Tuesday 23 October 2018

Nghệ thuật bôi đen chừa trắng - Phạm Khắc Trung



Khoảng năm 1973, viện đại học Vạn Hạnh có cuộc triển lãm "nghệ thuật bôi đen chừa trắng" rầm rộ kéo dài cả tháng, trưng bày những tác phẩm độc đáo của một nghệ nhân (một nhà sư?) mà tôi không nhớ tên, bao gồm: (1) những câu liễn, những câu đối, được dùng mực bôi đen nền giấy để chừa lại những con chữ trắng tinh, linh động; (2) những bài thơ nổi tiếng của nhiều tác giả, được bôi đen nền giấy và chừa lại những dòng thơ lung linh, trắng ngần; (3) những bức tranh bôi đen nền giấy, làm nổi bật những đường nét trắng ngời của đối tượng được vẽ như con trâu, con ngựa, cô gái, cánh đồng, mái nhà...; (4) đặc biệt nhất, toàn bộ tác phẩm Việt Nam Văn Học Sử Yếu của giáo sư Dương Quảng Hàm, được sao chép dưới dạng "nghệ thuật bôi đen chừa trắng", nằm đối chiếu với quyển gốc do Trung Tâm Học Liệu, Bộ Giáo Dục xuất bản, nói lên một sự tương phản mãnh liệt.

Thú thật, trong lãnh vực nghệ thuật thì tôi mù tịt. Tham dự cuộc triển lãm trên, ngoài sự ngạc nhiên vì khác lạ, tôi đem lòng thán phục tài năng và sự kiên nhẫn vô biên của nghệ nhân đã tỉ mỉ thực hiện công trình này, chứ tôi chẳng học được gì từ cuộc triển lãm cả, cho nên lâu ngày cũng quên bẵng mất.

Gần đây, nhân đọc câu chuyện "Vết mực đen trên tờ giấy trắng" do một người quen chuyển đến (không có nguồn và tên tác giả), bỗng dưng tôi nhớ đến cuộc triển lãm "nghệ thuật bôi đen chừa trắng" khi trước.

Bố cục câu chuyện "Vết mực đen trên tờ giấy trắng" hơi dông dài, tôi xin tóm tắt lại cho gọn, nhưng vẫn giữ nguyên văn lời đối thoại, đại khái như sau: Một diễn giả khởi đầu buổi nói chuyện bằng cách đưa ra một tờ giấy trắng có dính một vết mực đen ở giữa và hỏi hội trường thấy gì? Cả hội trường đều nhao nhao trả lời là thấy dấu chấm đen.

Sau vài động tác thiết thực để dẫn dắt hội trường chú ý đến tờ giấy và xác định câu trả lời đầy đủ là, "Thấy tờ giấy trắng dính vết mực đen". Bấy giờ diễn giả mới giải thích: "Phần lớn chúng ta chỉ nhìn thấy vết đen, vết bẩn, nhìn thấy cái xấu, cái sai của người khác mà lờ đi những khoảng trắng, những cái tốt đẹp của người ta".

Đưa mắt nhìn quanh những khuôn mặt đang đồng tình trong hội trường, diễn giả đặt tiếp câu hỏi khác, "Làm thế nào để sử dụng tờ giấy này một cách hữu ích?" Cả hội trường vang tiếng trả lời, nào là, "Hãy vẽ lên đó một đóa hoa", "Hãy gấp đôi tờ giấy mà chia thành 2 tờ giấy nhỏ", v...v...

Diễn giả gục gật đầu, mỉm cười và kết luận: "Thật đơn giản khi chúng ta thay đổi tư duy, thay đổi quan niệm của mình về những thứ xung quanh. Con người ai cũng có mặt tốt, mặt xấu, có đôi khi mắc lỗi lầm, nhưng chỉ vì cái xấu, vì những lỗi lầm mà đánh giá sai về nhau thì quả là đáng tiếc. Bởi có thể lỗi lầm đó chỉ nhỏ xíu như một chấm đen chiếm 1/99 tờ giấy trắng, mà chúng ta bỏ đi một tờ giấy đẹp, có nên chăng?"

