Monday, 12 November 2018

Thái Hậu Từ Hi (1835-1908) - Phạm Văn Tuấn

Trong lịch sử cận đại, Trung Hoa đã có một giai đoạn lịch sử đen tối trong khoảng 100 năm từ 1839 đến 1949. Một trăm năm lịch sử này đã được người Trung Hoa gọi tên là Thế Kỷ Ô Nhục (Century of Humiliation).
 
Khi đề cập đến những nhân vật lừng danh đã có công đóng góp để khiến Trung Hoa phải cúi gầm trước các quốc gia Tây Phương và Nhật Bản trong Thế Kỷ Ô Nhục này, thì chắc chắn phải kể đến Thái Hậu Từ Hi.
 
Dù không được tôi luyện kỹ càng trong guồng máy của đảng cộng sản, như những nhà lãnh đạo Trung Hoa ngày nay, nhưng Bà Thái Hậu Từ Hi này cũng sở hữu đầy đủ những mưu mô quỷ quyêt và thủ đoạn chính trị tàn bạo, và tất cả chỉ để nhằm duy trì sự độc tài lãnh đạo của bà cho đến khi chết.  
 
Xem ra lịch sử Trung Hoa cũng có vẻ đang bắt đầu lập lại một thế kỷ lịch sử mới sau khi đương kim Chủ Tịch Tập Cận Bình đã thành công trong việc lên ngôi để suốt đời trị vì Trung Hoa - giống như Từ Hi Thái Hậu.
 
Đặc San Lâm Viên xin mời quý độc giả trở lại thăm viếng một phần của Thế Kỷ Ô Nhục của Trung Hoa qua bài biên khảo của tác giả Phạm Văn Tuấn về "Thái Hậu Từ Hi (1835-1908)" 

Thái Hậu Từ Hi (29/11/1835 – 15/11/1908)
Phạm Văn Tuấn

Thái Hậu Từ Hi (Empress Dowager Cixi) là nhân vật nhiều quyền lực, được nhiều người coi như đã là nhà cai trị của Triều Đình Mãn Thanh (the Manchu Qing Dynasty) trong 48 năm, từ khi Vua Hàm Phong (Xianfeng) băng hà vào năm 1861 tới khi bà Từ Hi này qua đời vào năm 1908. Trong lịch sử của nước Trung Hoa, có hai phụ nữ đã điều khiển quốc gia này, là Hoàng Hậu Võ Tắc Thiên (Wu Zetian) và Thái Hậu Từ Hi. 

1/ Thuở trẻ của Bà Từ Hi.

Người ta không biết rõ nguồn gốc chính thức của Thái Hậu Từ Hi, nhưng nhiều sử gia cho rằng bà là con gái của một nhân viên cấp bậc thấp người Mãn Châu tên là Huệ Thành (Huizheng) thuộc bộ bộ lạc Diệp Hách Na Lạp Thị (Yenonala). Huệ Thành là một nhân viên phục vụ trong tỉnh Sơn Tây (Shanxi) rồi về sau làm quan trong tỉnh An Huy (Anhui). 

Từ Hi sinh ngày 29/11/1835, theo truyện kể, lúc nhỏ tuổi được gọi là Ngọc Lan (Yu Lan), tới khi đi học dùng tên là Hưng Trinh (Xingzhen). Từ Hi đã trải qua các năm thiếu thời trong tỉnh An Huy trước khi theo gia đình dọn về kinh đô Bắc Kinh khi được 15 tuổi. Có sử gia cho rằng người cha của Từ Hi đã bị cách chức hoặc bị chém đầu vào năm 1853 vì đã không chống nổi quân Thái Bình Thiên Quốc. 

Vào tháng 9 năm 1851, Từ Hi cùng với 60 cô gái Mãn Châu tham dự vào một cuộc tuyển lựa các cung nữ dành cho Vua Hàm Phong. Cùng với vài thiếu nữ khác, Từ Hi được chọn làm “Tú Nữ” (xiu nu = người đàn bà đẹp) cho Nhà Vua rồi sau đó, được thăng chức lên làm “Quý Nhân” (qweiren) hay người vợ thứ năm. Vào năm 1855, Từ Hi mang thai rồi sinh ra Đồng Trị (Tongzhi) vào ngày 27/4/1856, đây là Thái Tử duy nhất của Vua Hàm Phong, vì vậy bà Từ Hi được thăng chức lên làm “Quý Phi” hay Hoàng Hậu hạng 4. Khi Thái Tử Đồng Trị được một tuổi, bà Từ Hi lại được thăng tiến làm Hoàng Hậu thứ hai, đứng dưới bà Hoàng Hậu Từ An (Xi An). 

2/ Vua Hàm Phong qua đời.

Quân Anh-Pháp hôi của tại Cung Điện Mùa Hè cũ, 1860 - wikipedia.org
Vào tháng 9 năm 1860, liên quân Anh-Pháp đã đánh phá thành phố Bắc Kinh rồi qua tháng sau, đã đốt cháy toàn thể Cung Điện Mùa Hè. Cuộc tấn công này được đặt dưới quyền chỉ huy của Lord Elgin để trả thù cho sự việc quân đội Trung Hoa vào ngày 18/9 đã bắt giữ phái đoàn ngoại giao Anh do Harry Parkes cầm đầu, cũng như họ đã tra tấn và giết chết một số con tin người ngoại quốc. 

