Chưa đầy chục ngày sau cú đổ bệnh thình lình như bị trời giáng của ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng ngay tại vùng ‘căn cứ địa cách mạng gia tộc Nguyễn Tấn Dũng’, vào ngày 13/4/2019 đã có thông tin chính thức từ cơ quan tuyên giáo trung ương và báo đảng về việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đi Trung Quốc để dự Hội nghị BRI (hội nghị thượng đỉnh về sáng kiến Một vành đai, Một con đường do Bắc Kinh tổ chức) lần thứ hai từ ngày 25 - 27 tháng 4 năm 2019.
Những dấu hiệu đầu tiên về chuyển giao quyền lực
Có thể cho đây là dấu hiệu chuyển giao quyền lực thứ hai từ bệnh nhân Nguyễn Phú Trọng cho những quan chức cấp dưới còn chưa bị bệnh.
Dấu hiệu đầu tiên về sự chuyển giao quyền lực trên đã xuất hiện ứng với cái tên Trần Quốc Vượng.
Thượng nghị sỹ Patrick Leahy là một trong những quan chức Mỹ mà Nguyễn Phú Trọng đã gặp khi ông Trọng đến Washington vào tháng 7 năm 2015 theo lời mời đặc cách dành cho ‘nguyên thủ quốc gia’ của Tổng thống Mỹ Barak Obama.
Chuyến thăm Việt Nam của đoàn Thượng viện Hoa Kỳ vào tháng 4 năm 2019 là khá quan trọng - tiền đề cho chuỗi mở rộng quan hệ quốc phòng Mỹ - Việt, cho khả năng một hàng không mẫu hạm của Mỹ sẽ hiện diện ngay tại quân cảng Cam Ranh vào tháng 9 năm 2019, phát triển các hợp đồng mua bán vũ khí và cho chuyến thăm Hoa Kỳ dự kiến của Nguyễn Phú Trọng vào mùa hè năm nay, nếu Trọng kịp hồi phục sức khỏe.
Tuy nhiên tình trạng vắng mặt của ông Trọng tại cuộc gặp với đoàn Thượng viện Hoa Kỳ, cùng với thông tin ngoài lề về tình trạng sức khỏe của ông ta ‘diễn biến xấu’ trong những ngày gần đây, thậm chí một chuyên gia nghiên cứu về chính trị Việt Nam là giáo sư Carl Thayer của Học viện quốc phòng Australia còn dẫn lại những thông tin đồn đoán về ông Trọng ‘bị liệt nửa người’, đang khiến cho chuyến thăm Hoa Kỳ dự kiến của Trọng có thể bị đình hoãn.
Không những thế, một hội nghị trung ương của đảng cầm quyền - Hội nghị 10 - dự kiến được tổ chức vào tháng 5 năm 2019 ngay trước kỳ họp quốc hội cùng tháng, cũng có thể hoặc không thể diễn ra, hoặc có diễn ra nhưng sẽ vắng Trọng.
Lồ lộ khoảng trống quyền lực
Ngay trước mắt, một kịch bản gần nhất và dễ xảy ra nhất là một khi Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe trung ương xác định bệnh tình của Nguyễn Phú Trọng không còn đủ khả năng ‘cống hiến lâu dài cho cách mạng’, sẽ xuất hiện những động thái trong đảng về vận động cho quá trình chuyển giao quyền lực dần dần.
Khoảng trống quyền lực mà Nguyễn Phú Trọng đang để lộ ra là quá lớn: có đến hai cái ghế không có người ngồi ở Văn phòng tổng bí thư và Văn phòng chủ tịch nước. Nhiều khả năng quyền lực của ông Trọng sẽ được chuyển gia theo cách về bên đảng, Trần Quốc Vượng - với vai trò là ‘phó tổng bí thư’ - sẽ dần đảm trách phần hành của tổng bí thư; còn phó chủ tịch nước là Đặng Thị Ngọc Thịnh sẽ dần đảm trách việc tiếp khách quốc tế và những phần việc của chủ tịch nước để lại, trước khi tiến thêm một bước mới trên quan điểm ‘nước không thể một ngày thiếu vua’.
Trong những ngày báo đảng tích cực tuyên truyền về Tổng bí thư, chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vẫn liên tiếp tục gửi thư và điện chúc mừng giới chóp bu Bắc Triều Tiên và vài nước khác, nhưng lại không trưng ra nổi bất cứ hình ảnh hay video nào về ‘Tổng tịch’ đang chủ trì họp hoặc chí ít cũng đang ngồi trên giường (bệnh), bà Đặng Thị Ngọc Thịnh đã ‘tiếp khách nước ngoài thay’ vài ba cuộc cho đương kim chủ tịch nước. Đây là lần thứ hai trong vòng 6 tháng bà Thịnh phải làm ‘chân gỗ’ cho chủ tịch nước. Lần ‘chân gỗ’ đầu tiên xảy ra vào tháng 9 năm 2018 ngay sau khi cái chết đột ngột và rất đáng nghi vấn của Trần Đại Quang. Tuy nhiên vào lần đó, Đặng Thị Ngọc Thịnh đã chỉ ngồi ghế ‘quyền chủ tịch nước’ được vài ngày, bởi ngay sau đó là Hội nghị trung ương 8 đã ‘100% nhất trí’ cho Nguyễn Phú Trọng ‘nhất thể hóa’ cả hai ghế tổng bí thư và nguyên thủ quốc gia.