Câu chuyện trên gợi nhiều suy nghĩ, nhưng điều tôi muốn bàn ở đây là câu giải thích của diễn giả: "Phần lớn chúng ta chỉ nhìn thấy vết đen, vết bẩn, nhìn thấy cái xấu, cái sai của người khác mà lờ đi những khoảng trắng, những cái tốt đẹp của người ta".

Đen-trắng là 2 màu cơ bản, đơn giản, tương phản, và rõ ràng. Người Á Đông quan niệm rằng màu trắng là màu tang; trong khi người Âu Mỹ lại chọn màu đen cho tang chế, và màu trắng biểu tượng cho sự trong trắng nên dùng may áo cưới cô dâu.

Tôi không có ý tranh cãi về ý nghĩa của màu sắc, cứ chấp nhận với diễn giả rằng vết mực đen tượng trưng cho cái sai, cái xấu, và khoảng trắng của trang giấy mô phỏng những điều hay, điều tốt đẹp đi.

Bây giờ tôi đảo ngược "vết mực đen trên tờ giấy trắng" của diễn giả bằng "nghệ thuật bôi đen chừa trắng", nghĩa là bôi đen hết tờ giấy và chừa lại vết trắng nhỏ ở giữa trang, thì lúc ấy người ta lại chỉ thấy vết trắng, vết đẹp, mà lờ đi khoảng đen, cái xấu bao phủ xung quanh, đúng không?

Để chứng minh điều đối nghịch rằng "người ta chỉ thấy vết trắng, vết đẹp, mà lờ đi khoảng đen, cái xấu bao phủ xung quanh" lại rất đơn giản: Hãy tưởng tượng bầu trời trong đêm đen, mọi vật phát ra ánh sáng, như ngọn đèn, như vì sao..., đều gây ra sự chú ý. Từ đó có thể kết luận: Không cần phân biệt cái đúng, cái sai, điều hay, điều dở, người ta có khuynh hướng nhìn vào chi tiết mà quên đi tổng thể!

Trở lại trường hợp 2 tờ giấy đối nghịch nhau: Tờ thứ nhất trắng có chấm đen ở giữa, tờ thứ hai đen có chấm trắng ở giữa.

Giải pháp 1: Kiện toàn chân thiện mỹ đối với tờ giấy thứ nhất là thu cho chấm đen (cái sai, cái xấu) nhỏ dần và biến mất.

Giải pháp 2: Kiện toàn chân thiện mỹ đối với tờ giấy thứ hai là bung cho chấm trắng (cái tốt, cái đẹp) lớn dần và phủ trọn tờ giấy.

Diệt cái sai, cái xấu của giải pháp 1, hoặc phát huy cái hay, cái đẹp của giải pháp 2, đều cùng dẫn tới một kết quả như nhau, là làm cho tờ giấy trắng phau. Tuy nhiên, chọn lựa giải pháp nào lại tùy thuộc rất nhiều vào các yếu tố khắc nghiệt như hoàn cảnh, môi trường và nhiều điều kiện cụ thể...

Trải qua hàng thế kỷ, Hoa Kỳ luôn tận tụy với nghĩa vụ giúp đỡ, bảo vệ và thúc đẩy hòa bình, tự do, an ninh, thịnh vượng chung cho toàn cầu. Nhưng thời gian gần đây, uy tín của Hoa Kỳ dần dà bị suy giảm, một phần cũng vì chứng nội thương ở bên trong bản thân Hoa Kỳ, nhưng chính yếu là do "sự cạnh tranh nước lớn", các quốc gia trỗi vượt lên bắt đầu "tái áp đặt ảnh hưởng của họ ở khu vực và toàn cầu", họ đang "thách thức lợi thế địa chính trị của Hoa Kỳ, và cố gắng thay đổi trật tự quốc tế theo chiều hướng có lợi cho họ", bằng những chính sách ma quỷ, như:

1) Ngầm hỗ trợ và xúi dục các nước độc tài phát triển vũ khí tiêu diệt nguy hiểm, cũng như nuôi dưỡng và tiếp tế cho các tổ chức khủng bố, nhằm phá hoại, đe dọa an ninh khu vực và thế giới, gây tiêu hao tiềm lực của Hoa Kỳ và đồng minh.

