Như tin đã đưa, vào ngày 27/3/2019, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an, phối hợp với an ninh TP. Hà Nội, đã bắt giữ, câu lưu, thẩm vấn Cao Vĩnh Thịnh - thành viên nhóm Green Trees (Cây Xanh) - suốt một ngày. Trong lúc giam Thịnh ở đồn, công an cũng kéo đến nhà riêng của cô đòi khám nhà, lừa gia đình rằng “chị Thịnh đã hợp tác và chỉ chỗ giấu sách của Đoan Trang”. Tuy nhiên, gia đình cảnh giác cao nên đã từ chối, không bị lừa khám xét gì.
Nội dung mà công an thẩm vấn Cao Vĩnh Thịnh hôm ấy xoay quanh nhiều vấn đề, trong đó có phần liên quan đến bộ phim tài liệu “Đừng sợ” của nhóm Green Trees. Tuy nhiên, điều có thể đặt Cao Vĩnh Thịnh vào rủi ro lớn nhất là việc cô đang tìm cách in cuốn sách “Phản kháng phi bạo lực” (bìa như trong hình).
Những ngày qua, công an tiếp tục theo dõi Cao Vĩnh Thịnh, thẩm vấn, đe dọa các nhà in và hăm he sẽ khởi tố vụ án về tội in cuốn sách này.
- Tôi - Phạm Đoan Trang - là tác giả của cuốn sách “Phản kháng phi bạo lực”.
- Tôi là người bỏ tiền ra để in cuốn sách, nhờ Cao Vĩnh Thịnh tìm chỗ in, và chưa tìm được thì Cao Vĩnh Thịnh bị bắt. Nói theo ngôn ngữ của công an, tôi là người cầm đầu, chủ mưu (và tài trợ) toàn bộ vụ việc, Cao Vĩnh Thịnh không có vai trò gì.
- Vì vậy, nếu khởi tố vụ án, yêu cầu cơ quan công an xác định đúng kẻ chủ mưu, tuyệt đối không được đe dọa, ép cung, bức cung người vô tội. Đồng thời, trong quyết định khởi tố, phải nêu rõ căn cứ là khởi tố do hành vi viết, in ấn và xuất bản sách (cụ thể là cuốn “Phản kháng phi bạo lực” này).
—-
Kính gửi các độc giả thân mến của tôi,
Kính gửi các độc giả thân mến của tôi,
“Phản kháng phi bạo lực” là cuốn sách tôi viết vào cuối năm 2017 (ngay sau “Chính trị bình dân”). Mô tả ngắn gọn thì đây là một cuốn cẩm nang về đấu tranh chính trị, của người Việt, viết cho người Việt đọc, sử dụng ví dụ minh họa chủ yếu là các câu chuyện ở Việt Nam. Tôi viết nó trong bối cảnh cuộc chiến chống BOT bẩn đang diễn ra quyết liệt ở Cai Lậy. Đó là nguồn cảm hứng để tôi viết cuốn sách, song đó cũng chỉ là một trong hàng chục ví dụ mà cuốn sách đưa ra để minh họa, phân tích về chiến lược, chiến thuật đấu tranh, và cũng chỉ là một trong vô vàn câu chuyện cần được ghi lại, lưu giữ, cần được kể cho độc giả nhiều thế hệ nữa cùng nghe.
Đây là đường link tải sách: bit.ly/phankhang
Mong các bạn hãy đọc nó. Tôi tin rằng việc độc giả tìm đọc sách sẽ là cách tốt nhất để bảo vệ tác giả và bạn bè của tác giả, cụ thể ở đây là bảo vệ tôi và Cao Vĩnh Thịnh. Cảm ơn các bạn nhiều.
Nếu vì cuốn sách này mà phải ngồi tù, chúng tôi rất vui lòng. Dù rằng tất nhiên chúng tôi cũng còn rất nhiều công việc khác phải làm.
* * *
Sợ ??? :
Bộ phim về giới đấu tranh thảm họa Formosa
Nhóm Greentrees mới ra mắt bộ phim tài liệu ngắn với tên gọi "Sợ???", và phóng viên BBC có dịp được xem và chuyện trò với đoàn làm phim về bộ phim này.
Bộ phim tập trung vào thảm họa cá chết do công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa gây ra ở dọc bãi biển miền Trung vào 2016 và giới hoạt động cũng như những người dân đấu tranh đòi lại bồi thường thích đáng nhiều năm qua.
