Friday, 26 October 2018

Chuyện giày dép - Nguyễn Ngọc Chính

Giày dép là những thứ người ta thường dùng hàng ngày để chân không phải tiếp xúc trực tiếp với mặt đất, nơi bị coi là… “không được sạch sẽ”.

Thế cho nên, khi vào những nơi linh thiêng như chùa chiền, người ta thường cởi giày dép khi trước khi bước vào nơi thờ phượng. Người Á Đông còn có thói quen bỏ giày dép ngoài cửa trước khi vào trong nhà để giữ nhà cho sạch.

Theo Wikipedia, đôi dép cổ nhất được tìm thấy ở hang Fort Rock, tiểu bang Oregon, Mỹ, vào năm 1938 có niên đại 7.000 - 8.000 năm Trước Công Nguyên (TCN). Giày bằng da đầu tiên được tìm thấy ở một hang động của Armenia năm 2008 có niên đại 5.500 năm TCN, đôi giày này là một mảnh da bò với dây cũng bằng da.

Giày cũng thường xuất hiện trong văn hóa dân gian của nhiều dân tộc trên thế giới. Những câu truyện cổ tích tuyệt vời về “Đôi hia bảy dặm”, “Đôi dép có cánh”, “Chú mèo đi hia”, “Chiếc giày của Lọ Lem” thường làm say mê cả trẻ con lẫn người lớn.

Người La Mã coi giày là văn minh, tượng trưng cho quyền lực và sự tự do. Trong đám cưới La Mã cổ, người cha trao cho con trai một đôi giày, biểu hiện cho sự chuyển giao quyền lực trong gia đình.

Ngược lại, trong Kinh thánh Cựu Ước, giày tượng trưng cho vật không có giá trị, trong Kinh thánh Tân Ước thì người ngồi xuống cởi giày cho người khác là nô lệ. Tuy vậy, tháo giày ở nơi trang trọng luôn thể hiện sự tôn kính.

Người Do Thái lại cho rằng tự cởi giày là tự từ bỏ quyền lực, trách nhiệm hoặc từ bỏ vai trò của mình trong hôn nhân. Trong lễ tang của chồng, vợ góa cởi giày của anh trai người chồng quá cố để thể hiện việc đã giã từ trách nhiệm của người chồng đã mất.

Người Ả Rập lại cho rằng giày tượng trưng sự nhơ bẩn vì nó tiếp xúc với mặt đất và luôn nằm dưới phần thấp nhất của cơ thể. Hành động ném giày vào người khác là một sự xúc phạm tột cùng.

Năm 2003, khi bức tượng Shaddam Hussen bị giật sập, rất nhiều người tập trung quanh tượng và dùng giày của mình đạp lên. Năm 2008, Tổng thống Mỹ George W. Bush bị Muntadar al-Zaidi, phóng viên đài truyền hình al-Baghdadiya của Iraq, ném giày (tí nữa vào mặt) để phản đối cuộc chiến tranh Iraq.

Trong chuyến công du nước ngoài cuối cùng của ông Bush trên cương vị tổng thống Mỹ, hôm 14/12/2008, đã được chào đón bằng cả hai (chứ không phải là một) chiếc giày của phóng viên ném vào giữa buổi họp báo. Ông Bush đã thụp đầu xuống nhanh như cắt và tránh được cả hai chiếc.

Reuters đưa tin, giữa buổi họp báo của Tổng thống Bush và Thủ tướng Iraq Mouri Maliki, phóng viên Muntadar al-Zaidi bỗng đứng lên từ hàng ghế rất gần với bục của hai nhà lãnh đạo, ném rất mạnh một chiếc giày về phía ông Bush, vừa ném vừa la lên rằng đó là “nụ hôn tạm biệt của nhân dân Iraq”. Chiếc giày bay đến giữa mặt nhà lãnh đạo, nhưng ông Bush đã kịp thụp đầu xuống rất nhanh.

Tổng thống Bush, Thủ tướng Mouri Maliki và phóng viên Muntadar al-Zaidi

Ngay lập tức, al-Zaidi cúi xuống nhặt chiếc giày thứ hai lên, ném mạnh, lần này hô: “Chiếc này là để cho những góa phụ, những trẻ em mồ côi và tất cả những người bị giết chết ở Iraq”. Chiếc giày thứ hai cũng bay qua sượt người ông Bush. Thủ tướng Iraq đứng sát bên cạnh đã hua tay để hất chiếc giày.

Riêng về phần Tổng thống Bush, ngay khi sự việc xảy ra, các cận vệ lập tức đứng bao quanh ông nhưng ông vẫn không rời khỏi bục họp báo. Ông tỏ ra khá bình tĩnh và sau đó tuyên bố sự cố này không hề khiến ông cảm thấy bị đe dọa một tí nào.

“Chuyện này cũng tương tự như bị người ta hét vào mặt khi đang ở giữa một cuộc tuần hành chính trị. Đó là một cách để người ta gây sự chú ý thôi”. Ông còn đùa với các nhà báo: “Nếu quý vị muốn lấy số liệu thì chiếc giày mà ông ấy đã ném mang số 10”.

Tổng thống Bush, Thủ tướng Mouri Maliki và phóng viên Muntadar al-Zaidi

Sau vụ Tổng thống Bush bị ném giày tại Iraq, bà Hillary Clinton cũng gặp "tai nạn" tương tự khi phát biểu tại Las Vegas, năm 2014. Bà Clinton bị một phụ nữ tên Alison Michelle Ernst, 36 tuổi, ném giày khi đang phát biểu về quản lý chất thải rắn. Người phụ nữ này sau đó đã bị bắt giữ.

