Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (T) và tổng thống Nga Vladimir Putin nâng cốc trong tiệc chiêu đãi nhân cuộc gặp ở Vladivostok, Nga. (Ảnh do KCNA công bố ngày 25/04/2019)KCNA via REUTERS
Trước cuộc hội đàm Putin-Kim tại Vladivostok hôm 25/04/2019, Matxcơva vẫn đứng ngoài tiến trình tan băng trên bán đảo Triều Tiên, khởi sự từ đầu năm 2018. Thất bại của thượng đỉnh Trump-Kim tại Hà Nội đưa nước Nga của Vladimir Putin trở lại vị trí hàng đầu trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Đông Bắc Á. Matxcơva - vốn là quốc gia bảo trợ của chế độ Bình Nhưỡng - đóng vai trò nào trong việc tìm ra lối thoát cho tình hình bế tắc hiện nay ?
Trong lúc truyền thông theo xu hướng bảo thủ tại Mỹ lên án chính quyền Nga tiếp tục ủng hộ chế độ độc tài Kim Jong Un, thì ngược lại, không ít ý kiến cho rằng trong hiện tại Nga không có nhiều phương tiện để can thiệp vào hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, trong giới nghiên cứu, một số chuyên gia cho rằng, không dễ kết luận về vai trò của Matxcơva trong hồ sơ nóng bỏng này. Tùy theo từng bối cảnh cụ thể, Nga có thể đóng vai trò môi giới tích cực, chọc gậy bánh xe hay hậu thuẫn cho lập trường của Trung Quốc.
Nước Nga đóng vai trò nào trong việc tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên ?
Theo chuyên gia Alexander Gabuev, nước Nga có lợi trong việc phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên, nhưng không phải phi hạt nhân hóa với bất cứ giá nào. Khả năng can thiệp của Matxcơva trong hồ sơ này không nhiều, bởi quan hệ thương mại giữa Matxcơva và Bình Nhưỡng chiếm một tỉ trọng rất nhỏ đối với nền kinh tế Bắc Triều Tiên, nhưng vai trò của Matxcơva là không thể thiếu vắng, do vị trí của Nga tại Hội Đồng Bảo An, với tư cách thành viên thường trực, có quyền phủ quyết mọi nghị quyết mang tính cưỡng chế. Bên cạnh đó, Nga có vị thế đặc biệt quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược và chạy đua vũ trang tại Đông Á với thế đối đầu Trung – Mỹ gia tăng, và bán đảo Triều Tiên tiếp tục là địa bàn căng thẳng hàng đầu. Chính quyền Nga vẫn là một đối tác không thể thiếu trong các thương lượng về cơ chế an ninh Đông Bắc Á, trong đó bao hàm vấn đề tên lửa tấn công và hệ thống lá chắn chống hỏa tiễn. Chuyên gia Gabuev nhấn mạnh là : chính sự vắng mặt của cơ chế an ninh chung này khiến cho việc giải quyết hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên trở nên rất khó khăn, nếu không muốn nói là không thể.
Vì sao nói rằng Nga có thể đóng vai trò trung gian tích cực trong việc tìm lối thoát cho khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên ?
Quan điểm chính thức của Nga là bán đảo Triều Tiên cần phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Quan điểm này được thể hiện trong chính sách đối ngoại của Matxcơva, mà văn bản gần đây nhất là chính sách đối ngoại của nước Nga được tổng thống Vladimir Putin ký ngày 30/11/2016. Quan điểm này cũng được thể hiện qua tất cả các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, mà Nga tham gia, cho dù Nga có thể bất đồng về tính khả thi của mục tiêu « phi hạt nhân hóa hoàn toàn ».
Nhiều lo ngại lớn, hay « lằn ranh đỏ » khiến Nga không chấp nhận về nguyên tắc việc Bắc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân. Thứ nhất là lo ngại về các tai nạn hạt nhân, do Bắc Triều Tiên không làm chủ được các công nghệ hết sức phức tạp này. Một trục trặc kỹ thuật có thể biến thành thảm họa đối với thành phố Vladivostok, và vùng phụ cận ở vùng biên giới Viễn Đông của nước Nga, nơi chỉ cách biên giới Bắc Triều Tiên khoảng 200 km. Mối lo ngại này dường như có phần giảm bớt, sau khi Bắc Triều Tiên có một số vụ thử hạt nhân thành công trong hai năm 2016-2017, cho thấy Bình Nhưỡng đã có những bước tiến vượt bậc trong quá trình làm chủ công nghệ.
Mối lo ngại lớn thứ hai của Nga là việc Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ phá hỏng cơ chế chống phổ biến vũ khí hạt nhân trên thế giới, mà Matxcơva ủng hộ và muốn giữ nguyên trạng. Nga cũng lo ngại công nghệ hạt nhân của Bắc Triều Tiên có thể lọt vào tay của một số nhóm khủng bố. Để có ngoại tệ, trong bối cảnh bị áp lực do trừng phạt, Bắc Triều Tiên có thể bán các công nghệ hạt nhân ra thị trường chợ đen, và điều đó cũng đồng nghĩa với việc chúng có thể rơi vào tay các nhóm khủng bố.
