Friday 26 April 2019

CSVN chính thức thừa nhận ông Nguyễn Phú Trọng ‘không được khỏe’


Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN, bà Lê Thị Thu Hằng, thông báo về sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp báo chiều Thứ Năm, 25 Tháng Tư, 2019. (Hình: Reuters)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Nhà cầm quyền Việt Nam vừa chính thức lên tiếng thừa nhận ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư, chủ tịch nước, “không được khỏe” tại một cuộc họp báo ở Hà Nội vào chiều Thứ Năm, 25 Tháng Tư, 2019.
Sự kiện này gián tiếp thừa nhận tin đồn trên mạng xã hội trong hơn 11 ngày qua là ông Nguyễn Phú Trọng đã phải vào cấp cứu tại bệnh viện ở Kiên Giang, rồi Chợ Rẫy (Sài Gòn) hôm 14 Tháng Tư, sau đó đưa ra bệnh viện Quân Đội 108 ở Hà Nội hôm 16 Tháng Tư, trong lúc truyền thông nhà nước hoàn toàn im hơi lặng tiếng.
“Đồng chí Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng sẽ sớm trở lại làm việc bình thường,” bà Hằng nói thêm.Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN, bà Lê Thị Thu Hằng, khi trả lời câu hỏi của phóng viên hãng AFP tại cuộc họp báo, nói rằng: “Do cường độ làm việc cao, thời tiết thay đổi, đã ảnh hưởng đến sức khỏe của đồng chí Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng.”
Tuy nhiên, bà Lê Thị Thu Hằng không cho biết chi tiết về sức khỏe của ông Trọng, đang nằm điều trị tại đâu và ông sẽ trở lại làm việc khi nào.
Trong một diễn biến khác, cùng thời điểm là chiều 25 Tháng Tư, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch Quốc Hội CSVN, khi “tiếp xúc với cử tri” tại thành phố Cần Thơ, cũng chính thức thừa nhận về sức khỏe của ông Trọng.
Báo Đại Biểu Nhân Dân dẫn lời bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: “Do thời tiết thay đổi và cường độ làm việc cao trong chuyến công tác tại Kiên Giang đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe của tổng bí thư, chủ tịch nước. Tuy nhiên, hiện nay sức khỏe của Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã ổn định và sẽ sớm trở lại làm việc bình thường.”

Hình ảnh của ông Trọng trên các báo ở Việt Nam là hình chụp từ ngày 14 Tháng Tư ở Kiên Giang. (Hình; Tuổi Trẻ)

