Thursday, 25 April 2019

TOÀN BỘ TƯ LIỆU CỦA Ó ĐEN LÝ TỐNG...

                                                              image1.jpeg
                                       Một dũng cảm trên chót thang dũng cảm
                         Một hy sinh trên cao độ hy sinh
                         Lý Tống đi, thế giới nghiêng mình
                         Chào Chính nghĩa, chào Anh hùng Dân tộc.
                                                                                                                                                                                           (Hà Huyền Chi)

TOÀN BỘ TƯ LIỆU VĂN CHƯƠNG - HỌC THUẬT - ĐẤU TRANH CỦA Ó ĐEN LÝ TỐNG
                              https://lytong.wordpress.com/
                            —————————————————————————
Khí hùng bất tử của anh hùng Lý Tống qua lời kể của một cựu tù A20 Phạm Văn Thành.

                                                Lý Tống qua lời kể của bạn tù
                                   https://www.youtube.com/watch?v=lZBo7mszvfI

                                            Ó Đen - Lý Tống - Internet Archive
                                   https://archive.org/details/oDen_HoiKy_LyTong

                                                         LÝ TỐNG, EM TÔI
                                   http://lexuannhuan.tripod.com/LyTongEm.html


                                                        

Little Saigon: Tiễn đưa ‘Ó Đen’ Lý Tống lần cuối trước khi ‘hạ cánh’ về lòng đất

Đoàn xe được đông đảo cộng đồng người dân Bolsa tiễn đưa. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Được nhiều người coi là “anh hùng của những anh hùng” nên đám tang của “Ó Đen” Lý Tống cũng là đám tang có một không hai diễn ra tại Little Saigon, đặc biệt với những gì diễn ra trong thời khắc trước khi ông thực sự về với đất vào lúc 1 giờ 30 trưa Chủ Nhật, 21 Tháng Tư, đúng ngày lễ Phục Sinh.

Gần 6 năm trước, nếu đám tang nhạc sĩ Việt Dzũng được xem là lớn nhất tại hải ngoại khi dòng người tham dự từ nhà quàn đến nhà thờ, ra tận nghĩa trang lên đến con số gần hai ngàn người, thì hôm nay, cũng tại Little Saigon, đám tang của “người anh hùng chống Cộng không mệt mỏi” Lý Tống được xem là “hoành tráng nhất” về mặt hình thức (chữ dùng của ông Lê Xuân Nhuận, anh trai của ông Lý Tống phát biểu trước giờ hạ huyệt).

Từ 8 giờ sáng, các nghi thức chuẩn bị cho lễ di quan đã được những người thương yêu ông chuẩn bị bằng tất cả sự cung kính và cẩn trọng từ phòng số 5 nhà quàn Peek Funeral Home.

Linh mục Trần Văn Kiểm, giám đốc trung tâm Công Giáo tại Orange County, có mặt tại nơi chuẩn bị đưa linh cữu Lý Tống lên xe, bày tỏ, “Tôi và rất nhiều người Việt Nam quý mến anh Lý Tống. Hôm nay chúng tôi đại diện cho những người trong cộng đồng Công Giáo tại Giáo Phận Orange tới đây để tạm biệt anh, đưa tiễn anh đến nơi an bình. Đây là sự kiện xúc động cho tất cả người Việt Nam.”
                        Lễ di quan ra khỏi nhà quàn. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Từ nơi này, hai chiếc mô tô cảnh sát mở đường cùng với một xe Police dẫn đầu cho đoàn xe đưa tang với hai xe jeep mang hiệu “Quân Cảnh” và “Cảnh Sát,” hai xe cổ mui trần chở các hòa thượng và thân nhân gia đình người quá cố đi trước xe chở di ảnh “Anh hùng Lý Tống” phóng lớn đặt cao trên mui xe với hai lọng đỏ chở che.

Xe chở linh cữu người phi công chuyên thực hiện những phi vụ “không giống ai” có màu trắng lừng lững chạy theo như bình thản, an nhiên.

Một chiếc máy bay kéo theo hàng chữ “Tinh thần Lý Tống Bất Diệt” được kéo bay trên trời trong màu nắng Xuân.

Phía sau tiếp tục là hai xe jeep dẫn trước đoàn xe 8 chiếc tuyền một màu đen, tiếp đến đoàn xe khoảng 30 chiếc của các hội đoàn. Thêm một đoàn xe jeep 10 chiếc biểu dương cho sức mạnh của các binh chủng của quân đội VNCH, trong đó có những xe mang bảng hiệu tượng trưng cho Hội Ái Hữu Không Quân VNCH San Diego, đơn vị đảm nhiệm chương trình tang lễ của “Ó Đen” Lý Tống.
Đoàn mô tô hơn 20 chiếc dũng mãnh cũng có mặt trong hành trình cuối cùng cùng ông Lý Tống.

