Nhân chuyện giáo sư Chu Hảo bị đảng Cộng sản Việt Nam “kỷ luật” cho nên mới tuyên bố ra khỏi đảng, rồi kế đó nhiều đảng viên khác cũng chính thức và dứt khoát rời bỏ hàng ngũ đảng Cộng sản, tôi đọc lại “Hồi Ký của Một Thằng Hèn” của cố nhạc sĩ Tô Hải (1927-2018).
Đọc đề hiểu được “cái hèn” của hàng hàng lớp lớp người Việt Nam đã đi theo đảng Cộng sản và mãi cho tới cuối đời vẫn không có đủ can đảm hay khiêm tốn để đấm ngực tự thú rằng mình đã chọn lầm lý tưởng và nhứt là nhận ra “cái hèn” của mình. Đọc dĩ nhiên cũng để nhận ra “cái hèn” của chính mình trong suốt cuộc hành trình làm người của mình.
“Hèn” là một hằng số khủng khiếp trong cố gắng sống lương thiện và vươn lên của con người. Trong lời phi lộ, nhạc sĩ Tô Hải đã phải thú nhận rằng ở gần cuối quyển hồi ký, ông đã viết thêm chương “Tôi đã hết hèn”. Nhưng “ngẫm ra, tuy viết “Tôi đã hết hèn”, nhưng trong thực tế cái hèn vẫn còn đó, nó vẫn bám chằng chằng, như một bộ phận của cơ thể, cái sự mình khẳng định với mình rằng đã hết hèn mới chỉ là sự mạnh dạn với bản thân khi cầm bút mà thôi”.
Nhạc sĩ Tô Hải tự hỏi: “Sao lại lâu đến thế? Nguyễn Đình Chính vẫn còn sợ, còn tính toán thiệt hơn, còn bắt linh hồn người cha ở thế giới bên kia tiếp tục đóng kịch sao? Hay chính tác giả cuốn hồi ký dọa sẽ in năm 2014 vẫn còn chưa tin là chủ nghĩa cộng sản đã đến ngày tuyệt diệt?”
“Hèn” vì không có đủ lương thiện và can đảm để thú nhận rằng mình đã sai lầm và sai lầm là vì đã “ngu”. Nhà văn Uyên Thao, trong lời đề tựa cho quyển hồi ký của nhạc sĩ Tô Hải, đã xem “ngu” và “hèn” là cặp song sinh trong tư cách của người cộng sản. “Ngu” và “hèn” luôn đi đôi với nhau.
Vì “ngu” cho nên đã bị một tên đại bịp đánh lừa. Nhà văn Uyên Thao kể lại rằng khi Hoa Kỳ ào ạt đổ quân vào Việt Nam, ông cho rằng người Mỹ không “hiểu thấu hoặc ưu tư về tâm cảnh của người dân Việt Nam”. Thế rồi một hôm, nhân dịp tiếp xúc với một nhóm cầm bút trẻ tại Sài Gòn, người tùy viên văn hóa tòa Đại sứ Mỹ đã hỏi một câu: “Giới trẻ Sài Gòn nghĩ gì về nhân vật Hồ Chí Minh?”
Một người bạn của nhà văn Uyên Thao đã trả lời: “Hồ Chí Minh là một người yêu nước, nhưng đã lầm đường”. “Người tùy viên văn hóa mà đa số lớp trẻ Sài Gòn nghĩ là mù mịt về văn hóa Đông Phương đã lắc đầu nói ông ta không nghĩ vậy, vì theo ông ta, người yêu nước trước hết phải thương dân.”
Ông khẳng định: “Hồ Chí Minh đam mê sự nghiệp của ông ta chứ không thương dân. Không thể bảo ông ta là người yêu nước”. Thì ra, “ái quốc”, “yêu nước” thiết yếu phải có nghĩa là “thường dân” hay nói chung “thương người”. Không có tình người, không cổ võ tình yêu thương đối với người đồng loại, thì bất cứ một nhà “ái quốc” hay “dân tộc chủ nghĩa” nào cũng đều là một tên mị dân, lừa bịp!
Ngày nay và nhứt là vào giữa lúc trào lưu “dân tộc chủ nghĩa” đang dâng cao tại nhiều nơi trên thế giới, có biết bao nhiêu kẻ vỗ ngực tự xưng là “yêu nước” bằng những lời nói và hành động khích động hận thù. Robert Bowers, kẻ đã bắn hạ 11 người Do Thái đang tụ họp thờ phượng trong một hội đường Do Thái tại Pittsburgh, tiểu bang Pennsylvania hôm thứ Bảy 31 tháng Mười vừa qua, đã đổ tội cho người Do Thái là nguyên nhân khiến người dân Trung Mỹ “xâm lăng” Hoa Kỳ.