Ông Trọng “bị bệnh lạ?”
Trong lúc nhà cầm quyền Việt Nam nói ông Trọng “không được khỏe” là “do thời tiết thay đổi và cường độ làm việc cao” thì theo hãng tin Reuters, có bốn nguồn tin ngoại giao cho biết ông Trọng đã bị một chứng “bệnh lạ.”
Bốn nguồn tin này nói thêm với Reuters rằng, ông Trọng đã được đưa vào Bệnh Viện Trung Ương Quân Đội 108 ở Hà Nội. Cũng theo họ, ông Trọng ngã bệnh ngay vào ngày sinh nhật của ông, 14 Tháng Tư. Những nguồn tin này yêu cầu giấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề.
Hãng tin Reuters nói, họ không thể xác định tình trạng sức khỏe của ông Trọng nghiêm trọng đến mức nào, cũng như ông có còn nằm viện hay không.
Theo luật pháp Việt Nam, sức khỏe của các lãnh đạo nước này được xếp vào loại bí mật quốc gia. Thông thường, khi công bố tình hình sức khỏe, hay việc qua đời của các lãnh đạo thuộc “tứ trụ” (tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội) là do Bộ Chính Trị đảng CSVN hay “Ban Bảo Vệ Sức Khỏe Trung Ương” nhưng đây là lần đầu tiên, tình hình sức khỏe của một lãnh đạo cao cấp nhất là ông Nguyễn Phú Trọng, lại do một phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao thông báo bằng việc “trả lời câu hỏi của một phóng viên.”
Tiếp tục đồn đoán
Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN loan báo ông Nguyễn Phú Trọng “sẽ sớm trở lại làm việc bình thường” nhưng nhiều câu hỏi của dư luận xã hội vẫn chưa được giải đáp, cụ thể là liệu ông Nguyễn Phú Trọng có xuất hiện trong tang lễ của cựu Chủ Tịch Nước Lê Đức Anh, qua đời hôm 22 Tháng Tư, hay không?
Theo một nghị định của chính phủ CSVN ban hành ngày 17 Tháng Mười Hai, 2012, “quy định việc tổ chức lễ tang đối với cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc hoặc nghỉ hưu khi từ trần” cho thấy tang lễ ông Lê Đức Anh sẽ được tổ chức theo hình thức quốc tang.
Nghị định cũng nói “Bộ Chính Trị quyết định thành lập Ban Lễ Tang Nhà Nước” và “Trưởng Ban Lễ Tang Nhà Nước là tổng bí thư Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam hoặc chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.”
Như vậy, ông Nguyễn Phú Trọng đang giữ hai chức tổng bí thư, chủ tịch nước, đương nhiên sẽ làm “Trưởng Ban Lễ Tang” trong tang lễ của ông Lê Đức Anh.
Cho tới nay, ngoài thông báo của phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN, trên tất cả các cơ quan truyền thông do nhà nước quản lý, người ta vẫn chưa thấy xuất hiện bất cứ một hình ảnh mới nào của ông Nguyễn Phú Trọng kể từ ngày 14 Tháng Tư. Dù những ngày qua, các báo loan tin ông Trọng gởi điện mừng cho các nhà lãnh đạo Bắc Hàn, hay điện chia buồn với chính phủ và người dân Sri Lanka về vụ đánh bom khủng bố.
Đồng thời “Hội nghị thượng đỉnh Vành Đai và Con Đường lần 2″ từ ngày 25 đến 27 Tháng Tư do Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh, đúng lý ra ông Nguyễn Phú Trọng trong vai trò chủ tịch nước phải đi dự nhưng Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc phải đi thay. (KN – Th.Long)

Chính trường Việt Nam sẽ ra sao nếu ông Nguyễn Phú Trọng bệnh nặng ?


mediaTổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tiếp quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah tại Hà Nội ngày 27/03/2019.REUTERS/Kham

Trên Asia Times, có bài viết mang tựa đề « Có phải nhà lãnh đạo Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng đang hấp hối ? ». Tác giả David Hutt đặt vấn đề, nếu tin này được xác nhận thì có ý nghĩa như thế nào đối với một đất nước chia rẽ về chính trị, vốn thường giữ bí mật, trong khi sự kế thừa quyền lãnh đạo cho năm 2021 vẫn chưa được quyết định ?

