WESTMINSTER, California (NV) – Nếu như ai đã từng biết đến nhà văn Ngọc Cường hẳn sẽ quan tâm tới tác phẩm thứ ba sắp ra mắt của ông. Sau khi xuất bản hai tác phẩm đầu tay là “Bèo Giạt” (năm 2014) và “Hệ Lụy” (năm 2016) được nhiều bạn bè thân hữu, các tạp chí, nguyệt san đón nhận, ông tiếp tục cho ra đời cuốn sách thứ ba, có tựa là “Bâng Khuâng” cũng do Nhà Xuất Bản Người Việt ấn bản và phát hành.
Tác giả Ngọc Cường tên thật là Nguyễn Tường Cường, sinh năm 1947 tại Hà Nội nhưng theo gia đình di cư vào Nam năm 1951. Ông từng tình nguyện nhập ngũ trường Võ Bị Thủ Đức, sau đó phục vụ trong các đơn vị Quân Ðội VNCH. Cũng như bao chiến sĩ VNCH khác, sau năm 1975 ông bị Cộng Sản bắt đi tù, ông đã lần lượt bị giam trong 6 trại tù khác nhau tại phía Bắc Việt Nam. Năm 1981 ông vượt biên và định cư ở Ohio.
Nói về sự khác biệt giữa cuốn sách mới ra và hai cuốn trước đây, tác giả cho biết: “Cuốn ‘Bèo Giạt’ là những mẩu chuyện về cuộc đời những người mà tôi đã gặp, có gây cho tôi những suy tư, xúc động. Thân phận họ trôi dạt như cánh bèo, tưởng là bản thân có thể quyết định được cuộc sống của mình, nhưng rồi họ cũng bị dòng đời xô đẩy, buộc phải trôi theo. Còn cuốn ‘Hệ Lụy’ lại là những mẩu chuyện nói về những mối ràng buộc giữa người này với người kia. Họ chi phối, ảnh hưởng qua lại lẫn nhau, khiến cuộc đời họ gắn kết liên quan tới nhau như là một ‘hệ lụy.’”
“Còn cuốn ‘Bâng Khuâng’ tôi bắt đầu viết sâu hơn về tâm lý nhân vật và chú ý đến những vấn đề tiêu biểu của đời sống, ví dụ như tương quan giữa các anh em đồng hao, tình yêu đơn giản của vợ chồng, vấn đề phản bội (ở trong tù cũng như ngoài xã hội), vai trò của người lính cũ trong môi trường mới khi qua ở nước Mỹ,” ông nói tiếp.
Cuốn sách “Bâng Khuâng” dày gần 200 trang, gồm 9 mẩu chuyện ngắn về các đề tài như tác giả nêu trên. Đáng chú ý là phần mở đầu, có tiêu đề “Đôi giòng về nghệ thuật” là phần mạn đàm khá sâu sắc của ông về: tác giả, tác phẩm và độc giả. Ông cho rằng, chỉ khi độc giả đón nhận một cuốn sách, thì cuốn sách đó mới đáng được gọi là một “tác phẩm” và khi đó, người viết cuốn sách đó mới đáng được gọi là tác giả. Ông viết: “Như vậy chính tác phẩm đã tạo nên tác giả, chứ không phải người viết.” Tác giả Ngọc Cường cũng cho rằng: “Hãy để cho trí tưởng tượng riêng của những người thưởng ngoạn đưa họ vào thế giới của nghệ thuật, đừng xen vào chút lý luận giải thích.”
Tác giả đã lấy bức tranh nổi tiếng có tựa “Đêm đầy sao ở Saint Rémy” của họa sĩ Van Gogh làm trang bìa của cuốn sách “Bâng Khuâng.” Như để giải thích lý do về việc này, ông dành hẳn phần phụ lục để nêu lên hoàn cảnh của họa sĩ Van Gogh khi sáng tác bức tranh đó. Vào năm 1888, khi đang trải qua một cơn khủng hoảng thần kinh, Van Gogh đã tự ghi danh vào nhà thương điên tại một làng quê, để chữa bệnh tâm thần. Ông đã vẽ bức tranh này mà theo các chuyên gia, phần lớn là vẽ bằng trí tưởng tượng.
Nhà văn Ngọc Cường cho rằng, có lẽ tâm trạng Van Gogh vào thời điểm đó, cũng đang nhiều xúc cảm, bâng khuâng, buồn vui lẫn lộn đến mức hoài nghi về bản thân và cuộc đời mình. Chính Van Gogh nghĩ rằng bức tranh này là một “thất bại” trong sự nghiệp sáng tác của ông. Nhưng không ngờ, sau này giới thưởng thức tranh lại đánh giá đây là tác phẩm “có sức lôi cuốn mãnh liệt,” khiến tên tuổi Van Gogh trở nên danh giá. Như vậy là Van Gogh được nổi tiếng là nhờ vào khán giả thưởng thức tranh của ông, chứ chính ông lại hoài nghi, đánh giá thấp về tác phẩm của mình. Nội dung và hoàn cảnh ra đời của bức tranh này đã khiến nhà văn Ngọc Cường tìm thấy nét tương đồng với cuốn sách của ông, nên bức tranh đã được chọn là trang bìa.
Buổi giới thiệu sách sẽ diễn ra từ 1 giờ trưa đến 4 giờ chiều, Chủ Nhật, 9 Tháng Mười Hai, tại Hội Trường Việt Nam Tương Tế, số 7621 Westminster Blvd, Westminster, CA 92683.
Buổi ra mắt sách được tổ chức bởi Hội Nhân Văn Nghệ Thuật, có sự góp mặt của nhà văn Trần Việt Hải, nhà văn Bùi Bích Hà, Giáo Sư Trần Mạnh Chi và nhiều bạn bè thân hữu. (Tâm An)