2) Áp đặt chủ nghĩa bành trướng bá quyền, cá lớn hiếp cá bé, bằng nhiều thủ đoạn hiểm độc bất chấp công lý và lối sống văn minh: Về ngoại giao thì dùng "phong bì" hay mỹ nhân mua chuộc cấp lãnh đạo các nước nhỏ; về kinh tế thì dùng bẫy nợ làm đòn bẩy hòng cướp đoạt tài nguyên của những quốc gia nghèo; về quân sự thì dùng vũ lực thôn tính đất đai, biển đảo, hay thao túng chủ quyền của các nước láng giềng, bất chấp phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế...   

4) Cạnh tranh bất chính: Sử dụng các doanh nghiệp nhà nước và hỗ trợ kế hoạch công nghiệp mà chính phủ điều hành để cạnh tranh hưởng lợi; tham gia vào các hoạt động bán hạ giá sản phẩm, ép buộc chuyển đổi công nghệ, và đánh cắp tài sản trí tuệ...

5) Thương mại thiếu công bằng hàng nhiều thập kỷ. Trong khi nước Mỹ cho phép hàng hóa nước ngoài đổ vào tự do, thì họ lại không cho Mỹ tiếp cận thị trường của họ. Thậm chí còn lợi dụng sự cởi mở của nước Mỹ để thao túng đồng tiền, xả hàng giả, hàng dỏm, hàng nhái, hàng độc hại, và hàng rẻ do được trợ giá..., gây thâm thủng thương mại cho Hoa Kỳ lên đến 375 tỷ đô la trong năm vừa qua.

6) Chà đạp nhân quyền, coi thường pháp luật, cưỡng bức lao động, bóc lột công nhân, đàn áp tôn giáo, truy bức các Kitô hữu, Phật tử và Pháp Luân Công, bỏ tù hàng triệu dân tộc thiểu số theo đạo Hồi Giáo...

Trong chiến lược giải trừ những nguy hại trên, Tổng Thống Donald Trump căn cứ trên những giá trị truyền thống sáng ngời đã dựng thành nước Mỹ, ông nói: "Tại Mỹ, chúng tôi tin vào sự uy nghiêm của tự do và phẩm giá của mỗi cá nhân. Chúng tôi tin vào quyền tự trị và hệ thống luật pháp. Và chúng tôi đánh giá cao nền văn hóa duy trì sự tự do của chúng tôi - một nền văn hóa được xây dựng trên nền tảng là những gia đình mạnh mẽ, lòng tin sâu sắc và sự độc lập. Chúng tôi tri ân những vị anh hùng của mình, chúng tôi trân quý những giá trị truyền thống của mình, và trên hết, chúng tôi yêu quê hương, đất nước chúng tôi (In America, we believe in the majesty of freedom and the dignity of the individual. We believe in self-government and the rule of law. And we prize the culture that sustains our liberty - a culture built on strong families, deep faith, and fierce independence. We celebrate our heroes, we treasure our traditions, and above all, we love our country)".

Từ đấy phát huy những giá trị truyền thống của nước Mỹ làm mẫu mực để sửa đổi TRẬT TỰ THẾ GIỚI cho được hoàn mỹ, để trước nhất là vì lợi ích của nước Mỹ và người dân Mỹ (America First), sau nữa để tất cả công dân toàn cầu được hít thở không khí độc lập - tự do, quyền làm người được pháp luật tôn trọng và bảo vệ, hệ thống pháp luật được thực thi một cách nghiêm minh và công bằng, người người vui sống trong hòa bình, văn minh, thịnh vượng, chấm dứt nạn cá lớn hiếp cá bé...

Hiển nhiên, Tổng Thống Donald Trump đã chọn giải pháp thứ hai để cải tổ, nhằm phát huy cái hay, cái đẹp, bắt đầu từ nước Mỹ bung ra thế giới, trong mục tiêu "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" (Make America Great Again).

