Bất đáo Chí Hòa phi hảo hán
Người Trung Hoa rất tự hào về Vạn Lý Trường Thành. Đó là một bức tường thành được xây dựng bằng đất và đá từ thế kỷ thứ 5 trước công nguyên đến thế kỷ 16. Tường thành bảo vệ Trung Hoa khỏi những cuộc tấn công của người Hung Nô, Mông Cổ và rất nhiều bộ tộc du mục khác.
Tần Thủy Hoàng, vị Hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa, đã có sáng kiến xây Vạn lý Trường thành từ năm 220 trước công nguyên nhưng phần tường này chỉ còn sót lại một vài di tích. Vạn Lý Trường Thành ngày nay, với chiều dài khoảng hơn 6.000 km, cao 7 m, được xây dưới thời nhà Minh và người Trung Hoa rất tự hào về nó.
Vạn lý Trường thành
Thế cho nên con cháu Thiên Tử mới có câu “Bất đáo Trường thành phi hảo hán”, hàm ý chưa đến Trường Thành chưa phải là hảo hán. Sang đến Việt Nam, giới giang hồ “số má” lại đổi tên Trường Thành bằng Chí Hòa: “Bất đáo Chí Hòa phi hảo hán”.
Chí Hòa là nhà tù được xây dựng năm 1943 thời thuộc địa Pháp nằm tại Số 1 đường Hòa Hưng (Q. 10), Sài Gòn. Vào thời đó, đây là nơi giam giữ tù chính trị. Sang đến thời VNCH cũng là nơi giam những người chống đối chính quyền và tội phạm hình sự. Sau năm 1975, Chí Hòa là nơi “nghỉ mát” hay “gỡ lịch” của giới giang hồ cũng như tù chính trị.
Có nhà văn nào đó đã từng viết: “Đối với người tù Sài Gòn, khám Chí Hòa được ví như trường đại học Harvard của Mỹ, Eton của Anh và Sorbonne của Pháp”. Nếu ở Mỹ có Ngũ Giác Đài (còn gọi là Lầu Năm Góc) thì ở Việt Nam có Chí Hòa là một công trình xây dựng hình bát giác khép kín với một tầng trệt và 3 tầng lầu.
Ngày nay, mỗi cạnh của hình bát giác là một ô, được đánh số thứ tự từ A đến H. Toàn bộ nhà tù được chia thành 6 khu, trong đó khu ED dành cho tù chính trị, AH dành cho tù vượt biên và các khu còn lại dành cho tù hình sự, trong khu FG còn có cả các phòng tù nữ.
Trên một khu đất rộng khoảng 7 hécta, hơn 200 phòng giam đều hướng về tâm của hình bát giác, nơi có một tháp nước với lỗ châu mai hướng về các phòng giam với 4 loa phóng thanh và trên đỉnh là một cột cờ. Tháp mước mang hình tượng một thanh gươm lớn, yểm âm dương, phong thủy, càn khôn, vũ trụ. Thanh gươm cắm mũi xuống đất nhắc nhở một khi đã lọt vào vòng bát quái rất khó tìm được lối ra.
Mô hình “lò bát quái” Chí Hòa
Thanh gươm cắm xuống đất để… yểm bùa!
Chí Hòa là vùng đất “linh thiêng” vẫn thường xảy ra sấm sét mỗi khi giông bão. Có đến ngàn lẻ một huyền thoại về khám Chí Hòa, điển hình như “con-ma-vú-dài” thỉnh thoảng vẫn chọc phá tù nhân.
Tại đây còn lưu lại máy chém có từ thời Pháp thuộc được chuyển từ khám Catinat sang và do Đội Phước phụ trách. Người cuối cùng chết dưới máy chém này là Ba Cụt, tức Lê Quang Vinh, tướng Hòa Hảo, dưới thời Ngô Đình Diệm. Chính ông Ngô Đình Cẩn, bào đệ của Tổng thống Ngô Đình Diệm, cũng bị xử bắn sau một thời gian bị giam giữ tại Khám Chí Hòa.
