Danlambao (cập nhật)
Những điểm trình bày của blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trong cuộc vận động tại Washington DC
Trong hai năm qua đã có hơn 20 người hoạt động bị kết án tại Việt Nam vì liên quan đến những hoạt động bảo vệ môi trường và lên án nhà máy sản xuất thép Formosa sau biến cố xả thải làm cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh ven biển miền Trung. Chúng tôi tin rằng việc xả thải không phải là một tai nạn như chính phủ VN và Formosa công bố mà đây là một hành động cố tình bởi những công ty thầu dự án của Trung Quốc nhằm tiêu diệt môi trường và vô hiệu hoá những hoạt động của ngư dân VN trên vùng biển của VN mà TQ muốn tranh chấp chủ quyền.
Do đó, bên cạnh vấn nạn đàn áp nhân quyền, tự do dân chủ, người dân Việt Nam đối diện với hiểm hoạ môi trường mà phần lớn đến từ các công trình của Trung Quốc. Chúng tôi tin rằng việc gia tăng kết án nặng nề những người hoạt động tại VN trong 2 năm qua đều do áp lực của Bắc Kinh lên Hà Nội.
Gần đây Dự luật Đặc Khu nhằm luật hóa việc cho thuê Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc trong 99 năm là chủ trương dọn đường cho TQ vào khai thác và chiếm đóng 3 địa bàn chiến lược nằm tại 3 miền khác nhau ở VN. Đây là phiên bản thôn tính mà TQ đã áp dụng ở nhiều quốc gia khác.
Bên cạnh đó là Luật An Ninh Mạng đã được thông qua. Đạo luật này không phải chỉ để kiểm soát hay tấn công vào thành phần hoạt động nhân quyền mà sâu rộng hơn là để tạo khó khăn cho các công ty Hoa Kỳ từ đó thay thế các hệ thống mạng xã hội của các công ty này bằng các sản phẩm của TQ nhằm kiểm soát mọi hoạt động, dữ kiện trên internet của 90 triệu người dân VN.
Sự việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một người trung thành tuyệt đối với Bắc Kinh trở thành Chủ tịch nước sau cái chết đầy mờ ám của ông Trần Đại Quang cũng sẽ làm Việt Nam lệ thuộc sâu hơn vào Trung Quốc.
Từ đó, vấn nạn mà VN đối diện ngày hôm nay không chỉ giới hạn trong vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền mà còn là nguy cơ mất chủ quyền chính trị và độc lập quốc gia.
Những vấn đề này đan chặt với nhau vì chúng tôi tin rằng một trong những quyền con người quan trọng nhất là quyền công dân được lên tiếng nói, bày tỏ nguyện vọng của mình để bảo vệ an ninh của tổ quốc, trong đó có an toàn về môi trường và toàn vẹn lãnh thổ.
Ngày 10 tháng 10 năm 2016 tôi bị bắt và sau đó bị tuyên án 10 năm tù cũng vì thể hiện quyền công dân trên. Sau tôi, hàng loạt các công dân VN khác cũng bị kết án nặng nề vì những hoạt động tương tự. Nhân dịp này, tôi xin kêu gọi sự quan tâm của chính phủ Hoa Kỳ về tình trạng của bà Trần Thị Nga, một người phụ nữ với 2 con còn nhỏ đã bị bắt giam và kết án 9 năm tù giam vì những hoạt động bảo vệ môi trường, phản đối hoạt động của Formosa. Tôi kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ cho chúng tôi tranh đấu đòi tự do cho bà Trần Thị Nga.
Chúng tôi tin rằng chính sách đối đầu với Trung Quốc của Hoa Kỳ là cần thiết và có lợi cho đất nước và người dân Mỹ. Chúng tôi cũng tin tưởng rằng sự quan tâm của Hoa Kỳ tại biển Đông, ngăn chận sự bành trướng trái phép của Trung Quốc cũng đem lại những chuyển biến tích cực trong việc bảo vệ chủ quyền của người dân VN tại vùng biển này. Từ đó, chúng tôi kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ hãy xem 90 triệu người dân Việt Nam và cộng đồng người Việt Quốc gia tị nạn cộng sản tại Hoa Kỳ là những đồng minh, là đối tác cần được quan tâm trong những chính sách, thương thảo và ký kết với chính phủ Việt Nam.