Các mạng xã hội tại Việt Nam trong tuần lễ vừa qua sôi sục với thông tin tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng đã được đưa cấp tốc vào bệnh viện hôm 14/04/2019. Cho đến nay vẫn chưa thấy ông xuất hiện trước công chúng.
Cơn bão tin đồn
Một số bài đăng trên mạng cho biết nhà lãnh đạo quyền lực nhất Việt Nam chỉ bị sốc nhiệt vì cảm nắng, số khác nói rằng ông bị xuất huyết não hay đột quỵ, và hiện đang hấp hối.
Trong cơn bão tin đồn, một số còn cáo buộc những người ủng hộ địch thủ của ông Trọng là cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ám hại ông. Đó là do lúc ông Trọng đi công cán Kiên Giang, căn cứ địa của ông Dũng, thì ông mới ngã bệnh.
Người thì khẳng định đây là một cú đảo chính trong triều đình, có lẽ do ông Trần Quốc Vượng cầm đầu. Ông Vượng hiện là thường trực Ban Bí thư, phụ trách những công việc hàng ngày của đảng, là người có quyền lực thứ nhì về mặt đảng, chỉ đứng sau tổng bí thư.
Những thông tin đáng tin cậy hơn cho rằng ông Trọng đã được đưa đến bệnh viện Chợ Rẫy ở Saigon, hoặc đưa sang Nhật chữa bệnh. Nếu việc sang Nhật trị bệnh là sự thật, thì tình trạng của ông có vẻ nghiêm trọng : đa số quan chức cao cấp đều được điều trị trong nước vì tinh thần dân tộc - theo tác giả - trừ trường hợp nguy hiểm đến tính mạng.
Chuyên gia về Việt Nam Carl Thayer, trường đại học New South Wales dẫn các nguồn tin riêng cho biết ông Trọng « đã hồi phục lại phần nào », rất có thể là từ tai biến mạch máu não, nhưng bị liệt một cánh tay. Tình hình sức khỏe của ông có mức độ nghiêm trọng như thế nào có thể quan sát được trong Hội nghị trung ương sắp tới, được ấn định vào tháng Năm.
Asia Times cho biết không thể kiểm chứng một cách độc lập tất cả các thông tin và tin đồn trên đây. Cho dù báo chí nhà nước tránh đề cập đến, việc ông Nguyễn Phú Trọng bị bệnh là một bí mật nay ai cũng biết cả, trong một Việt Nam bị kiểm soát chặt chẽ cả về xã hội lẫn internet. Tờ báo ghi nhận hôm 14/4, cái tên « Nguyễn Phú Trọng » đã trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google tiếng Việt.
Nắm chắc quyền lực
Ông Nguyễn Phú Trọng trở thành tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam vào năm 2011. Nhưng nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên của ông không hề yên ả, do sự kèn cựa với thủ tướng thời đó là ông Nguyễn Tấn Dũng. Ông Dũng có quyền hành « oai trùm thiên hạ » trong bộ máy chính phủ, lấn át phía đảng.
Tại Đại hội Đảng 12 năm 2016, ông Trọng đã thành công trong việc hình thành một liên minh để ngăn chận tham vọng trở thành tổng bí thư của ông Dũng, và rốt cuộc ông thủ tướng phải về vườn.
Với quyền lực được củng cố, ông Nguyễn Phú Trọng đã tung ra chiến dịch chống tham nhũng, để loại trừ những nhân vật thuộc phe ông Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi đảng, cắt đứt mối quan hệ giữa các quan chức đảng với các lãnh đạo doanh nghiệp quốc doanh tham nhũng.
Ông Trọng càng có nhiều quyền hành hơn từ khi kiêm luôn chức chủ tịch nước vào cuối năm 2018, sau khi ông Trần Đại Quang qua đời vào tháng Chín. Điều đáng chú ý là báo chí nhà nước giữ im lặng về bệnh tình của ông Quang đến tận lúc ông này qua đời.
Nếu ông Trọng bất ngờ bị mất quyền hành, có thể gây tác động như một trận địa chấn, trong một đất nước có truyền thống bí mật, khép kín.
Danh chính ngôn thuận khi đối ngoại
Trong nhiều thập niên qua, đảng vẫn tôn trọng một thỏa thuận bất thành văn là không ai trong « tứ trụ » có thể cùng lúc nắm hai chức vụ. Một số nhà phân tích nghĩ rằng khi hợp nhất hai chức tổng bí thư và chủ tịch nước, ông Nguyễn Phú Trọng muốn tăng cường quyền lực trong tay, đi theo con đường của Tập Cận Bình, cũng nắm cả hai chức vụ ở Trung Quốc. Một cách giải thích khác, theo tác giả có vẻ thuyết phục hơn, là ông Trọng muốn đóng vai trò tích cực hơn trong đối ngoại.
Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể là quan hệ giữa hai đảng cộng sản. Nhưng Hoa Kỳ, nay đã trở thành một trong những đồng minh thân thiết của Việt Nam, muốn trao đổi với các thành viên chính phủ thay vì quan chức đảng.