Vua Hàm Phong cùng với một số cận thần như Túc Thuận (Su Shun), Tái Viên (Zai Yuan), Đoan Hoa (Duan Hua) và bà Từ Hi, đã bỏ Bắc Kinh, chạy tới Nhiệt Hà (Rehe), nay thuộc Thừa Đức tỉnh Hà Bắc (Hebei). Khi biết tin Cung Điện Mùa Hè đã bị tàn phá, Vua Hàm Phong bị suy sụp tinh thần, đã uống nhiều rượu và thuốc ma túy vì vậy mắc bệnh nặng. Ngày 22/8/1861, Vua Hàm Phong qua đời. Trước khi chết, Nhà Vua đã gọi 8 vị đại thần tin cẩn nhất, đứng đầu là Đại Thần Túc Thuận, rồi tới Di Thân Vương Tái Viên, Trịnh Thân Vương Đoan Hoa và 5 vị khác, căn dặn họ phải giúp đỡ vị Hoàng Đế tương lai, khi đó mới 5 tuổi và là con trai của Thái Hậu Từ Hi. 

Trên giường nằm trước khi băng hà, Vua Hàm Phong cũng gọi Chánh Cung Hoàng Hậu Từ An và Thái Hậu Từ Hi tới, cho mỗi người một cái triện (con dấu) và căn dặn hai bà hoàng hậu này phải cộng tác với nhau trong tình giao hảo, giúp đỡ nhà vua còn non trẻ cho tới khi trưởng thành. Vào lúc này, bà Hoàng Hậu Từ An đã 25 tuổi, được gọi là Đông Cung Hoàng Hậu và Thái Hậu Từ Hi 27 tuổi, tức là Tây Cung Hoàng Hậu. 

3/ Cuộc đảo chính cung đình năm Tân Dậu.

Thái Hậu Từ An tuy ít học, nhưng là người đôn hậu, có phẩm cách. Bà Từ Hi học khá hơn, thông minh, lanh lợi, biết đọc và biết viết chữ Hán, là một người có bản lãnh, ham quyền lực, dâm dật, hách dịch, thích sống xa hoa và độc tài. Bà Từ Hi cũng có tính khí bất thường, khi thì hiền lành, rộng lượng, khi thì vô cùng tàn nhẫn. Vì vậy bà Từ Hi dần dần lấn át quyền hành của bà Từ An để quyết định mọi công việc. 

Thái Hậu Từ An (Ci'an) (12/8/1837 – 8/4/1881)
Bà Từ An là vợ chính của Vua Hàm Phong nhưng không có con, theo phong tục Trung Hoa, Vua Đồng Trị vẫn đối đãi với bà như mẹ đẻ. Hơn nữa, vị thái tử này lại quý bà Từ An hơn mẹ đẻ là bà Từ Hi, vì vậy bà Từ Hi đã ghét cả Vua Đồng Trị lẫn bà Từ An. 

Sau khi Vua Hàm Phong băng hà, đã có sự căng thẳng giữa 8 vị đại thần, đứng đầu là Túc Thuận, với bà Thái Hậu Từ Hi. Các quan đại thần không muốn bà Từ Hi can thiệp vào các vấn đề chính trị và sự xung đột đã khiến cho bà Thái Hậu Từ An bất bình, không muốn tham gia vào các buổi họp bàn của triều đình, để mặc cho các quan đại thần đối đầu với bà Từ Hi. 

Một cách kín đáo, bà Từ Hi tìm kiếm sự ủng hộ của một số vị quan chức lớn, một số tướng lãnh, là những người không ưa hay không biết nhiều về 8 vị đại thần kể trên. Trong số này có Cung Vương (Prince Gong) là người có nhiều tham vọng và đã bị loại ra khỏi các quyền lực, và Xuân Vương (Prince Chun). Cung Vương và Xuân Vương là hai người con thứ 6 và thứ 7 của Vua Đạo Quang (Daoquang Emperor). 

Khi bà Từ Hi liên kết với các vị vương thân kể trên, đã có một chiếu chỉ cho phép hai bà Thái Hậu “nghe công việc chính trị sau bức màn” (listen to politics behind the Curtains) đồng thời cũng cho phép Cung Vương là người phụ tá chính của nhà vua. 

Sau khi Liên Quân ngoại quốc đã rút ra khỏi thành phố Bắc Kinh, đám táng của Vua Hàm Phong cũng trở về kinh đô này. Vào thời gian này, Thái Hậu Từ Hi đã liên kết được với Cung Vương và Xuân Vương để củng cố quyền lực, bà cùng với Thái Tử trở về kinh đô trước, với các quan đại thần Tái Viên và Đoan Hoa, để lại quan đại thần Túc Thuận đi theo quan tài của nhà vua. Sự việc này đã gây chia rẽ giữa 8 vị đại thần rồi sau đó, các vị này còn bị bãi chức vì bất lực, không đủ khả năng thương thuyết với các kẻ man di người châu Âu, nên đã khiến cho Vua Hàm Phong phải bỏ chạy qua miền Nhiệt Hà (Rehe). Thái Hậu Từ Hi cùng với Cung Vương còn làm ra một tài liệu gọi là “Tám Trọng Tội của các vị Quan Nhiếp Chính” (the Eight Guilts of Regent Ministers) trong đó bao gồm tội sửa chữa các lời di chúc của nhà vua, khiến cho nhà vua qua đời và chiếm đoạt quyền hành của hai bà Thái Hậu. 

Để chứng tỏ quyền lực và lòng khoan hồng, bà Từ Hi chỉ ra lệnh hành quyết 3 trong số 8 vị đại thần. Khi đó Cung Vương đã đề nghị Túc Thuận cùng các vị quan khác phải chịu cảnh hành hình đau đớn nhất là “tùng xẻo” (slow slicing), nhưng bà Từ Hi, để tỏ lòng nhân từ, đã từ chối cách trừng trị kể trên và quyết định rằng vị quan Túc Thuận chỉ bị chặt đầu, còn hai vị kia là Tái Viên và Đoan Hoa được trao cho các dải lụa trắng để tự thắt cổ. Ngoài ra, bà Từ Hi cũng từ chối không cho giết hết các gia đình của các vị đại thần này, theo như tục lệ Trung Hoa cổ xưa. 