Một lo ngại thứ ba là việc Bình Nhưỡng gia tăng chương trình hạt nhân quân sự, khiến căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên, mà tình hình năm 2017 là một ví dụ. Xung đột quân sự có thể bùng phát giữa Bắc Triều Tiên với Hoa Kỳ và các đồng minh.
Lo ngại thứ tư, và có thể là mối lo ngại hàng đầu của Nga, đối với Matxcơva, việc Bắc Triều Tiên tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân có thể mang lại cho Hoa Kỳ cái cớ hợp lý để phát triển hệ thống lá chắn tên lửa ngay bên cạnh lãnh thổ miền đông nam của nước Nga. Matxcơva đặc biệt lo ngại việc Hoa Kỳ triển khai hệ thống lá chắn THAAD tại Hàn Quốc, hay hệ thống lá chắn chống tên lửa đạn đạo Aegis ở Nhật Bản. Đối với chính quyền Nga, về dài hạn, nếu hệ thống vũ khí này được triển khai trên toàn cầu, có thể dẫn đến khả năng răn đe hạt nhân của Nga bị suy giảm.
Với những lý do trên, Nga sẽ không thể chấp nhận trên thực địa, hay về nguyên tắc, việc một chế độ Bắc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân. Đây chính là điều khiến Nga có thể là một môi giới tích cực trong các đàm phán phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên.
Trong điều kiện nào nước Nga có thể bị coi là bên cản trở ?
Tuy không chấp nhận Bắc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, Matxcơva cũng đồng thời không chấp nhận các can thiệp nào hay trừng phạt nào dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Bình Nhưỡng. Các hệ quả của một kịch bản như vậy là quá lớn đối với nước Nga. Matxcơva cũng thường xuyên lên án khả năng Hoa Kỳ có thể sử dụng can thiệp quân sự để lật đổ chế độ Bình Nhưỡng, như trường hợp của chế độ Hussein ở Irak hay Kadhafi ở Libya trước đây. Không chấp nhận Bắc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng Matxcơva cũng cho rằng Bình Nhưỡng chỉ có thể từ bỏ hoàn toàn vũ khí này, nếu sự sống còn của chế độ được bảo đảm. Chính ở điểm này mà Bắc Triều Tiên coi Nga là một đồng minh. Giới cầm quyền Nga cũng chia sẻ với giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên về nguy cơ của một chiến lược « cách mạng màu ».
Tại sao có thể nói Matxcơva đóng vai trò hậu thuẫn trong Bắc Kinh trong hồ sơ này ?
Trước hết có thể thấy là Nga và Trung Quốc có nhiều điểm chung trong hầu hết các vấn đề nêu trên, Matxcơva và Bắc Kinh có thể coi là « các đồng minh tự nhiên » trong hồ sơ bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, không phải khi nào Nga và Trung Quốc cũng phối hợp với nhau trong vấn đề cụ thể này. Trong quá khứ, Nga từng thể hiện một vai trò độc lập với Trung Quốc, và không muốn xuất hiện ở tuyến đầu. Vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên quan trọng với Bắc Kinh nhiều hơn là với Matxcơva.
Có thể coi năm 2014 là một bước ngoặt, với cuộc khủng hoảng Ukraina, can thiệp của Nga ở miền đông, sáp nhập bán đảo Crimée của nước này, khiến quan hệ giữa Nga với phương Tây lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Trong bối cảnh bị phương Tây trừng phạt về kinh tế, Matxcơva ngày càng ngả về phía Bắc Kinh, phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc về kinh tế. Khả năng hợp tác với Hoa Kỳ trong hồ sơ Bắc Triều Tiên ngày càng suy giảm. Điều này đặc biệt nổi rõ trong thời gian căng thẳng Mỹ-Bắc Triều Tiên leo thang năm 2017.
Cũng chính vào năm 2017, Matxcơva và Bắc Kinh chủ trương một lập trường chung cho việc giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên với kế hoạch hòa bình « Freeze for Freeze », tức Bình Nhưỡng ngưng thử hạt nhân và hỏa tiễn đạn đạo, đổi lấy việc Mỹ-Hàn ngưng tập trận.
Tóm lại, theo chuyên gia Alexander Gabuev, cho đến nay, Nga tiếp tục duy trì ba khả năng hành xử như trên trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Trong thời gian tới, vai trò của Nga có thể sẽ còn quan trọng hơn với Hoa Kỳ và Trung Quốc, trong bối cảnh chạy đua vũ trang gia tăng tại Đông Á, đặc biệt trong lĩnh vực tên lửa tầm trung, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Việc Thỏa thuận Nga-Mỹ trong lĩnh vực này bị hủy bỏ, Washington có thể trực tiếp chạy đua với Trung Quốc.
Một thỏa thuận về hạt nhân và tên lửa như vậy tại Đông Á sẽ không thể không có sự tham dự tích cực của Nga. Mà đây cũng là một trong các yếu tố cơ bản cho một cơ chế an ninh mới tại Đông Á, vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên sẽ không thể được giải quyết, nếu không có một cơ chế an ninh chung như vậy.