Kim đạp xe từ nhà đến Ngã Năm chưa đầy 10 phút nhưng để tìm ra căn nhà của đứa học trò chắc không nhanh chóng dễ dàng gì. Con đường phía sau Tổng Y Viện Cộng Hòa dẫn vào một xóm nhỏ không tên, nhà cửa hai bên đường tha hồ xập xệ nhô ra thụt vào đủ kiểu, nhà có ghi số đàng hoàng, nhà thì ghi số nhếch nhác cẩu thả khó đọc khó tìm làm như đây là cõi tạm hoặc là cái địa chỉ không bao giờ cần dùng đến.
Kim còn đang ngơ ngác dò tìm số nhà có tới mấy cái “sẹc” 112/4/95/3 thì bỗng đâu có một tiếng kêu lên :
– Cô Kim, cô đi tìm nhà thằng Huy hả?
Một đứa học trò ở xóm này đã nhận ra Kim, nó hí hửng:
– Ðể em đưa cô tới nhà nó nghe, ở tận cuối xóm gần nghĩa địa cô ơi.
Kim vui mừng:
– Ủa, em Thế, may quá, cám ơn em đã gặp cô đúng lúc
Kim theo đứa học trò đến nhà thằng Huy, nếu không có nó thì Kim đâu biết có những con hẻm quanh co tùm lum người và rác rưới dẫn đến bãi tha ma này.
Thằng Huy có nhà, nó bối rối mời cô giáo vào trong và gọi mẹ nó đang ở sau nhà. Qua những khe hở hớ hênh của tấm liếp che Kim ngó ra sau thấy mẹ con Huy đang vội vàng bóc giấy mấy gói đậu phộng rang đổ ra một cái đĩa nhỏ làm quà mời khách.
Nói chuyện với mẹ Huy, Kim càng hiểu thêm cảnh nghèo khó của gia đình Huy, sau 1975 cha Huy đi “học tập cải tạo”, người vợ trẻ mang 3 đứa con đi kinh tế mới ở Lộc Ninh theo lời kêu gọi của địa phương với hy vọng chồng sẽ sớm được trở về, nhưng người chồng đã chết vì ốm đau đói khát trong tù. Không chịu được cuộc sống cực nhọc thiếu thốn cả đồ ăn thức uống đến điều kiện vệ sinh y tế nơi vùng đất hoang nước lạ lâu thêm nữa mẹ Huy mang ba đứa con thơ trở về thành phố, nhà cửa đã bán tống bán tháo ngày đi kinh tế mới nay không có chỗ nương thân họ về xóm nghèo này dựng lên một căn nhà tạm bợ để có chỗ trú ngụ nắng mưa. Cả bốn mẹ con hàng ngày đều phải ra đường kiếm sống, anh em Huy bán báo, bán đậu phộng rang, người mẹ thì bán ve chai. Những “nghề” của bốn mẹ con đã nói lên cảnh nghèo nàn cơ cực của họ…
Mấy hôm nay Huy nghỉ học, bạn cùng lớp nói mẹ Huy bị bệnh nên Kim đến để thăm hỏi và an ủi học trò.
Kim từ giã mẹ con Huy và theo chân trò Thế để ra ngoài đường lớn, đã vào được căn nhà cuối nẻo đường nhưng vẫn có thể lạc lối ra đối với những người mới đến đây lần đầu như Kim. Thằng Thế nhiều chuyện líu lo:
– Cô hên đó, bữa nay chắc anh em nó bán đậu phộng rang còn ế nên má nó mở mấy gói ra mời, không thì họ chẳng có gì mời cô giáo.
Kim vừa buồn cười vì lời nói của trò Thế vừa cảm thấy chạnh lòng gia cảnh trò Huy, ra tới đầu ngõ nàng tạm biệt đứa học trò và đạp xe về nhà mà lòng vẫn buồn rưng rưng.
Kim vừa tốt nghiệp Trung học sư phạm và đi dạy năm 1985.
Kim tốt nghiệp thủ khoa, được ưu tiên lựa chọn vài trường điểm của thành phố, trong đó nổi bật nhất hấp dẫn nhất là trường tiểu học Hoà Bình bên hông nhà thờ Ðức Bà, khu vực trung tâm Sài Gòn, các bạn cùng lớp đều hào hứng khuyên Kim chọn trường này toàn con nhà giàu hoặc con nhà cách mạng chức vụ cao, cô giáo sẽ tha hồ nhận quà từ những phụ huynh học sinh giàu có và địa vị.
Nhưng Kim làm bạn bè sững sờ khi nàng nhận dạy tại một trường nhỏ bé trong xóm nghèo vùng Ngã Năm Gò Vấp. Kim so sánh giữa những đứa học trò giàu và nghèo thì đứa nghèo đáng thương hơn thế là nàng chọn trường Kim Ðồng. Gia đình Kim cũng vui mừng vì Kim chọn trường gần nhà hàng ngày đạp xe đi dạy thoải mái chứ đạp xe vào thành phố nhốn nháo xe cộ đủ loại, xe chạy đủ kiểu đến nỗi mỗi đường phố đều treo những câu bảng hiệu nhắc nhở như: “Không phóng nhanh giành đường vượt ẩu” hay “Thà chậm vài giây còn hơn gây tai nạn” hay “An toàn là bạn. Tai nạn là thù” v.v… làm gia đình Kim lo lắm cứ y như nàng còn ngây thơ bé bỏng không “đương đầu” nổi với đường phố và đường đời.
Cô giáo 19 tuổi mới lớn lên chẳng nghĩ đến chuyện hơn thua, lòng nàng chỉ phơi phới những lý tưởng đẹp cho đời.
Kim dạy lớp năm, lớp có hơn 30 đứa học trò, hầu hết là con nhà nghèo cư ngụ quanh vùng. Ngày đầu tiên Kim lên bục giảng bao nhiêu ánh mắt trẻ thơ hướng về Kim đầy vẻ thân ái và ngưỡng mộ dù hôm ấy Kim mặc áo sơ mi trắng với quần tây đen chẳng có gì lộng lẫy.
Kim mỉm cười “khoe” cái răng khểnh và giới thiệu với cả lớp:
– Cô tên Kim là cô giáo mới ra trường, các em là lớp đầu tiên trong cuộc đời của cô đó, các em học hành chăm chỉ và nghe lời cô nhé…
Những đứa học trò nhao nhao lên và bắt chước nhau:
– Cô ơi, em hứa sẽ nghe lời cô…
– Cô ơi em hứa sẽ học chăm chỉ.
– Cô ơi, cô đẹp quá trời luôn.
– Cô ơi, em thích cô quá trời luôn.