Từ trước tới nay, truyền thống của triều đình Mãn Thanh đã không cho phép đàn bà và các hoàng thân được xen lấn vào các công việc chính trị của quốc gia, nhưng kể từ nay, bà Thái Hậu Từ Hi đã vi phạm các truyền thống cũ và trở nên Bà Nữ Hoàng đầu tiên của triều đình Nhà Thanh. 

Biến cố kể trên được Lịch Sử Trung Hoa gọi là cuộc Đảo Chính Cung Đình Năm Tân Dậu (1861) (the Xinyou Palace Coup).

4/ Thái Hậu Từ Hi cai trị quốc gia sau tấm màn che.

Cung Vương (11/1/1833 – 29/5/1898)
Vào tháng 11 năm 1861, vài ngày sau cuộc đảo chính kể trên, bà Từ Hi đã ban thưởng cho Cung Vương vì sự trợ giúp của ông này. Cung Vương được phong chức là người đứng đầu Văn Phòng Tổng Vụ và Văn Phòng Nội Vụ (the General Affairs Office and the Internal Affairs Office), và con gái của Cung Vương được phong tước là Công Chúa, một danh dự chỉ dành cho người con gái đầu tiên của nhà vua. Với danh nghĩa nhà vua, Thái Hậu Từ Hi đã ban ra hai chiếu chỉ, lệnh thứ nhất xác nhận hai bà Thái Hậu là các người có quyền quyết định duy nhất về các chính sách của quốc gia mà không ai có quyền can thiệp vào, lệnh thứ hai đổi danh hiệu của triều đại vua mới thành “Đồng Trị” (Tongzhi). 

Vào giai đoạn này, ảnh hưởng của cuộc Chiến Tranh Nha Phiến lần thứ hai (the Second Opium War) vẫn còn trên đất nước Trung Hoa và loạn Thái Bình Thiên Quốc đang lan tràn tại miền nam, trong khi đó các chính quyền trung ương và địa phương đang bị nạn tham nhũng hoành hành. 

Năm 1861 cũng là năm có kỳ thi toàn quốc và các quan chức địa phương phải trình lên triều đình các báo cáo chính trị trong 3 năm vừa qua. Thái Hậu Từ Hi bèn quyết định rằng các quan chức cao cấp, từ cấp tỉnh trở lên, phải trình bày trực tiếp các vấn đề khó khăn với bà. Thái Hậu cũng trực tiếp điều khiển Bộ Nội Vụ và ra lệnh hành hình hai nhân vật để làm gương và chứng tỏ quyền uy: một người tên là Thanh Anh (Qingying) đã phạm tội hối lộ để không bị giáng chức, người kia là Hà Quế Thanh (He Guiqing), phó vương của hai miền Lưỡng Giang (Liangjiang = Giang Nam và Giang Tây). Ông quan này đã bỏ chạy, không cố gắng giữ thành Thường Châu (Changzhou) khi quân Thái Bình Thiên Quốc tiến đánh. 

Một khó khăn khác mà Thái Hậu Từ Hi đã gặp phải là tình trạng suy thoái và già nua của giới trí thức Mãn Thanh. Kể từ khi triều đại Mãn Thanh được lập nên, các chức vụ chính yếu trong triều đình đều do các người Mãn Thanh đảm nhiệm và các vua chúa Mãn Thanh thường khinh rẻ, không coi trọng các quan lại người gốc Hán. Nhưng tới ngày nay, Thái Hậu Từ Hi đã làm ngược lại chính sách truyền thống kể trên, đã giao phó các đạo quân chính của triều đình cho Tướng Tăng Quốc Phiên là một người gốc Hán. Ngoài ra, trong vòng 3 năm, Thái Hậu Từ Hi đã bổ nhiệm các quan lại người Hán làm tổng trấn các tỉnh miền nam. 

Dưới quyền của Tướng Tăng Quốc Phiên, đạo quân Sông Tương (the Xiang Army) đã đánh bại quân Thái Bình Thiên Quốc tại Thiên Kinh (Tianjing, bây giờ là Nam Kinh) vào tháng 7 năm 1864. Sau đó, Tướng Tăng Quốc Phiên được ân thưởng Nghị Dũng Hầu (Marquess Yiyong), đệ nhất công thần, và các tướng lãnh khác cũng được tưởng thưởng với tước hiệu cao quý: Tăng Quốc Thuyên (Zeng Guoquan, em của Tăng Quốc Phiên), Lý Hồng Chương (Li Hongzhang) và Tả Tông Đường (Zuo Zongtang). 

Sau khi mối đe dọa của loạn Thái Bình Thiên Quốc không còn nữa, Thái Hậu Từ Hi chuyển sang đối phó với mối đe dọa nội bộ, ảnh hưởng tới quyền lực của chính bà ta. Người mà Thái Hậu quan tâm là Cung Vương (còn được gọi tên là Dịch Hân = Yixin). Ông này là cố vấn chính yếu các chính sách của triều đình (Chief Policy Advisor), nắm quyền lực chỉ huy tất cả quân lực người Hán, phụ trách Hội Đồng Tối Cao (the Grand Council) và điều khiển Tổng Lý Nha Môn (Zongli Yamen), một cơ quan tương đương với Bộ Ngoại Giao. Với quyền hành rộng lớn như vậy, Cung Vương bị Thái Hậu Từ Hi coi là một mối đe dọa với bà ta. Thái Hậu bèn ra một chiếu chỉ, đòi hỏi Cung Vương phải từ chức. Với quyền lực sẵn có tại triều đình và với các nhân vật vây cánh, Cung Vương đã coi cái chiếu chỉ kể trên là không có giá trị. 

