Tôi mơ cõi nước của Đức Phật Di Đà,
Nơi không có con người gian dối.
Không có qủy ma,
Cho nên cây trái ở đây cũng mang vóc dáng thật thà.
Tôi mơ cõi nước của Phật Di Đà,
Nơi mà đất nước rất thanh sạch.
Người người bảo nhau không xả rác.
Cho nên tâm hồn ở đây đều sáng đẹp như hoa.
Tôi mơ cõi nước của Đức Phật Di Đà,
Loài thú ở đây vui chơi như trẻ nhỏ.
Loài cá thật an lành dưới nước.
Chỗ nào cũng vang tiếng chim ca.
Tôi mơ cõi nước của Đức Phật Di Đà.
Âm thanh ở đây nhẹ nhàng thanh thoát lắm.
Không có nhạc tình, nhạc than, nhạc khóc.
Cho nên người ở đây sống vui vẻ tới già.
Tôi mơ nước Cực Lạc tại thế của Phật Di Đà.
Loài người ở đây không nóng giận.
Cho nên ở đây không có chém giết.
Vì gặp nhau ai cũng niệm “Di Đà”.
Tôi mơ cõi nước của Đức Phật Di Đà.
Người ở đây làm việc nhưng không làm để chết.
Làm để xây dựng cuộc đời, không làm để gom góp.
Cho nên không có chuyện người bóc lột người.
Tôi mơ cõi nước của Đức Phật Di Đà.
Người ở đây yêu mến thiền định.
Mỗi ngày đều quán xét lại mình.
Cho nên khuôn mặt người nào cũng sáng đẹp tranh.
Tôi mơ cõi nước của Đức Phật Di Đà.
Người ở đây tôn thờ trí tuệ.
Cho nên chẳng ai tha thiết bạc vàng.
Bởi trí tuệ là của cải không bao giờ dùng hết.
Tôi mơ cõi nước của Đức Phật Di Đà.
Người ở đây đua nhau làm bố thí.
Người giàu san sẻ cho người nghèo chút ít.
Cho nên xứ ngày chẳng có kẻ ăn xin.
Tôi mơ cõi Tịnh Độ của Phật Di Đà.
Ở đây có một loại vũ khí thật lạ.
Đó là tình thương,
Cho nên xứ này chẳng có oán hờn.
Tôi mơ cõi nước của Đức Phật Di Đà.
Ở đây không có chiến tranh.
Vì mọi người bảo nhau cùng tu và học,
Theo pháp Lục Hòa. (*)
Tôi mơ cõi nước của Đức Phật Di Đà.
Nhưng tôi hiểu rằng Tâm tôi phải trong sạch.
Bởi vì nếu tâm tôi nhơ bẩn.
Thì thế giới này sẽ biến thành quỷ ma.
Đào Văn Bình
(California ngày 10/11/2018)
(*) Pháp Lục Hòa trong đó có “Giới Hòa Đồng Trụ” tức cùng hòa thuận để ở với nhau trong thế giới này tức chung sống hòa bình.
THAM KHẢO:
A-di-đà hay Amitābha (trong tiếng Sankrit có nghĩa là ánh sáng vô lượng) là một trong những vị Phật thần thoại hay siêu nhiên ngụ ở tịnh độ của mình và đến thế giới này với vai trò là một thế lực cứu độ. Theo Đại Kinh A-di-đà hay Đại Kinh Sukhāvatīvyūha, trong một kiếp sống trước đây A-di-đà là một vị tăng tên là Pháp-tạng hay Dharmākara, ông nguyện khi sẽ tịnh hoá và trang nghiêm một thế giới và biến nó thành một trong những Phật độ thanh tịnh và đẹp đẽ nhất. Một khi ông hoàn toàn tỉnh giác và hoàn thành lời nguyện của mình, Dharmākara sẽ trở thành Phật A-di-đà. A-di-đà giờ đây đang cư ngụ tại thế giới ông ta đã tịnh hoá, gọi là Sukhāvatī (Cực lạc) tịnh độ ở phương Tây. Từ thế giới này ông ta sẽ đến với chúng ta, vây quanh bởi những vị bồ tát, chào mừng người đã mất và dẫn họ đi tái sinh trong đất Phật thanh tịnh của ông.
Hình ảnh của A-di-đà không hề được nhắc đến trong những tầng văn liệu cổ xưa nhất của Phật giáo Ấn độ, nhưng vào khoảng đầu Công nguyên, danh hiệu A-di-đà xuất hiện là một vị Phật ở phía Tây trong bộ Ngũ phương Phật. Tín ngưỡng A-di-đà gần như được phát triển cùng với phương pháp hành trì thời kỳ đầu của Đại Thừa hay Mahāyāna là cầu khấn và thờ phụng "mọi vị phật" và hình tượng vài vị trong số đó đang sống ở những thế giới "thanh tịnh", xa xôi, ứng với một phương hướng chính. Huyền thoại về những lời nguyện và tịnh thổ của A-di-đà có thể được phát triển xấp xỉ với hay cạnh tranh với những tín ngưỡng tương tự của những vị phật khác chẳng hạn như A-súc-bệ hay Akṣobhya (một trong những vị tiền phật của ngũ phương, có tịnh-thổ nằm ở phía đông gọi là Diệu Hỷ hay Abhirati).
Dù rằng A-di-đà có nhiều phẩm chất giống với những vị Phật Đại thừa khác, nhưng A-di-đà thường được gắn với ánh chiều tà rạng rỡ, lan ra khắp mọi ngõ ngách vũ trụ mà không làm thiêu đốt hay mù loà (ở Đông Á ông cũng được liên kết với ánh trăng). Sự nhấn mạnh trên những phẩm chất phát quang (hay vầng hào quang) này vốn đóng một vai trò quan trọng trong văn hoá biểu tượng Đông Á, không làm thay thế hay mâu thuẫn khi kết hợp A-di-đà với tôn giáo của âm thanh và tiếng nói; sự cứu hộ của ông được đảm bảo hay cam chắc bắng cách gọi tên ông, hay đúng hơn, cầu khấn danh hiệu ông với câu: "Nam mô A-di-đà Phật." Thậm chí trong những đoạn văn nhấn mạnh vào hình ảnh ánh sáng như là Đại-trí-độ luận (Luận về Đại Trí tuệ Hoàn Hảo), ông vẫn là mẫu hình mạnh mẽ của thề nguyện và thánh danh.