Học trò cả lớp sàn sàn bằng tuổi nhau, cao thấp như nhau chỉ có Huy là đứa “già” nhất 15 tuổi, vì sau khi gia đình thất bại kinh tế mới về thành phố mấy năm sau anh em Huy mới đi học lại.
Huy tên là Nguyễn Thiện Huy, cái tên đẹp, vóc dáng và gương mặt dễ thương sáng sủa của nó đã nói lên một thời được sống trong mái gia đình an vui đầy đủ. Huy ngoan ngoãn, chăm chỉ và học giỏi.
Ðể giúp đỡ đứa học trò giỏi con nhà nghèo Kim đã bảo Huy khi nào đậu phộng rang còn ế thì mang đến trường Kim và các thầy cô giáo khác sẽ mua giúp, thường thì Kim mua bao trọn gói. Thế là thằng bé yên chí có nơi tiêu thụ dứt điểm món đâu phộng rang nhà nó.
Thằng Huy lớn nhất lớp nên đã giúp Kim được nhiều việc như giữ gìn trật tự lớp hay năng động mỗi khi trường lớp có tổ chức liên hoan, văn nghệ v.v…
Hôm lớp Kim tổ chức liên hoan mừng lớp đoạt danh hiệu lớp giỏi, Kim nấu nồi chè và rang đậu phộng mang đến trường. Nồi chè hơi… bị khét và đậu phộng rang… hơi bị cháy. Nhưng thằng Huy biết điều lắm, nó ăn chè ăn đậu phộng rang của cô giáo và… khen cho cả lớp cùng nghe:
– Tuy chè và đậu phộng rang của cô có mùi… khét mà thành đặc biệt và ngon lắm.
Ðám trẻ ngây thơ cùng gật gù khen ngon, ăn một lúc nồi chè và mớ đậu phộng hết bay. Có lẽ không phải vì cả nể cô giáo mà vì thời buổi vật chất thiếu thốn nên lũ học trò con nhà nghèo này chẳng chê món gì.
Ôi, Kim là cô giáo giỏi nhưng nấu ăn thì đâu có giỏi vì quen được cha mẹ và anh chị nuông chiều, nàng có vào bếp nấu nướng bao giờ.
Huy phụ cô dọn dẹp, khi không có trò khác đứng gần thằng Huy đã ra vẻ kinh nghiệm “dạy” lại cô giáo nó:
– Nè cô, lần sau cô rang đậu phộng xong là đổ ra rổ ngay nha, ai biểu cô để nướng trên chảo, chảo còn nóng làm đậu phộng cháy là vậy đó.
Kim chưa biết đáp sao thì được học trò “dạy” tiếp:
– Còn nồi chè đậu xanh nữa, ai biểu cô không quậy đều, nấu hoài nó khét là vậy đó.
Kim cười trừ:
– Ừ, tại cô…quên. Không ngờ trò Huy giỏi toán lại giỏi cả bếp núc nữa ta.
– Thì ngày nào em cũng rang đậu phộng bán mà, rang khét như cô thì mẹ em hết vốn từ khuya rồi. Trước kia mẹ em bán chè em cũng biết nấu chè luôn, sau vì chè ế quá nên mẹ em mới chuyển sang mua bán ve chai, thứ này ế hay khi mẹ em bệnh thì hàng còn nằm đó chẳng hư hỏng gì.
Huy thua cô giáo Kim 4 tuổi mà ra vẻ chững chạc ngang hàng lắm. Một buổi chiều Thứ Bảy thằng Huy và thằng Thế đi bộ đến nhà Kim để mời cô giáo đi xem phim ở rạp Lạc Xuân Gò Vấp. Cô giáo mặc nguyên bộ đồ bộ tung tăng theo hai đứa học trò như ba chị em vừa đi bộ vừa nói đủ thứ chuyện từ nhà đến rạp hát Lạc Xuân để xem phim. Dĩ nhiên Kim đòi mua vé đâu nỡ để hai đứa học trò nghèo phải bỏ tiền ra bao mình, nhưng thằng Huy đã bảo Thế dùng “vũ lực” níu tay cô giáo lại để nó ra mua vé kể cả mua vài thứ ăn vặt như xoài ngâm, ổi ngâm (nó không mua món đậu phộng rang vì ngán món này quá chừng, mà Kim cũng ngán luôn vì thường xuyên ăn đậu phộng ế của nhà nó).
Thế là cô giáo được hai đứa học trò nhỏ chăm sóc lịch sự. Hai thằng nhóc đã ra dáng nam nhi biết “ga lăng” với phụ nữ.
Chưa có thầy trò nào thân tình với nhau đến thế.
Một tuần sau là ngày nhà giáo 20 tháng 11, Kim đến lớp thấy nhiều em mang theo những món quà. Ðầu tiên là con Hương mang một xấp vải lên tặng cô, Hương là con một cán bộ ở quận, có vẻ như nó hiểu địa vị của cha nó và món quà giá trị nên nét mặt nó vui sướng hãnh diện lắm.
Thằng Tùng thì vụng về bưng lên một cái rổ cũ có chục trứng gà lót trong mớ rơm khô và nói:
– Cô ơi, gà nhà em đẻ trứng, em nói má để dành đem tặng cô…
Kim đã biết gia cảnh Tùng nghèo, chắc mẹ nó phải để dành từng quả trứng cho đủ chục để Tùng làm quà tặng nhân ngày nhà giáo. Kim cảm động và thương thằng Tùng quá:
– Cô cám ơn mẹ em và em Tùng nhé, nhưng em mang trứng về nhà để ăn đi, cô hiểu tấm lòng của em rồi.
Kim nói vừa dứt lời thì thằng Tùng bỗng oà khóc như cha chết làm Kim hoảng sợ bối rối:
– Sao em khóc? Sao em khóc hả Tùng?
Thằng bé nức nở:
– Cô chê trứng gà nhà em, để em về nói má mua quà khác tặng cô.
Trời ơi, thì ra thằng Tùng hiểu lầm và “quê” với các bạn vì tưởng cô giáo chê món quà nhà nghèo cuả nó. Kim vội vàng lấy khăn tay âu yếm chùi nước mắt cho Tùng và dỗ dành:
– Cô thích ăn trứng gà lắm nhưng cô muốn để dành món ngon này cho Tùng ăn chứ cô không chê. Em nín đi, cô sẽ nhận cả rổ trứng của em.
Thằng bé mỉm cười dù những giọt nước mắt còn long lanh trong đôi mắt ngây thơ của nó.
Một món quà khác làm Kim giật mình bất ngờ khi con Hạnh mang ra… cái giò heo to tướng. Nó tự giới thiệu:
– Má em bán thịt heo hợp tác xã, má chọn cái giò heo ngon nói em mang tặng cô giáo ngày 20 tháng 11. Má nói khỏi cần tặng hoa, hoa tươi không bằng giò heo tươi. Hoa đẹp nhưng không ăn được, không xài được bền lâu còn mất công cô đổ rác.