Hồi tháng Hai, khi Hà Nội đóng vai trò nước chủ nhà của cuộc đối thoại giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên, tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đã mời ông Nguyễn Phú Trọng viếng thăm chính thức Washington trong năm nay. Nếu ông Trọng đi thăm với tư cách tổng bí thư đảng thì sẽ phức tạp đôi chút. Nhưng với tư cách chủ tịch nước, nay ông là người đứng đầu Nhà nước Việt Nam, khiến tiếng nói của đảng có trọng lượng hơn trong đối ngoại.
Tuy nhiên nếu việc ông Trọng kiêm luôn chủ tịch nước được cho là sẽ tạo điều kiện cho quan hệ với bên ngoài, thì ngược lại tình trạng sức khỏe của ông - nếu kéo dài và làm ông suy nhược đi - có thể gây nguy hiểm cho tham vọng độc chiếm quyền lực. Trong trường hợp bệnh tật nên không thể đi nước ngoài, điều đó có nghĩa ông Trọng sẽ phải rời bỏ chức vụ.
Gậy ông đập lưng ông ?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang thuộc Viện nghiên cứu kinh tế - chính sách (VEPR) của Việt Nam, nhấn mạnh rằng ông Trọng có thể bị « gậy ông đập lưng ông ».
Vào đầu năm 2018, dưới sự chỉ đạo của ông Trọng, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 90 về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá các cán bộ cao cấp được Ban chấp hành trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý. Theo đó họ phải « có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ ».
Ông Giang viết trên The Diplomat tuần trước : « Động thái này được coi như một nỗ lực nhằm ngăn chận ảnh hưởng của ông Trần Đại Quang. Nhưng nay sẽ mang ý nghĩa mỉa mai nếu quy định này giờ đây quay ngược lại, đánh vào ông Nguyễn Phú Trọng ».
Tuy nhiên tình hình sẽ càng xáo trộn hơn trước câu hỏi, ai sẽ thay ông Trọng lên làm chủ tịch nước. Đặc biệt vào thời điểm đảng bắt đầu bàn bạc về việc ai sẽ nắm quyền lãnh đạo vào năm 2021.
Kế thừa chính trị là một vấn đề rắc rối, có khả năng gây bất ổn tại Việt Nam. Các mạng lưới bảo trợ, quan hệ với các tỉnh và phe nhóm khiến các quan chức cao cấp phải tả xung hữu đột để đưa được những đồng minh của mình vào các ủy ban quan trọng, được bầu vào Bộ Chính trị. Cuộc đối đầu chính trị này thường bắt đầu ít nhất hai năm trước khi diễn ra Đại hội Đảng.
Nhân sự tương lai và việc định hướng chính sách
Đại hội kỳ tới sẽ được tổ chức vào đầu năm 2021, có nghĩa bây giờ là thời điểm để Hội nghị trung ương đảng bàn về nhân sự tương lai. Hầu như chắc chắn là ông Trọng sẽ rời ghế vào năm 2021 – quy định của đảng chỉ cho phép hai nhiệm kỳ.
Nhưng nếu ông Nguyễn Phú Trọng muốn bảo đảm các đồng minh bảo thủ của mình sẽ lên lãnh đạo đảng sau khi ông về hưu, thì tình hình sức khỏe được cho là xấu của ông sẽ làm ý định này khó thể thực hiện. Thấy tình trạng ông Trọng như vậy, các đối thủ của ông trong đảng sẽ nghĩ rằng đây là cơ hội để yêu sách các vị trí họ mong muốn.
Nhiều chính khách cho rằng cần phải tự do hóa nền kinh tế, đặc biệt là giải thể các doanh nghiệp nhà nước chỉ chuyên khai thác tài nguyên. Người khác muốn có quan hệ chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ và bớt dần lệ thuộc vào Trung Quốc. Vẫn còn những người muốn có một dạng dân chủ hơn của chế độ cộng sản.
Trên thực tế, cho dù chủ nghĩa của ông Trọng có được định nghĩa theo kiểu nào đi nữa, thì nỗ lực nhằm giữ cho đảng không bị rạn vỡ và quyền lực của ông vẫn yếu dần đi, khi đất nước đang có những thay đổi đáng kể về kinh tế xã hội.
Ông Trọng từng nói rằng nếu mở cửa trong đảng dù chỉ nhẹ nhàng, có thể dẫn đến sự sụp đổ. Đó là lý do khiến ông cố gắng diệt trừ tham nhũng và loại các nhân tố phi đạo đức, không tuân theo ý thức hệ ra khỏi đảng.
Asia Times kết luận, với sự lên ngôi của ông Trọng trong ba năm qua, các phe nhóm đối địch không có bao nhiêu tiếng nói trong đảng. Nhưng nếu sức khỏe ông Trọng yếu đi, các đồng minh của ông đứng ngoài lề trong việc kế tục, thì các phe phái này có thể tấn công để nắm quyền kiểm soát đảng, định hướng lại về chính trị và kinh tế.