*
Buổi họp với văn phòng Thượng Nghị sĩ Marco Rubio
(Ảnh Danlambao)
Vì thời tiết xấu và công việc đột xuất, TNS Marco Rubio đã không bay về DC kịp như dự trù mặc dù ông cho biết rất muốn gặp Mẹ Nấm vì ông đã từng lên tiếng can thiệp cho cô được tự do. Thay mặt ông vào giờ chót là cố vấn chính trị cấp cao Robert Zarate cùng 2 nhân viên của văn phòng trong đó có cô Bethany Poulos đã gặp gỡ và trao đổi với Mẹ Nấm về tình hình Việt Nam cũng như những nỗ lực của văn phòng TNS Marco Rubio.
Phía văn phòng TNS cho biết trong thời gian qua họ đã đẩy mạnh chiến dịch online trên toàn thế giới để hỗ trợ tự do báo chí, đã gặp đối tác tại VN cũng như yêu cầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ can thiệp và đòi tự do cho chị Trần Thị Nga. Văn phòng cũng chia sẻ nỗ lực của TNS Marco Rubio cùng với TNS Robert Menendez và TNS Ron Wyden đối với luật An Ninh mạng tại VN. Những TNS này đã viết thư gửi đến Facebook và Google yêu cầu các công ty này không tuân thủ các điều kiện và luật lệ do chính phủ VN áp đặt nhằm kiểm soát tự do ngôn luận và thông tin của người dân VN cũng như các công ty Hoa Kỳ hoạt động tại VN.
Sau khi trình bày một số vấn đề chính tại VN, văn phòng TNS Marco Rubio đã hỏi họ cần làm thêm những gì để hỗ trợ cuộc tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền của người dân VN. Mẹ Nấm đã đề nghị:
- Tiếp tục tạo áp lực lên nhà cầm quyền VN về luật An ninh mạng và đòi hỏi các công ty Hoa Kỳ phải tôn trọng quyền tự do thông tin và bảo vệ dữ kiện riêng tư của người dùng. Đặc biệt là đặt vấn đề với Facebook về tình trạng xoá bài, xoá các chia sẻ, hay đóng tài khoản của nhiều người sử dụng tại VN theo yêu cầu của nhà cầm quyền.
- Hỗ trợ cho việc xây dựng năng lực (capacity building) cho phong trào tự do dân chủ tại VN.
- Buộc từng quan chức CSVN phải chịu trách nhiệm cho những hành động vi phạm nhân quyền và đàn áp người dân.
- Từ chối cấp VISA nhập cảnh Hoa Kỳ đối với những thành phần quan chức trên.
Văn phòng TNS Marco Rubio sau đó đã đề nghị Mẹ Nấm và các thành viên Mạng Lưới Blogger VN cung cấp cho văn phòng danh sách các quan chức CSVN đã vi phạm nhân quyền.
Tiếp xúc với giới truyền thông tại Văn phòng báo chí của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ
(Ảnh DLB)
Trong cuộc gặp gỡ với một số phóng viên báo chí tại BNG, Mẹ Nấm đã chia sẻ tình hình kiểm duyệt báo chí tại VN. Cô cũng cho biết tình trạng đàn áp tự do ngôn luận, kết án nhiều bloggers đã và đang xảy ra. Những người có mặt đã bày sự cảm thông về những nỗ lực đấu tranh của Mẹ Nấm nói riêng cũng như nhiều blogger VN khác. Các phóng viên cũng bày tỏ sự đồng tình hỗ trợ và đề nghị Mẹ Nấm liên lạc với họ khi cần phổ biến, tạo sự quan tâm của người dân Hoa Kỳ đối với những vấn nạn tại VN.