Kim đã từng nghe các đồng nghiệp kể mỗi năm ngày nhà giáo nhận hoa đến … mỏi cả tay và không biết cắm hoa vào đâu cho hết, khi hoa héo tàn thành đống rác lại phải thanh toán cho sạch nhà. Ngày nhà giáo đi ngoài đường thấy ai ôm một đống hoa là biết ngay họ là thầy cô giáo, cái nghề không kiếm ra nhiều tiền để mà lãng mạn ngày thường mua hoa về chưng bày trong nhà nhưng ngày nhà giáo hoa chưng la liệt từ nhà trên cho tới nhà dưới, nhà bếp, nhà kho hay trên căn gác xép tối om om.
Kim nhận cái giò heo của đứa học trò có bà mẹ rất thực tế vì chắc chắn chiều nay nhà Kim sẽ có món giò heo “cải thiện” bữa ăn trên mâm cơm mà không cần tốn công chen lấn giành giật nhau mua ở phản thịt hợp tác xã.
Nhiều trò khác thì tặng hoa, tặng hộp kẹo, gói bánh. Thấy thằng Huy có vẻ buồn buồn nó né không dám nhìn Kim, Kim ngạc nhiên đến bên nó:
– Kìa Huy hôm nay em làm sao thế?
– Mấy hôm nay mẹ em bệnh không đi ve chai nên không có tiền, em không có quà cũng chẳng có hoa tặng cô.
Kim mỉm cười :
– Em và Thế đã tặng cô một buổi xem phim rạp Lạc Xuân vui quá trời rồi mà. Em đừng buồn nữa nhé.
Chiều hôm ấy Kim ra về, xe đạp của Kim chở đầy hoa, trứng, thịt và bánh kẹo. Có hương hoa thơm cho đời thêm đẹp và có thực phẩm cho bụng thêm no. Cái giò heo buộc sợi dây lạt treo tòn ten ở tay lái xe dù đã hơi ôi mà vẫn hấp dẫn làm sao, Kim đạp xe tới đâu cũng có người ngó theo, chẳng biết họ ngó cô giáo hay cái giò heo hiếm quý của thời buổi xã hội chủ nghĩa bao cấp này.
Học trò thương mến Kim, ngày nào cũng gặp đã đành, một ngày Chủ Nhật chúng còn rủ nhau đến nhà thăm cô.
Ðược ngày Chủ Nhật Kim tha hồ ngủ muộn cho đến khi nghe ngoài cổng có tiếng í ới và nghe trong nhà có tiếng chị của Kim gõ cửa phòng:
– Kim ơi, dậy mà tiếp học trò kìa, ai đời học trò đến thăm mà cô giáo còn lười biếng nằm ngủ nướng trên giường thế hả…
Kim vung chăn ngồi dậy:
– Chị ơi, chúng nó đâu rồi?
– Ðám đông đang ngồi ngoài sân cứ như biểu tình hay Chí Phèo ăn vạ hay chủ nợ đến canh nhà con nợ kia kìa, em ra mà xem…
Kim bật cười:
– Chị ví von ly kỳ thế. Khoan…khoan…chị đừng vội mở cửa nha, để đó cho em.
Kim nhanh chân chạy xuống nhà dưới ra sân đánh răng rửa mặt và… len lén đi bằng lối cổng sau ra ngôi chợ nhỏ trong xóm mua về một mớ khoai lang, khoai mì luộc nóng hổi rồi nàng mới ra mở cổng.
Lũ học trò hơn chục đứa chắc đợi lâu mệt mỏi đứa thì đứng tựa vào tường đứa thì ngồi chồm hổm trước sân nhà. Thấy cô giáo chúng mừng vui quýnh quáng xúm lại bên Kim như vừa gặp lại cô sau bao năm xa cách:
– Cô ơi chúng em đến thăm cô
– Cô có mạnh khỏe không?
– Cô ơi, sợ ngày Chủ Nhật cô đi chơi nên tụi em đến từ 7 giờ sáng để canh chừng cô.
Bây giờ là 9 giờ sáng, lũ học trò đã ngồi đợi suốt 2 tiếng đồng hồ. Kim cảm động lòng yêu thương của chúng dành cho mình và cảm động cả tính kiên nhẫn của chúng.
Kim mang mớ khoai lang khoai mì luộc vừa mua ở chợ về cùng ăn với lũ học trò, chưa bao giờ củ khoai lang khoai mì ăn điểm tâm lại ngon đến thế..
Thương mến cô giáo lũ học trò còn hãnh diện khen cô giáo của chúng đẹp nữa chứ.
Hôm Kim cho đề tài luận văn “Em hãy tả cô giáo của em” có bài văn chúng tả cô giáo Kim của chúng nào mắt bồ câu, mũi dọc dừa, môi trái tim v.v… và có đứa cả gan kết luận: “Tóm lại cô giáo Kim của em đẹp nhất trường, đẹp toàn bộ từ đầu tới tay chân giày dép, đẹp như cô Thẩm Thúy Hằng mà mẹ em có treo hình trong nhà”.
Chắc là chúng nghe người ta nói xưa nay nên quen miệng bắt chước theo chứ chúng biết mắt bồ câu mũi dọc dừa là thế nào. Kim không đẹp đến thế, mắt Kim mí lót, mũi Kim, môi Kim bình thường thì chưa bằng một góc cô minh tinh Thẩm Thúy Hằng.
Nhưng Kim biết mình cũng… dễ thương vì từ hồi học cấp hai cấp ba cho đến sư phạm đã có nhiều bạn nam sinh, bạn cùng xóm để ý thương thầm nhớ trộm. Người quen cảm mến đã đành mà người không quen cũng cảm mến. Thỉnh thoảng Kim hay lên phố chợ Hạnh Thông Tây ăn món hủ tiếu mì của tiệm Tàu, có lần Kim ăn xong ra trả tiền thì ông Tàu nói có anh kia trả tiền cho cô rồi, anh gởi lại một tờ giấy. Kim mở mẩu giấy ra với nét chữ của người xa lạ: “Cô bé dễ thương ơi, anh trả tiền cho cô bé rồi, lần sau nếu gặp anh xin phép được trả tiền lần nữa nhé”.
Anh không ghi tên tuổi, không cần làm quen, chỉ lãng mạn thế thôi, nhưng Kim… từ bỏ luôn tiệm mì ông tàu và đổi sang ăn tiệm mì khác vì chỉ sợ có anh chàng nào đó lén nhìn nàng lúc đang xì xụp ăn tô mì thì mắc cỡ lắm.