Chuyện “con ma vú dài” trên báo Trắng Đen năm 1969
Cơ duyên nào đã gắn cuộc đời tôi với Khám Chí Hòa?
Hồi đó cuối là đầu thập niên 80, người Sài Gòn âm thầm vượt biên. Bạn bè chừng một tuần không thấy mặt là người ta nghĩ ngay đến những chuyến vượt biển. Gặp lại người quen với cái đầu trọc lóc ta nghĩ ngay đến chuyện ra khơi nhưng không gặp may nên bị cạo đầu ngồi tù. Cửa nhà bỗng nhiên khóa im ỉm sẽ được suy diễn là cả gia đình đã ra ra đi.
Cơn sốt bỏ nước ra đi diễn ra ngày càng tăng, kéo theo phong trào học tiếng Anh “chui”, tức là lén lút. Gia đình khá giả thì mời thầy đến tận nhà kèm riêng hoặc một nhóm góp chung tiền mời thầy đến để luyện tiếng Anh.
Cái nghề giảng viên Anh ngữ của tôi tưởng chừng như đã hết đất dung thân nay bỗng nhiên sống lại. Thế là một cuộc “đổi đời lần 2” lại bắt đầu sau thời cải tạo. Đang từ anh “lao động phổ thông” trong một tổ hợp xây dựng, anh trông hàng ngoài chợ Bình Tây rồi chuyển sang nghề bỏ mối lò dầu hôi.. cuối cùng nhảy lên làm… thầy.
Năm 1971, tôi được đào tạo giảng viên Anh ngữ ở Hoa Kỳ, sau đó lại được Trường Sinh ngữ Quân đội gửi đi tu nghiệp một lần nữa năm 1974. Với trình độ tiếng Anh và kinh nghiệm giảng dậy, “anh bán lò” trở thành một người thầy đáng tin cậy của những người ôm mộng vượt biên.
Tôi đã từng mất rất nhiều học trò chỉ vì họ ra đi vội vã không kịp từ giã thầy. Chẳng biết họ có đến được đảo hay lại bỏ mình giữa biển khơi. Người Sài Gòn thường nói “Nếu con đi thoát thì con nuôi má nhưng nếu con chết thì... con nuôi cá”.
Học trò ra đi nhiều, chỉ mỗi ông thầy là ở lại vì... thiếu “cây” để lên tầu. Người Sài Gòn khi đó có thói quen gọi 1 lượng vàng là “một cây”. Tôi lo phải chạy ăn từng bữa cũng đã thấy bở hơi tai thì “cây” đâu để tính chuyện vượt biên?
Nhưng có lẽ “thánh nhân đãi kẻ khù khờ” nên có một gia đình học trò người Hoa khá giả, đăng ký cho một xuất “vượt-biên-bán-chính-thức”. Điều kiện khá dễ dãi: “Đi trước, trả sau”!Có lẽ họ cũng tin tưởng vào trình độ Anh văn của thầy giáo sẽ hỗ trợ gia đình họ trong những bước đầu chăng?
Sài Gòn rầm rì bàn tán về chính sách “vượt-biên-bán-chính-thức” của nhà nước dành cho các “xì thẩu” Hoa kiều. Đơn giản vì họ là những người giàu nhất nước, tha hồ mà thu hàng đống “cây vàng”. Người ta còn đồn họ vượt biên bán chính thức bằng cả tàu sắt nhưng lại cũng có tin nhiều chuyến đi đã bị lừa.
Sau một đêm suy nghĩ, đắn đo, tôi quyết định phải chụp lấy cơ hội để thoát, lại còn xin thêm một “nửa vé” cho cậu con trai đầu lòng. Không đất dung thân ở nơi này. Không hộ khẩu, không việc làm ổn định, không tương lai nếu cứ tiếp tục cuộc sống bên lề xã hội.
