Tổng thống Trump đã về tới Mỹ và ông đối mặt với những thách thức mới
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã về tới thủ đô Washington, sau một Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều không đi đến thỏa thuận với Triều Tiên tại Hà Nội, Việt Nam, theo Reuters.
Trở về Mỹ, ông Trump đối mặt với những thử thách khác trên nhiều mặt trận, bao gồm các cuộc đàm phán nhạy cảm với Trung Quốc về vấn đề thương mại; một cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Venezuela; căng thẳng gia tăng giữa Ấn Độ và Pakistan đã trở thành một cuộc công kích, dẫn tới Pakistan đóng cửa không phận, bắt giữ phi công. Và ngay trong chính Nghị viện Hoa Kỳ, khi Hạ viện Mỹ dẫn đầu bởi Chủ tịch Nancy Pelosy bỏ phiếu nhằm hủy bỏ tuyên bố khẩn cấp của Tổng thống Trump về việc xây bức tường biên giới.
Pakistan thả phi công Ấn Độ nhằm giảm leo thang căng thẳng
Pakistan chuẩn bị thả một phi công Ấn Độ trong một “cử chỉ vì hòa bình” nhằm giảm bớt căng thẳng với đối thủ hạt nhân của họ, sau khi các cuộc đụng độ trên không đã gây lo ngại về một cuộc xung đột nguy hiểm ở Nam Á.
Trung úy Không quân Abhinandan Varthaman, người đã trở thành gương mặt nổi bật trong cuộc khủng hoảng giữa Islamabad và New Delhi, sẽ được trao trả lại cho các quan chức Ấn Độ tại cửa khẩu biên giới Wagah vào chiều thứ Sáu (1/3), Bộ trưởng Ngoại giao Shah Mehmood Qureshi cho biết.
Đối với thông báo thả phi công được công bố bởi Thủ tướng Pakistan Imran Khan vào hôm thứ Năm, New Delhi xem là một chiến thắng ngoại giao. Các nhà lãnh đạo Ấn Độ hoan nghênh động thái của nước láng giềng cho sự quay về của phi công này nhưng tuyên bố họ sẽ duy trì các cảnh cáo quân sự “nâng cao”.
Ấn Độ tuyên bố xóa sổ hàng trăm tên khủng bố tại Pakistan, tuy nhiên không rõ thi thể ở đâu
Ấn Độ cho biết, cuộc công kích hôm thứ Ba đã phá hủy một trại huấn luyện lớn của nhóm chiến binh khủng bố Jaish-e Mohammad – nhóm đã nhận trách nhiệm cho một cuộc tấn công hôm 14/2 tại Kashmir khu vực do Ấn Độ kiểm soát đã giết chết 40 thành viên của một đơn vị cảnh sát bán quân sự của Ấn Độ, theo Reuters.
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Vijay Gokhale nói rằng cuộc tấn công đã xóa sổ một lượng lớn những kẻ khủng bố, gồm những huấn luyện viên, chỉ huy cao cấp và các nhóm thánh chiến. Khoảng 300 chiến binh khủng bố đã bị giết. Tuy nhiên, vào thứ Năm, một quan chức quốc phòng cấp cao đã lên tiếng chất vấn về bằng chứng của vụ tấn công khủng bố.
Về phía Pakistan, những người dân ngôi làng trúng bom cho biết, có 4 cái hố và một số cây thông bị đánh bật, cho thấy có một số tác động từ vụ nổ lúc khoảng 3 giờ sáng. Người dân khác thì cho hay, không ai chết, chỉ có cây thông bị đốn hạ, và một con quạ thiệt mạng. Dấy lên nghi vấn của chính dân làng: Những thi thể chiến binh mà Ấn Độ nói đã trúng bom ở đâu?
Người dân Venezuela vượt biên giới vào Colombia bất chấp biên giới đóng cửa
Colombia đã chính thức đóng cửa biên giới với Venezuela để ngăn chặn nhiều người di cư chạy trốn khỏi các cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị ở Venezuela, theo Aljazeera.
Tuy nhiên, trong tình huống các điểm nhập cảnh hợp pháp bị đóng lại, những người dân Venezuela tuyệt vọng vì thiếu thốn thuốc men và thực phẩm dinh dưỡng cũng như các nhu yếu phẩm khác đã chọn những con đường không được phép để băng qua biên giới đi vào Colombia. Các binh sỹ Colombia tuần tra các khu vực, nhưng dường như chỉ về hình thức.
Tòa Bạch Ốc dự thảo cho một hội thảo chất vấn về mối đe dọa của khí hậu với an ninh
Tòa Bạch Ốc đang thúc đẩy các kế hoạch nhằm thành lập một hội đồng tổng thống, nhằm xem xét các vấn đề khoa học trong các báo cáo của quân đội và tình báo Hoa Kỳ cho thấy biến đổi khí hậu do con người gây ra có nguy cơ về an ninh quốc gia, một nguồn tin cho biết với Reuters.
Hội đồng An ninh Quốc gia tại Tòa Bạch Ốc đã xem xét việc thành lập một hội đồng khí hậu có thể sẽ được dẫn đầu bởi William Happer, một giáo sư vật lý của Đại học Princeton đã nghỉ hưu. Tổng thống Trump đã nhiều lần đặt câu hỏi, liệu có phải con người là nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu.
