Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) - Ngày 25/1/2019, ông Nhất được cho là xuất hiện tại UNHCR tại Thái Lan.
Ngày 26/1/2019, ông Nhất được coi là mất tích tại một khu mua sắm trên đất Thái.
Ngày 9/2/2019, bà Cao Thị Xuân Phượng, vợ nhà báo Trương Duy Nhất, đã gửi “đơn thỉnh cầu giúp đỡ tìm người thân” đến các lãnh đạo Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ quốc Phòng, Bộ Công an và Công an thành phố Đà Nẵng để yêu cầu giúp đỡ tìm kiếm, xác định xem ông Trương Duy Nhất đang ở đâu và bày tỏ lo lắng cho tính mạng của chồng mình. Theo lá đơn này, ông Trương Duy Nhất rời khỏi thành phố Đà Nẵng hơn một tháng nay không lý do.
Ngày 27 - 28/2/2019, cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Kim diễn ra với kết quả không thành công như mong đợi của "Việt Nam - Trung tâm hòa giải xung đột quốc tế" (!).
Ngày 20/3/2019, cô Trương Thục Đoan (con gái ông Nhất) cho BBC hay: "Một người, hôm 15/3, không biết là ai, gọi cho mẹ ở Việt Nam báo là ba hiện đang bị giam ở T16".
Sau đó, vợ ông Nhất đã đến T16 để làm thủ tục thăm nuôi và được cấp sổ. Theo sổ này, ông Nhất bị bắt ngày 28/1/2019 và trong cùng ngày đã chuyển đến trại T16.
Gần 3 tháng qua, tung tích của nhà báo Trương Duy Nhất đã sáng tỏ.
Truy nã & đầu thú (?!)
Theo quy định tại Điều 231 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 - Truy nã bị can:
1. Khi bị can trốn hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã bị can.
2. Quyết định truy nã ghi rõ họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của bị can, đặc điểm để nhận dạng bị can, tội phạm mà bị can đã bị khởi tố và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này; kèm theo ảnh bị can (nếu có).
Quyết định truy nã bị can được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và thông báo công khai để mọi người phát hiện, bắt người bị truy nã.
3. Sau khi bắt được bị can theo quyết định truy nã thì Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã phải ra quyết định đình nã. Quyết định đình nã được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và thông báo công khai.
Theo trên, chắc chắn không có một lệnh truy nã nào được ban hành đối với nhà báo Trương Duy Nhất, bởi cho đến hiện nay, không có văn bản pháp lý nào được ban hành đủ để gọi ông Nhất là "bị can". Điều này có nghĩa, không thấy bất kỳ một tội danh nào cáo buộc ông Nhất, từ cơ quan pháp luật của nhà nước CHXHCNVN (!).
Nhà báo Trương Duy Nhất cũng không thể làm điều gọi là "đầu thú", bởi không chỉ vợ ông cho biết sự vắng mặt lâu ngày và không có lý do của chồng làm bà bất an, mà còn do ông Nhất có thể "đi chơi loanh quanh" đâu đó (!).
Ngày 28/1/2019 (?)
Theo nguồn tin báo chí, vợ ông Nhất đã gởi đồ thăm nuôi và nhận sổ theo quy định, trong đó cho hay, ông bị nhà cầm quyền VN bắt ngày 28/1/2019.
Như vậy, "kịch bản đầu thú" theo cách Trịnh Xuân Thanh không thể xảy ra như dư luận dự đoán.
Điều cần làm rõ, chính là biên bản bắt nhà báo Trương Duy Nhất có ghi rõ lý do bị bắt cùng các căn cứ không? Điều đáng băn khoăn hơn nhiều, ông Nhất có ký vào biên bản đó không?
Nếu ông Nhất đã ký vào biên bản dưới sự o ép và đe dọa nào đó, coi như nhà cầm quyền VN đã... "chiến thắng" trước dư luận trong và ngoài nước.
Các thông tin bên ngoài không còn giá trị
Một khi ông Nhất đã ký vào biên bản bắt giữ (bất chấp lý do và căn cứ), nghĩa là ông Nhất đã tự tay xác định mình bị bắt ngay trên đất Việt Nam (tất nhiên, tại một địa điểm trên một tỉnh hay một thành phố thuộc Việt Nam).
Như vậy, các hình ảnh, bằng chứng v.v... từ các nguồn bên ngoài sẽ hoàn toàn vô giá trị.
Thêm vào đó, UNHCR gần như im lặng trước trường hợp này. Đồng thời, nhà nước Thái Lan có vẻ cũng không mặn mà gì lắm, cho việc "điều tra" về nhà báo Trương Duy Nhất đã xuất hiện trên đất Thái.
Một khi biên bản bắt giữ mà nhà báo Trương Duy Nhất đã trực tiếp ký vào, cũng đồng nghĩa rằng, tất cả các văn bản pháp lý như: quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can, quyết định tạm giam v.v... sẽ được ký trước hay đúng ngày 28/1/2019.
Mọi thắc mắc, bàn tán suốt 2 tháng qua của dư luận, dù rất nóng bỏng và hấp dẫn, cũng không làm thay đổi được "hiện trạng" nhà báo Trương Duy Nhất đang đối mặt. "Nền báo chí cách mạng" sẽ thu xếp ổn thỏa việc đó (!).