Friday 11 January 2019

Nước Mắt Trong Nail - Barnard Nguyen Đăng

Tác giả là cư dân Texas. Ông giảng dạy tại đại học và là một chuyên viên hoà giải. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Tạ Ơn”, đã phổ biến nhân mùa Thanksgiving. Bài mới viết của tác giả là câu chuyện ý nghĩa về đời sống tại Mỹ.

* * *

Kiếp làm Nail, chủ cũng như thợ, đôi khi được dự phần vào những chuyện mủi lòng không thể quên.

"Nước Mắt Trong Nail," chuyện thật, chuyện không hề thêu dệt vì bất cứ những dụng ý nào khác, đã xảy ra tại tiệm Solar Nails & Spa, Indianapolis.

Trời hôm ấy nóng, nóng lạ thường, làm người người dân địa phương ngạc nhiên về một ngày thứ Bảy trong cuối tháng Sáu. Một người đàn bà trạc tuổi trung lưu, ăn mặc đơn sơ, bước chầm chậm vào tiệm, hai tay ôm chặt cách tay của hai ông bà già, trạc tuổi 80, 90, yếu ớt, lê thê chân bước.

Sau khi cả ba người cùng ngồi vào ghế bồn làm chân, người đàn bà trung niên ngồi giữa, ông cụ già ngôi bên phải và bà cụ già ngồi bên trái của bà ta. Thỉnh thoảng, ông cụ thều thào: "Mẹ con đâu rồi?" ông lăp đi lặp lại hai ba lần. Người đàn bà đáp: "Ba ơi, Mẹ đây, Mẹ đang ngồi bên cạnh con đây." Cứ cách vài phút, ông cụ lại lặp lại câu hỏi, "Mẹ con đâu rồi?" Người đàn bà nắm lấy bàn tay bên trái của cụ ông đặt lên bàn tay phải của cụ bà để bàn tay cụ ông được sờ vào bày tay cụ bà; "Ba ơi, Mẹ đây, tay Mẹ đây," vừa nói, bà vừa quay qua cụ ông và theo dõi phản ứng của cụ.


Tôi thấy cử chỉ ân cần và kiên nhẫn của người đàn bà, cảm kích, liền tiến lại gần, hỏi han, mới biết được cụ ông trước đây là một luật sư, nhưng tuổi già, sức yếu, đã làm trí nhớ của ông hao mòn, nên thường xuyên hỏi, nhắc đến cụ bà.

Trong khi cả ba người đang được thợ lo chănn sóc móng chân, móng tay, một người đàn bà khác ngồi đối diện đến quày trả tiền và hỏi: "Ở đây có bán gift card không?" cô thư ký đáp: "Thưa có," và lấy trong tủ ra một thẻ gift card bằng nhựa đưa cho bà. Bà hỏi, "Cô có loại gift card nào mà tôi có thể viết lên được không?" Cô thư ký đáp: "Thưa bà không." Bà hỏi tiếp, "Vậy cô cho tôi mượn cây bút và cho tôi một mảnh giấy."

Bà lấy bút giấy qua chiếc bàn đối diện, rồi trở lại, bà mua một gift card một trăm đô ($100.00). Bà nhờ cô thư ký mang tờ giấy bà vừa viết và gift card đến trao tận tay người đàn bà đang ngồi giữa hai ba mẹ già.

Cầm trong tay mảnh giấy, từng ngón tay của bà dần dần di động, mặt bà ửng đỏ. Rồi khuôn mặt bà bỗng dưng đổi sắc, từ trong khoé mắt, hai dòng lệ lăn dài xuống đôi má. Bà nghẹn ngào, lấy tay lau nước mắt.


Tôi đứng lặng yên, không ngăn nổi xúc động, mắt tôi ướt. Nhìn qua cô thư ký, nước mắt cô ta cũng đã làm ước cả đôi má. Tôi bước đi, trả lại cho bà khoảng trống riêng tư.

Khi mọi dịch vụ móng xong, tôi ghé lại nói với người đàn bà, "Bà ơi, bà có thể chia sẻ với tôi người phụ nữ kia đã viết cho bà những gì?"

Bà trao cho tôi tấm thư, tôi đọc:

"Chị mến, ngồi nhìn thấy chị ân cần lo cho ba mẹ già, lòng tôi thổn thức. Chị là người con hiếu thảo, người phụ nữ tuyệt vời, nhắc nhớ tôi, người con gái cũng đã chăm lo cho ba mẹ tôi trước đây, các ngài đã yên nghỉ bảy (7) năm về trước. Quả thật, ba mẹ chị thật diễm phúc có một người con hiếu thảo như chị. Chúc chị bình an!"

Đọc đến đây, người tôi nóng ran lên, nước mắt tôi lại giàn giụa khi nào chẳng hay.

Những dòng ngắn ngủi ấy, dường như không chỉ viết cho người đàn bà trước mặt tôi, mà như đã viết cho chính tôi vậy. Vì chính tôi, cũng đã lo chăm sóc cho mẹ già nhiều năm liệt lào trên giường bệnh, Mẹ cũng mất trí nhớ; và Mẹ vừa mới mất năm rồi. Nỗi nhớ nhung Mẹ vẫn còn bao la và triền miên trong trái tim tôi.

Tôi ôm cánh tay ông cụ, dìu ông ra khỏi ghế và đưa ông bước chầm chậm ra khỏi tiệm; mở cửa, đỡ ông cụ ngồi an toàn nơi ghế sau của xe, đóng cửa và lui lại phía sau để xe lùi bánh. Tôi đứng nhìn chiếc xe đưa hai ông bà cụ chạy ra khỏi khu shopping, rồi dần dần khuất xa cuối đường.

Tôi đứng lặng yên, nắng nóng, gió nhẹ thoáng xoa vào mặt, nghĩ miên man về người đàn bà hiếu thảo, nghĩ về mình, nghĩ về Mẹ, lòng lâng lâng, lâng lâng.

Rồi từ đó, tôi tìm thấy nơi tiệm Nail, không phải chỉ là nơi mưu sinh, kiếm tiền, mà còn là nơi con người tìm thấy con người. Tôi tìm thấy rất nhiều niềm vui và ngay cả những muộn phiền của khách trang trải trong những phút giây ngồi nơi bàn làm móng tay, hay nơi ghế làm móng chân, hay cả những lúc khách ngồi lặng yên, bất động, nhắm mắt như đang thả hồn về chốn xa xăm nào.

Tôi cảm nghiệm, tiệm Nail không còn là của mình, của riêng ai, mà là nơi đã cho mọi người trong giới Nail cơ hội tiếp cận với con người trong một cung cách hết sức thâm tình. Nhiều khách hàng khi nằm xuống còn yêu cầu con cháu họ đã gọi báo cho những thợ Nail, tiệm Nail như một lời chia tay, vĩnh biệt, đã song hành với người thân của họ, người quá cố, với những sinh hoạt của đời sống đáng nhớ.


Barnard Nguyen Đăng