Ngày 2 - 14/11/2018:
Buổi họp với đại diện các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Âu Châu (LHAC)
Vào lúc 11h00 sáng, tại trụ sở của Liên minh Âu châu, Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã có buổi tường trình với một số đại diện của EU, gồm có: Tây Ban Nha (Spain), Bỉ (Belgium), Bồ Đào Nha (Portugal), Hoà Lan (Netherlands), Anh (Great Britain) và Slovakia.
Mẹ Nấm đã bắt đầu phần trình bày của mình với lời cảm ơn LHAC đã không ngừng can thiệp cho trường hợp của cô, đã yêu cầu vào tù thăm cô nhưng nhà cầm quyền CSVN đã không đồng ý. Trong buổi tiếp xúc này, Mẹ Nấm đã kêu gọi LHAC tiếp tục tạo thêm áp lực đối với nhà cầm quyền CSVN để trả tự do cho các tù nhân lương tâm, đặc biệt là trường hợp của chị Trần Thị Nga, một nhà nữ tranh đấu cho nhân quyền và môi trường với 2 con nhỏ.
Tại trụ sở của EU (ảnh Danlambao)
Mẹ Nấm cũng đã trình bày với đại diện của EU về vấn nạn môi trường và nguyên nhân cá chết đến từ Formosa, cũng như việc những người hoạt động bảo vệ môi trường, phản đối Formosa đã bị kết án nặng nề trong 2 năm qua. Đại diện EU đã hỏi Mẹ Nấm là nên chỉ áp lực lên nhà cầm quyền hay còn phải tạo áp lực lên các công ty đầu tư vào VN, buộc các công ty này phải tuân thủ những điều kiện bảo vệ môi trường.
Mẹ Nấm đã đề nghị EU cần áp lực cả 2, buộc Hà Nội phải tuân thủ những công ước quốc tế mà VN đã ký kết, và hỗ trợ cho người dân VN có những thông tin về nguồn gốc, quá trình hoạt động của các công ty ngoại quốc đầu tư vào Việt Nam.
Đại diện EU cũng đã hỏi họ có thể làm gì nhằm giúp các blogger và ký giả để Việt Nam có tự do báo chí và tự do ngôn luận.
Mẹ Nấm đã đề nghị EU giúp người dân VN có điều kiện tiếp cận với những nguồn tin độc lập, áp lực Hà Nội gỡ bỏ tường lửa đối với một số trang mạng lề dân - như Dân Làm Báo, hỗ trợ đào tạo khả năng và hỗ trợ phương tiện để giới truyền thông độc lập tại Việt Nam phát triển.
Mẹ Nấm cũng đã đề nghị EU tổ chức thêm nhiều những buổi hội luận, tham khảo tình trạng nhân quyền trực tiếp với những nhà đấu tranh, hoạt động nhân quyền, các blogger độc lập tương tự như sứ quán Úc và LHAC đã thực hiện tại Hà Nội mà Mẹ Nấm đã có cơ hội tham dự trong quá khứ.
Gặp Phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ:
Vào 14h00, Mẹ Nấm đã gặp bà Heather Nauert, phát ngôn nhân của BNG Hoa Kỳ. Một lần nữa, Mẹ Nấm đã cám ơn Bộ Ngoại giao đã vận động cho tự do của cô. Trong phần trình bày về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, Mẹ Nấm đã nói về những tác hại của Luật An ninh mạng và kêu gọi Bộ Ngoại giao tiếp tục vận động tự do cho chị Trần Thị Nga, cũng như hỗ trợ cho các trang mạng truyền thông độc lập. Với sự gia tăng đàn áp lên các nhà hoạt động, Mẹ Nấm bày tỏ hy vọng với uy thế của mình, Hoa Kỳ có thể buộc nhà nước Việt Nam phải tuân thủ các cam kết đã ký với cộng đồng quốc tế về nhân quyền.