Cô giáo Kim dạy học được 3 năm, cái nghề nàng chọn ngày từng ngày đã thêm gắn bó, nàng yêu nghề giáo dù đồng lương bé nhỏ chỉ đủ cho cô nàng độc thân như nàng tiêu xài vặt khi chuyện áo cơm đã có gia đình bảo bọc.
Bạch Diệp một bạn thân của Kim thi rớt đại học không thèm vào học trung cấp như nàng mà ở nhà phụ cha mẹ bán… cây tôn, cái nghề chẳng thích hợp cho cô thiếu nữ mới lớn chút nào nhưng là nghề hái ra tiền của nhà nó. Buổi giao thời sau khi miền Nam sụp đổ người ta gỡ mái đập tường nhà để đi kinh tế mới và không bao lâu sau người ta lại có nhu cầu xây dựng nhà, tiệm bán cây tôn phát triển thêm bán cả gạch cát, xi măng nên thời nào tiệm của nhà Bạch Diệp cũng hốt bạc dễ dàng.
Bạch Diệp luôn nhìn Kim với vẻ thương hại cô bạn nghèo, chọn nghề giáo nghèo chẳng trông mong gì mánh mung bổng lộc ngoài cái ngày nhà giáo 20 tháng 11 nhận hoa, nhận quà vớ vẩn.
Yêu nghề giáo Kim yêu lũ trẻ, học trò ba niên khóa đã rời trường, có bao nhiêu đứa học trò thân quen, có bao nhiêu kỷ niệm dưới mái trường nghèo đã ghi vào lòng nàng. Nhưng những đứa học trò lớp đầu tiên của đời cô giáo là Kim nhớ nhất.
Bỗng một hôm khi Kim đang rời trường để về nhà thì một anh bộ đội xuất hiện nơi cổng trường, Kim đang ngỡ ngàng chưa kịp nhận ra ai thì anh bộ đội lấy chiếc mũ cối trên đầu ra:
– Em Nguyễn Thiện Huy nè cô.
Huy đã là một chàng trai 18 tuổi, nó to lớn và rắn rỏi, nét mặt thoáng buồn Huy kể:
– Em lớn rồi, không có tiền cũng như không có thời gian để ăn học tiếp nữa. Em mới bị gọi đi bộ đội.
Kim nói như một lời than:
– Lý lịch con sĩ quan “nguỵ” mà họ cũng gọi em đi bộ đội sao!
– Dạ, bởi đi bộ đội là chuyện sống chết và gian khổ có ai tranh giành đâu cô nên em mới được gọi, mới được “trúng tuyển” nghĩa vụ quân sự. Con cháu cán bộ hay con nhà giàu có tiền đút lót phường đội địa phương đều… rớt nghĩa vụ quân sự cả.
Kim ái ngại hỏi thăm:
– Gia đình em lúc này thế nào?
– Mẹ vẫn mua bán ve chai, các em vẫn bán hàng rong không có phép lạ nào thay đổi được. À, có em đi bộ đội nè…
Huy nói đùa mà cả Huy và cô giáo đều chẳng thấy vui. Huy buồn buồn tiếp:
– Em tới thăm cô và chúc cô luôn dạy tốt, còn em… đi bộ đội đời em không có tương lai.
Kim cũng buồn buồn an ủi một câu vô nghĩa:
– Rồi em sẽ trở về mà.
– Khi người ta phải phục vụ cho một chế độ không yêu thích coi như cuộc đời không có tương lai. Gia đình em tan nát và nghèo khổ vì họ. Người cha chết trong tù, vợ con đi kinh tế mới, con cái không có cơ hội học hành đầy đủ thì biết lấy gì và biết đến bao giờ mới bù đắp được những mất mát này…
Kim giật mình không ngờ những ý nghĩ của thằng Huy lại giống mình đến thế. Suốt ba năm đi dạy, yêu thương lũ học trò nhưng nàng đã dần dần cảm thấy cuộc đời không có tương lai khi phải sống trong một xã hội đầy rẫy những bất công dối trá và chính nàng cũng phải sống giả dối giảng dạy cho học trò những điều nàng không tin và không muốn.
Thằng Huy đã lớn thật rồi, đã trưởng thành từ những nỗi đau, tuổi mộng mơ 18 của nó đã thay thế bằng những mặc cảm tủi hờn. Kim nắm lấy bàn tay nó rưng rưng:
– Cô chúc em đi bình an và …
– Và nhất định em sẽ trở về phải không cô? Em sẽ tìm gặp cô tại trường Kim Ðồng này. Chúc cô ở lại bình an.
Một năm sau Kim đi vượt biên, nàng đến Thái Lan. Ở trại tị nạn những ngày dài tháng rộng chờ đợi đi định cư nước thứ ba thỉnh thoảng Kim cũng nghĩ tới thằng học trò đang là bộ đội, nàng nghe tin thằng Huy đóng quân bên Campuchia.
Không biết ngày Huy trở về có đến trường cũ tìm cô giáo của nó như lời hẹn không? Kim áy náy và ray rứt tưởng tượng có một anh bộ đội trẻ thất chí trở về sau những năm chiến đấu vô nghĩa, anh ta đến trường Kim Ðồng và đứng chơ vơ ngoài cổng trường vì cô giáo của anh đã đi xa.
Huy ơi, hãy thông cảm cho cô, cô từ bỏ chế độ và xã hội của họ chứ cô đâu muốn từ bỏ quê hương trong đó có trường lớp và các em học trò nhỏ của cô.
Một hôm Kim đọc báo “Ðường Sống”, một tờ báo hải ngoại, ngoài những bài viết chính từ hải ngoại còn có những đóng góp của thuyền nhân tị nạn. Báo được phân phối đến những trại tị nạn vừa để thông tin vừa giải trí.
Kim đọc bài viết của một người tị nạn ở Thái Lan, anh ta là bộ đội đã cùng một bạn bộ đội khác đào tẩu đi đường bộ từ Campuchia sang Thái Lan, nhưng chỉ một mình anh sống sót còn người bạn kia đã bị bắn chết trước khi sang biên giới Thái Lan.
Người bạn xấu số của anh tên Nguyễn Thiện Huy.
Kim bật khóc nghẹn ngào, cái tên Nguyễn Thiện Huy khó có thể là ai khác ngoài đứa học trò cũ của nàng. Kim linh cảm và tin thế.
Nguyễn Thiện Huy ơi, lời hứa hẹn ngày cô và em tái ngộ chỉ là ảo vọng thôi.
Cô và em là thầy trò cũng là hai người bạn cùng chung tư tưởng. Chúng ta không gặp nhau ở trường xưa cũng không may mắn gặp nhau nơi bến bờ tự do này. Câu em nói hôm nào như một điềm báo trước “Ði bộ đội đời em không có tương lai”.
