Saturday, 22 December 2018

Những dòng nước mắt trong những cảnh ngộ tang thương của các gia đình cựu tù “cải tạo”! - Hàn Giang Trần Lệ Tuyền

Lời người viết: Như mọi người đã biết về những cảnh ngộ của các cựu tù “cải tạo”, qua nhiều ngòi bút, hoặc nghe kể lại. Riêng người viết loạt bài này, vì đã từng là nạn nhân và cũng từng chứng kiến với những cảnh đời dâu bể, đã khiến cho người viết không thể nào quên được !

Chính vì thế, bắt đầu hôm nay, người viết sẽ dùng ngọn bút của mình để tuần tự  qua nhiều kỳ, ghi lại tất cả những cảnh ngộ vô cùng bi thương ấy; và dẫu cho có muộn màng; nhưng với lòng chân thiết, người viết xin được cùng xẻ chia cùng các gia đình nạn nhân, là các cựu tù năm cũ. Và dĩ nhiên, người viết chỉ ghi lại những gì đã xảy ra, mà không nêu tên họ thật.

Kính xin quý vị đã từng “chết đi sống lại” trong những hoàn cảnh này,  hãy nhận nơi đây, những dòng nước mắt, khóc cho những cảnh đời tang thương - tân khổ, trong suốt những tháng năm dài sau ngày Quốc Hận: 30/4/1975.

Một tấm gương sáng ngời: Tiết hạnh khả phong:

Trước ngày 30/4/1975, Đại úy Thụy, là một vị sĩ quan liêm khiết, cho nên, dù đã phục vụ tại Đặc Khu Quân Trấn tại Thành phố Đà Nẵng; nơi dễ dàng có “tư lợi”, nhưng Đại úy Thụy không có nhà cửa riêng, mà ông và vợ con đã sống ở trong Cư Xá Sĩ Quan, sống đời đạm bạc. Chị Thụy, một phụ nữ hiếm có ở trên đời, chỉ biết sống cho chồng-con, không cần để ý đến những sự cuộc sống đầy đủ của những người vợ của các sĩ quan, là bạn của chồng mình.

Sau ngày 30/4/1975, Đại úy Thụy bị bắt, bị ở tù “cải tạo” tại:  “Trại 1 -  Trại chính, Trại cải tạo Tiên Lãnh”, tức “Trại T.154”; hậu thân của “trại cải tạo Đá Trắng” đã được thành lập vào cuối năm 1959, tại thôn 3 xã Phước Lãnh, quận Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Sở dĩ người viết biết về trại “cải tạo” này một cách rất rõ ràng, bởi vì, chính Bác ruột của mình: Ông Trần Thắng, một lương dân vô tội, và các vị đồng hương đã cùng bị du kích của Việt cộng bắt, rồi bị đưa vào nơi này giam cầm, và tất cả các vị, trong đó có Bác ruột của người viết, đều đã bị chết vì đói và lạnh ở trong trại này vào năm 1964.

Trở lại với gia đình của Đại úy Thụy. Sau ngày 29/3/1975, khi chồng bị bắt đi tù. Lúc này, Thủ đô Sài Gòn chưa thất thủ, thì “Lực Lượng Hòa Hợp-Hòa Giải Thị Bộ Đà Nẵng”, trụ sở được đặt tại Chùa Pháp Lâm, ở số 500, đường Ông Ích Khiêm, tức Chùa Tỉnh Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Quảng Nam, Đà Nẵng; đã xông vào Cư Xá Sĩ Quan để đuổi chị Thụy và con cái ra khỏi nhà. Do vậy, không còn cách nào khác, nên chị Thụy đã phải ôm áo quần và dìu dắt các con ra đi, rồi phải ra nhà Ga Đà Nẵng để sống một cuộc đời gối đất, nằm sương !


Cuộc sống của chị Thụy và các con tại nhà Ga:

Ngày Đại úy Thụy đã phải đến “trình diện” tại “Thị bộ Hòa Hợp-Hòa Giải” tại Chùa Pháp Lâm, số 500, đường Ông Ích Khiêm, Đà Nẵng. Nên biết lúc này thủ Đô Sài gòn chưa mất, tại Đà Nẵng chưa có “Ủy Ban Quân Quản”. Và, để rồi phải hơn mười năm sau Đại úy Thụy mới được trở về nhà… Ga để gặp lại vợ con !

Xin nhắc lại, Thành phố Đà Nẵng đã bị rơi vào tay của Cộng sản Hà Nội vào ngày 29/3/1975; trong thời gian này, Sài Gòn chưa mất, nên trước khi bị bắt vào tù, người viết đã chứng kiến cảnh sống vô cùng thê thảm của chị Thụy và các con tại nhà Ga Đà Nẵng. Ngày ấy, khi nghe hai bà chị họ của người viết đang buôn bán củi tại nhà Ga Đà Nẵng, số củi này được mua từ Lang Cô, chở  bằng tàu lửa về Đà Nẵng để bán sỉ và lẻ, đã kể lại với người viết về hoàn cảnh của chị Thụy và các con tại nhà Ga, và còn cho biết chị Thụy và đứa con trai lớn cũng thường hay vác củi thuê cho hai chị. Và, người viết đã đến tận nhà Ga để gặp chị Thụy, để rồi phải chứng kiến trước mắt một cái “nhà” của chị Thụy:

Bên cạnh một gốc cây, ở một góc đường Nguyễn Hoàng - Hoàng Hoa Thám là một cái “nhà” được che bằng hai tấm tôn, chung quanh được đắp những tấm bạt nhà binh đã rách, và những tấm vải bố được tháo ra từ những chiếc bao cát, loại dùng để làm lô cốt chống đạn của quân đội VNCH. Trong “nhà” là một chiếc chõng tre rộng khoảng hơn một mét, có trải chiếc chiếu cũ, một chiếc chăn cũng cũ. Trên chiếc chõng tre, là hai đứa con nhỏ của chị, khoảng dưới năm tuổi ngồi trên đó, vì phía dưới, trong những ngày mưa, hoặc mùa Đông, thì những giòng nước đen ngòm, hôi hám đã từ phía nhà Ga chảy ra lênh láng ở phía dưới chiếc chõng, nên chị Thụy không cho hai con nhỏ bước xuống đất, mà cứ ngồi, nằm hoặc ngủ, để chờ Mẹ và Anh trai đem gạo về nấu cơm cũng ngay trong cái “nhà” này. Chị Thụy và con trai lớn đã phải vác hàng thuê không kể mưa, nắng, ngày, đêm, chỉ khi nào quá mệt, thì lại về, để rồi phải nằm gác lên nhau trên cái chiếc chõng tre độc nhất ấy.  Đó là một “mái nhà” của chị Thụy và các con !

Về cuộc sống, chị Thụy và con trai lớn chắc khoảng trên mười tuổi đã phải ra sức để làm hết mọi việc, từ vác, xách hàng thuê cho những người đi buôn bán, hoặc khách vãng lai. Chị Thụy và cháu trai không ngại khó bất cứ một công việc nặng nhọc nào. Người viết đã chứng kiến cà hai Mẹ-Con chị Thụy còng lưng để vác những bao gạo, những bó củi từ những chuyến tầu lửa từ Huế chạy về Đà Nẵng, vác từ trong nhà Ga ra đến ngoài mặt đường Nguyễn Hoàng, là nơi những chiếc xe “ba gác” đang chờ sẵn để chở những bó củi đến những nơi buôn bán sỉ, hoặc chở những bao gạo đến những người bán gạo lẻ ở các chợ.

Nên biết, là vào thời gian ấy, chị Thụy còn trẻ tuổi, có nhan sắc, nếu muốn, chị cũng có một cuộc sống no ấm, chứ không phải dầm mữa dãi nắng. Nhưng không, chị Thụy đã quyết giữ một lòng chung thủy với chồng: Đại úy Thụy, và đã sống cho chồng con.

Người viết nghĩ rằng, vào lúc ấy, khi quyết định và chấp nhận một con đường chông gai đó, chị Thụy thừa biết về tương lai của ba con thơ của anh-chị sẽ mịt mờ, đen tối, vì chị không có “hộ khẩu”, nên các con không được đến trường để học hành; nhưng không thể để con cái phải chịu dốt không biết chữ, nên mỗi ngày chị đều tự dạy cho các con học, để biết đọc, biết viết. Ngoài những công việc như đã kể, chị Thụy đã chắt chiu từng đồng, để mua những gói quà, để rồi đã vượt hàng trăm cây số đường rừng, để đến “trại cải tạo” để “thăm nuôi” chồng đang trong cảnh đời lao lý.


Gói quà thăm nuôi vô giá!

