Tuesday, 26 March 2019

Tâm Vấn

tam van 2

“Chuyến bay đặc biệt đến phi trường Los Angeles có danh ca Tâm Vấn. Chị Tâm Vấn là một cựu hành khách thường xuyên của Hàng không Việt nam. Xin đại diện cho các tiếp viên phi hành, tiếp viên phi cảng, quầy vé, đón chào mừng và chúc mừng thượng thọ chị.”

Cô Kim Trinh trong bộ áo dài xanh với cái mũ xanh và phù hiệu con rồng trên mũ, bao tay trắng đã nói với cô Tâm Vấn như trên. Trao bó hoa với vỏ bọc ngoài giấy màu xanh turquoise là màu của Air Viet nam ngày xưa. Cô tâm sự cô là khóa 10 và đồng nghiệp với cô là cô Tâm Đạt, nữ tiếp viên phi hành và là em gái út của cô Tâm Vấn. Đáp lời Cô Tâm Vấn đã khen ngợi tất cả những tiếp viên phi hành ngày xưa làm cô cảm động muốn khóc. Như Hảo đài Mẹ VN cũng lên chúc mừng , Dược sĩ Đỗ Kim Toàn là hội trưởng Hội Phụ Nữ Việt Mỹ cũng lên tặng hoa và rất nhiều người nữa.

Đêm Chủ Nhật 14/7/2013 vừa qua tại Emerald Bay với chủ đề: 20 năm Hà Nội – 60 năm Saigon , cũng là đêm hội ngộ khán giả & thân hữu và mừng thượng thọ danh ca Tâm Vấn.

Bước vào phòng ăn chật ních những người, nói lên tình mọi người đối với danh ca Tâm Vấn. Khách tham dự vượt trên sức chứa của nhà hàng khoảng 600 người , phải len chân trong rừng người để có thể bước qua. Tôi thầm nghĩ nếu có cảnh sát tới thì nhà hàng phải đóng cửa hoặc phải giải tán vì số người quá tải. Cũng may mọi việc êm thắm.

Có những khán giả đến từ những nơi xa như Texas, Arizona, Sydney (Australia), Việt nam ở lại tham dự rồi mới chịu về. Cũng được thông báo là hơn 500 ‘CD sẽ phát không vào cuối chương trình trước khi ra về. Chúng tôi nhận thấy ngoài nhóm của Air Viet nam , còn có nhóm các chị Trưng Vương và rất nhiều những vị trí thức của Saigon năm xưa cũng có mặt và những nhân vật nổi tiếng của hải ngoại cũng hiện diện trong đêm này.

Ban tổ chức cũng nói lời cáo lỗi với mọi người vì quá nhiều người muốn đến , nhưng không còn chỗ.

Cô Tâm Vấn đáp từ khi bước lên sân khấu đã ngỏ lời cám ơn tất cả mọi người và bà cho biết ở tuổi 80 , bà rất vui khi có dịp gặp lại khán giả, thân hữu, con cháu. Tất cả cũng nhờ hai đứa con trai là Hoàng Trọng Thạch (Thạch Hoàng, JD Hoàng) và Hoàng Trọng Thụy, cùng con dâu là Lucie Hoàng đã tổ chức để có cơ hội ngày hôm nay gặp lại tất cả. Cô cũng không quên nhắc đến cô cháu gái Hoàng Mộng Điệp (cựu vô địch nữ tuyển thủ bóng bàn Kim Ngôn & Mộng Điệp ) đã giúp trong việc tổ chức.

Cô Tâm Vấn sinh hoạt âm nhạc từ năm 1945, lúc 12 tuổi. 1950 cô hát cho đài phát thanh Hà Nội và tạo được một ít tên tuổi. Đến 20 tuổi hát cho đài phát thanh Saigon. Cô vào Saigon năm 1953. Cô cùng thời với các ca sĩ Minh Đỗ, Thanh Hằng, Thái Thanh, Minh Trang .Nhắc đến thời gian hát ở Hà Nội và gặp gỡ những nghệ sĩ đồng thuyền, những bậc đàn anh như Tô Vũ, Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước, Hoàng Giác. Rồi cô hát trích đoạn những bài hát ngày xưa như “Thuyền mơ” của Dương Thiệu Tước. Hát nhạc của Vũ Thành và cùng song ca với ca sĩ Kim Tước bài “Ngày về” của Hoàng Giác ….

“Tung cánh chim tìm về tổ ấm”

“Nơi sống bao ngày giờ đằm thắm’

Nhắc đến nghệ sĩ Trần văn Trạch, người đã dàn cảnh và khuyến khích cô hát bài “Em đến thăm anh một chiều mưa”, trong đó cô nhớ đến cảnh mình trong tay cầm chiếc áo mưa và sân khấu màu xanh dưới ánh đèn và cô hát hết bài này.

Khán giả thưởng ngoạn đã vỗ tay không ngớt , khi cô hát trích đoạn từng bài hát khi nhắc đến từng đoạn đường đời đã qua của mình. Ca sĩ Tuấn Ngọc trước khi hát cũng ngậm ngùi khi nói về ông bố, phải chi bố mẹ còn sống thì buổi hội ngộ này chắc là vui lắm. Anh hát bài “Nỗi lòng người đi”. Sau đó những ca sĩ và thân hữu đã lên sân khấu giúp vui. Tiết mục được khen ngợi nồng nhiệt nhất của J.D Hoàng (Thạch Hoàng) khi anh hát và trình diễn, với lối trang phục lạ, anh hát những bài của Bee Gees, những bài hát Zazz tuyệt vời “Come fly with me” do Frank Sinatra hát , Khi anh từ từ cởi lớp áo ngoài ra và trên người là lớp áo với nhiều ánh đèn rực rỡ chiếu sáng. Khiến người xem tưởng là mình đang xem một show của Las Vegas.

Trời đã khuya mà mọi người vẫn ngồi nán lại dù mai phải đi làm , không khí vui buổi hội ngộ làm rất nhiều người lưu luyến lúc chia tay.

Dư âm buổi hội ngộ như còn phảng phất sự lưu luyến chưa muốn chấm dứt, dẫn đến bữa cơm tối hôm sau tại nhà hàng Golden Star do một nhóm Trưng Vương tổ chức. Tôi ngồi kế bên cô Tâm Vấn, có dịp tâm tình với cô trong lúc chờ nhà hàng dọn ăn buổi cơm tối.

Khi còn rất bé ở Saigon tôi có nghe danh cô Tâm Vấn. Nhưng sau đó cô ẩn danh biệt tích. Qua đây chợt nghe nói về cô đã qua Mỹ tôi mới tìm hiểu về người danh ca đã một thời lừng lẫy với thời gian của những năm tháng thời xa xôi 1950, ngày tôi mới sinh ra tại Hà Nội. Tôi nhắc đến Hà Nội với ký ức còn bé mà tôi nhớ được mang máng bên bờ hồ Tây, nơi mà gia đình tôi sở hữu một nhà thuyền do ông nội tôi gầy dựng lên, mang tên ông chú tôi là “Nhà thuyền Hùng Nhân”. Ông chú tôi là nhà vô địch bơi lội Đông Dương (Indochine) Đặng Hùng Nhân, thời Ducoroy . Thời ấy, trai thanh gái lịch của Hà Nội phải biết đến chốn này.Những chiếc thuyền pe’rissoir làm những người đến thưởng ngoạn du dương, thả hồn mình với tình cảm lãng mạn trong làn nước của một Petit Đồ Sơn. Khi nhắc đến cô Tâm Vấn cho biết cô thường đi chèo thuyền tại nơi này. Ngồi nói chuyện với cô tôi nhận xét là cô nhớ rất dai, cô viết trước mặt tôi mà không cần phải đeo kính, đầu óc rất minh mẫn, cô nhớ tất cả chuyện xưa. Trí nhớ và sức khỏe phi thường ở tuổi này khiến cô Kiều Chinh nói với tôi hôm trước là cô ấy vẫn còn “sharp” lắm.

Tôi hỏi cô về triết lý sống, cô nói:

Luôn yêu đời, tha thứ, hỷ xả, vui vẻ. Không ganh ghét, ích kỷ, sống với tha nhân trong tinh thần cởi mở, lạc quan. Việc đến đâu ta xử lý đến đó. Rối ở đâu ta sẽ gỡ ra đến đó.

Được biết bà là phu nhân của Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế, người đã tranh đấu cho nhân quyền trong nước và từ chối đi ra nước ngoài.

Năm nay đã 80 tuổi đời, bà đã sống nhiều. Con người ta sống khi chết thì chỉ là một kiếp, còn bà xem như mình đã sống bao nhiêu kiếp. Lên bổng, xuống trầm, ê chề, hạnh phúc.

Ngay cả những lúc đi thăm nuôi chồng bị tù, trong lúc chờ đợi, dù hoàn cảnh khổ nhất bà cũng hát lẩm nhẩm trong miệng những bài hát cũ.

Tiếp xúc gần với bà tôi thán phục và kính trọng một người đàn bà giàu nghị lực và là một phụ nữ can đảm. Thế hệ sau cần học hỏi theo gương bà. Một kỷ niệm khó quên với nữ danh ca Tâm Vấn mà tôi có dịp gần gũi. Người mà khi còn rất bé đã nghe danh tên tuổi ấy.

Viết đến đây, lòng tôi bồi hồi xúc động nhớ đến cô, không biết bao giờ có dịp gặp lại. Ước mong cô Tâm Vấn sẽ nhận được tất cả mọi sự tốt đẹp nhất, cho đến khi nắng tắt buổi chiều của cuộc đời. Chợt nhớ đến bài cô hát trong đêm hội ngộ, mà nhạc sĩ Thanh Trang viết dành cho cô, bài “Một đời tôi hát”……..

Một đời tôi hát những bài tình ca cho ngườiMột thời tôi hát những lời buồn vui cho ngườiTừng lời tôi hát tiếng buồn trầm chen tiếng vuiý sầu lạnh cảm nét vui. Xót xa cay đắng ngậm ngùi.Lời nào tôi hát với người và cho riêng mình.Là lời xa vắng nhớ về ngày tháng êm đềm.Từng lời tha thiết giống chuyện tình em với anh.Nắng vờn khoảng trời rất xanh. Gió mưa cũng ngày buồn tênh.Phút vui xin hẹn lại một ngày. Dẫu xa xin gần bằng tình này.Gửi lời tôi hát đến muôn nơi.Lời này tôi hát với người và cho riêng mình.Lời này tôi hát giữa dòng đời luống vô tình.Gửi lời tôi hát đến tận người đi rất xaNhớ hoài mảnh tình thiết tha.Với bao bóng hình ngày qua.
Fountain Valley25 /7/2013Đặng Hùng Sơn 
dang hung son