Trả lời BBC hôm 12/4, đại diện đoàn làm phim cho biết đoàn muốn làm bộ phim này vì muốn "có một cách tiếp cận khác về việc phổ cập nhân quyền và nhận thấy phim tài liệu là một cách hiệu quả để nâng cao ý thức xã hội. "
"Chúng tôi đồng thời phát hiện ra là các linh mục ủng hộ dân chủ ở miền Trung cũng mong muốn cộng đồng trong nước và quốc tế biết đến cuộc sống khó khăn của người dân nơi đây qua các thước phim tài liệu," đại diện đoàn làm phim xin giấu tên cho biết.
Trong lúc bộ phim được quay, Hoàng Bình, một nhà hoạt động môi trường hợp tác làm bộ phim đã bị bắt và tuyên án 14 năm tù giam khiến đoàn cũng muốn "làm bộ phim để cảm ơn Hoàng Bình".
"Tinh thần bất khuất, kiên cường của họ là ngọn lửa cần thắp sáng, lan toả mạnh mẽ để khích lệ phong trào đấu tranh dân chủ hiện nay," đại diện đoàn làm phim nói.
Bộ phim được làm trong hơn hai năm kết hợp với một nhóm bạn trẻ và chỉ định làm phim tài liệu nghệ thuật về thảm hoạ Formosa thuần tuý thông qua đời sống thường nhật của một hộ ngư dân tại Kỳ Anh - Hà Tĩnh.
Nhưng sau khi thực hiện được vài tháng thì gia đình ngư dân đó đi lao động Đài Loan cộng với sự đe doạ của an ninh đối với đoàn làm phim nên bộ phim phải dừng lại.
Sau cuộc biểu tình 2/10/2016, đoàn lại quyết định làm bộ phim với chủ đề rộng hơn về phong trào đấu tranh dân chủ ở Việt nam với vai trò của xã hội dân sự qua thảm hoạ Formosa.
Bị an ninh truy đuổi, đe dọa
Trong quá trình làm phim, đoàn cho biết họ luôn bị an ninh Hà Tĩnh và Nghệ an theo dõi, truy đuổi.
"Họ đọc tên chúng tôi trên loa phường và yêu cầu nhân dân không chứa chấp những 'thành phần nguy hiểm, phản động."
"Họ đến nhà những người dân được chúng tôi phỏng vấn để đe doạ. Họ cho cảnh sát giao thông chặn đường xe chúng tôi để an ninh mặc thường phục gây gổ, khám xét tịch thu máy móc, điện thoại. Nhưng rất may chúng tôi được người dân và các cha xứ giúp đỡ, giải cứu, che chở, tránh được sự truy đuổi của an ninh trong đêm mưa bão, bảo toàn dữ liệu phim."
"Không lâu sau đó, Hoàng Bình, người kết nối, dẫn dắt chúng tôi đi quay phim, phỏng vấn các nạn dân bị bắt. Bạch Hồng Quyền bị truy nã. Một vài thành viên bị bắt trong vụ việc khác. Không khí lúc đó rất căng thẳng."
Làm lại phim nhiều lần
Bộ phim ban đầu có tên "Trỗi dậy từ thảm họa" đã được hoàn thành vào tháng 5/2018 với thời lượng 52 phút nhưng chất lượng không được giới chuyên môn đánh giá cao nên đoàn làm phim quyết định quay trở lại miền Trung hai lần nữa để làm lại phim.
"Lần này không khí hừng hực đấu tranh không còn mà chỉ thấy sự dè dặt, trầm mặc. Do đó chúng tôi phải đổi tên phim thành 'Đừng sợ'".
Nhưng sau buổi công chiếu đầu tiên tại Hà nội hôm 16/3, an ninh đã bắt Cao Vĩnh Thịnh, một thành viên của Green Trees để tra hỏi về bộ phim. Bên cạnh đó họ đã tìm gặp, điều tra, doạ dẫm những người đã đến xem phim với hy vọng tìm ra người làm phim để ngăn chặn phim không được trình chiếu thêm nữa.
Vì vậy, bộ phim cuối cùng được chỉnh sửa thêm lần cuối và đổi tên thành "SỢ???"
"Mọi người có quyền sợ để rồi sau đó tự đặt câu hỏi sợ cái gì? Tại sao phải sợ? Như vậy sẽ mạnh mẽ hơn và không áp đặt như 'Đừng sợ'."
Một khó khăn khác đoàn gặp phải là vấn đề kinh phí.
"Chúng tôi không được tài trợ và phải bỏ tiền túi ra để thực hiện bộ phim này nên thời gian làm phim bị kéo dài hơn so với dự định."
