Tuesday, 23 October 2018

“TRUYỀN THOẠI TRIỀU ĐẠI HỒ CHÍ MINH” - Hoàng Xuân Thảo


Lời nói đầu
Trăm năm một cuộc biển dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Nguyễn Du ( Truyện Kiều )
                  
Trước khi mời quý độc giả đọc cuốn “ TRUYỀN THOẠI TRIỀU ĐẠI HỒ CHÍ MINH”, người viết xin phép được nói vài lời minh xác.

1.   Cuốn sách không phải là một cuốn lịch sử theo nghĩa chính thống vì nó không viết theo phương pháp viết sử như mỗi sự việc cần phải trình bày đầy đủ các dữ kiện tất yếu như nguồn gốc, nguyên do, bối cảnh, diễn tiến và hậu quả. Nó cũng thiếu những điều kiện khi viết về một sự kiện lịch sử là ngoài các tài liệu thu thập, sưu tầm qua các phương tiện truyền thông như truyền thanh, truyền hình, điện ảnh, các tạp chí, sách vở, hồi ký, các tác phẩm văn nghệ mà còn cần phải phỏng vấn những người liên hệ hay đi quan sát tận nơi chốn đã xảy ra các sự việc hoặc các nhân vật lịch sử đã đặt chân tới.

2.   Cuốn sách này chỉ là một sự sưu tầm hạn chế các bài viết và sách truyện đã xuất hiện trên đủ loại truyền thông, phân tích những sự kiện quan trọng và thứ yếu, đáng hay không đáng tin cậy rồi sắp xếp tuần tự theo dòng thời gian để người đọc dễ theo dõi dòng lịch sử hơn. Cuối sách sẽ có bảng liệt kê danh sách các tác giả, tác phẩm, bài viết trên các mạng mà người viết chưa xin được phép trích đăng nên tại đây xin ngỏ lời cảm tạ và xin lỗi trước.

3.   Cuốn sách sẽ không chỉ bao gồm các bài viết mà còn cả các thoại được lưu truyền trong dân gian, từ độc thọai, đàm thoại, thực thoại tới đối thoại, hội thoại, huyền thoại vì thế cho nên nhan đề của cuốn sách được goị là Truyền thoại.

4.   Người viết dùng cụm từ “ Triều đại Hồ Chí Minh” vì tổ chức chính quyền của ông Hồ cũng không khác gì thời đại phong kiến. Chủ tịch Hồ là vua với thừa tướng là Tổng bí thư, bộ Chính trị gồm các Thượng thư, ban Chấp hành Trung ương là các tổng đốc, tuần phủ nắm quyền sinh sát của toàn dân; tất cả đất đai thuộc Nhà nước do Triều đình quản lý, phân phát. Các thái tử hay công tử đỏ cũng được tập ấm, cha truyền con nối, bố bí thư hay trung ương thì con cũng sẽ bí thư hay trung ương, còn con sãi chùa lại quét lá đa.

5.   Người viết cố giữ tính khách quan nhưng chắc là khó giữ được cái tình không ít nhiều xen lấn vào cái lý, nên xin có lời tạ lỗi trước tại đây tuy vẫn luôn luôn tâm niệm lời của Phan Huy Chú, “ Sử để chép cả việc hay lẫn dở để làm gương cho những người đời sau.” do đó chắc cũng không tránh được sự bất bình của người đọc thường có tâm lý, “ Yêu/Ghét ai yêu/ghét cả đường đi, lối về ” nên xin cũng có lời minh oan trước và xin đừng chụp cho cái mũ nọ kia.

6.   Ngay nhân vật chính trong cuốn sách này là Hồ Chí Minh, với những năm sinh, ngày chết khác nhau, với khoảng 200 tên họ, trong cuộc phỏng vấn năm 1962 bởi Bernard Fall còn nói, “Một người già thường thích có một chút ít huyền bí bao quanh. Tôi cũng vậy và biết là ông hiểu vì sao.” Các độc giả xin cũng hiểu  là những hình ảnh về Hồ cũng như các cận thần của ông không bao giờ hoàn toàn trắng hay đen.

7.   Sau hết, cuốn sách này khá dài, gồm khoảng 60-70 chương, mỗi chương gồm ba phần: bài viết, chú giải và lời bàn của BS Nguyễn Thượng Vũ. Cuốn sách trong khi đưa lên diễn đàn vẫn cập nhật thêm và do đó có thể còn dài hơn, nên mời qúy độc giả cứ thong thả, nhẩn nha coi như đọc giải trí khi trà dư tửu hậu...

Tác giả Hoàng Xuân Thảo

Xin bấm theo LINK sau: