Friday 21 December 2018

Trung Cộng: Kỷ niệm 40 năm cải cách, Tập che bóng Đặng

Lễ kỷ niệm 40 năm cải cách và mở cửa của Trung Cộng, Bắc Kinh, 18/12/2018. (Ảnh: Reuters/Jason Lee)
Điểm báo Pháp về 40 năm cải cách của Trung Cộng:
Về thời sự châu Á, Le Figaro (18/12/2018) trên trang nhất có hàng tựa đáng chú ý “40 năm sau công cuộc cải cách của Đặng Tiểu Bình, Trung Cộng nhắm đến chiếm ưu thế công nghệ“.
Vào ngày này cách nay đúng 40 năm, ngày 18/12/1978, ông Đặng Tiểu Bình trong kỳ khai mạc đại hội Đảng Cộng Sản Tàu đã quyết định thay đổi dòng chảy lịch sử đất nước, khi cho tiến hành một loạt các cải cách triệt để về kinh tế.Sau bốn thập niên, Trung Cộng đã có một sự chuyển đổi vị thế ngoạn mục: đi từ nước nghèo thành một siêu cường. Lễ kỷ niệm đương nhiên là dịp để Bắc Kinh phô trương hình ảnh đoàn kết, những tràng pháo tay không dứt sau bài phát biểu của Tập Cận Bình. Nhưng ẩn sau hình ảnh đẹp đẽ đó, tờ Le Figaro cho rằng nội bộ đảng Cộng Sản Tàu đang có những chia rẽ sâu sắc giữa phe cải cách và phe bảo thủ.
Kinh tế có dấu hiệu trì trệ, chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình đang hứng chịu một áp lực ngày càng lớn trong nội bộ. Trái với những lời hứa cải cách đưa ra năm 2013, lãnh đạo Trung Cộng ngày càng siết chặt các doanh nghiệp tư nhân và tăng cường sự ủng hộ của đảng với khối doanh nghiệp nhà nước. Một hành động khiến phe cải cách lo ngại, cho rằng sẽ bóp nghẹt các hoạt động kinh tế.
Trước tình hình này, Tập Cận Bình sẽ không có chọn lựa nào khác ngoài việc nhượng bộ một phần hay “có mục tiêu” các đòi hỏi. Nhưng ít có khả năng Tập thay đổi thật sự đường hướng. Theo một số nhà quan sát, trước nỗi lo bị sụp đổ như Liên Xô trong quá khứ, Tập Cận Bình sẽ không liều lĩnh từ bỏ vai trò kiểm soát của Đảng – Nhà nước đối với nhiều lĩnh vực chiến lược, đồng thời cũng không hé mở một cánh cổng nào có thể dẫn đến mở cửa chính trị.
Liệu có nên xem đó như là một đoạn tuyệt với các nguyên tắc của Đặng Tiểu Bình hay không? Những gì Tập thực hiện đang bị một bộ phận trí thức và đảng viên phản đối. Họ cho rằng chính lời lẽ ngạo nghễ của Trung Cộng hiện nay là nguồn cội của cuộc chiến thương mại do tổng thống Mỹ Donald Trump khởi động.
Theo quan sát của Le Figaro, với việc cho sửa đổi Hiến Pháp, chấm dứt giới hạn hai nhiệm kỳ chủ tịch nước, ông Tập Cận Bình không phải là người dễ khuất phục trước các quy định do những người tiền nhiệm áp đặt.
Một cuộc triển lãm kỷ niệm 40 năm công cuộc cải cách đã được tổ chức tại Bắc Kinh, nhưng cha đẻ của các chương trình cải cách là Đặng Tiểu Bình lại bị rớt xuống hàng thứ yếu. Triển lãm kỷ niệm chủ yếu dành chỗ để ca ngợi công lao chủ tịch Tập mà bằng chứng rõ nét nhất là những tấm áp phích to lớn hình ảnh lãnh đạo Trung Cộng và những câu nói của ông được dán kín khắp các bức tường.
Nhân dịp này, các báo Pháp đều thông báo chương trình phát sóng một bộ phim tài liệu dài 75 phút về lãnh đạo Tập Cận Bình, được chiếu trên kênh truyền hình Arte vào tối nay. Bộ phim đề tựa “Thế giới theo quan điểm Tập Cận Bình“, do hai nhà báo Sophie Lepault và Romain Franklin thực hiện.
Le Monde, Le Figaro và La Croix lần lượt thông báo với hàng tựa “Tập Cận Bình, người đàn ông thép”, “Thế giới phức tạp của Tập Cận Bình” và “Tập Cận Bình, một nhà độc tài mới của Trung Cộng“.
Kỹ thuật cao: Sân đấu giữa Mỹ và Trung Cộng
Trong công cuộc đưa Trung Cộng vào “kỷ nguyên mới”, lĩnh vực kỹ thuật cao là một trong những mặt trận chiến lược hàng đầu mà Bắc Kinh đang trên đà làm chủ. Đây chính là điểm khiến Washington lo ngại.
Nhưng Trung Cộng ngày nay có thể tiến nhanh trong công nghệ đó là do lỗi của Mỹ. Le Figaro nhắc lại chính Hoa Kỳ là quốc gia đã nâng đỡ, tạo điều kiện cho Trung Cộng đi lên thành cường quốc. Chính tổng thống Jimmy Carter là người đầu tiên cấp visa cho 52 nhà khoa học Trung Cộng, trong trào lưu hâm nóng quan hệ Mỹ – Trung năm 1978.
Cũng giống như thuật võ nghệ Thái Cực Quyền, dùng sức mạnh của đối thủ để quật ngã địch. Để rồi 40 năm sau, từ 52 nhà khoa học tiên phong đó, những người từng bị chà đạp vì cuộc Cách Mạng Văn Hóa, nhưng khao khát hiểu biết và tự do, mà Trung Cộng ngày nay có đến 350,000 người phục vụ cho đế chế.
Giờ đây, Washington tìm mọi cách ngăn chặn Bắc Kinh sở hữu các công nghệ và hối thúc các nước đồng minh làm tương tự. “Mục tiêu của cuộc chiến thương mại trên thực tế là nhằm ngăn chặn Trung Cộng nâng cấp công nghệ”, theo như phân tích của bà Alicia Garcia Herrero, chuyên gia kinh tế của Natixis tại châu Á.
Còn theo nhận xét của Trung Tâm Quan Hệ Quốc Tế có trụ sở tại New York, tham vọng đi đầu lĩnh vực công nghệ chủ chốt của Trung Cộng đe dọa vị trí vai trò lãnh đạo hàng đầu về công nghệ của Mỹ. Bởi vì, mục tiêu của Trung Cộng không phải là để gia nhập vào nhóm các nước có nền công nghệ tiên tiến như Đức, Mỹ, Hàn Quốc hay Nhật Bản mà là để thay thế các nước này.
Tóm lại trong cuộc chiến tranh lạnh Mỹ – Trung này, “Công nghệ kỹ thuật cao mới là trận đấu cân não mới giữa Mỹ và Trung Cộng“, như tựa đề bài viết của Le Figaro mà vụ bắt giữ nhân vật số hai tập đoàn Hoa Vi là một ví dụ điển hình.
Viết theo Minh Anh (RFI)