Ngoại trưởng Mỹ tới Philippines bàn về Biển Đông và phòng thủ tương trợ
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm thứ Năm (28/2) cho biết ông sẽ thảo luận với các quan chức Philippines về mối quan ngại của chính quyền Trump đối với các hành động của Trung Quốc gây đe dọa tự do hàng hải ở Biển Đông, trong chuyến thăm Manila ngay sau Thượng đỉnh Mỹ – Triều tại Hà Nội, theo AP.
Ông Pompeo đến Philippines vào chiều thứ Năm và ngay lập tức tới gặp Tổng thống Rodrigo Duterte tại một căn cứ không quân. Ông đã thông báo Tổng thống Duterte về kết quả của hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Hà Nội.
“Chúng tôi lo lắng rằng Trung Quốc đang sử dụng quyền lực của mình theo cách sẽ từ chối quyền tự do hàng hải trong khu vực và điều đó quan trọng đối với mọi quốc gia ở châu Á, bao gồm cả Philippines”, ông Pompeo nói với các phóng viên trên chuyến bay từ Hà Nội tới Manila.
Khi được hỏi liệu Hoa Kỳ có quan ngại về các hành động của Trung Quốc hay không, ông Pompeo trả lời, “tất nhiên”, và nói thêm rằng Washington có chiến lược an ninh quốc gia để giải quyết vấn đề này.
Đại sứ Philippines tại Washington, Jose Romualdez, nói qua điện thoại rằng đề xuất xem xét lại Hiệp ước phòng thủ tương trợ năm 1951 giữa Washington và Manila cũng sẽ là một chủ đề được thảo luận trong các cuộc họp của ông Pompeo với các quan chức Philippines.
Đại sứ Romualdez nói rằng Manila đã rà soát để cập nhật Hiệp ước này. Một trong các điều khoản của Hiệp ước là các đồng minh sẽ hỗ trợ nhau trong trường hợp bị xâm lược.
Sẽ có một cuộc họp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, Delfin Lorenzana, và một quan chức cao cấp của Ngũ Giác Đài vào tháng tới tại Manila để tạo cơ sở trước khi hai bên chính thức đàm phán về việc cập nhật Hệp ước, ông Romualdez tiết lộ.
Trước đây, các quan chức Philippines đã cố gắng làm rõ việc liệu Philippines có thể viện dẫn Hiệp ước phòng thủ tương trợ để tìm kiếm sự giúp đỡ của Hoa Kỳ trong trường hợp bị nước ngoài tấn công ở Biển Đông hay không.
“Đây là mối quan hệ lâu dài, sâu sắc giữa hai quốc gia chúng ta và tôi hi vọng sẽ xây dựng mối quan hệ đó với người đồng cấp Teodoro Locsin và Tổng thống Duterte”, ông Pompeo nói với các phóng viên.
Trong cuộc họp, ông Duterte và ông Pompeo đã “tái khẳng định liên minh lâu đời Hoa Kỳ – Philippines, [hai ông đã] thảo luận các phương án để cải thiện hợp tác về an ninh và chống khủng bố trong khu vực”, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino cho biết.
Khả năng cao Canada sắp tiến hành dẫn độ Mạnh Vãn Châu tới Mỹ
Canada có thể sẽ công bố vào thứ Sáu (1/3), cho phép tiến hành một phiên tòa dẫn độ chống lại giám đốc điều hành Mạnh Vãn Châu của Huawei Technologies Co Ltd, các chuyên gia cho biết, sẽ làm xấu đi mối quan hệ vốn đã băng giá với Bắc Kinh, theo Reuters.
Cảnh sát Canada đã bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc tài chính của tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc, tại Vancouver vào tháng 12 theo yêu cầu của Washington. Vào cuối tháng 1/2019, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã buộc tội Huawei và bà Mạnh âm mưu vi phạm các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Iran.
Reuters cho biết, Ottawa có thời gian cho tới nửa đêm vào hôm thứ Sáu (theo giờ địa phương) để thông báo liệu họ sẽ ban hành một văn bản pháp luật có thẩm quyền cho phép tòa án ở tỉnh bang British Columbia tiến hành phiên tòa dẫn độ chính thức hay không.
Joanna Harrington, một giáo sư luật tại Đại học Alberta tại Edmonton, cho biết các quan chức có thể sẽ “bật đèn xanh”.
“Hoa Kỳ là một quốc gia mà chúng tôi chia sẻ văn hóa pháp lý, và được Canada tin tưởng”, bà Harrington, chuyên gia về luật nhân quyền nói.
Sau khi bà Mạnh bị bắt giữ, các quan chức Canada nói rằng phần lớn các yêu cầu dẫn độ của Mỹ đã được phê duyệt.
Bà Mạnh hiện đang bị quản thúc tại gia, sẽ tới tại một tòa án ở Vancouver vào ngày 6/3 để trình diện với các nhà chức trách rằng bà đang tuân theo các điều khoản của thỏa thuận tháng 12 cho phép bà tại ngoại.
Bắc Kinh đang yêu cầu thả bà Mạnh. Sau khi bà Mạnh bị bắt tại Canada, Trung Quốcđã bắt giữ 2 công dân Canada với lý do an ninh quốc gia, và một tòa án Trung Quốc sau đó đã kết án tử hình một người đàn ông trước đây đã bị bỏ tù vì tội buôn lậu ma túy.