Vào tháng 4 năm 1865, bằng tội danh “Cung Vương đã có các hành vi không xứng đáng trước Hai Bà Thái Hậu”, cùng với một số tội danh khác, Cung Vương đã bị tước bỏ tất cả các chức vụ, ngoại trừ tước hiệu còn được lưu giữ. Cung Vương đã phải quỳ lậy và khóc lóc trước Thái Hậu Từ Hi. Sự việc cách chức Cung Vương đã gây ra sửng sốt cho rất nhiều quan chức lớn trong triều đình, các vị này đã làm đơn xin ân xá cho Cung Vương. Trước các áp lực và các lời cầu xin, Thái Hậu Từ Hi đã cho Cung Vương phụ trách phần vụ ngoại giao, nhưng không được phép cố vấn các chính sách nội bộ, kể cả các đường lối cải tiến. Kể từ nay, Thái Hậu Từ Hi trực tiếp chỉ huy nền chính trị của triều đình Nhà Thanh bằng bàn tay sắt. 

5/ Ảnh hưởng ngoại quốc đối với triều đình Mãn Thanh.

Sự việc quân lực Mãn Thanh thất bại trong tất cả các cuộc chiến chống người ngoại quốc, đã là tiếng chuông kêu gọi các nhà cai trị Trung Hoa phải thức tỉnh trước thực trạng. Nước Trung Hoa với nền móng nông nghiệp đã không thể đương đầu với các lực lượng phương tây với căn bản kỹ nghệ, nhất là về võ khí. Vì vậy Thái Hậu Từ Hi phải chấp nhận để cho người Trung Hoa học hỏi các người phương tây về kiến thức và kỹ thuật. Ba nhân vật người Hán được giao cho trọng trách bắt đầu các chương trình kỹ nghệ tại các phần đất miền nam, đó là các ông Tăng Quốc Phiên, Lý Hồng Chương và Tả Tông Đường. 

Đồng Văn Quán - https://en.wikipedia.org/wiki/Tongwen_Guan
Vào năm 1862, Thái Hậu Từ Hi cũng ra lệnh thành lập Đồng Văn Quán (Tongwen Guan), là một cơ sở giống như một trường đại học, tại Bắc Kinh, cơ sở này thuê mướn các giáo sư người ngoại quốc tới giảng dạy về các môn học mới như Toán Học và Thiên Văn, đồng thời với các ngôn ngữ khác như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga. Vài nhóm thiếu niên cũng được gửi đi Hoa Kỳ du học. 

Việc cải tổ các phương tiện quân sự của Trung Hoa khi đó được coi như cần gấp. Với sự cố vấn của các quan chức lớn trong triều đình, Thái Hậu Từ Hi đã chấp thuận mua 7 chiến thuyền của nước Anh. Nhưng đã có một việc trái ngược, không rõ do sự thương lượng hay vì ngôn ngữ không rõ ràng, là khi các chiến thuyền này tới Trung Hoa, chúng đã chở theo đầy đủ các thủy thủ dưới quyền chỉ huy của sĩ quan Anh. Người Trung Hoa đã bất mãn trước trò chơi xấu này, nên đã từ chối các món hàng và các chiến thuyền kể trên đã bị bán đấu giá. 

Thái Hậu Từ Hi là một con người rất bảo thủ, chỉ biết suy nghĩ theo đường lối cổ xưa và sợ rằng quyền hành của mình bị suy giảm. Nước Trung Hoa đặt mua đường xe lửa nhưng đối với bà Từ Hi, loại đường sắt này quá ồn ào, sẽ làm rung động lăng mộ của các vị hoàng đế. Khi đường xe lửa vẫn được xây dựng thì bà Từ Hi đòi hỏi rằng các toa xe phải do lừa ngựa kéo. Các tư tưởng cải tiến của một số người Trung Hoa mang từ nước ngoài về, đã bị bà Từ Hi coi là mối đe dọa đến quyền lực của bà ta. Từ năm 1881, Thái Hậu Từ Hi đã ra lệnh ngưng việc gửi các thiếu niên Trung Hoa đi du học và đã không còn cách đối xử cởi mở đối với người ngoại quốc cư ngụ trên mảnh đất Trung Hoa.

6/ Vua Đồng Trị với các gian nan.

Vào năm 1872, Hoàng Đế Đồng Trị được 17 tuổi. Dưới sự hướng dẫn của Thái Hậu Từ An, vị hoàng đế trẻ này đã kết hôn với Công Chúa Gia Xuân (Jiashun). Ông nội của vị công chúa này lại là kẻ thù của Thái Hậu Từ Hi trong cuộc đảo chính Tân Dậu, vì vậy ngay từ ban đầu, sự liên lạc giữa Công Chúa Gia Xuân và Thái Hậu Từ Hi đã không được yên lành. 

Công Chúa Gia Xuân (25/7/1854 – 27/3/1875)
Công Chúa Gia Xuân là người vợ chính thức của Hoàng Đế Trung Hoa, lại là người được Thái Hậu Từ An rất yêu mến. Các người hầu cận với công chúa này đã nhắc nhở công chúa phải đối xử rất khéo léo với Thái Hậu Từ Hi bởi vì bà là nhân vật đang nắm thực quyền với Cung Vương, thì công chúa đã trả lời: “Ta là vợ chính thức của Hoàng Đế, được rước về Cung với nghi thức rực rỡ qua cửa chính, trong khi Thái Hậu Từ Hi chỉ là một người vợ thứ, đi vào Cung theo cửa phụ”. 