Ở thế giới bên kia em hãy phù hộ cho mẹ và các em của em để mai này họ có một tương lai tốt đẹp hơn những gì trong quá khứ. Huy nhé!
NTTD
Kim còn đang ngơ ngác dò tìm số nhà có tới mấy cái “sẹc” 112/4/95/3 thì bỗng đâu có một tiếng kêu lên :
– Cô Kim, cô đi tìm nhà thằng Huy hả?
Một đứa học trò ở xóm này đã nhận ra Kim, nó hí hửng:
– Ðể em đưa cô tới nhà nó nghe, ở tận cuối xóm gần nghĩa địa cô ơi.
Kim vui mừng:
– Ủa, em Thế, may quá, cám ơn em đã gặp cô đúng lúc
Kim theo đứa học trò đến nhà thằng Huy, nếu không có nó thì Kim đâu biết có những con hẻm quanh co tùm lum người và rác rưới dẫn đến bãi tha ma này.
Thằng Huy có nhà, nó bối rối mời cô giáo vào trong và gọi mẹ nó đang ở sau nhà. Qua những khe hở hớ hênh của tấm liếp che Kim ngó ra sau thấy mẹ con Huy đang vội vàng bóc giấy mấy gói đậu phộng rang đổ ra một cái đĩa nhỏ làm quà mời khách.
Nói chuyện với mẹ Huy, Kim càng hiểu thêm cảnh nghèo khó của gia đình Huy, sau 1975 cha Huy đi “học tập cải tạo”, người vợ trẻ mang 3 đứa con đi kinh tế mới ở Lộc Ninh theo lời kêu gọi của địa phương với hy vọng chồng sẽ sớm được trở về, nhưng người chồng đã chết vì ốm đau đói khát trong tù. Không chịu được cuộc sống cực nhọc thiếu thốn cả đồ ăn thức uống đến điều kiện vệ sinh y tế nơi vùng đất hoang nước lạ lâu thêm nữa mẹ Huy mang ba đứa con thơ trở về thành phố, nhà cửa đã bán tống bán tháo ngày đi kinh tế mới nay không có chỗ nương thân họ về xóm nghèo này dựng lên một căn nhà tạm bợ để có chỗ trú ngụ nắng mưa. Cả bốn mẹ con hàng ngày đều phải ra đường kiếm sống, anh em Huy bán báo, bán đậu phộng rang, người mẹ thì bán ve chai. Những “nghề” của bốn mẹ con đã nói lên cảnh nghèo nàn cơ cực của họ…
Mấy hôm nay Huy nghỉ học, bạn cùng lớp nói mẹ Huy bị bệnh nên Kim đến để thăm hỏi và an ủi học trò.
Kim từ giã mẹ con Huy và theo chân trò Thế để ra ngoài đường lớn, đã vào được căn nhà cuối nẻo đường nhưng vẫn có thể lạc lối ra đối với những người mới đến đây lần đầu như Kim. Thằng Thế nhiều chuyện líu lo:
– Cô hên đó, bữa nay chắc anh em nó bán đậu phộng rang còn ế nên má nó mở mấy gói ra mời, không thì họ chẳng có gì mời cô giáo.
Kim vừa buồn cười vì lời nói của trò Thế vừa cảm thấy chạnh lòng gia cảnh trò Huy, ra tới đầu ngõ nàng tạm biệt đứa học trò và đạp xe về nhà mà lòng vẫn buồn rưng rưng.
Kim vừa tốt nghiệp Trung học sư phạm và đi dạy năm 1985.
Kim tốt nghiệp thủ khoa, được ưu tiên lựa chọn vài trường điểm của thành phố, trong đó nổi bật nhất hấp dẫn nhất là trường tiểu học Hoà Bình bên hông nhà thờ Ðức Bà, khu vực trung tâm Sài Gòn, các bạn cùng lớp đều hào hứng khuyên Kim chọn trường này toàn con nhà giàu hoặc con nhà cách mạng chức vụ cao, cô giáo sẽ tha hồ nhận quà từ những phụ huynh học sinh giàu có và địa vị.
Nhưng Kim làm bạn bè sững sờ khi nàng nhận dạy tại một trường nhỏ bé trong xóm nghèo vùng Ngã Năm Gò Vấp. Kim so sánh giữa những đứa học trò giàu và nghèo thì đứa nghèo đáng thương hơn thế là nàng chọn trường Kim Ðồng. Gia đình Kim cũng vui mừng vì Kim chọn trường gần nhà hàng ngày đạp xe đi dạy thoải mái chứ đạp xe vào thành phố nhốn nháo xe cộ đủ loại, xe chạy đủ kiểu đến nỗi mỗi đường phố đều treo những câu bảng hiệu nhắc nhở như: “Không phóng nhanh giành đường vượt ẩu” hay “Thà chậm vài giây còn hơn gây tai nạn” hay “An toàn là bạn. Tai nạn là thù” v.v… làm gia đình Kim lo lắm cứ y như nàng còn ngây thơ bé bỏng không “đương đầu” nổi với đường phố và đường đời.
Cô giáo 19 tuổi mới lớn lên chẳng nghĩ đến chuyện hơn thua, lòng nàng chỉ phơi phới những lý tưởng đẹp cho đời.
Kim dạy lớp năm, lớp có hơn 30 đứa học trò, hầu hết là con nhà nghèo cư ngụ quanh vùng. Ngày đầu tiên Kim lên bục giảng bao nhiêu ánh mắt trẻ thơ hướng về Kim đầy vẻ thân ái và ngưỡng mộ dù hôm ấy Kim mặc áo sơ mi trắng với quần tây đen chẳng có gì lộng lẫy.
Kim mỉm cười “khoe” cái răng khểnh và giới thiệu với cả lớp:
– Cô tên Kim là cô giáo mới ra trường, các em là lớp đầu tiên trong cuộc đời của cô đó, các em học hành chăm chỉ và nghe lời cô nhé…
Những đứa học trò nhao nhao lên và bắt chước nhau:
– Cô ơi, em hứa sẽ nghe lời cô…
– Cô ơi em hứa sẽ học chăm chỉ.
– Cô ơi, cô đẹp quá trời luôn.
– Cô ơi, em thích cô quá trời luôn.
Học trò cả lớp sàn sàn bằng tuổi nhau, cao thấp như nhau chỉ có Huy là đứa “già” nhất 15 tuổi, vì sau khi gia đình thất bại kinh tế mới về thành phố mấy năm sau anh em Huy mới đi học lại.
