Khi nghe tiếng chuông nhà thờ trên khắp nước Pháp cùng reo lên hôm 11 tháng 11 năm 1918, người dân chợt tỉnh, biết mình còn sống . Tiếng chuông chào mừng đình chiến . Mọi người bật khóc . Khóc vì mình còn đây . Khóc cho mọi thứ, cho bao nhiêu sanh mạng, tất cả bị chôn vùi và sẽ chẳng bao giờ trở lại .
Về nhân mạng, có 18.591.701 vừa quân nhân vừa dân sự . Nhưng thua Đệ II Thế chiến, sự thiệt hại nhân mạng mới khủng khiếp hơn, ước tính từ 50 tới 70 triệu người .
Hôm chủ nhật 11-11-2018 nước Pháp tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm Đệ I Thế chiến rất trọng thể . TT. Macron mời Tổng thống, Quốc trưởng, Thủ tướng của 80 quốc gia tham dự . Lễ cử hành trước Đài tưởng niệm Chiến sĩ vô danh tại Khải hoàn môn, Paris VIII .
Riêng nhà thờ Đức Bà của Paris thắp sáng đủ màu sắc khác nhau, với tiếng nhạc trổi lên liên tục .
11 giờ sáng cùng ngày, Thế Chiến Thứ Nhất chính thức kết thúc. Khu rừng trống Rethondes, ở phía Đông -Bắc nước Pháp, năm 1922 được mang tên Allée Triomphale (Ngõ Chiến thắng). Năm 1937 một bức tượng lớn của tướng Foch được dựng lên chính tại nơi này. Ở giữa khu rừng Rethondes có một tấm bảng khắc hàng chữ :"Nơi này ngày 11 tháng 11 năm 1918, những dân tộc tự do đã đánh gục đế quốc Đức kiêu hãnh".
Toa xe lửa làm nơi hội nghị Hòa bình có dấu ấn của tướng Foch sau đó được chuyển về Paris.
Năm 1940,Pháp đầu hàng . Hitler ra lệnh đưa toa tàu nơi quân đội đồng minh đã buộc nước Đức ký Hòa Ước năm 1918 từ Paris trở lại Rethondes. Ngày 21 tháng 6 năm 1940, Hitler bước lên toa tàu, ngồi vào đúng chiếc ghế của tướng Foch đã ngồi năm xưa chủ trì ký hòa ước Đức thua cuộc .
Từ đó tới nay, chưa một lãnh đạo Đức nào đặt chân đến Rethondes. Phải đợi 100 năm sau kết thúc Thế Chiến Thứ Nhất, thủ tướng Angela Merkel, nay là nguyên thủ nước Đức, người đầu tiên trở lại khu rừng lịch sử đau thương ấy .
Trong bài diển văn khai mạc, TT. Macron nhấn mạnh «Chuyển giao lại cho con em của chúng ta cái thế giới mà các thế hệ trước đã mơ ước» . Nhưng ông lo sợ ngày nay «những con quỉ xưa lại xuất hiện trở lại» . Vì «Những ý hệ mới đang chi phối các tôn giáo, lịch sử đang hăm dọa trở lại trên con đường bi thảm … Mong rằng lễ kỷ niệm hôm nay sẽ mãi mãi không quên những tử sĩ của chúng ta» .
Ông nói tiếp «Thế giới của chúng ta đang bắt đầu một thời đại mới, bắt đầu một nền văn minh mới đề cao những năng lực của con người » .
Ông nhắc lại chính lòng yêu nước đã thúc đẩy người Pháp chiến đấu năm 1914, mà lòng yêu nước là thứ tình cảm thiêng liêng đối nghịch với tinh thần quốc gia cực đoan .
Ông không quên nhắc lại lời của Thủ tướng Georges Clémenceau «Là chiến sĩ của nhân quyền, chiến sĩ của tự do, nước Pháp sẽ tiếp tục và bao giờ cũng là người lính của lý tưởng».
Và «thanh niên các tỉnh, thanh niên Hải ngoại, thanh niên của cả thế giới tới đây chết cho những ngôi làng mà họ chưa kịp biết tên » !
Vài chuyện cũng nên biết qua
Lễ kỷ niệm 100 năm đệ I Thế chiến, Pháp mời Đại diện chánh phủ các nước tới tham dự lễ . Sáng nay, có Đại diện của 68 nước tới. Hoa kỳ có TT. Donald Trump, Nga có TT. Vladimir Poutine, Úc có Tổng Thống đốc Peter Cosgrove, LHQ có TThư ký Antonio Guterres, Đức có TTướng Angela Merkel, Canada có TTướng Justin Trudeau, Liên Hiệp Âu châu có Chủ tịch Ủy Hội Jean-Claude Juncker, … Và những người này sẽ là khách danh dự của Tổng thống Macron trong bữa tiệc ở Điện Elysée .