Trong khi đó, Hoàng Đế Đồng Trị đã vui sống cả ngày với Công Chúa Gia Xuân mà không quan tâm tới 4 bà vợ thứ, kể cả bà vợ do Thái Hậu Từ Hi chọn lựa cho. Như vậy đã xẩy ra mối bất hòa giữa bà Thái Hậu Từ Hi và Hoàng Đế Đồng Trị cũng như với vị công chúa, vợ chính thức của nhà vua. Nhà vua trẻ này do sinh sống cô đơn trong lâu đài Tiền Khánh (Qianqing) nên tính tình trở nên bất thường, đã đánh đập các người hầu cận vì các lỗi nhỏ mọn. Hoàng Đế này cùng với Tải Thành (Zaicheng) là người con lớn của Cung Vương và vài hoạn quan khác, đi tìm các thú vui tầm thường bên ngoài kinh thành. Có nhiều đêm, nhà vua cải trang thành người dân thường để lần mò vào các chốn lầu xanh và các việc làm liều lĩnh và thiếu đạo đức của nhà vua đã bị các quan trong triều đình và dân chúng bên ngoài bàn tán. 

Khi còn là Thái Tử, vua Đồng Trị đã được bà Thái Hậu Từ Hi chọn lựa cho các vị thầy danh tiếng để dạy dỗ về văn chương cổ điển trong khi đối với thứ kiến thức này, nhà vua lại tỏ ra không ưa thích và không quan tâm. Các áp lực và sự căng thẳng khi phải học hành đã làm cho vị thái tử khinh ghét sự học. Theo nhật ký của vị Thầy Ông Đông Hà (Weng Tonghe), khi tới tuổi 16 mà Thái Tử Đồng Trị không đọc nổi một bài văn hồi ký. 

Tới tháng 11 năm 1873, Thái Tử Đồng Trị được đủ 18 tuổi nhưng lại là một vị hoàng để không đủ khả năng. Vị Hoàng Đế trẻ này đã cai trị nước Trung Hoa trong một thời gian ngắn, từ năm 1873 tới năm 1875, và sắc lệnh đầu tiên của nhà vua là xây dựng lại Cung Điện Mùa Hè (the Imperial Summer Palace) bởi vì nơi này đã bị liên quân Anh và Pháp tàn phá trong cuộc Chiến Tranh Nha Phiến lần thứ hai, với lý do dùng Cung Điện Mới làm quà tặng cho hai bà Thái Hậu. Có sử gia cho rằng hành động này của Vua Đồng Trị là muốn đưa bà Từ Hi ra khỏi Cấm Thành (the Forbidden City) khiến cho bà ta không thể can thiệp vào các chính sách và lối sống riêng tư của nhà vua. 

Nhưng, ngân quỹ của triều đình đã cạn kiệt vì các chính biến nội bộ, vì chiến tranh với các người nước ngoài, vì thế Vua Đồng Trị yêu cầu Bộ Tài Chánh đi tìm ngân khoản và xin các giới quyền quý, các quan đại thần ủng hộ các món tiền cho công quỹ. Trong khi công tác xây dựng Cung Điện Mùa Hè đang được tiến hành thì nhà vua tuy có theo dõi việc làm kể trên, nhưng cũng thường hay vắng mặt tại triều đình, do đi tìm kiếm các thú vui bên ngoài Cấm Thành.

Vì cảm thấy nhà vua lơ là trước các việc nội chính và vì thấy ngân quỹ không còn, các vị hoàng tử như Dịch Hân (Cung Vương) và Dịch Tuyên (Yixuan) cũng như các quan đại thần khác đã đệ đơn xin nhà vua ngưng việc xây cất cung điện kể trên. Vì bị chỉ trích, Vua Đồng Trị đã ra lệnh vào tháng 8 năm 1874, lột chức của Hoàng Tử Dịch Hân khiến trở thành dân thường rồi hai ngày sau, các hoàng tử và đại thần sau đây cũng bị giáng chức xuống thành dân thường: Dịch Tùng (Yicong), Dịch Tuyên (Yixuan), Dịch Hội (Yihui), Kinh Thủ (Jinshou), Dịch Khuông (Yikuang), Văn Tường (Wenxiang), Bảo Chu (Baoju), và các cố vấn cao cấp như Thẩm Quý Phần (Shen Guifen) và Lý Hồng Tảo (Li Hongzao) cũng bị tước bỏ chức vụ và danh hiệu. 

Nhận thấy cách làm việc sai trái của nhà vua, hai bà Thái Hậu đã cùng nhau tới triều đình và chỉ trích trực tiếp Vua Đồng Trị về các sai lầm và đòi hỏi nhà vua phải rút về sắc lệnh bãi chức. Bà Từ Hi đã nói với nhà vua: “Không có Cung Vương, đã không có hoàn cảnh như ngày nay cho cả mi và ta”. 

Vì cảm thấy bị thất bại, không thể thực thi được quyền hành như ý muốn, Vua Đồng Trị lại quay về các thói quen cũ. Có tin đồn rằng nhà vua mắc bệnh giang mai và mắt nhìn không rõ. Các ngự y lại loan tin rằng nhà vua bị bệnh đậu mùa rồi cho thuốc chữa trị. Vài tuần lễ sau, Vua Đồng Trị băng hà vào ngày 13 tháng 1 năm 1875. Công Chúa Gia Xuân cũng qua đời sau đó, vào tháng 3. Theo ý kiến của giới tây y ngày nay, bệnh giang mai có các thời kỳ phát triển và sự băng hà quá nhanh chóng của nhà vua không phải do căn bệnh này, vì thế các nhà sử học đã tin rằng Vua Đồng Trị chết vì bệnh đậu mùa. Như vậy từ năm 1875, bà Thái Hậu Từ Hi lại trở về nắm giữ quyền hành, điều khiển nước Trung Hoa với bàn tay sắt. 

7/ Nhiếp chính cho Vua Quang Tự.