Huy tên là Nguyễn Thiện Huy, cái tên đẹp, vóc dáng và gương mặt dễ thương sáng sủa của nó đã nói lên một thời được sống trong mái gia đình an vui đầy đủ. Huy ngoan ngoãn, chăm chỉ và học giỏi.
Ðể giúp đỡ đứa học trò giỏi con nhà nghèo Kim đã bảo Huy khi nào đậu phộng rang còn ế thì mang đến trường Kim và các thầy cô giáo khác sẽ mua giúp, thường thì Kim mua bao trọn gói. Thế là thằng bé yên chí có nơi tiêu thụ dứt điểm món đâu phộng rang nhà nó.
Thằng Huy lớn nhất lớp nên đã giúp Kim được nhiều việc như giữ gìn trật tự lớp hay năng động mỗi khi trường lớp có tổ chức liên hoan, văn nghệ v.v…
Hôm lớp Kim tổ chức liên hoan mừng lớp đoạt danh hiệu lớp giỏi, Kim nấu nồi chè và rang đậu phộng mang đến trường. Nồi chè hơi… bị khét và đậu phộng rang… hơi bị cháy. Nhưng thằng Huy biết điều lắm, nó ăn chè ăn đậu phộng rang của cô giáo và… khen cho cả lớp cùng nghe:
– Tuy chè và đậu phộng rang của cô có mùi… khét mà thành đặc biệt và ngon lắm.
Ðám trẻ ngây thơ cùng gật gù khen ngon, ăn một lúc nồi chè và mớ đậu phộng hết bay. Có lẽ không phải vì cả nể cô giáo mà vì thời buổi vật chất thiếu thốn nên lũ học trò con nhà nghèo này chẳng chê món gì.
Ôi, Kim là cô giáo giỏi nhưng nấu ăn thì đâu có giỏi vì quen được cha mẹ và anh chị nuông chiều, nàng có vào bếp nấu nướng bao giờ.
Huy phụ cô dọn dẹp, khi không có trò khác đứng gần thằng Huy đã ra vẻ kinh nghiệm “dạy” lại cô giáo nó:
– Nè cô, lần sau cô rang đậu phộng xong là đổ ra rổ ngay nha, ai biểu cô để nướng trên chảo, chảo còn nóng làm đậu phộng cháy là vậy đó.
Kim chưa biết đáp sao thì được học trò “dạy” tiếp:
– Còn nồi chè đậu xanh nữa, ai biểu cô không quậy đều, nấu hoài nó khét là vậy đó.
Kim cười trừ:
– Ừ, tại cô…quên. Không ngờ trò Huy giỏi toán lại giỏi cả bếp núc nữa ta.
– Thì ngày nào em cũng rang đậu phộng bán mà, rang khét như cô thì mẹ em hết vốn từ khuya rồi. Trước kia mẹ em bán chè em cũng biết nấu chè luôn, sau vì chè ế quá nên mẹ em mới chuyển sang mua bán ve chai, thứ này ế hay khi mẹ em bệnh thì hàng còn nằm đó chẳng hư hỏng gì.
Huy thua cô giáo Kim 4 tuổi mà ra vẻ chững chạc ngang hàng lắm. Một buổi chiều Thứ Bảy thằng Huy và thằng Thế đi bộ đến nhà Kim để mời cô giáo đi xem phim ở rạp Lạc Xuân Gò Vấp. Cô giáo mặc nguyên bộ đồ bộ tung tăng theo hai đứa học trò như ba chị em vừa đi bộ vừa nói đủ thứ chuyện từ nhà đến rạp hát Lạc Xuân để xem phim. Dĩ nhiên Kim đòi mua vé đâu nỡ để hai đứa học trò nghèo phải bỏ tiền ra bao mình, nhưng thằng Huy đã bảo Thế dùng “vũ lực” níu tay cô giáo lại để nó ra mua vé kể cả mua vài thứ ăn vặt như xoài ngâm, ổi ngâm (nó không mua món đậu phộng rang vì ngán món này quá chừng, mà Kim cũng ngán luôn vì thường xuyên ăn đậu phộng ế của nhà nó).
Thế là cô giáo được hai đứa học trò nhỏ chăm sóc lịch sự. Hai thằng nhóc đã ra dáng nam nhi biết “ga lăng” với phụ nữ.
Chưa có thầy trò nào thân tình với nhau đến thế.
Một tuần sau là ngày nhà giáo 20 tháng 11, Kim đến lớp thấy nhiều em mang theo những món quà. Ðầu tiên là con Hương mang một xấp vải lên tặng cô, Hương là con một cán bộ ở quận, có vẻ như nó hiểu địa vị của cha nó và món quà giá trị nên nét mặt nó vui sướng hãnh diện lắm.
Thằng Tùng thì vụng về bưng lên một cái rổ cũ có chục trứng gà lót trong mớ rơm khô và nói:
– Cô ơi, gà nhà em đẻ trứng, em nói má để dành đem tặng cô…
Kim đã biết gia cảnh Tùng nghèo, chắc mẹ nó phải để dành từng quả trứng cho đủ chục để Tùng làm quà tặng nhân ngày nhà giáo. Kim cảm động và thương thằng Tùng quá:
– Cô cám ơn mẹ em và em Tùng nhé, nhưng em mang trứng về nhà để ăn đi, cô hiểu tấm lòng của em rồi.
Kim nói vừa dứt lời thì thằng Tùng bỗng oà khóc như cha chết làm Kim hoảng sợ bối rối:
– Sao em khóc? Sao em khóc hả Tùng?
Thằng bé nức nở:
– Cô chê trứng gà nhà em, để em về nói má mua quà khác tặng cô.
Trời ơi, thì ra thằng Tùng hiểu lầm và “quê” với các bạn vì tưởng cô giáo chê món quà nhà nghèo cuả nó. Kim vội vàng lấy khăn tay âu yếm chùi nước mắt cho Tùng và dỗ dành:
– Cô thích ăn trứng gà lắm nhưng cô muốn để dành món ngon này cho Tùng ăn chứ cô không chê. Em nín đi, cô sẽ nhận cả rổ trứng của em.
Thằng bé mỉm cười dù những giọt nước mắt còn long lanh trong đôi mắt ngây thơ của nó.
Một món quà khác làm Kim giật mình bất ngờ khi con Hạnh mang ra… cái giò heo to tướng. Nó tự giới thiệu:
– Má em bán thịt heo hợp tác xã, má chọn cái giò heo ngon nói em mang tặng cô giáo ngày 20 tháng 11. Má nói khỏi cần tặng hoa, hoa tươi không bằng giò heo tươi. Hoa đẹp nhưng không ăn được, không xài được bền lâu còn mất công cô đổ rác.