Ra đi cũng đồng nghĩa là đương đầu với những bất trắc nhưng ít ra cũng còn một chút ánh sáng nơi cuối đường hầm với hy vọng cứu được gia đình. Ở lại là tiếp tục mò mẫm trong một đường hầm tăm tối, hoàn toàn không có lối ra.
Chiếc tàu vượt biên “bán chính thức” đón khách ngay tại chân cầu Cát Lái thuộc địa phận quận Thủ Đức. Người ta lên tàu vào buổi chiều, có cả một số thân nhân đưa tiễn! Tàu bằng gỗ, chỉ dài hơn 10m, khoang bên dưới đàn ông ngồi bó gối, xếp lớp như cá mòi, phía trên là trẻ em và phụ nữ.
Dù mang tiếng là đi “bán chính thức” nhưng mọi người vẫn căng thẳng trước những bất trắc của cuộc hành trình hứa hẹn nhiều sóng gió…
Sóng gió đâu chưa thấy mà chỉ nghe tiếng súng AK đồng loạt nổi lên cả ở hai bên bờ. Lực lượng vũ trang quận Thủ Đức lên tàu, ra lệnh cho tài công lái tàu về... bến Bạch Đằng. Tại đây có hai chiếc Molotova chờ sẵn để đưa những người vượt biên về thẳng... Khám Chí Hòa. Mọi chuyện diễn ra hoàn hảo như một kịch bản phim!
Thủ tục nhập trại giam tiến hành một cách nhanh chóng: phụ nữ và trẻ em được thả ngay, trong đó có con tôi. Đàn ông sau khi khai báo họ, tên, địa chỉ được đưa vào 2 phòng giam thuộc khu AH trong lò bát quái Chí Hòa. Duyên may của tôi với Chí Hòa là vậy!
Toàn cảnh Chí Hòa
Chí Hòa là nơi có những đêm khuya thanh vắng tù đang ngủ phải giật mình thức giấc vì tiếng hét lanh lảnh của phạm nhân: “Báo cáo cán bộ, phòng... có người cần cấp cứu!”. Hai chữ “cấp cứu” dội lại trong lò bát quái nghe như tiếng gọi của tử thần từ một nơi xa xăm nào đó.
Chí Hòa là nơi có “những đêm giã từ” của những phạm nhân vừa ra tòa nhận án để lên đường đến các trại cải tạo lao động. Họ tổ chức đêm “nhạc sống” từ phòng giam. Họ hát từ nhạc vàng đến vọng cổ, từ blue đến rock để các bạn tù ở phòng khác cùng thưởng thức. Họ bất cần vì đã nhận án và sẽ sớm từ giã Chí Hòa. Xen lẫn với giọng nam có cả những giọng nữ cũng tham gia văn nghệ “live show” bỏ túi...
Cuộc sống tại Chí Hòa khác hẳn với sinh hoạt ở trại cải tạo. Ở Chí Hòa chỉ quanh quẩn với 3 bức tường và 1 hàng chấn song sắt. Ngày hai bữa cơm, tuần được phép xuống sân tắm rửa, giặt giũ một lần trong vòng 20 phút.
Ở trại cải tạo, dù cũng mang tiếng là ở tù, nhưng không gian rộng rãi hơn để sinh họat. Quan trọng hơn cả, Chí Hòa gom đủ thành phần xã hội phức tạp trong khi tại trại cải tạo chỉ chung một thành phần sĩ quan “ngụy”.
Tiếng là khu tù vượt biên nhưng trong phòng cũng xen lẫn một số tù hình sự chưa bị kết án. Đám thiểu số này lại nổi bật giữ đám tù vượt biên, nắm trọn quyền sinh sát. Họ giữ từ chức Trưởng phòng, Phó phòng đến Trật tự viên, Thư ký, Tổ trưởng.