Lực lượng an ninh bố trí dày đặc để bảo vệ các yếu nhân tham dự lễ . Tại Công trường Cộng hòa, Paris X, một nhóm tả khuynh quá khích tổ chức biểu tình chống ông Trump . Cảnh sát đặc biệt để ý đến tổ chức Black Bloc . Nhưng gần nơi cử hành lễ, ngay trên Đại lộ Champs-Élysée, lúc quan khách tới, Hội tranh đấu nữ quyền Femen ra tay khuấy rối. Một phụ nữ cởi bỏ y phục, đưa ngực trần, giăng tay chận xe của ông Trump tuy biết xe của ông là loại xe bọc thép vô cùng kiên cố . Ông đi trễ nên tới lễ đài bằng xe riêng của ông . Dĩ nhiên vừa chạy ra giữa đường, người phụ nữ này liền bị cảnh sát nhào ra ôm ngực, kéo ra ngoài . Cũng phải mất vài phút giằng co giữa hai bên .
Theo chương trình, khách tới Điện Elysée trước và được ông bà Macron đón tiếp . Dừng lại ở đó cho tới lúc gần 11 giờ, được Bus chở tới lễ đài . Nhưng ông Tổng thống Hoa kỳ tới trễ sau cùng . Ông không tới Điện Elysée như những người khác mà tới thẳng chổ làm lễ một mình . Người thứ nhì cũng đi trễ như ông, nhưng tới trước ông một chút, đó là ông Tổng thống Nga . Ông Poutine đi cô đơn một mình . Trông thật tội nghiệp !
Trước lễ đài còn mươi thước, tất cả đều đi bộ dưới trời mưa khá nặng hột, tới khán đài và ngồi vào chỗ của mình .
Hôm ấy, trước tiền đường Tòa Thị chánh Paris, chánh quyền đặt 94 415 bông Primevères và Pensées tượng trưng cho 94 415 người dân Paris đã chết trong trận Đệ I Thế chiến . Tới 18 giờ, tên của họ sẽ lần lược hiện trên màn ảnh lớn của Tòa Thị chánh để người dân ngày nay biết và vinh danh họ .
Lễ ở Khải Hoàn môn vừa kết thúc, tiếng kèn Đình chiến thổi lên, 130 quan khách đứng lên trở lại Điện Elysée dự đại yến . Nhưng lối bốn mươi phu nhân được đưa qua Điện Versailles dự tiệc trong Salon Vénus (Phòng Vệ nữ) . Thực đơn giống y như ở Elysée .
Trong chương trình có dự định đi thăm viếng nghĩa địa Bois Belleau trong tỉnh Aisne, cách Paris chừng 150 km về hướng Đông-Bắc, nơi an nghỉ lính Hoa kỳ tử trận, nhưng tới giờ chót, ông Trump hủy bỏ do thời tiết quá xấu, đi bằng trực thăng thấy không an toàn .
Sự thay đổi bất ngờ này cũng là đề tài để ông bị phê phán với nhiếu lý do phức tạp !
Ấn, Úc và Tân-Tây-lan cử hành lễ Đình chiến
Những thuộc địa cũ của Anh cũng cùng nhau tổ chức lễ Đình chiến vì đều có tham dự thế chiến .
Ở Tân- đề-ly (New Delhi), dân chúng khá đông tham dự lễ tổ chức rất long trọng để tưởng niệm những người phụ nữ và đàn ông đã bỏ mình trong chiến tranh 14-18 . Tiếng kèn réo rắc trong buổi lễ ở nghĩa trang quân đội Đề-ly . Có tất cả 1,3 triệu người dân Ấn bị đi lính . Và có 74 000 tử trận .
Ở Canberra, Thủ tướng Úc, ông Scott Morrison nhắc lại sự hi sinh của đồng bào của ông ở Miến nam nước Pháp . Trong trận Thế chiến I, nước Úc có 400 000 người nhập ngũ, hết 300 000 tham chiến ở hải ngoại, có 62 000 người tử vong . Lúc bấy giờ Úc chỉ mới có 5 triệu dân .
Tân-Tây-lan cử hành lễ bằng 2 phút mặc niệm vào đúng 11 giờ sáng cùng ngày . Tiếp theo là 100 phát đại bác hướng ra biển Wellington trong lúc đó, trên cả nước, nhà thờ đổ chuông, các cơ quan cứu cấp hụ còi, người đi đường nhận còi xe inh ỏi .
Những người lính Đông dương
Trước đây, khi Tây đánh giặc thường không thiếu lính người Việt nam trong quân đội . Cả trong 2 trận thế chiến . Lính Việt nam trong Đệ II Thế chiến ít hơn vì Đức thua trận sớm nên chưa kịp tới . Trong ĐỆ I Thế chiến, thanh niên Việt nam bị bắt đi lính tới 93 000 người . Phân nửa số này chiến đấu trên chiến trường .
Sự đóng góp xương máu của họ cho Pháp được ghi ở Vườn Nông học Nhiệt đới Paris (Jardin d’Agronomie Tropicale de Paris) trong rừng Vincennes . Ngoài ra, ở Pháp còn có 6 công trình Kỷ niệm về người Lính đông dương ở Marseille - Aix-en-Provence, ở Montpellier, ở Tarbes, ở Bergerac và ở Toulouse.