Kim đã từng nghe các đồng nghiệp kể mỗi năm ngày nhà giáo nhận hoa đến … mỏi cả tay và không biết cắm hoa vào đâu cho hết, khi hoa héo tàn thành đống rác lại phải thanh toán cho sạch nhà. Ngày nhà giáo đi ngoài đường thấy ai ôm một đống hoa là biết ngay họ là thầy cô giáo, cái nghề không kiếm ra nhiều tiền để mà lãng mạn ngày thường mua hoa về chưng bày trong nhà nhưng ngày nhà giáo hoa chưng la liệt từ nhà trên cho tới nhà dưới, nhà bếp, nhà kho hay trên căn gác xép tối om om.
Kim nhận cái giò heo của đứa học trò có bà mẹ rất thực tế vì chắc chắn chiều nay nhà Kim sẽ có món giò heo “cải thiện” bữa ăn trên mâm cơm mà không cần tốn công chen lấn giành giật nhau mua ở phản thịt hợp tác xã.
Nhiều trò khác thì tặng hoa, tặng hộp kẹo, gói bánh. Thấy thằng Huy có vẻ buồn buồn nó né không dám nhìn Kim, Kim ngạc nhiên đến bên nó:
– Kìa Huy hôm nay em làm sao thế?
– Mấy hôm nay mẹ em bệnh không đi ve chai nên không có tiền, em không có quà cũng chẳng có hoa tặng cô.
Kim mỉm cười :
– Em và Thế đã tặng cô một buổi xem phim rạp Lạc Xuân vui quá trời rồi mà. Em đừng buồn nữa nhé.
Chiều hôm ấy Kim ra về, xe đạp của Kim chở đầy hoa, trứng, thịt và bánh kẹo. Có hương hoa thơm cho đời thêm đẹp và có thực phẩm cho bụng thêm no. Cái giò heo buộc sợi dây lạt treo tòn ten ở tay lái xe dù đã hơi ôi mà vẫn hấp dẫn làm sao, Kim đạp xe tới đâu cũng có người ngó theo, chẳng biết họ ngó cô giáo hay cái giò heo hiếm quý của thời buổi xã hội chủ nghĩa bao cấp này.
Học trò thương mến Kim, ngày nào cũng gặp đã đành, một ngày Chủ Nhật chúng còn rủ nhau đến nhà thăm cô.
Ðược ngày Chủ Nhật Kim tha hồ ngủ muộn cho đến khi nghe ngoài cổng có tiếng í ới và nghe trong nhà có tiếng chị của Kim gõ cửa phòng:
– Kim ơi, dậy mà tiếp học trò kìa, ai đời học trò đến thăm mà cô giáo còn lười biếng nằm ngủ nướng trên giường thế hả…
Kim vung chăn ngồi dậy:
– Chị ơi, chúng nó đâu rồi?
– Ðám đông đang ngồi ngoài sân cứ như biểu tình hay Chí Phèo ăn vạ hay chủ nợ đến canh nhà con nợ kia kìa, em ra mà xem…
Kim bật cười:
– Chị ví von ly kỳ thế. Khoan…khoan…chị đừng vội mở cửa nha, để đó cho em.
Kim nhanh chân chạy xuống nhà dưới ra sân đánh răng rửa mặt và… len lén đi bằng lối cổng sau ra ngôi chợ nhỏ trong xóm mua về một mớ khoai lang, khoai mì luộc nóng hổi rồi nàng mới ra mở cổng.
Lũ học trò hơn chục đứa chắc đợi lâu mệt mỏi đứa thì đứng tựa vào tường đứa thì ngồi chồm hổm trước sân nhà. Thấy cô giáo chúng mừng vui quýnh quáng xúm lại bên Kim như vừa gặp lại cô sau bao năm xa cách:
– Cô ơi chúng em đến thăm cô
– Cô có mạnh khỏe không?
– Cô ơi, sợ ngày Chủ Nhật cô đi chơi nên tụi em đến từ 7 giờ sáng để canh chừng cô.
Bây giờ là 9 giờ sáng, lũ học trò đã ngồi đợi suốt 2 tiếng đồng hồ. Kim cảm động lòng yêu thương của chúng dành cho mình và cảm động cả tính kiên nhẫn của chúng.
Kim mang mớ khoai lang khoai mì luộc vừa mua ở chợ về cùng ăn với lũ học trò, chưa bao giờ củ khoai lang khoai mì ăn điểm tâm lại ngon đến thế..
Thương mến cô giáo lũ học trò còn hãnh diện khen cô giáo của chúng đẹp nữa chứ.
Hôm Kim cho đề tài luận văn “Em hãy tả cô giáo của em” có bài văn chúng tả cô giáo Kim của chúng nào mắt bồ câu, mũi dọc dừa, môi trái tim v.v… và có đứa cả gan kết luận: “Tóm lại cô giáo Kim của em đẹp nhất trường, đẹp toàn bộ từ đầu tới tay chân giày dép, đẹp như cô Thẩm Thúy Hằng mà mẹ em có treo hình trong nhà”.
Chắc là chúng nghe người ta nói xưa nay nên quen miệng bắt chước theo chứ chúng biết mắt bồ câu mũi dọc dừa là thế nào. Kim không đẹp đến thế, mắt Kim mí lót, mũi Kim, môi Kim bình thường thì chưa bằng một góc cô minh tinh Thẩm Thúy Hằng.
Nhưng Kim biết mình cũng… dễ thương vì từ hồi học cấp hai cấp ba cho đến sư phạm đã có nhiều bạn nam sinh, bạn cùng xóm để ý thương thầm nhớ trộm. Người quen cảm mến đã đành mà người không quen cũng cảm mến. Thỉnh thoảng Kim hay lên phố chợ Hạnh Thông Tây ăn món hủ tiếu mì của tiệm Tàu, có lần Kim ăn xong ra trả tiền thì ông Tàu nói có anh kia trả tiền cho cô rồi, anh gởi lại một tờ giấy. Kim mở mẩu giấy ra với nét chữ của người xa lạ: “Cô bé dễ thương ơi, anh trả tiền cho cô bé rồi, lần sau nếu gặp anh xin phép được trả tiền lần nữa nhé”.
Anh không ghi tên tuổi, không cần làm quen, chỉ lãng mạn thế thôi, nhưng Kim… từ bỏ luôn tiệm mì ông tàu và đổi sang ăn tiệm mì khác vì chỉ sợ có anh chàng nào đó lén nhìn nàng lúc đang xì xụp ăn tô mì thì mắc cỡ lắm.
Cô giáo Kim dạy học được 3 năm, cái nghề nàng chọn ngày từng ngày đã thêm gắn bó, nàng yêu nghề giáo dù đồng lương bé nhỏ chỉ đủ cho cô nàng độc thân như nàng tiêu xài vặt khi chuyện áo cơm đã có gia đình bảo bọc.
