Saturday 16 March 2019

Khủng hoảng Venezuela 15/3: ‘Thực tế nghiệt ngã’ – Không có điện thì không có thượng tôn pháp luật

image.png
Nhân viên y tế biểu tình bên ngoài bệnh viện Miguel Perez Carreno ở thủ đô Caracas, Venezuela, vào ngày 11/3/2019, khi tình trạng mất điện quy mô lớn tiếp tục ảnh hưởng đến một số khu vực của đất nước. (Ảnh: Cristian Hernandez / AFP / Getty)

Tình trạng mất điện xảy ra thường ngày tại Venezuela trong những năm qua, nhưng chưa từng có một cuộc gián đoạn quy mô lớn và kéo dài như đang diễn ra tại quốc gia này.

Một thời giàu có nhất Nam Mỹ, với hệ thống điện từng được quản lý tốt nhất và hiệu quả nhất ở Mỹ Latinh, Venezuela nhanh chóng trở nên nghèo đói sau nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Nicolas Maduro (2013-2019). Siêu lạm phát hàng triệu phần trăm khiến đồng nội tệ bolivar mất giá và gần như chỉ bằng giấy vụn.


Venezuela
Giá của 1kg cà chua tại thời điểm tháng 8/2018 là 5 triệu Bolivar. (Ảnh: Reuters)


Khoảng 3 triệu người đã rời bỏ đất nước, trong đó có nhiều trí thức, gồm cả những kỹ sư lành nghề trong ngành năng lượng. Con số này dự kiến sẽ lên đến 5,3 triệu người tính đến cuối năm nay, Liên Hợp Quốc cho biết. 

Như các vấn đề khác của đất nước, chính quyền Maduro đổ lỗi cho Mỹ tấn công mạng làm tê liệt hệ thống điện của nước này. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích rằng hệ thống điện của Venezuela không được cải tiến từ những năm 1990 và không có kết nối công nghệ cao để có thể thực hiện tấn công mạng.

Ngược lại, tình trạng thiếu bảo trì và “chảy máu chất xám” trong nhiều năm qua được nhìn nhận là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự cố mất điện những ngày qua.

Ông Miguel Lara, cựu giám đốc của cơ quan quản lý hệ thống điện, nói rằng mạng lưới điện của Venezuela trong những năm gần đây đã bị cắt giảm đầu tư và khai thác quá mức. Ông Lara nói rằng lời khuyên của các kỹ sư có trình độ đã bị phớt lờ, khiến nhiều người rời đi. Không có họ, mạng lưới điện đã rơi vào tình trạng mất ổn định đến mức nguy hiểm, ông Lara cho biết.Trong khi đó, Tổng thống Maduro không có ý định từ bỏ quyền lực, cũng không chấp nhận tổ chức lại cuộc bầu cử tổng thống, bất chấp những lời chỉ trích về việc gian lận phiếu bầu, ngăn cấm các đối thủ tham gia tranh cử và không cho phép cộng đồng quốc tế giám sát cuộc bầu cử tháng 5/2018 mà ông tuyên bố trúng cử.Ông Maduro, hiện vẫn kiểm soát lực lượng vũ trang, tiếp tục ngăn chặn các cuộc biểu tình của người dân bằng vũ lực, dù Quốc hội Venezuela đã ra nghị quyết bác bỏ tính hợp pháp của ông trong nhiệm kỳ thứ 2 (2019-2025) và hàng chục quốc gia công khai ủng hộ Chủ tịch Quốc hội Juan Guaido làm Tổng thống lâm thời của Venezuela.

Dưới đây là diễn biến cuộc khủng hoảng Venezuela tính đến thứ Sáu ngày 15/3/2019:

Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (IADB) hôm thứ Sáu đã bỏ phiếu thay thế đại diện của chính quyền Maduro bằng một nhà kinh tế được Tổng thống lâm thời Juan Guaido hậu thuẫn, theo Al Jazeera.

IADB, nhà cho vay lớn nhất khu vực Mỹ Latinh, là tổ chức tài chính đầu tiên công nhận ông Guaido và cuối cùng sẽ giải phóng hoạt động cho vay phát triển tới Venezuela nếu ông Maduro từ chức.

Ông Guaido, người được hầu hết các nước phương Tây, bao gồm cả Hoa Kỳ và nhiều nước Mỹ Latinh, đã chọn nhà kinh tế của Đại học Harvard, ông Ricardo Hausmann, làm đại diện cho ông tại IADB, dẫn đến cuộc bỏ phiếu của hội đồng 48 thành viên chỉ hai tuần trước cuộc họp thường niên tại Trung Quốc.


Cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez (bên trái) khởi xướng quốc hữu hóa các lĩnh vực kinh tế từ năm 1999, người kế nhiệm Nicolas Maduro (giữa) đưa đất nước chìm trong lạm phát và thiếu đói, Chủ tịch Quốc hội kiêm Tổng thống lâm thời Juan Guaido (bên phải) được nhận định là niềm hy vọng mới của Venezuela (Ảnh: AFP/Frontnews)

Trong khi đó, tình trạng mất điện quy mô lớn đặt ra “thực tế nghiệt ngã của Venezuela”: Khi không có điện thì không có thượng tôn pháp luật (rule of law), theo New York Times (NYT).

Một cuộc biểu tình được kêu gọi bởi Tổng thống lâm thời Guaido đã bị cảnh sát dập tắt dữ dội, NYT cho biết. Ông Maduro đã ra lệnh điều tra Tổng thống lâm thời Guaido và bắt giữ một nhà báo với cáo buộc gây ra vụ mất điện. Chính quyền Maduro sau đó đã phải thả nhà báo Luis Carlos Diaz, sau áp lực của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo và cộng đồng quốc tế.

Ông Maduro đã xuất hiện trên truyền hình nhưng nói rất ít về cách thức chính phủ lên kế hoạch giải quyết sự cố mất điện.

“Họ không cung cấp cho chúng tôi thông tin gì”, cô Figueroa nói, lo lắng rằng sự phẫn nộ của công chúng sẽ sớm trở nên sôi sục. “Nó giống như một trong những bộ phim thảm họa mà họ từng làm, như ‘Soylent Green’ hay ‘Thế giới ngầm’. Chúng tôi phải tìm ra cách để sinh tồn”.

Omar Chávez cho biết ông đã nghe thấy những tiếng súng nổ vào hôm thứ Hai. Khi đó, ông vừa trở về nhà sau khi đi tìm thuốc cho con gái, ông cất giữ những đồng đô la của mình khi nghe nói về một cuộc bạo loạn.

“Chúng tôi có thể nhìn thấy qua ống nhòm rằng họ đang cướp bóc mọi thứ”, ông Chávez nói. “Các chủ cửa hàng đã cố gắng bảo vệ các cửa hàng của họ bằng cách nổ súng, không phải để giết người, nhưng tôi nghĩ có nhiều người chết. Không ai kiểm soát được đám đông này”.

Trong nhiều ngày và đêm, những đám đông đã cướp phá 523 cửa hàng ở thành phố Maracaibo, người dân đứng trên hiên nhà cầm vũ khí để chống lại những kẻ cướp bóc, theo NYT. Hàng chục người chết trong bệnh viện, các xác chết bị phân hủy trong nhà xác.

Những đống đổ nát còn lại của các cửa hàng bị cướp bóc ở thành phố Maracaibo, Venezuela 


Các cửa hàng hoặc đã bị cướp phá, hoặc đóng chặt cửa, chỉ một số ít là đủ can đảm mở cửa bán hàng. Những người tuyệt vọng tìm kiếm thực phẩm xếp thành những hàng dài trước một vài tiệm bánh ở thành phố Maracaibo.

Một nhóm hơn một ngàn người đã đổ xuống khu thương mại gần đó, phá vỡ các cửa sổ kính để cướp bóc hàng hóa, các thương nhân cho biết. Người ta không nhìn thấy bóng dáng của Vệ binh quốc gia Venezuela.

“Giữa sự cố mất điện này, không thấy chính quyền đâu”, ông Miguel Sierra, người đang bán bột giặt khi những kẻ cướp bóc đến, cho biết.

Khi màn đêm buông xuống, đám đông bắt đầu đốt lửa để thắp sáng các cửa hàng. “Tôi nghĩ rằng họ bắt đầu nhóm lửa vì đèn tắt – không có cách nào khác để xem [cửa hàng] có gì để lấy”, ông Marbella Jiménez, người điều hành một sạp bán hàng không chính thức, cho biết.

Một quan chức y tế đề nghị giấu tên vì sợ chính quyền trả thù, cho biết 47 người đã chết t ại trung tâm y tế chính của thành phố Maracaibo. “Ít nhất một nửa có thể được quy cho cuộc khủng hoảng”, vị quan chức này cho biết, trích dẫn các bệnh nhân chết vì suy tim hoặc các biến chứng do bệnh tiểu đường không được điều trị.

Một bác sỹ khác cũng giấu tên vì sợ chính quyền trừng phạt, cho biết: “Như thể bạn bước vào hang sư tử, nó là một cái hang tối tăm”, ông nói về tình cảnh ở bệnh viện. “Tồi tệ nhất là mùi: đó là mùi bẩn thỉu, quyện với mùi máu và hơi nóng làm cho bầu không khí đặc quánh và khủng khiếp.”