"Bộ phim mở đầu là Hoàng Bình và kết thúc với gia đình Hoàng Bình bởi vì đây là một nhà hoạt động tích cực trong thảm hoạ Formosa, người giúp đỡ các nạn dân đi khiếu kiện, người có gương mặt, giọng nói điềm tĩnh, ôn hoà, chưa từng vi phạm pháp luật thế mà lại bị bắt với án tù 14 năm?
"Hình ảnh gia đình Hoàng Bình cuối phim như một sự nhắc nhở về hậu quả của thảm hoạ vẫn còn đó nhưng người dân không khóc lóc mà đầy tinh thần chiến đấu. Hình ảnh này gây sốc người xem hơn là cảnh khó khăn, bi lụy thường tình.
"Chúng tôi mong muốn được trình chiếu bộ phim cho những nạn nhân ở miền Trung. Những tổ chức về môi trường và nhân quyền quốc tế, các đại sứ quán."
Bản quyền hình ảnh CAO VĨNH THỊNH/FACEBOOKImage captionCao Vĩnh Thịnh trong sự kiện công chiếu phim hôm 16/3
Bộ phim được công chiếu hôm 16/3 tại một địa điểm ở Hà Nội, với sự có mặt của một số thành viên Greentrees và các nhà hoạt động, đấu tranh dân chủ, trong đó có Cao Vĩnh Thịnh.
Sau khi tham gia buổi công chiếu, Thịnh cho biết chị đã bị công an câu lưu hơn 10 tiếng đồng hồ.
"Phía an ninh Việt Nam tra hỏi rất nhiều về nội dung bộ phim và về việc bộ phim đã được công chiếu tại những đâu rồi? Tại những đại sứ quán nào?"
"Rồi họ hỏi những người thực hiện bộ phim này là ai? Địa điểm chiếu phim tại Hà Nội ở đâu..... Rất nhiều câu hỏi họ hỏi đi hỏi lại mình ngày hôm mình bị bắt.
Tuy nhiên, mình nghĩ điều khiến an ninh Việt Nam quan tâm tới bộ phim là bởi tiêu đề của bộ phim và họ rất tò mò muốn biết nội dung phim nói cái gì."
Theo chị Thịnh, sau khi xem xong bộ phim thông điệp chị cảm nhận được là về vai trò của xã hội dân sự, sự hình thành và những mức thăng trầm của nó đối với từng mốc sự kiện hay có thể nói là giai đoạn lịch sử của Việt Nam.
"Bởi khi nhìn hình ảnh của nhà hoạt động Hoàng Đức Bình và hình ảnh gia đình anh, những con người mạnh mẽ mặc dù con trai họ bị kết án tù rất nặng [14] năm nhưng không có gì khuất phục ý chí của họ," chị Thịnh nói.
Sau khi Hoàng Bình bị kết án 14 năm tù, báo Nghệ An đã viết: "Trên Faceboook cá nhân, Hoàng Đức Bình còn nhiều lần phát trực tiếp với những hình ảnh, lời lẽ vu khống các lực lượng chức năng, mang tính kích động,xuyên tạc sự thật. Tại phiên tòa hôm nay, Bình không thể hiện sự ăn năn hối cải."
"Hoàng Đức Bình thường xuyên đăng tải, chia sẻ trên Facebook cá nhân những thông tin, tài liệu tuyên truyền nói xấu chế độ, cổ vũ phong trào đa nguyên, đa đảng."
"Lợi dụng sự cố môi trường biển miền Trung, với tư cách Phó chủ tịch "Phong trào Lao động Việt", Hoàng Đức Bình đã xúc tiến, thành lập "Hiệp hội ngư dân miền Trung" với ý đồ tạo dựng tổ chức ngoại vi, tập hợp lực lượng, lôi kéo giáo dân, ngư dân miền Trung tham gia vào tổ chức; tìm chọn "hạt nhân" kích động biểu tình, phá rối an ninh trật tự."
Trong khi đó, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) phát đi thông cáo dẫn lời ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của tổ chức này: "Hoàng Đức Bình đã liên tục và công khai lên tiếng ủng hộ các tù nhân chính trị bị giam, giữ. Ông cũng tham gia nhiều cuộc biểu tình phản đối Formosa và góp phần tổ chức các nhóm vận động đòi bồi thường thiệt hại cho ngư dân vì cuộc sống bị ảnh hưởng do đợt xả chất thải độc năm 2016."