Vua Đồng Trị chết đi, đã không để lại người con trai nào nối dõi dòng họ, nên đã tạo ra một cuộc khủng hoảng trong việc kế tiếp ngai vàng. Theo nguyên tắc, các hoàng thân thuộc thế hệ bề trên không thích hợp với việc nối ngôi của một người cháu, vì vậy vị vua mới phải thuộc về thế hệ cùng với Vua Đồng Trị hay là thuộc thế hệ bên dưới. Sau khi hai bà Thái Hậu bất đồng ý kiến với nhau về công việc tuyển chọn vị vua mới, thì người con trai đầu tên là Tái Điềm (Zaitien) của Xuân Vương (Prince Chun) với người mẹ là chị của Thái Hậu Từ Hi, khi đó mới 4 tuổi, được chọn lựa làm vị vua mới. 

Vua Quang Tự (14/8/1871 - 14/11/1908)
Năm 1875 được công bố là năm bắt đầu triều đại của Vua Quang Tự (Guangxu) với ý nghĩa là sự nối ngôi rực rỡ (Glorious Succession). Từ nay, cậu bé Tái Điềm này được đưa ra khỏi gia đình và bị cắt đứt mọi liên lạc với cha mẹ, anh em... và phải coi Thái Hậu Từ Hi như người cha ruột trong nhà. Bắt đầu từ khi lên 5 tuổi, Hoàng Đế Quang Tự được vị Thầy tên là Ông Đông Hà (Weng Tonghe) dạy dỗ, và vị vua trẻ này đã có cảm tình với ông Thầy này trong nhiều năm về sau. 

Cũng vào thời gian này, Thái Hậu Từ An đã qua đời một cách bí mật vào tháng 4 năm 1881 mà không một người nào hay biết. Người ta đã đồn rằng bà đã bị Thái Hậu Từ Hi đầu độc chết. Có giả thuyết nói rằng Thái Hậu Từ An đã có ở trong tay một di chiếu của Vua Hàm Phong để có thể truất phế Thái Hậu Từ Hi bất cứ lúc nào, vì vậy bà Từ Hi đã bỏ thuốc độc vào thức ăn của bà Từ An. Di chiếu kể trên chỉ có bà Từ An và Cung Vương được biết. 

Sự qua đời của Thái Hậu Từ An có nghĩa là quyền lực từ nay nghiêng hẳn về Thái Hậu Từ Hi và vị trí của Cung Vương cũng yếu hẳn đi. Vị hoàng thân này cũng chán nản trước cách cai trị sắt thép của bà Từ Hi, nên đã không thích liên hệ tới công việc triều chính, mà bận tâm về cuộc chiến tranh giữa Trung Hoa và Pháp (the Sino-French War). Việc Trung Hoa thua trận trong cuộc chiến kể trên đã khiến cho bà Từ Hi dùng làm một nguyên cớ để loại trừ Cung Vương và các vị quan cao cấp trong Hội Đồng Cố Vấn vào năm 1885, đồng thời thăng cấp cho Xuân Vương, một người dễ sai khiến, làm Tư Lệnh Hải Quân. Trong khi đó, các ngân khoản dùng cho quân đội bị chuyển sang công tác xây dựng Cung Điện Mùa Hè (the Imperial Summer Palace) tại bên ngoài thành phố Bắc Kinh, bởi vì đây sẽ là nơi hưu dưỡng của bà Từ Hi. 

Vào ngày sinh nhật thứ 60, tức là năm 1895, Thái Hậu Từ Hi được chính quyền Trung Hoa tặng cho 10 triệu nén bạc (10 million taels of silver) để dùng cho Lâu Đài Mùa Hè trong khi đó nước Trung Hoa mới bị tổn thất phần lớn các tầu chiến loại mới trong cuộc chiến tranh với người Pháp lần thứ nhất vào năm 1894. Thực ra, số tiền kể trên rất cần thiết để tạo dựng lại một hạm đội tân tiến và để đền công cho các quan chức từ lớn tới nhỏ, là những người đã từng phục vụ hữu ích cho chính quyền. 

Đối với Vua Quang Tự, Thái Hậu Từ Hi đã quản thúc vị vua trẻ này quá chặt chẽ, khiến cho nhà vua bị quá khiếp sợ, sợ bà Thái Hậu hơn sợ cọp và bà ta bảo gì, nhà vua cũng phải vâng theo. Mỗi ngày, Vua Quang Tự phải vào “vấn an” bà Thái Hậu một lần, và khi vào thăm hỏi, phải quỳ gối, chỉ được phép đứng dậy khi bà Thái Hậu cho phép. 

Một sủng thần của bà Từ Hi là thái giám Lý Liên Anh (Li Lian Ying) cũng ăn hiếp Vua Quang Tự và đã đối xử với nhà vua rất tàn nhẫn. Xuất thân là một kép hát, Lý Liên Anh là một con người đẹp trai, hát rất hay nên được bà Từ Hi sủng ái, ông ta rất tự phụ và các quan đại thần trong triều đình cũng e sợ ông thái giám này giống như lo sợ bà Từ Hi, và chính Hoàng Đế Quang Tự cũng phải chịu nhục với tên Lý Liên Anh nhiều lần. 

Theo nguyên tắc, Vua Quang Tự có quyền cai trị đất nước Trung Hoa khi được 16 tuổi, tức là vào năm 1887 và bà Từ Hi cũng đã làm một chiếu chỉ để nhà vua lên ngôi, nhưng vì quyền hành của bà Thái Hậu, các vị quan trong triều đình đã đề nghị tạm hoãn việc lên ngai vàng của Vua Quang Từ và rồi Thái Hậu Từ Hi đã chấp nhận các lời khuyên này để tiếp tục nắm giữ quyền hành tới vô thời hạn. 

