Tuesday 26 March 2019

Trung Quốc – Châu Âu : Đối thủ hay đối tác - Anh Vũ

media
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trước doanh nhân tại dinh Quirinal, Roma, ngày 22/03/2019.Tiziana Fabi/Pool via REUTERS

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo thất thủ nhưng mối đe dọa vẫn chưa hết. Chuyến công châu Âu của ông Tập Cận Bình gây hoài nghi và cảnh giác. Brexit, nước Anh không lối thoát số phận thủ tướng Theresa May trở nên mong manh. Đó là những chủ đề thời sự quốc tế chính của các báo Pháp ra hôm nay.
Sau chặng đầu có thể được coi là thành công ở nước Ý cùng với hàng chục hợp đồng kinh tế và nghị định thư hợp tác được ký kết, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay bắt đầu chuyến thăm Pháp cấp Nhà nước trong vai của « một đối tác cũng như một đối thủ », nhật báo kinh tế Les Echos nhận xét. Trong khi đó, Le Figaro, có bài : « Các nước châu Âu thức tỉnh trước Trung Quốc ». Tờ báo nhận thấy tổng thống Pháp Emmanuel Macron hy vọng tạo được một mặt trận chung châu Âu để đối phó với chiến lược và tham vọng của Bắc Kinh. Mở đầu bài viết, phóng viên le Figaro dẫn lại phát biểu của một quan chức Úc cách đây 3 năm rằng « châu Á đánh giá thấp Hồi giáo cực đoan và Nga nhưng châu Âu thì vẫn chưa ý thức được mối đe dọa Trung Quốc ».
Theo bài báo thì đúng là một thời gian dài « bị cuốn vào các khủng hoảng nội bộ, vướng bận với những hỗn loạn ở Trung Đông, lo toan nhiều vào những hồ sơ lớn như Iran hay Nga, các nước châu Âu đã không thấy hoặc không lo lắng gì đến bước tiến âm thầm của Trung Quốc trong khi mà từ nhiều năm qua Trung Quốc đã thâm nhập được vào huyết mạch kinh tế của nhiều nền dân chủ phương Tây».
Cho đến giờ Liên Hiệp Châu Âu vẫn coi sự cất cánh của Trung Quốc như là cơ hội kinh tế, chứ không phải là mối nguy cơ chiến lược. Bởi vì Trung Quốc vẫn luôn là đối tác thương mại lớn thứ 2 của châu Âu sau Mỹ.
Nhưng thời gian và thực tế đã buộc châu Âu thay đổi cách nhìn nhận về đối tác lớn này. Hôm 12/3 vừa qua, Ủy Ban Châu Âu trong một tài liệu quan trọng từ giờ trở đi đã chính thức coi Trung Quốc là một « đối thủ cạnh tranh chiến lược ». Để lập lại sự cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc, Ủy Ban Châu Âu còn lên một danh mục các hành động phải nhanh chóng triển khai nhằm đối phó với Bắc Kinh.
Ngày mai tổng thống Pháp tổ chức tại Paris cuộc hội đàm với chủ tịch Tập Cận Bình có sự tham dự của thủ tướng Đức Angela Merkel và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker. Le Figaro nhận xét đó là « một mặt trận châu Âu để đáp lại những tham vọng Trung Hoa và để làm thất bại chiến lược của Bắc Kinh luôn dùng ưu đãi quan hệ song phương để chơi trò chia rẽ châu Âu ».
Châu Âu đã hiểu ra nhưng...
Le Figaro nhận thấy, sau Mỹ, các nước châu Âu đang mở mắt để thấy được những hậu quả của việc sự nổi trội sức mạnh của Trung Quốc.
Đó là hậu quả của việc Bắc Kinh sử dụng ảnh hưởng gia tăng nhằm áp đặt quan điểm và nguy cơ tiềm ẩn kéo theo sau những khoản đầu tư của Trung Quốc trong những khu vực nhạy cảm của kinh tế châu Âu. Khi mà giờ đây, Trung Quốc đang tập trung tấn công vào châu Âu qua lĩnh vực công nghệ với mạng viễn thông 5G.
Tờ báo nhấn mạnh, cũng như Mỹ, các nước châu Âu lo ngại có thể bị do thám từ những đầu tư của một quốc gia không dân chủ vào lĩnh vực chiến lược. Chưa hết các thương vụ Trung Quốc mua lại, thôn tính các doanh nghiệp và hạ tầng cơ sở bị đánh giá là cách làm ăn không trung thực vì nó giúp Bắc Kinh có được trình độ chuyên môn cao, có công nghệ bản lề với giá thấp nhất và nhất là các doanh nghiệp Trung Quốc được chính phủ tài trợ và kiểm soát.
Ý thức được những nguy cơ trong quan hệ với Trung Quốc, nhưng hành động của châu Âu có vẻ hơi muộn. Le Figaro nhận thấy, « Trung Quốc đã sử dụng và đào sâu sự chia rẽ trong Liên Âu để đề phòng trước một chính sách chung ». Hungary, Hy Lạp là một trong số nước tiên phong đứng về phe Bắc Kinh. Bồ Đào Nha đã ký chương trình quốc tế của « con đường tơ lụa mới ». Ý thì vừa mới đây trở thành nước G7 đầu tiên đóng góp vào dự án đầy tham vọng của Trung Quốc.
Le Figaro kết luận : Lập trường với Trung Quốc trở nên phức tạp, khi mà Liên Hiệp Châu Âu vẫn muốn tiếp tục hợp tác với Bắc Kinh để cố cứu các thỏa thuận đa phương đã bị tổng thống Mỹ Donald Trump phá vỡ, tiêu biểu là thỏa thuận hạt nhân Iran và Hiệp định khí hậu. Thế nhưng gây bất đồng trong quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương cũng chính là một trong nhiều mục tiêu của Trung Quốc.