Mẹ Nấm và Phát ngôn nhân BNG Hoa Kỳ - Heather Nauert
(đứng giữa, bên phải Mẹ Nấm) (Ảnh Danlambao)
(đứng giữa, bên phải Mẹ Nấm) (Ảnh Danlambao)
Họp với Văn phòng Đặc trách Việt Nam và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ
Mẹ Nấm và các nhân viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ
(Ảnh Danlambao)
Ngay sau khi kết thúc cuộc gặp với Phát ngôn nhân BNG Hoa Kỳ, blogger Mẹ Nấm đã có buổi trao đổi riêng với Phó tổng thư ký Văn phòng đặc trách Dân chủ - Nhân quyền - Lao động, Phó Giám đốc Văn phòng đặc trách Đông Nam Á, và các nhân viên của Bộ Ngoại giao.
Đây là cơ hội mà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đặc biệt gửi lời cám ơn đến những người đã góp phần thúc đẩy tiến trình đàm phán để cô sớm có tự do. Đồng thời trong phần trình bày của mình, Mẹ Nấm cũng đề nghị Bộ Ngoại giao tiếp tục lên tiếng cho các tù nhân lương tâm khác đang bị giam cầm như chị Trần Thị Nga, anh Trần Huỳnh Duy Thức, anh Lê Đình Lượng, Nguyễn Viết Dũng...
Qua phần trình bày của Mẹ Nấm, các nhân viên cao cấp của Bộ Ngoại giao đặc biệt quan tâm đến nguy cơ mất dần chủ quyền của Việt Nam vào tay Trung Quốc qua việc ban hành các dự luật Đặc khu và Luật An Ninh mạng. Vấn đề Formosa cũng được đưa ra phân tích chi tiết để Bộ Ngoại giao thấy rõ hơn âm mưu bành trướng của Băc Kinh và chủ trương thần phục của Nguyễn Phú Trọng. Kết thúc buổi họp, Bộ Ngoại giao cũng đề nghị Mẹ Nấm và Mạng Lưới Blogger Việt Nam cung cấp thêm cho họ những thông tin, phân tích cần thiết.
*
Dân Làm Báo sẽ tiếp tục cập nhật những hoạt động của Mẹ Nấm tại Washington D.C. trong những ngày tới.
***
Ngày 1 - 13/11/2018:
VOA:
Tại trụ sở của đài Tiếng nói Hoa Kỳ, Mẹ Nấm đã gặp bà Amanda Bennett - Giám đốc của VOA. Trong dịp này, Mẹ Nấm cám ơn VOA đã luôn có những thông tin, tường trình về những hoạt động của những người tranh đấu cho tự do, dân chủ cũng như tình trạng đàn áp nhân quyền tại Việt Nam. Mẹ Nấm cũng đã trình bày về mục tiêu tranh đấu cho tự do của chị Trần Thị Nga và những tù nhân lương tâm khác.
Bà Amanda Bennett & Mẹ Nấm
(ảnh Danlambao)
Nhân dịp này, Mẹ Nấm đã có một cuộc phỏng vấn với Ban Việt Ngữ của VOA. Chương trình được thực hiện bởi phóng viên Trà Mi. Mời quý bạn đọc theo dõi tại link:
Sau đó, Mẹ Nấm cũng dành cho Ban Khmer của VOA một cuộc phỏng vấn để chia sẻ con đường đã trải qua, cũng như những kinh nghiệm của Mẹ Nấm trong cuộc tranh đấu bảo vệ nhân quyền và môi trường.
Cô Soksreinith Ten hỏi Quỳnh về lý do Quỳnh bắt đầu blogging, tranh đấu cho nhân quyền. Quỳnh trả lời vì tương lai Nấm, Gấu, và những gì chứng kiến ở nhà thương khi Nấm bị bịnh. Cô Soksreinith cho biết người dân Cambodian rất quan tâm đến Mẹ Nấm và theo dõi sát sao những tin tức về việc nhà cầm quyền bắt giữ Mẹ Nấm, và những gì Quỳnh đã lên tiếng dõng dạc tại phiên tòa xử, thái độ can trường, không tỏ lộ sợ hãi. Cô hỏi Mẹ Nấm điều gì đã giúp Mẹ Nấm can đảm trước phiên tòa. Người dân Cambodia và dân tộc VN chia sẻ tương tự những khó khăn, đàn áp nhân quyền từ nhà cầm quyền độc tài, về tàn phá môi sinh v.v... Cô hỏi Mẹ Nấm có thể chia sẻ làm thế nào để phụ nữ Cambodia có thể tham gia hành động, nói lên tiếng nói độc lập của mình như Mẹ Nấm và các nhà đấu tranh nhân quyền khác ở VN...