Thái Hậu Từ Hi cũng chuẩn bị lễ cưới cho Vua Quang Tự vào năm 1889, là năm nhà vua được 18 tuổi. Trước lễ cưới này, một trận hỏa hoạn lớn bao trùm khu vực Thiên An Môn, tiếp theo là các thiên tai to lớn, đối với người Trung Hoa thì đây là các điềm rất xấu, cảnh cáo nhà cai trị dân đang bị mất lòng của “Trời Đất”. Ngoài cách điều hành chính quyền, Thái Hậu Từ Hi còn bắt Vua Quang Tự chọn người cháu gái của bà ta tên là Kính Phần (Jingfen) làm hoàng hậu, trái với ý muốn của nhà vua, trong khi đó Vua Quang Tự lại yêu thích bà thứ phi Trân (Consort Zhen). Vào năm 1894, vì e ngại bà thứ phi Trân có thể ảnh hưởng tới nhà vua, bà Từ Hi đã ra lệnh đánh roi bà thứ phi này, đồng thời mỗi khi có các quyết định chính trị quan trọng, nhà vua cùng các vị đại thần phải vào chầu bà Thái Hậu vào ngày thứ hai hay thứ ba sau đó. 

8/ Cuộc Chính Biến Năm Mậu Tuất 1898.

Sau cuộc chiến tranh Trung-Nhật 1894-95, người Trung Hoa mới nhận ra rằng một nước lớn như Trung Hoa đã bị thua một nước nhỏ là Nhật Bản, như vậy vũ khí mới không đủ để cứu nước, mà cần phải cải cách tận gốc, thay đổi chế độ. Họ cổ võ cho việc canh tân chính trị, tổ chức lại triều đình và xã hội, hủy bỏ hệ thống khoa cử cũ, tuyển lựa các nhân tài theo phương pháp mới... Đây là cuộc vận động Duy Tân (đổi mới) được phổ biến khắp nơi. 

Khang Hữu Vi (19/3/1858 – 31/3/1927)
Hai nhân vật đã đề xướng công cuộc cải tổ là các ông Khang Hữu Vi (Kang Youwei) và Lương Khải Siêu (Liang Qichao), người học trò của ông Khang Hữu Vi. Hai ông này đã đưa ra khẩu hiệu là “toàn biến, tốc biến” (thay đổi triệt để và mau chóng).

Vào năm 1889, Thái Hậu Từ Hi coi như chính thức về hưu tại Di Hòa Viên (Yi He Yuan). Vua Quang Tự được coi như bắt đầu nắm quyền hành. Nhà vua này bị ảnh hưởng của vị Thầy cũ tên là Ông Đông Hà, người đã thảo ra một chiếu chỉ ban hành vào ngày 11 tháng 6 năm 1898, với chủ trương cải tổ triều đình và ông Thầy này đã giúp cho ông Khang Hữu Vi được tiếp kiến Vua Quang Tự 5 ngày sau đó. 

Ông Khang Hữu Vi đã đề nghị Vua Quang Tự nên cải tổ từ trên xuống, giống như chính quyền Minh Trị của Nhật Bản đã thực hiện trước đó 30 năm. Trong vòng 100 ngày, kể từ ngày 11 tháng 6 tới ngày 21 tháng 9 năm 1898, Vua Quang Tự với sự trợ giúp của các ông Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu và Đàm Tự Đồng (Tan Sitong), đã công bố 40 chiếu chỉ cải tổ: cải cách triều đình, hủy bỏ lối văn tám vế (the eight-legged essay), lập học hiệu mới, khuyến khích viết sách mới và chế tạo dụng cụ mới, luyện tập quân đội theo lối mới, dự tính thành lập ngân hàng, làm đường xe lửa, khai mỏ, mở rộng ngôn luận, chiêu mộ nhân tài... Tất cả được gọi là Cuộc Cải Cách 100 Ngày (the Hundred Days’ Reform), với chủ đích thay đổi về chính trị, luật pháp và xã hội. 

Lương Khải Siêu 23/2/1873 – 19/1/1929
Nhưng các dự tính cải cách của Vua Quang Tự đã bị bà Từ Hi theo dõi. Các cải tổ kể trên bị coi là quá đột ngột đối với nước Trung Hoa còn mang nặng tinh thần Khổng Mạnh. Các nhân viên chính quyền và quân sự cao cấp đã báo cáo lên Thái Hậu Từ Hi, họ nghi ngờ ảnh hưởng của Nhật Bản, gồm cả cuộc thăm viếng bất ngờ của Thủ Tướng Nhật Bản tới triều đình Trung Hoa. Vì thế bà Từ Hi bèn tìm cách giành lại quyền nhiếp chính và điều khiến quốc gia. Bà ta đã bổ nhiệm một người cùng phe là Tướng Vinh Lộc (Ronglu), Tổng Đốc Trực Lệ, làm vị chỉ huy quân đội ở kinh đô, để củng cố thế lực. 

Ông Đàm Tự Đồng nhận thấy bà Thái Hậu cản trở công việc đổi mới, nên đã khuyên Vua Quang Tự đoạt lại quyền hành. Nhà Vua nghe lời, bèn triệu gọi Viên Thế Khải khi đó đang điều khiển 7,000 quân tâm phúc, kéo quân về Bắc Kinh để bao vây Di Hòa Viên, nhưng chính Viên Thế Khải nhận thấy bà Từ Hi còn mạnh thế, nên đã phản lại nhà vua. Ngày 21 tháng 9 năm 1898, một cuộc đảo chính do Tướng Vinh Lộc chủ mưu, đã bắt Vua Quang Tự giam ở Doanh Đài (the Ocean Terrace) bên trong Hồ Tây Uyển. 

Đàm Tự Đồng 10/3/1865 – 28/9/1898
Một chiếu chỉ khác của bà Từ Hi xác nhận “Quang Tự không xứng đáng làm Vua”, nhưng sau đó, trước các áp lực của các nước phương tây, trước sự bất mãn của dân chúng Trung Hoa, Thái Hậu Từ Hi đã không truất phế hẳn Vua Quang Tự mặc dù bà ta đã trù liệu một hoàng thái tử khác 14 tuổi. Kể từ nay, Vua Quang Tự bị mất hết các danh dự, quyền lực và đặc ân, kể cả sự tự do di chuyển. Các nhà sử học gọi cuộc cải cách không thành này là cuộc “Chính Biến Năm Mậu Tuất” (1898), hay là vụ “Duy Tân 100 Ngày” (the Hundred Days’ Reform). 