Tuy thế, vẫn còn một cái ghế mà hẳn là lúc chưa lâm vào cơn bạo bệnh, ông Trọng đã có ít nhất vài lần hoặc muốn ngồi luôn vào, hoặc tìm cách xoay hướng cái ghế đó về phía mình.
Đó là hai lần vào cuối năm 2017 và cuối năm 2018 khi Trọng chủ động dự hội nghị giao ban chính phủ với vai trò như thể chủ trì, cùng những chỉ đạo mang tính định hướng chung chung nhưng khiến nhiều người hiểu rằng đó là một thông điệp rất cụ thể về ‘quyền lực thực chất thuộc về ai’. Thậm chí khi đó đã dậy lên dư luận về khả năng Nguyễn Phú Trọng có thể ‘nhất thể hóa’ cả ba ghế tổng bí thư, chủ tịch nước và thủ tướng.
Vì sao là Phúc đi BRI?
Thủ tướng Phúc là nhân vật duy nhất trong Bộ Chính trị không túc trực bên giường của bệnh nhân Nguyễn Phú Trọng sau biến cố Kiên Giang, vì khi đó Phúc còn phải lo công du Czech và Romania để vận động cho EVFTA (Hiệp định thương mại tự do châu Âu – Việt Nam) - một hiệp định đang rước phải số phận chuông treo mành chỉ vì vô số vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của chính thể độc đảng ở Việt Nam.
Không bao lâu sau khi từ Đông Âu trở về nước, Thủ tướng Phúc đã được ‘Bộ Chính trị phân công’ dự Hội nghị BRI ở Trung Quốc - một hội nghị mà bằng thủ đoạn có cái tên thơ mộng ‘Một vành đai, Một con đường’, Bắc Kinh muốn lùa nhiều quốc gia trên thế giới vào cái chuồng bành trướng của nó.
Trước sự biến Kiên Giang, đã có thông tin chính ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự BRI, cũng có nghĩa là giới chóp bu Việt Nam một lần nữa phải lóp móp ‘chầu thiên triều’ và ‘đi Trung trước, đi Mỹ sau’.
Nhưng trong cái rủi cũng có cái may. Cú bạo bệnh đột ngột xảy đến với Nguyễn Phú Trọng vô tình đã khiến ông ta tránh được chuyến đi ‘chầu thiên triều’ mà chắc chắn sẽ bị người dân chửi bới và còn có thể phải đối mặt với đủ thứ rủi ro độc tố từ phía ‘đồng chí tốt’.
Hẳn tất cả ủy viên bộ chính trị Việt Nam đều ý thức như thể một cộng một bằng hai về những rủi ro ghê gớm mà họ rất có thể phải rước họa vào thân nếu đi Trung Quốc, nhất là khi đã xảy ra hai bài học nhãn tiền nghiệt ngã - một Nguyễn Bá Thanh Trưởng ban Nội chính trung ương bị cho là đã nhiễm căn bệnh lạ sau chuyến đi Trung Quốc vào năm 2014 và có thể đã dẫn tới cái chết đau đớn của ông ta vào đầu năm 2015 dù đã phải sang tận Mỹ chữa trị; và bài học gần nhất là Trần Đại Quang cũng bị một căn bệnh lạ không kém sau khi dự Hội nghị BRI lần thứ nhất ở Bắc Kinh, khiến Quang phải đi Nhật điều trị ngay sau đó, nhưng cuối cùng cũng… chết.
Vì sao đi Bắc Kinh lần này không phải là Trần Quốc Vượng - ‘Phó tổng bí thư đảng’ và là nhân vật được xem là thân tín số một của Nguyễn Phú Trọng, hay Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch quốc hội, mà lại là Nguyễn Xuân Phúc?
Lẽ nào Nguyễn Xuân Phúc xem thường những cái chết nhãn tiền trên? Hay vào lần này Phúc thích đi Bắc Kinh và thích đưa hình ảnh của ông ta ‘nâng lên một tầm cao mới’ - chẳng hạn cách nào đó ông ta được xem như ‘nguyên thủ quốc gia’ trong hoàn cảnh mà nguyên thủ thật đang bị xem là ‘sống không bằng chết’?
Hay trong một tình thế quá tế nhị và quá khó nói ra, Nguyễn Xuân Phúc đã bị các đồng chí của ông ta trong Bộ Chính trị ‘đẩy’ đi Bắc Kinh - nơi mà khách đến đó chỉ có thể tạm an tâm sống sót bằng thực phẩm và nước uống mang theo, thậm chí bằng chính cái giường ngủ của mình?