Theo cô phóng viên Soksreinith Ten thì vì nhiều người dân Khmer đã biết đến Mẹ Nấm và ngưỡng mộ những việc làm cũng như hy sinh của cô và vì thế Ban Khmer mong muốn có một cuộc phỏng vấn với Mẹ Nấm dành cho thính giả người Khmer.
Phóng viên Soksreinith Ten và Mẹ Nấm (DLB)
Washington Post:
(Ảnh DLB)
Tại trụ sở của tòa soạn báo Washington Post, Mẹ Nấm đã có một cuộc chia sẻ bàn tròn với Hội đồng Biên Tập của Washington Post. Hiện diện gồm có ông Fred Hiatt (Editorial Page Editor), ông Jackson Diehl (Deputy Editorial Page Editor), bà Ruth Marcus (Deputy Editorial Page Editor), bà Jo-Ann Armao (Associate Editoral Page Editor), Eli Lopez (Senior Editor for International Opinions), Karen Attiah (Global Opinions Editor), Christian Caryl (Democracy Post Editor), Becca Clemons (Digital Editor, Daily Operations).
Ngoài các nhân sự trên của Editorial Board của Washington Post và Mẹ Nấm, còn có các nhân viên của Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) gồm Courtney Radsch, Steve Butler, Sherif Mansour, Nathalie Southwick, và 3 người trong 5 người được giải International Press Freedom Awards 2018 là bà Luz Mely Reyes từ Venezuela, cô Anastasiya Stanko từ Ukraine, và blogger M ẹ Nấm - Nguyen Ngoc Như Quỳnh.
Mỗi người trình bày sơ lược về tình trạng quốc gia mình và các editors của Washington Post đã nêu nhiều câu hỏi với Mẹ Nấm và các nhà hoạt động nhân quyền được nhận giải.
(Ảnh DLB)
(Ảnh Danlambao)
RFA:
Vào lúc 3:30 chiều, Mẹ Nấm đã đến trụ sở của đài Á Châu Tự Do (RFA) để gặp gỡ Ban Việt ngữ và trả lời phỏng vấn với phóng viên Kính Hòa:
(Ảnh Danlambao)
Tại đây Mẹ Nấm cũng đã tiếp xúc với bà Libby Liu - Tổng giám đốc của RFA để cám ơn RFA về những thông tin về Việt Nam và tình trạng đàn áp nhân quyền. Mẹ Nấm cũng đã bày tỏ ước vọng và nỗ lực tương lai trong việc lên tiếng tranh đấu cho những tù nhân lương tâm còn ở trong vòng lao lý.
(Ảnh Danlambao)
CPJ - Committee to Protect Journalists (Ủy ban Bảo vệ Ký giả):
Vào buổi tối cùng ngày, Mẹ Nấm đã dự một buổi tiệc thân mật được tổ chức bởi Uỷ ban Bảo vệ Ký giả nhằm khoản đãi những người được giải Tự Do Báo Chí Quốc Tế 2018.
(Ảnh Danlambao)
Bên lề: Đi cùng với mẹ là bé Nấm - Nguyễn Bảo Nguyên:
Trước Đài Tưởng niệm Washington (DLB)
Bên cạnh một cuộc biểu tình chống Trung Quốc trước Toà Bạch Ốc (DLB)
Dân Làm Báo sẽ tiếp tục cập nhật những hoạt động của Mẹ Nấm tại Washington D.C. trong những ngày tới.