Sau nhiều tháng đàm phán giữa Pháp và Đức, hai đầu tàu của châu Âu, một liên minh quân sự bao gồm 10 nước châu Âu đã chính thức được hình thành vào hôm qua, 07/11/2018 tại Paris.
Liên minh mang tên Sáng Kiến Can Thiệp Châu Âu (Initiative Européenne d’Intervention - gọi theo tiếng Anh là European Intervention Initiative), trên nguyên tắc là một lực lượng sẵn sàng đối phó với các cuộc khủng hoảng gần biên giới Liên Hiệp Châu Âu.
Xuất phát từ một sáng kiến do chính tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề nghị, liên minh này tập hợp 10 quốc gia châu Âu : Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Anh Quốc, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Estonia, và Phần Lan.
Trong số các hoạt động cụ thể, các thành viên liên minh EII sẽ hợp tác với nhau trong các lĩnh vực thiết lập kế hoạch, phân tích và chuẩn bị các khả năng phản ứng về mặt quân sự trước các cuộc khủng hoảng mới về quân sự và nhân đạo.
Theo hãng tin Anh Reuters, một quan chức bộ Quốc Phòng Pháp giải thích rằng : « Trong một môi trường mà các mối đe dọa và biến động địa chính trị hoặc khí hậu đang ngày càng nhiều, sáng kiến về liên minh quân sự này sẽ gởi đi thông điệp cho thấy rằng châu Âu đã sẵn sàng, và có khả năng đối phó ».
Việc nước Anh rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập liên minh EII vì cho đến nay Luân Đôn vẫn phản đối các hình thức hợp tác quân sự trong nội bộ Liên Âu bên ngoài khuôn khổ của NATO. Quyết định thành lập liên minh 10 nước lại được thúc đẩy thêm do việc tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm dấy lên mối lo ngại là Hoa Kỳ có thể sẽ ít sẵn sàng hơn trong việc bảo vệ châu Âu để đối phó với một nước Nga quyết đoán hơn.
Quan chức Quốc Phòng Pháp nói trên khẳng định rằng sáng kiến của Pháp hoàn toàn không « mâu thuẫn hoặc phá hoại các nỗ lực phòng thủ truyền thống của Liên Hiệp Châu Âu, cũng như không tác hại đến những nỗ lực của NATO ». Trái lại, cũng theo quan chức Pháp, liên minh quân sự vừa hình thành sẽ « nâng cao khả năng tương tác giữa các nước thành viên ».
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker là một trong những người tích cực ủng hộ việc xây dựng cho Liên Hiệp Châu Âu một năng lực phòng thủ riêng, tách biệt với NATO.