Trong phòng luôn xảy ra chuyện “đi-chợ-đêm”, nhất là sau những ngày thăm nuôi. Kẻ trộm thường là những tay tù hình sự, không thăm nuôi, hay còn gọi là “Con Bà Phước”. Bọn chúng “đi chợ” vào ban đêm khi những người tù ngủ say. Chúng lục giỏ cói để tìm thức ăn khô và thường thanh toán “chiến lợi phẩn” ngay tại chỗ để phi tang. Người nằm bên cạnh “khổ chủ”, dù có thấy nhưng vẫn phải làm ngơ vì sợ trả thù.
Hình thức trả thù kinh sợ nhất là màn “hỏa tốc”, có nghĩa là đốt bao nylon cho chảy thành nhựa rồi quăng vào nạn nhân. Nhựa nylon nóng hổi bám chắc vào da thịt với âm thanh xèo xèo nghe rợn tóc gáy.
Nhựa nylon cũng còn được tận dụng trong việc chế tác những vật dụng giải trí như đổ quân cờ domino và cờ tướng. Trong phòng tôi có một cao thủ cờ tướng, cựu đại úy không quân “ngụy”, chuyên đánh “cờ mù”.
Anh chỉ nằm vắt tay lên trán trong khi những tù khác quây quần quanh bàn cờ, “bề-hội-đồng” mà vẫn không sao thắng nổi kẻ nằm thảnh thơi không nhìn bàn cờ! Có lẽ đó là kỷ niệm “vui” nhất trong suốt thời gian 9 tháng nằm khám Chí Hòa.
Kỷ niệm buồn nhất là căn bệnh ghẻ phổ biến ở đây. Thoạt đầu ghẻ chỉ xuất hiện một cách âm thầm và nhẹ nhàng. Khởi đầu thấy ngứa giữa những kẽ tay, sau đó hình thành những mụn nước, rồi mụn mủ sưng tấy và ngứa ngáy khắp thân thể, nhất là vào ban đêm.
Vi trùng ghẻ, còn được gọi là “cái ghẻ”, lây từ người này sang người khác trong điều kiện tắm giặt hạn chế và vệ sinh thiếu thốn. Phòng tù lúc nào cũng có mùi tanh tanh khó chịu. Tuy nhiên, gãi ghẻ cũng có cái “thú-đau-thương” của nó mà tôi nghĩ đó là một “bản đàn”.
Khởi đầu là “bản đàn” du dương, rần rần vì... “gãi-đúng-chỗ-ngứa”. Khi cơn sướng đạt đỉnh điểm, ngón đàn mang lại sự đau đớn, tê rát lúc mụn ghẻ tóe máu. Sự nhức nhối biến thành một cực hình, nhất là vào ban đêm. Đó là thời gian lý tưởng nhất để những con cái ghẻ đục khoét dưới da và mò sâu vào thịt.
Cứ như thế tôi và những người “đồng hội đồng thuyền” sống chung với ghẻ đúng 9 tháng, tương đương với 3 lệnh tạm giam, mà không hề trải qua một cuộc “chấp pháp” tức thẩm vấn điều tra. Nghĩ cũng lạ: Mất tiền để vào tù!
Tất cả chúng tôi đều khai trong lần làm thủ tục vào Chí Hòa là ra đi “bán-chính-thức” sau khi đã đóng “nghĩa vụ” với nhà nước. Đó là lần “làm việc” duy nhất trong suốt 9 tháng.
Mà chắc các cán bộ cũng chẳng có gì cần khai thác trong đám khách vượt biên. Nghe đâu chỉ những người đứng ra tổ chức mới được “chiếu cố”, thỉnh thoảng vẫn phải lên làm việc với cán bộ điều tra.
Khám Chí Hòa nhìn từ trên cao
Ngày ra khỏi lò bát quái, những người đi cùng chuyến tàu được tập họp điểm danh rồi được dẫn ra đến cửa khám, hoàn toàn không một mảnh giấy lận lưng. Cái duyên “đáo” Chí Hòa của tôi là thế đó. Dù sao cũng phải tự hào “ké” với giới giang hồ:
“Bất đáo Chí Hòa phi hảo hán”!
Qua khỏi chiếc cổng này là… tự do!