Monday, 12 November 2018

‘Nơi nào có Little Saigon, nơi đó có Việt Nam!’ - Đằng-Giao

Ủy Ban Phát Triển Little Saigon mời đại diện của 10 thành viên trong ủy ban đã qua đời để nhận bằng tưởng lục của Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn. Trong số này có bà phu nhân ông Đỗ Ngọc Yến (thứ 4, từ phải), sáng lập viên nhật báo Người Việt. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
WESTMINSTER, California (NV) – Ủy Ban Phát Triển Little Saigon tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm thành lập danh xưng Little Saigon vào lúc 1 giờ trưa ngày 11 Tháng Mười Một tại Westminster Civic Center, Westminster.
Từ 12 giờ trưa cư dân đã tề tựu đông đảo, nhóm ngồi trong hội trường chờ đợi, nhóm tụ tập chào hỏi nhau ở sân trước thật râm ran, thân mật.
Ông Dương Thế Long, cư dân Cypress, vui vẻ nói: “Xa quê hương, Little Saigon trở thành ngôi làng của người Việt khắp nơi trên thế giới. Gia đình tôi không dọn đi nơi khác dù có cơ hội làm việc khá hơn.”
Ông Thomas Nguyễn Văn Châu, ở Westminster, chia sẻ: “Tôi nhớ hồi 1983, đường Bolsa lèo tèo vài quán ăn như Thành Mỹ và Tây Hồ và phở Hòa dưới Santa Ana. Rồi khi (ông) Triệu Phát thành lập Phước Lộc Thọ, ai cũng tưởng sẽ có phố Tàu ở đây như khắp nơi trên dất Mỹ. Phải qua đây sớm thì mới cảm kích được công lao của Ủy Ban Phát Triển Little Saigon.”
Giáo Sư Trần Đức Thanh Phong, đại diện ban tổ chức, đọc diễn văn khai mạc. kỷ niệm 39 năm danh xưng Little Saigon. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Ngưng một chút, ông tiếp: “Phải gọi những vị trong ủy ban là những ‘khai quốc công thần’ mới xứng đáng công lao khó cực của họ.”
Trong không khí náo nhiệt nhưng đầy trang trọng, Giáo Sư Trần Đức Thanh Phong, đại diện ban tổ chức, đọc diễn văn khai mạc. Sau khi ngỏ lời nhắc nhở 10 thành viên trong số 15 người trong ủy ban đã qua đời, ông khiêm tốn nói: “Chúng tôi chẳng tài cán gì cả. Chẳng qua là có chút thời gian thôi.”
Khi nói đến sự phồn thịnh của Little Saigon hôm nay, ông nghẹn ngào quá đỗi, phải tạm ngưng bài nói chuyện vài phút giữa những tiếng vỗ tay bất tận.
Vị giáo sư thú nhận rằng khi đấu tranh để có một danh xưng chính thức và để quê hương thứ hai của cộng đồng gốc Việt không trở thành một phố Tàu, chính bản thân ông cũng không biết tầm mức quan trọng của công việc ấy. “Lúc ấy, chúng tôi không biết Little Saigon là gì cả. Không biết địa chỉ bưu điện của Little Saigon là ở đâu, chỉ biết chúng ta phải có khu vực của riêng chúng ta.”
Ông nói, mở một tiệm phở, một tiệm giặt ủi cũng là góp phần phát triển cộng đồng. Ông rất vinh dự nhìn thấy những thành đạt bất ngờ, ngoài dự đoán của mọi người trong ủy ban, như tên đường Trần Hưng Đạo, Quang Trung ở Westminster và Garden Grove.
Đông đảo quan khách và đồng hương tham dự lễ kỷ niệm 30 năm danh xưng Little Saigon. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Ông lại ôn lại những công trình khác của cộng đồng để bảo vệ Little Saigon như sự kiên tâm chống lại kế hoạch cả hai năm dài của Cộng Sản trong nước khi họ tìm mọi cách phá hủy việc thành lập Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, và 58 ngày đêm phản đối việc treo cờ Cộng Sản tại Little Saigon.
Với giọng nói vui vẻ hơn, ông nói đùa: “Tên đường Bolsa, theo nghĩa Tây Ban Nha là túi tiền. Không biết có do sự dun rủi hay không mà ngày nay Bolsa là đường chính của Little Saigon. Tôi mong nền kinh tế Little Saigon sẽ cứ như túi tiền, lúc nào cũng đầy ắp.”
Ông Phùng Minh Tiến, tổng thư ký ủy ban, cũng lên phát biểu kêu gọi mọi người nên dẹp bỏ xích mích, tị hiềm mà hãy nhớ rằng tất cả chúng ta là những người mang “căn cước tị nạn” trên quê hương mới này.
Trong tinh thần tri ân người quá cố, ủy ban mời đại diện của 10 thành viên đã qua đời để nhận bằng tưởng lục của Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn. Trong số này có bà phu nhân ông Đỗ Ngọc Yến, sáng lập viên nhật báo Người Việt.
Rộn ràng không khí lễ kỷ niệm 30 năm danh xưng Little Saigon (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Trong số hiện diện, có Luật Sư Trần Thái Văn, người cũng từng có công  trong việc vận động Thống Đốc California George Deukmejian đến Little Saigon cắt băng khánh thành danh xưng.
Đại diện thành phố Westminster có ông Trí Tạ, bà Kimberly Hồ, Charlie Chí Nguyễn, Tyler Diệp và ông Ralph Ornelas, cảnh sát trưởng cùng tham dự.
Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn và Dân Biểu Alan Lowenthal cùng gởi đại diện đến trao bằng tưởng niệm cho các thành viên ủy ban.
Bà Kimmie Lê, ở Fountain Valley, hăng hái nói: “Tôi rất vui cho thế hệ chúng ta hôm nay và thế hệ con cháu mai sau khi được nhìn thấy sự bất khuất và tính quật cường của dòng máu Lạc Việt ở mọi nơi. Nơi nào có Little Saigon, nơi đó có Việt Nam.”
Lễ kỷ niệm có sự giúp vui văn nghệ của Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ, Hội Cựu Nữ Sinh Trưng Vương, Cựu Học Sinh Liên Trường Ban Tù Ca Xuân Điềm và nhiều giọng ca khác.
Ngày nay, Little Saigon đã là địa danh có ở nhiều nơi trên toàn thế giới. Nhưng Little Saigon ở Westminster, California chính là nơi đầu tiên tạo nên sự phát triển đáng nể đó. (Đằng-Giao)

Liên lạc tác giả: ngo.giao@nguoi-viet.com