông ta nữa. Muốn đả kích cá nhân tôi, tha hồ nếu không có khả năng phản bác quan điểm, nhưng không thể đụng đến gia đình hay họ hàng, bạn bè, thân hữu của tôi vì họ chẳng liên hệ dính dáng xa gần gì đến quan điểm hay việc làm của tôi. Tôi là người duy nhất chịu trách nhiệm diễn đàn này.
Như tôi đã có dịp lên tiếng nhiều lần, diễn đàn này hoan nghênh mọi ý kiến thuận chiều hay trái chiều hay không chiều nào hết, để mọi người cùng có dịp tranh luận để cùng nhau học hỏi về thể chế dân chủ hết sức phức tạp của Mỹ.
Nhân dịp bầu cử giữa mùa Mỹ chỉ còn non một tháng nữa, cộng đồng ta muốn có tiếng nói trong chính trị Mỹ, cần phải đi bầu cho đông đủ. Xin được hoan nghênh các ứng cử viên gốc Việt đang cố tham gia vào chính trường Mỹ, giúp bảo vệ quyền lợi của chúng ta, bất kể thuộc đảng nào.
Dù sao thì diễn đàn này cũng đã đứng vững, lớn mạnh trong tháng. Hy vọng sẽ tiếp tục đứng lâu dài để phục vụ quý đồng hương tỵ nạn.
Một lần nữa, xin chân thành đa tạ sự ủng hộ vô giá của quý đồng hương cũng như tri ân những góp ý tích cực của quý độc giả. 
Sẽ cố để dành tiền mua một chai sâm-banh hạng nhất để ăn mừng.

Nay kính
Vũ Linh