Trước khi ra tay giết người, hung thủ viết trên một trang mạng xã hội: “Tôi không thể ngồi yên để nhìn “người dân” của tôi bị giết chết”. Cesar Sayoc, người đã gởi bom ống đến tỷ phú George Soros, một người Do Thái sống sót từ cuộc diệt chủng của Đức Quốc Xã thời đệ nhị thế chiến, cũng đưa ra một “thuyết âm mưu” cho rằng ông Soros là người tài trợ cho người dân Trung Mỹ để “xâm lăng” Hoa Kỳ.
Hai người này chỉ là những con cắc ké trong phong trào “yêu nước” tại Mỹ. Trên họ, giọng điệu “yêu nước” của nhiều lãnh tụ nghe còn sặc mùi kỳ thị, hận thù và chia rẽ hơn nhiều!
Kể từ khi nghe tùy viên văn hóa tại tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn giải thích thế nào mới thực sự là “yêu nước”, nhà văn Uyên Thao như mở mắt ra: “Kể từ ngày đó, tôi luôn cố tìm con tim rung động trước nỗi đau của đồng bào nơi những con người được tôn xưng là yêu nước và không ngớt thắc mắc về sự viện dẫn tình yêu nước để đẩy đất nước vào vòng lửa đạn với hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng triệu cái chết oan khiên đau đớn”.
Vì “ngu” cho nên hàng hàng lớp lớp “trí thức” Việt Nam đã đi theo tên đại bịp Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh không hề là một nhà ái quốc, một người yêu nước thương nòi. Ông chỉ yêu cái tôi của mình mà thôi. Ông là một “hóa kiếp” của tất cả những tên đại bịp lừng danh trong lịch sử nhân loại.
Nhà văn Uyên Thao nhắc đến bạo chúa Nero (37 trước CN – 68 sau CN) của Đế quốc La Mã. Muốn biến mình thành một người “vĩ đại” bậc nhứt trên mặt địa cầu, Nero đã không ngần ngại hạ sát vợ và cả mẹ đẻ của mình để giảm bớt cản trở trong nếp sống xa hoa và tàn bạo của mình. Với cuồng vọng “vĩ đại”, Nero muốn thực hiện một công trình nghệ thuật lẫy lừng bỏ xa những tác phẩm lớn của các văn hào thời cổ Hy Lạp và La Mã. Đám cận thần “ngu” và “hèn” lúc nào cũng tung hô ông như thần thánh đã gợi ý cho ông hãy đốt cháy thành La Mã để có cảm hứng hoàn thành một tác phẩm “vĩ đại”.
Dĩ nhiên, toàn bộ kinh thành bốc cháy đã khơi dậy sự phẫn nộ của quần chúng. Để xoa dịu sự giận dữ của quần chúng, Nero ra lệnh rao truyền rằng chính các tín hữu Kitô tiên khởi là những thủ phạm đã nổi lửa đốt cháy thành La Mã. Cuồng vọng “vĩ đại” của Nero lại có thêm một cơ hội để bộc lộ: ông ban hành lệnh “ném ngay lũ Kitô giáo cho sư tử” cắn xé.
Như nhà văn Uyên Thao đã thuật lại, toàn bộ câu chuyện đã được nhà văn Ba Lan Henryk Sienkiewicz (1846-1016) ghi lại trong quyển tiểu thuyết nổi tiếng “Quo vadis?” (Lạy Chúa, Chúa đang đi đâu?”). So sánh bạo chúa Nero với Hồ Chí Minh, nhà văn Uyên Thao khẳng định rằng “cái Ngu đã khiến nhiều thế hệ lao vào xâu xé lẫn nhau bởi không nhận chân nổi thủ đoạn lường gạt của một bạo chúa, đồng thời cái Hèn đã liên tục tạo thêm sức mạnh cho bạo chúa mặc tình thao túng”.
Hai thời đại cũng giống nhau ở chỗ thời nào cũng có những “thằng hèn” thức tỉnh và dám đứng thẳng để xưng thú cái hèn của mình và chỉ vào mặt bạo chúa để vạch ra sự lường gạt và độc ác của họ. Thời Nero đã có một thằng hèn Chilon Chinonides dám đứng thẳng, vươn tay chỉ vào giữa mặt bạo chúa để tố giác hành động tội ác của y. Thời Cộng sản Việt Nam, cũng có những thẳng hèn cuối cùng đã dám làm người đứng thẳng để tố cáo bộ mặt giả nhân giả nghĩa lường gạt của Hồ Chí Minh và đảng cộng sản. Nhạc sĩ Tô Hải là một trong những người như thế.
Nghĩ đến cái “hết hèn” của nhạc sĩ Tô Hải, tôi cũng liên tưởng đến một số cựu đảng viên khác, những người ở cuối đời cũng còn có chút lương thiện, liêm sỉ, tự trọng, can đảm và khiêm tốn để xưng thú “cái hèn” của mình và như nhà văn Nguyễn Khải, lên đường “đi tìm cái tôi đã mất”.