Những gói quà thăm nuôi, mà chị Thụy đã từng lặn lội đem lên trại “cải tạo” để thăm chống, không như những gánh quà của các bà vợ Sĩ quan khác, mà chỉ vỏn vẹn là một gói nhỏ trên tay thôi !

Người viết vẫn nhớ đến một lần cùng được đi thăm nuôi  một lần với Đại úy Thụy. Khi vào “nhà thăm nuôi” thì thân nhân của tù “cải tạo” đều có “giấy thăm nuôi” do phường, xã ở địa phương cấp cho, còn riêng chị Thụy thì không hề có một tờ giấy gì cả, mà chỉ có một gói quà trên tay thôi.

Hoàn cảnh của Đại úy Thụy là độc nhất vô nhị tại trại “cải tạo”,  nên “Ban giám thị” của tại đã xét thấy nếu muốn cho Đại úy Thụy được “an tâm học tập cải tốt” thì phải cho anh được gặp mặt vợ; Do đó, những “cán bộ phụ trách thăm nuôi” đã “linh động” cho Đại úy Thụy được gặp mặt vợ mà không có “giấy thăm nuôi”.

Người viết vẫn nhớ như in, lần ấy, khi được phép gặp mặt Đại úy Thụy và sau khi “trật tự” xét quà thăm nuôi, khi gói quà được mở ra, thì chỉ có mấy “bánh” đường đen, một ít “thuốc rê” loại thuốc để người hút tự vấn thành điếu để hút, và một “thẩu” mắm ruốc, ớt mà thôi.

Khi viết lại những điều này, người viết biết rằng sẽ làm cho quý vị cựu tù sẽ xúc động, có thể rưng rưng khi nhớ lại một kỷ niệm, mà đa số vị đã biết; và tôi đã được quý vị tù trong lúc lao động ngoài đồng ruộng lúa, đã kể lại cho tôi biết: chính lần được thăm nuôi đó,  khi về phòng tù, Đại úy Thụy chắc nhìn thấy sự tiều tụy của vợ mà đau buồn, nên vẫn để gói quà nằm yên, cho đến tối, thì Đại úy Thụy mới mở ra; và, khi cầm một “bánh” đường đen trên tay, thì, ôi ! nước mắt của Đại úy Thụy bỗng tuôn trào, anh muốn ngất đi, khi nhìn thấy những chiếc dấu răng của trẻ con đã cạp, đã cắn, sứt sứt, mẻ mẻ chung quanh chu vi của mấy “bánh” đường…

Đại úy Thụy đã hiểu mọi sự. Thì ra, các con nhỏ của anh vì thèm đường, nhưng Mẹ, tức vợ của anh không cho ăn, vì “để dành thăm nuôi Ba”, nhưng bởi còn quá nhỏ tuổi, nó thèm quá, nên nó đã lén mẹ để cạp, để cắn bớt chung quanh “bánh” đường cho đỡ thèm !

Và, Đại úy Thụy đã không thể ăn được mấy “bánh” đường đen ngày đó, mà cứ để yên, cho đến khi vì trời nắng nóng, nên nó đã chảy ra thành một đống nhão nhoẹt rồi, thì Đại úy Thụy mới dám ăn !

Gói quà thăm nuôi ấy, mà cho đến hôm nay, khi nhắc lại, thì chắc rằng, chẳng phải riêng người viết, mà chắc các quý vị cựu tù “cải tạo” cũng như quý độc giả cũng công nhận rằng: đó là một gói quà thăm nuôi vô giá.

Ngày trở về:

Trong suốt những năm tháng dài ở trong trại “cải tạo”, Đại úy Thụy không hề biết vợ con của mình đang làm thuê, vác mướn, sống ở nhà ga Đà Nẵng, vì chị Thụy không muốn cho anh biết, mà chỉ nói chị đang buôn bán ở đường Nguyễn Hoàng mà thôi, và các bà vợ Sĩ quan, cũng không ai biết về cuộc sống của chị Thụy, mà nếu có biết họ cũng không nói ra. Chỉ cho đến hơn mười năm sau, khi được ra tù, trở về, cứ như theo lời của vợ, Đại úy Thụy đã đi tìm vợ con dọc theo con đường Nguyễn Hoàng, và khi ngược lên đến nhà Ga Đà Nẵng, thì bất ngờ, một bóng dáng của người phụ nữ đang còng lưng để vác một bó “củi chò” lớn trên vai. Bó củi này, là củi của chính chị của tôi, vì chị tôi rất quý chị Thụy, thường hay nói chuyện với chị Thụy, nên mỗi khi có củi từ Lang Cô chở vào Đà Nẵng là đều nhờ chị Thụy.