Bạch Diệp một bạn thân của Kim thi rớt đại học không thèm vào học trung cấp như nàng mà ở nhà phụ cha mẹ bán… cây tôn, cái nghề chẳng thích hợp cho cô thiếu nữ mới lớn chút nào nhưng là nghề hái ra tiền của nhà nó. Buổi giao thời sau khi miền Nam sụp đổ người ta gỡ mái đập tường nhà để đi kinh tế mới và không bao lâu sau người ta lại có nhu cầu xây dựng nhà, tiệm bán cây tôn phát triển thêm bán cả gạch cát, xi măng nên thời nào tiệm của nhà Bạch Diệp cũng hốt bạc dễ dàng.
Bạch Diệp luôn nhìn Kim với vẻ thương hại cô bạn nghèo, chọn nghề giáo nghèo chẳng trông mong gì mánh mung bổng lộc ngoài cái ngày nhà giáo 20 tháng 11 nhận hoa, nhận quà vớ vẩn.
Yêu nghề giáo Kim yêu lũ trẻ, học trò ba niên khóa đã rời trường, có bao nhiêu đứa học trò thân quen, có bao nhiêu kỷ niệm dưới mái trường nghèo đã ghi vào lòng nàng. Nhưng những đứa học trò lớp đầu tiên của đời cô giáo là Kim nhớ nhất.
Bỗng một hôm khi Kim đang rời trường để về nhà thì một anh bộ đội xuất hiện nơi cổng trường, Kim đang ngỡ ngàng chưa kịp nhận ra ai thì anh bộ đội lấy chiếc mũ cối trên đầu ra:
– Em Nguyễn Thiện Huy nè cô.
Huy đã là một chàng trai 18 tuổi, nó to lớn và rắn rỏi, nét mặt thoáng buồn Huy kể:
– Em lớn rồi, không có tiền cũng như không có thời gian để ăn học tiếp nữa. Em mới bị gọi đi bộ đội.
Kim nói như một lời than:
– Lý lịch con sĩ quan “nguỵ” mà họ cũng gọi em đi bộ đội sao!
– Dạ, bởi đi bộ đội là chuyện sống chết và gian khổ có ai tranh giành đâu cô nên em mới được gọi, mới được “trúng tuyển” nghĩa vụ quân sự. Con cháu cán bộ hay con nhà giàu có tiền đút lót phường đội địa phương đều… rớt nghĩa vụ quân sự cả.
Kim ái ngại hỏi thăm:
– Gia đình em lúc này thế nào?
– Mẹ vẫn mua bán ve chai, các em vẫn bán hàng rong không có phép lạ nào thay đổi được. À, có em đi bộ đội nè…
Huy nói đùa mà cả Huy và cô giáo đều chẳng thấy vui. Huy buồn buồn tiếp:
– Em tới thăm cô và chúc cô luôn dạy tốt, còn em… đi bộ đội đời em không có tương lai.
Kim cũng buồn buồn an ủi một câu vô nghĩa:
– Rồi em sẽ trở về mà.
– Khi người ta phải phục vụ cho một chế độ không yêu thích coi như cuộc đời không có tương lai. Gia đình em tan nát và nghèo khổ vì họ. Người cha chết trong tù, vợ con đi kinh tế mới, con cái không có cơ hội học hành đầy đủ thì biết lấy gì và biết đến bao giờ mới bù đắp được những mất mát này…
Kim giật mình không ngờ những ý nghĩ của thằng Huy lại giống mình đến thế. Suốt ba năm đi dạy, yêu thương lũ học trò nhưng nàng đã dần dần cảm thấy cuộc đời không có tương lai khi phải sống trong một xã hội đầy rẫy những bất công dối trá và chính nàng cũng phải sống giả dối giảng dạy cho học trò những điều nàng không tin và không muốn.
Thằng Huy đã lớn thật rồi, đã trưởng thành từ những nỗi đau, tuổi mộng mơ 18 của nó đã thay thế bằng những mặc cảm tủi hờn. Kim nắm lấy bàn tay nó rưng rưng:
– Cô chúc em đi bình an và …
– Và nhất định em sẽ trở về phải không cô? Em sẽ tìm gặp cô tại trường Kim Ðồng này. Chúc cô ở lại bình an.
Một năm sau Kim đi vượt biên, nàng đến Thái Lan. Ở trại tị nạn những ngày dài tháng rộng chờ đợi đi định cư nước thứ ba thỉnh thoảng Kim cũng nghĩ tới thằng học trò đang là bộ đội, nàng nghe tin thằng Huy đóng quân bên Campuchia.
Không biết ngày Huy trở về có đến trường cũ tìm cô giáo của nó như lời hẹn không? Kim áy náy và ray rứt tưởng tượng có một anh bộ đội trẻ thất chí trở về sau những năm chiến đấu vô nghĩa, anh ta đến trường Kim Ðồng và đứng chơ vơ ngoài cổng trường vì cô giáo của anh đã đi xa.
Huy ơi, hãy thông cảm cho cô, cô từ bỏ chế độ và xã hội của họ chứ cô đâu muốn từ bỏ quê hương trong đó có trường lớp và các em học trò nhỏ của cô.
Một hôm Kim đọc báo “Ðường Sống”, một tờ báo hải ngoại, ngoài những bài viết chính từ hải ngoại còn có những đóng góp của thuyền nhân tị nạn. Báo được phân phối đến những trại tị nạn vừa để thông tin vừa giải trí.
Kim đọc bài viết của một người tị nạn ở Thái Lan, anh ta là bộ đội đã cùng một bạn bộ đội khác đào tẩu đi đường bộ từ Campuchia sang Thái Lan, nhưng chỉ một mình anh sống sót còn người bạn kia đã bị bắn chết trước khi sang biên giới Thái Lan.
Người bạn xấu số của anh tên Nguyễn Thiện Huy.
Kim bật khóc nghẹn ngào, cái tên Nguyễn Thiện Huy khó có thể là ai khác ngoài đứa học trò cũ của nàng. Kim linh cảm và tin thế.
Nguyễn Thiện Huy ơi, lời hứa hẹn ngày cô và em tái ngộ chỉ là ảo vọng thôi.
Cô và em là thầy trò cũng là hai người bạn cùng chung tư tưởng. Chúng ta không gặp nhau ở trường xưa cũng không may mắn gặp nhau nơi bến bờ tự do này. Câu em nói hôm nào như một điềm báo trước “Ði bộ đội đời em không có tương lai”.
Ở thế giới bên kia em hãy phù hộ cho mẹ và các em của em để mai này họ có một tương lai tốt đẹp hơn những gì trong quá khứ. Huy nhé!
NTTD