Theo sử gia Pierre Brocheux (Thu Hằng,rfi), nhiều lính Đông Dương có mặt trong các đơn vị chiến đấu không chỉ ở Pháp, mà sau đó, họ còn được đưa tới các nước vùng Balkan để chiến đấu chống quân Bulgari, đồng minh của Đức, và chống lực lượng Bôn-sê-vic (cộng sản Đệ III sau này) vào năm 1917, lúc diễn ra Cách Mạng Bôn-sê-vic Nga lan sang vùng Trung Âu và Balkan.
Ngoài ra, lính Đông Dương còn được đưa tới phía Bắc Syrie- Liban đánh với người Druze gốc Ả Rập theo đạo Hồi . Pháp được ủy quyền quản lý Liban và Syrie, cùng lúc với việc Anh Quốc được quản lý Palestine, Jordanie, có nghĩa là Pháp-Anh chia sẻ việc cai quản một phần đế chế Ottoman ngày trước. Người Druze nổi dậy vào khoảng năm 1925 khi các đội quân Pháp đến Trung Đông, mà người ta vẫn gọi là « Cuộc nổi dậy của người Druze », kéo dài khoảng 2-3 năm. Và lính Đông Dương được cử đến đây để đánh người Druze.
Trên mặt trận Balkan, tất cả sĩ quan Pháp đều đánh giá lính Đông Dương là những người lính giỏi, làm tròn nhiệm vụ . Ngoài ra, họ còn được gửi đến Vladivostok . Khi Lénine dùng bạo lực cướp được chánh quyền cách mạng dân chủ năm 1917, phe Bôn-sê-vic lên nắm quyền và thành lập nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết Liên Bang Nga. Lính Đông Dương có mặt tại Vladivostok để chống phe Bôn-sê-vic, trong đạo quân viễn chinh quốc tế gồm người Anh, Pháp, Mỹ, Nhật.
Trong thư từ còn lưu giữ những người lính Đông dương này có người than phiền đời sống cực kỳ gian khổ, họ bị bạc đải, đối xử hà khắc ; có kẻ lại hài lòng vì họ được người Pháp chiêu đãi thân tình, coi họ như con em trong nhà. Không ít người, sau chiến tranh, chọn ở lại Pháp, lập gia đình với các cô đầm tóc vàng .
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều bức thư cho thấy, một cách chung chung, rất nhiều người Việt nam, vì là người dân của một xứ bị đô hộ, mong Pháp thua trận. Nhưng khi Đức thất bại, người ta nhận thấy là lính Đông Dương không thể hiện niềm vui, nhưng một-hai năm sau đó, họ cũng thừa nhận là Pháp đã chiến thắng.
Nghĩa trang Bagneux, ngoại ô phía Nam Paris (BNF/Agence Meurisse)
Diễn đàn Paris Hòa bình
Đúng 15 giờ 30, Diễn đàn Hòa bình khai mạc . Hơn sáu mươi chính khách thế giới rời Điện Elysée tới Nhà Hội Villette ở Paris XIX .
Diễn đàn Paris Hòa bình được quan niệm là nơi bênh vực chủ trương đa văn hóa . Đại diện các chánh phủ trên thế giới sẽ hẹn gặp nhau mỗi năm một lần .
Thủ tướng Đức Angela Merkel được mời phát biểu đầu tiên . Bà cho rằng «tình hình thế giới hiện nay rất đáng lo : Hợp tác quốc tế, bảo đảm quân bình quyền lợi các quốc gia và kể cả dự án hoà bình ở châu Âu cũng bị thách thức vì chủ nghĩa dân tộc một chiều».
Không trực tiếp công kích một nước nào, Mỹ, Nga hay Trung Quốc, thủ tướng Đức khuyến cáo hãy quan tâm và ứng sử đúng mức «những hành động đơn phương bất chấp những cam kết đa phương và song phương, những mưu toan làm tê liệt Liên Hiệp Quốc» . Bà nhấn mạnh «Phá hủy một định chế quốc tế thì dễ, nhưng xây dựng thì rất khó» .
Tiếp lời thủ tướng Đức, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres lưu ý những yếu tố hiện nay « dường như » đang đưa thế giới «trở lại thập niên 1930», thời kỳ trước Thế Chiến Thứ Hai. Những yếu tố đáng ngại đó là «khủng hoảng tài chánh 2008», là «các cuộc bầu cử ở hai bên bờ Đại Tây Dương trong năm 2016», hàm ý nói đến sự kiện Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ và sự thắng thế của các đảng bài ngoại tại châu Âu.
Theo tổng thư ký Liên Hiệp Quốc «một xã hội bị phân cực, nền tảng dân chủ và Nhà Nước thượng tôn pháp luật bị sói mòn, quan niệm sai lầm về bản sắc dân tộc, thái độ khinh thường các nguyên tắc dân chủ là «liều thuốc độc » đánh vào chủ nghĩa đa phương» .
Phát huy một thế giới hoà bình, đa phương cũng là thông điệp của tổng thống Pháp Emmanuel Macron vài giờ trước đó tại Khải Hoàn Môn, Paris.
Nguyễn thị Cỏ May