Thursday 15 November 2018

DỪA - Bạch Liên

       dua


Xe đò chạy từ Saigon đến ngã ba Trung Lương. Nếu quẹo tay phải ta sẽ rẽ khúc để đi về miền Tây , còn tiếp tục chạy thẳng sẽ vào Mỹ Tho. Vòng bánh xe lăn tròn quay nhanh trên con lộ chính hướng về thành phố, ta sẽ gặp bót Số Tám trước khi đến bến xe.
Ngã ba ngay bên cạnh bót Số Tám là Lầu Văn Sang.  Phía sau Lầu Văn Sang có nhánh sông nhỏ hiền hòa. Vì dòng nước len lỏi trong thôn xóm nên con nước cũng lững lờ chầm chậm chảy.  Nhịp độ giao thông trên con lạch nhỏ này cũng không ồn ào như những nhánh sông rộng lớn bên ngoài. Theo tôi được biết thì gần như nhà nào trong khu xóm này cũng đều có cây cầu ván thô sơ ở mé sông.  Đó chỉ là một miếng ván bề ngang khoảng chừng ba hay bốn gang tay được đặt trên bốn cây cột ốm yếu, vừa đủ chắc chắn để chống đ miếng ván thon nhỏ để tạo thành cây cầu mộc mạc dẫn ra con lạch nhỏ.
Khi nhắc đến bờ sông chúng ta đều liên tưởng tới hàng dừa mọc xiên xẹo vô lối chạy dọc theo hai bờ con nước.  Không nhà nào mà không có trồng dừa. Đặc điểm của những căn nhà miệt vườn này là mỗi khi có người đến thăm, họ đều đãi khách bằng ly nước dừa trong veo, được rót ra từ những trái dừa xiêm xanh màu mạ non, vừa được chặt xuống từ quày dừa chắc nịch trên cao, trông mà mát mắt.
Người dân Saigon có dịp xuống viếng thăm Mỹ Tho, khi trở về Sài Gòn không ai quên được những quày dừa xiêm cơm trắng, còn nước thì ngọt trong vắt, mát lịm người.  Khi tôi còn nhỏ bé tí, cô chú bác chở hàng từ tỉnh lỵ xa xôi miền Lục Tình trong các chuyến xe đò lên Sài Gòn, họ ngồi nói chuyện bàn tán trời mưa nắng và hỏi thăm nhau.  Lúc đó, người tỉnh này hỏi người tỉnh nọ:
- Chị chở hàng từ đâu tới ?
- Tôi ở Mỹ lên.
Là bé con ngây thơ chưa hiểu chuyện, tôi chẳng hiểu câu trả lời này nghĩa là gì. Tôi tò mò về nhà hỏi Mẹ tôi:
Mẹ ơi, hôm nay con nghe, có người nói họ chở hàng ở Mỹ, nghĩa là ở đâu, vì nuớc Mỹ hình như xa lắm mà Mẹ.
Trong tôi lúc bấy giờ “Nuớc Mỹ” đó là vùng trời ở tận đâu đâu và tôi chưa có thể với tới, chỉ biết nó hiện hữu trên quả địa cầu này mà thôi. Từ lúc ấy, tôi mới khám phá ra rằng:
Tôi ở Mỹ lên nghĩa là chuyến hàng này được chở từ Mỹ Tho lên Sài Gòn.
Năm tháng ấy. tôi hoàn toàn không biết gì về Mỹ Tho, nhưng tôi biết vùng đất màu mỡ này trồng nhiều trái cây thơm ngon.  Đặc biệt là vùng đất tươi tốt rất thích hợp cho dừa xiêm.  Dừa được trồng mọi nơi mọi chỗ.  Cũng nhờ đó, khi nhắc nhớ đến Mỹ Tho, người Việt chúng ta cho dù ngăn sông cách biển vẫn mãi nhớ đến nét đặc thù độc nhất vô nhị:
Mỹ Tho, Bến Tre là thiên đường của xứ dừa.
Tôi nhớ mãi Mỹ Tho qua câu nói hài hòa:
“Tôi ở Mỹ lên”
Dòng sông thời gian kỳ diệu đã thực sự đong đưa con bé nhỏ tí xíu ngây thơ năm nào trôi giạt đến bến bờ nước Mỹ, Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.  Một quốc gia cách xa quê Mẹ nửa vòng trái đất và tràn ngập sợi nắng hy vọng cho tuổi trẻ vươn lên.
Miền Nam California nắng ấm tình nồng, đi dễ khó về, nơi tôi đang hít thở không khí Tự Do.  Đó là khung trời huyền thoại của mảnh đời thơ ấu. Thuở dại khờ ấy, tôi chỉ được nghe và biết đến tên trong trí tưởng tượng, và loáng thoáng mơ hồ hiện ra như một ảo giác trong giấc chiêm bao mà thôi.
Bạch Liên