Trong diễn văn đọc trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (Khóa 73), tại New York, ngày 25/09/2018, Tổng Thống Donald Trump tổng kết những thành quả mà Hoa Kỳ đạt được trong thời gian chưa đầy 2 năm kể từ ngày ông đắc cử Tổng Thống: Nền kinh tế Hoa Kỳ nở rộ hơn bao giờ hết, tài sản thu về được hơn 10 ngàn tỷ đô la, thị trường chứng khoán ở mức cao nhất, tạo thêm được hơn 4 triệu việc làm mới trong ngành sản xuất, đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống thấp nhất trong nửa thế kỷ qua... Về quốc phòng, với kinh phí 700 tỷ đô la cho năm nay và 716 tỷ đô la cho năm tới, quân lực Hoa Kỳ sẽ sớm trở nên uy lực hơn bao giờ hết. Tổng Thống Donald Trump cương quyết: "Hoa Kỳ mạnh hơn, an toàn hơn, và đất nước giàu hơn so với khi tôi nhậm chức cách đây chưa đầy hai năm. Chúng tôi đang đứng lên bảo vệ nước Mỹ và người dân Mỹ. Và chúng tôi cũng đang đứng lên bảo vệ thế giới. Đây là những thông tin đáng mừng cho công dân của chúng tôi và cho những người yêu hòa bình ở khắp mọi nơi. Chúng tôi tin rằng khi các quốc gia tôn trọng quyền của các nước láng giềng, bảo vệ lợi ích của nhân dân mình, thì họ có thể cùng nhau nỗ lực để mang lại phước lành về an toàn, thịnh vượng và hòa bình. (The United States is stronger, safer, and a richer country than it was when I assumed office less than two years ago. We are standing up for America and for the American people. And we are also standing up for the world. This is great news for our citizens and for peace-loving people everywhere. We believe that when nations respect the rights of their neighbors, and defend the interests of their people, they can better work together to secure the blessings of safety, prosperity, and peace)".

Thật tuyệt vời, ngày 11/10/2018, bình luận gia Marc Thiessen viết: "Donald Trump có thể được nhớ đến như là tổng thống trung thực nhất trong lịch sử Mỹ hiện đại (Donald Trump may be remembered as the most honest president in modern American history)". Theo bình luận gia, trong gần hai năm qua, từ ngày đắc cử tổng thống, ông đã thực hiện được hầu hết những cam kết của ông khi tranh cử như: Rút lui khỏi TPP; cắt giảm thủ tục hành chánh rườm rà trong kinh doanh; đẩy lùi nguy cơ chiến tranh nguyên tử với Bắc Hàn; tiêu diệt khủng bố ISIS; kiểm soát làn sóng di dân từ các nước Trung Đông để chặn khủng bố Hồi giáo cuồng tín; trừng phạt Syria khi chúng sử dụng vũ khí hóa học; di chuyển Tòa Đại Sứ Mỹ đến Jerusalem; cải tổ và giảm thuế toàn diện; thu hồi những thỏa ước bất lợi về khí hậu và môi sinh; rút ra khỏi hiệp ước về hâm nóng địa cầu Paris; bổ nhiệm 2 thẩm phán bảo thủ vào Tối Cao Pháp Viện; mang lại công ăn việc làm cho tất cả, kể cả dân da đen và da nâu; ký thỏa thuận thương mại mới với Mexico, Canada và Hàn Quốc; đánh sách lược mậu dịch bá quyền của Trung Cộng. Ngoại trừ 2 việc chưa thực hiện được xây tường biên giới Mễ và thu hồi Obamacare, nhưng ông đã cố gắng hết mức và sẽ tiếp tục thực hiện.

Trách nào Phó Tổng Thống Mike Pence cho rằng: Tổng Thống Donald Trump – vị tổng thống thứ 45 của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, một quán quân của lãnh đạo Mỹ, trong cũng như ngoài nước (a champion of American leadership, at home and abroad).

Phạm Khắc Trung