Khi hay tin cuộc chính biến sắp bị thất bại, ông Khang Hữu Vi đã bỏ trốn trước. Ông Lương Khải Siêu trốn đi sau đó và đã qua được Nhật Bản. Ông Đàm Tự Đồng không chịu trốn tránh, muốn lấy máu của mình để nuôi khí thế cách mạng, nên ông bị Thái Hậu Từ Hi ra lệnh hành hình tại nơi công cộng cùng với 5 người nữa là Khang Quảng Nhân (em của Khang Hữu Vi), Lưu Quang Đệ, Lâm Húc, Dương Nhuệ và Dương Thâm Tú. Ông Khang Hữu Vi khi sống ở Nhật Bản, đã lập ra đảng Bảo Hoàng để mong lật đổ Thái Hậu Từ Hi và hỗ trợ cho Vua Quang Tự, trong khi đó ông Lương Khải Siêu cho xuất bản tờ báo Thanh Nghị, dùng để mạt sát bà Từ Hi. 
Bà Thái Hậu Từ Hi đã xin các nước Anh và Nhật Bản giao nộp hai ông Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu nhưng hai nước này đã không nghe theo, lại còn bảo vệ hai nhà ái quốc này và coi họ là các người bất đồng chính kiến, trong khi đó các Hoa kiều ở các nước ngoài đã đánh điện tín về trong nước, ủng hộ Vua Quang Tự. 

9/ Loạn Quyền Phỉ và việc bồi thường chiến tranh.

Vào năm 1900, Loạn Quyền Phỉ (the Boxer Uprising) đã nổi lên ở miền bắc nước Trung Hoa. Chính thái giám Lý Liên Anh đã khuyên bà Từ Hi dùng loạn quân này để tiêu diệt người da trắng. Vì vậy Thái Hậu Từ Hi đã chính thức công bố ủng hộ cuộc làm loạn này. Khi các người phương tây phản ứng lại bằng liên quân 8 nước (the Eight-Nation Alliance), quân đội Trung Hoa đã không thể chống cự đoàn quân phương tây, do ngân khoản quân sự đã bị bà Từ Hi cắt xén. Liên quân phương tây đã tiến vào Bắc Kinh, chiếm đóng Cấm Thành và tàn phá các cung điện. Thái Hậu Từ Hi cùng với Vua Quang Tự và Hoàng Hậu phải bỏ chạy về Tây An, rồi sau đó phải ký hòa ước, chấp nhận quân đội quốc tế được đóng tại Bắc Kinh và nước Trung Hoa phải bồi thường cho các quốc gia phương tây 67 triệu bảng Anh (333 triệu Mỹ kim). 

10/ Thái Hậu Từ Hi qua đời.

Thái Hậu Từ Hi (29/11/1835 – 15/11/1908)
Thái Hậu Từ Hi chết tại Sảnh Đường Trung Hải (the Middle Sea Hall of Graceful Bird) vào ngày 15/11/1908, sau khi đã đặt Vua Phổ Nghi (Puyi) làm Hoàng Đế mới của triều đại nhà Thanh kể từ ngày 14/11/1908. Bà Từ Hi chết sau Vua Quang Tự một ngày. Vào ngày 4 tháng 11 năm 2008, các thử nghiệm sau tử vong cho biết rằng Vua Quang Tự đã bị đầu độc bằng chất thạch tín (arsenic) với liều lượng 2,000 lần cao hơn lượng đầu độc thông thường. 

Thái Hậu Từ Hi được chôn cất tại Thanh Đông Lăng (the Eastern Qing Tombs), cách Bắc Kinh 125 cây số về phía đông. Thực ra, bà Từ Hi này đã có một ngôi mộ cũ nhưng bà không vừa lòng, nên đã ra lệnh phá bỏ ngôi cũ và xây dựng một lăng tẩm mới, huy hoàng hơn với các trang trí bằng vàng lá. Vào tháng 7 năm 1928, khu vực ngôi mộ này đã bị đốc quân Tôn Điền Anh (Sun Dianying) chiếm giữ, quân lính đã cướp phá lăng tẩm, đặt mìn tại lối vào hầm mộ, mở quan tài ra và ném xác bà Từ Hi xuống nền đất, để cướp bóc vàng bạc và các viên ngọc quý đặt trong miệng của bà Thái Hậu, cũng như bên trong quan tài. Sau năm 1949, phần mộ của bà Từ Hi đã được Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa phục hồi và hiện nay, nơi đây còn là một trong các lăng tẩm đặc sắc của nước Trung Hoa. 

Thái Hậu Từ Hi là một phụ nữ nhiều tham vọng, độc tài và nhiều mưu kế, đã biết dùng các cận thần có năng lực để làm tham mưu cho bà ta. Bà Từ Hi cũng là một con người ích kỷ, dâm dật, chỉ nghĩ tới quyền lợi riêng tư, đã dùng công quỹ thay vì đóng chiến hạm, vào việc sửa sang Di Hòa Viên là nơi tĩnh dưỡng khi về già của bà ta. 

Bà Từ Hi được coi là một bạo chúa (despot) không ngay thẳng, đã thu gom của cải vào đúng lúc nước Trung Hoa đang ở trên bờ vực phá sản. Bà Thái Hậu này đã đưa nước Trung Hoa vào con đường thối nát, vô chính phủ và sau cùng là cách mạng.

Phạm Văn Tuấn


Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org., Britannica Encyclopedia; China, a New History by John King Fairbank, Harvard Univ. Press, Mass. 1992.