Cuộc tương phùng này, hay nói cho đúng nghĩa, là một cuộc Đoàn Viên giữa vợ chồng con cái của Đại úy Thụy, thì người viết không thể dùng bất cứ một từ ngữ nào để có thể diễn đạt một cách cho trọn vẹn; nhưng người viết được biết, sau đó, Đại úy Thụy gặp lại một người lính cũ, và đã được người lính đã một thời thuộc quyền của mình, đang làm nghề “sản xuất bia hơi”, người viết không biết uống bia, rượu, nên không biết đến loại “bia hơi” này nó ra làm sao; song được biết, người lính cũ tốt bụng này, đã giúp đỡ cho cả gia đình của Đại úy Thụy có một nơi ở, lại còn giúp cho Đại úy Thụy mượn một chiếc xe đạp cũ, để hàng ngày Đại úy Thụy chở những thùng bia hơi mà người lính này chỉ tính giá vốn, rồi đem đến giao cho những quán ăn, để lấy tiền lời, cho đến ngày Đại úy Thụy cùng vợ con lên đường sang Mỹ theo diện tù “cải tạo”.

Người ta thường nói, bất cứ cái gì, nó cũng có “cái giá” của nó. Cái giá, này thì tùy theo sự suy nghĩ của mỗi người. Tại Đà Nẵng, đã có nhiều người vợ của các Sĩ quan đã chọn cho mình bằng những cách sống, những con đường khác nhau, và tất nhiên, cho đến bây giờ, họ cũng đã biết được “cái giá” của nó như thế nào rồi. Lại cũng có người nói rằng, chị Thụy làm như thế, chỉ giữ được lòng chung thủy với chồng, nhưng các con của anh chị phải chịu thất học, chỉ biết đọc, biết viết do Mẹ dạy, chứ nếu làm khác hơn, thì chắc con cái sẽ không phải làm thuê, vác mướn, và bị thiệt thòi về vật chất…

Tuy nhiên, theo người viết, ở trên đời này, có một thứ không dễ gì ai cũng có thể tìm thấy được, đó là sự trọn vẹn và cao quý của tình yêu, vì chỉ có tình yêu đích thực mới khiến cho con người vượt lên trên được tất cả, mới đạp bằng hết được những chông gai của cuộc đời. Người viết nghĩ rằng, giờ đây, anh chị Đại úy Thụy đang hạnh phúc trọn vẹn trong những năm tháng còn lại của cuộc đời.

Tưởng cũng nên nhắc lại: Sau ngày 30/4:1975; các vị Quân-Cán-Chính Việt Nam Cộng Hòa đã bị vào các nhà tù “cải tạo”. Chính nơi đây, chính những cảnh tù đày, là những cuộc thử nghiệm về chất người. Bởi vì, nếu trước đó, những bà vợ đã lấy chồng là những vị cựu tù “cải tạo” vì tình yêu chân thật, thì tình yêu ấy sẽ khiến cho họ càng thương yêu chồng trong cảnh lao tù, mà không lỗi đạo làm vợ; còn như nếu họ đã lấy chồng vì danh, vì lợi, thì tất nhiên, khi các ông chồng vào tù rồi, thì danh hết, lợi hết, thì tình cũng hết, nên họ đành đoạn bỏ người chồng đang đau khổ trong nhà tù, để ôm cầm sang thuyền khác, điều đó, không có gì là lạ cả.

Nhưng những chuyện đã nói, là chuyện của những người khác; còn riêng chuyện của Đại úy Thụy là một chuyện thật, có bi thương, song cũng có những ngọt ngào. Có những giọt nước mắt, nhưng cũng có những giọt lệ mừng và những nụ cười thật trọn vẹn như hôm nay, khi anh chị Đại úy Thụy và gia đình đã và đang được đoàn viên nơi hải ngoại. Và, riêng tôi, tôi quý, tôi phục chị Thụy: Chị là một tấm gương sáng ngời: Tiết hạnh khả phong.

Trời không phụ lòng người là vậy.
  
Hàn Giang Trần Lệ Tuyền


(Xin tái ngộ quý độc giả với những chuyện tình của Tù “cải tạo” có thật trong những bài kế tiếp)