“Hết hèn” cũng có nghĩa là dám đứng thẳng lên để lên đường “đi tìm cái tôi đã mất”. Thật ra “cái tôi” cũng có đủ loại cái tôi. Có cái tôi hèn hạ, bỉ ổi. Triết gia Pháp Blaise Pascal (1623-1662) ám chỉ cái tôi ấy khi ông nói “cái tôi là cái đáng ghét” (le moi est haissable). Như ông giải thích, đó là cái tôi “lạm dụng” người khác cũng như chính mình. Đối lại với cái tôi đáng ghét ấy là cái tôi cao thượng, biết nghĩ đến người khác hơn chính mình.
Trong trường hợp những người cộng sản thức tỉnh để nhận ra và từ bỏ “cái hèn” của mình, đó là cái tôi khiêm tốn, can đảm dám thú nhận những lầm lỗi của mình và cố gắng vươn lên trong sự lương thiện, tử tế, yêu thương, quên mình, cảm thông, tha thứ…Đó là “cái tôi” mà văn hào Đức Hermann Hesse (1877-1962) đã cố gắng mô tả qua tác phẩm nổi tiếng Siddhartha.
Đức Phật, như được văn hào Hesse dựa trên cuộc đời và giáo lý của Ngài để tưởng tượng ra, là một chàng thanh niên bỏ nhà ra đi để tìm cái tôi đích thực của mình. Rời khỏi nhà cha mình, chàng thanh niên gia nhập vào một nhóm những tu sĩ sống kiếp lang thang không nhà không cửa. Cuộc đời của Đức Phật kể từ đó là một chuỗi những thay đổi không ngừng. Từ một tu sĩ Bà La Môn trẻ, Ngài trở thành một khất sĩ lang thang nay đây mai đó.
Văn hào Hesse còn cho vị tu sĩ trẻ “chết đi” để trở thành một lái buôn yêu một cung phi. Từ một cuộc sống thế tục, cuộc hành trình đi tìm cái tôi đích thực đã biến chàng thanh niên thành một người học nghề lái đò. Dưới sự hướng dẫn của người lái đò, người thanh niên học cách lắng nghe dòng sông cũng như sự hợp nhứt của vạn vật để rồi cuối cùng khám phá ra rằng cái tôi đích thực của mình không phải là một cái gì tách biệt và bền vững.
Cũng như dòng sông, cái tôi đích thực mà người thanh niên khám phá được liên kết với vạn vật trong một tiến trình biến đổi và trở thành. Nhưng biến đổi và trở thành không chỉ để biến đổi và trở thành. Ở cuối cuộc hành trình, sau nhiều cuộc biến đổi, chàng thanh niên Siddhartha của văn hào Hesse đã đạt được giác ngộ.
Không như nhân vật Sisyphus trong thần thoại Hy Lạp là người bị số phận nghiệt ngã bắt phải vác cả một tảng đá khổng lồ leo lên đỉnh núi, trèo lên, tuột xuống mà không bao giờ dừng lại, cuộc hành trình của chàng trai Siddhartha đã dừng lại ở một kết thúc có hậu.
Đọc lại cuộc hành trình của nhạc sĩ Tô Hải trong “Hồi ký của Một Thằng Hèn”, khi ông khẳng khái tuyên bố dứt bỏ “cái Hèn” của mình, tôi cho rằng đó cũng chính là lúc ông đã “giác ngộ”. Dĩ nhiên theo cách thế của ông. Nhưng một cách nào đó, cũng như nhà văn Nguyễn Khải, nhạc sĩ Tô Hải đã “tìm lại cái tôi” đích thực đã bao nhiêu năm bị trù dập và đánh mất vì vừa “ngu” vừa “hèn” khi bán linh hồn cho một tên đại bịp và cái đảng “không có mặt người” mà hắn đã lập ra.
Thời đại nào và ở đâu cũng có những tên đại bịp chiêu dụ người khác bằng những “lý tưởng”, chủ nghĩa giả trá. Và dĩ nhiên thời đại nào và ở đâu cũng đều có những kẻ vừa “ngu” vừa “hèn”. Thật ra đâu cần có những tay đại bịp để con người bán linh hồn cho họ. Sống, dù trong hoàn cảnh nào, lúc nào cũng là một cuộc chiến đấu. Chiến đấu để lúc nào cũng tỉnh táo hầu không bị những ma lực như quyền lực, lý tưởng ảo, tiền bạc và danh vọng lừa mị. Chiến đấu không ngừng để nếu vì “ngu” mà sa cơ thất thế cũng vẫn còn giữ được một chút lương thiện, liêm sỉ, can đảm và nhứt là khiêm tốn để giã từ cái tôi hèn hạ của mình.
Chu Thập