Bà Clinton vẫn cho thấy bản lĩnh chính trị của mình bằng cách tiếp tục bài phát biểu và cho biết: “Đây không phải là cách làm việc dân chủ” khi nhận được lời xin lỗi từ ông Jerry Simms, chủ tịch Viện Tái chế Phế liệu, nơi diễn ra buổi phát biểu.
“Mọi người đến đây mang theo vấn đề của họ và bàn bạc về nó để tìm cách giải quyết”, bà Clinton cho hay. Trong khi đó, người phụ nữ bị đặc vụ liên bang bắt giữ. Bà từ chối không cho biết lý do về hành động của mình. 
 
Bà Hillary Clinton và Alison Michelle Ernst, người phụ nữ “ném giày” 

Ngày 24/10/2010, cựu thủ tướng Úc, John Howard, cũng bị một công dân ném giày trong một cuộc phỏng vấn truyền hình trực tiếp của hãng tin ABC. Đây không phải lần đầu ông Howard suýt phải “ăn” giày. Hồi tháng 11/2009, khi đang phát biểu tại Đại học Cambrdige, Anh, ông Howard cũng đã bị một người biểu tình cáo buộc tội phân biệt chủng tộc và ném giày vào người.

Vài tháng sau, người quăng giầy chết vì bệnh ung thư, và đôi giày của anh ta được Red Cross đem ra đấu giá, thu được hơn 3.000 đô-la. Nghe tin này, ông Howard vui vẻ nói ông mừng là đôi giày có giá!

Chân dung hai chính khách đã từng bị ném giày: Cựu Tổng thống George Bush và cựu Thủ tướng Úc John Howard trong một bức ảnh năm 2007

Hành động ném giày không phải là mới, mà đã được đề cập từ thời xa xưa. Trong Kinh Thánh (Psalm 108) có viết rằng một lúc nào đó Thượng Đế sẽ ném giày vào Edom. Vào thời La Mã (năm 359) cũng xảy ra một vụ ném giày vào Vua Constantius Đệ Nhị. Hành động này được xem là một lời tuyên chiến.

Gần đây nhất, tại Thủ Thiêm, một phụ nữ tên Nguyễn Thị Thuỳ Dương, 28 tuổi, đã ném một chiếc giày về hướng bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, một quan chức cao cấp tại Sài Gòn. Đó là một sự “phản kháng trong vô vọng” trước những bất công của những người được coi là “thấp cổ bé họng”.

Người phụ nữ này đã phản kháng trong tuyệt vọng, ném giày là một cách phát biểu mà cô không được nói trong một cuộc họp tại Thủ Thiêm giữa các quan chức thành phố về việc khiếu kiện đất đai không được đền bủ thỏa đáng trong suốt 20 năm qua. Điều đáng nói là sự việc xảy ra trong ngày 20/10/2018, ngày Việt Nam vinh danh phụ nữ!

Nguyễn Thị Thùy Dương, người đã ném giày tại Thủ Thiêm

Hiện tượng ném giày tại Thủ Thiêm đã có một hệ quả là tạo “đợt sóng thần” trên mạng xã hội. Cộng đồng mạng quả là đầy sáng tạo trong việc chế biến những bức ảnh cũng như đặt nhiều tên rất kêu.

Nào là “Tomaguốc lợi hại hơn hỏa tiễn Tomahawk rất nhiều, dù không trúng mục tiêu” hay nhân việc có tin trên báo chí rằng Việt Nam vào cuối năm nay sẽ phóng lên vũ trụ một vệ tinh “Made in Vietnam”, ai đó đã tạo ra một bức hình vệ tinh của Việt Nam như dưới đây:

Vệ tinh “Made in Vietnam”

Tài tình, sáng tạo hơn nữa là có bức phác thảo Nhà hát Giao hưởng Thủ Thiêm mà thành phố sẽ xây dựng với số tiền lên đến 1.508 tỷ đồng. Nếu có một cuộc thi thiết kế nhà hát, không biết đồ án này có được duyệt hay chăng?

Phác thảo Nhà hát Giao hưởng Thủ Thiêm

Trang web “Ủng hộ Nguyễn Phú Trọng” đưa tin bà Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TPHCM nói về việc người dân Thủ Thiêm ném giày giữa hội nghị: “Theo bà Nguyễn Thi Quyết Tâm, do nữ cử tri có hành vi “quá khích” tại buổi tiếp xúc cử tri nên nhân viên đã mời ra khỏi Hội trường để đảm bảo trật tự cho người khác phát biểu” (sic)

Trước đó, Công an phường Bình Trưng (quận 2) đã ra quyết định xử phạt hành chính 750.000 đồng đối với Thùy Dương. Chị Dương cho biết: “Sau khi lập biên bản, tôi đã đóng phạt và được cơ quan chức năng trả lại chiếc giày”.

Chiếc giày… lịch sử

Chiếc giày ném vào cựu Thủ tướng Howard đã được bán đấu giá hơn 3.000 đô-la, người ta tự hỏi, nếu chiếc giày của chị Thùy Dương cũng được đem ra đấu giá thì không biết sẽ có giá bao nhiêu? Có nhiều hơn không?

Có điều, cuộc đấu giá này (nếu có) sẽ không cho phép người nước ngoài tham gia vì các thế lực thù địch lúc nào cũng sẵn sàng nhảy vào làm rối thêm tình hình trong nước.

***