             Đoàn xe tiến về Tượng đài chiến sĩ Việt Mỹ. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Từ nhà quàn, đoàn xe hùng hậu chạy trên đường Beach, với tất cả các làn đường đều được chặn lại cho đoàn xe tang diễn hành qua. Đoàn xe quẹo phải vào Đường 13, hướng về đường All American Way, để đi qua Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ. Nhiều người dân đứng trên lề đường vẫy tay chào người họ ngưỡng vọng.

Đoàn xe tiếp tục quẹo phải Đường 15, di chuyển vào đường Newland trước khi quẹo trái hướng ra đại lộ Bolsa, con đường nổi tiếng của người dân gốc Việt tại Mỹ mà từ mấy mươi năm qua người ta chỉ quen đón chờ đoàn xe, đoàn người diễn hành nhân dịp Tết Nguyên Đán mà thôi.
  • “Vĩnh biệt anh hùng Lý Tống”
Mặc dù đoàn xe xuất phát sớm hơn giờ thông báo, nhưng đã có rất đông đồng hương đứng dọc theo lề đường Bolsa, từ góc Magnolia, tập trung đông nhất trước khu vực tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo, kéo dài đến cửa chính Phước Lộc Thọ, đến góc đường Brookhurst để vẫy cờ, vẫy tay và hô to những câu “Hoan hô anh hùng Lý Tống,” “Vĩnh biệt anh hùng Lý Tống,” “Lý Tống muôn năm”…

Vợ chồng anh Tâm và chị Mỹ Hạnh ở Tustin đến tiễn ông trên đường Bolsa cho biết, “Vợ chồng tôi rất khâm phục ông, một phi công của không lực VNCH. Ngày anh mất, tụi này muốn ra đây để chào đón tiễn đưa anh.”

Đứng trong dòng người chờ đoàn xe chở linh cữu Lý Tống đi qua, chị Mỹ Linh ở Costa Mesa, người có mặt từ rất sớm để chờ đón sự kiện này, nói bằng sự xúc động cố gắng kìm nén, “Tôi cảm thấy rất hân hạnh đứng đây để chào tiễn đưa anh hùng Lý Tống, anh là anh hùng chống Cộng của người Việt Nam, anh là biểu tượng của tự do, tôi rất ngưỡng mộ anh.”
  Đoàn xe tang chạy ngang qua thương xá Phước Lộc Thọ (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

“Tôi cũng là một cựu quân nhân giống như anh Lý Tống. Tôi đến đây để mà tiễn đưa anh lần cuối cùng. Cảm xúc của tôi trong lúc này là rất đau buồn, thương tiếc một người anh hùng của Việt Nam,” ông Đỉnh, một cư dân Anaheim, cho biết.

Với ông Andrew Nguyễn ở Santa Ana, thì “Lý Tống là người đặc biệt nhất trong lịch sử Việt Nam” và đó là lý do để ông có mặt trong dòng người đến tiễn đưa.
“Với tôi, Lý Tống là người phi công anh hùng không thể có người thứ hai. Trong anh vừa có sự hy sinh, lòng can đảm để đánh đổ chế độ cộng sản. Anh đánh đổi cả cuộc đời cho lý tưởng đó, kể từ khi còn ở trong trại, cho đến khi vượt trại để đi tìm tự do. Đó là người anh hùng mà tôi rất ngưỡng mộ,” ông Nguyễn Ngọc Minh, một cư dân ở Stanton, bày tỏ.

Tại góc đường Brookhurst đoàn xe diễn hành vòng lại, tiếp tục đi trên đại lộ Bolsa, hướng về đường Beach. Từ đây đoàn xe chạy vào nghĩa trang Westminster Memorial Park để chuẩn bị nghi thức hạ huyệt.
  • “Hạ cánh” vĩnh viễn
Ngoài các hội đoàn ái hữu, hội đoàn chính trị, xã hội, còn có đông đảo đồng hương có mặt tại nghĩa trang để chứng kiến giây phút “hạ cánh” vĩnh viễn của người không cùng máu mủ ruột rà, chưa từng là bạn bè quen biết, nhưng lại là người họ xem là anh hùng.

Cũng chính vì số người khá đông nên ban tổ chức phải nhờ bảo vệ nghĩa trang dựng những hàng rào bao quanh nơi huyệt mộ, không ai được đến gần, kể cả báo giới truyền thông cũng phải dùng máy quay phim, chụp hình xuyên qua hàng rào chắn.
                Nghi thức Phật giáo trước giờ hạ huyệt. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Sau các nghi thức tôn giáo của cả Phật giáo lẫn Công Giáo, cô Lê Thu Nguyên, con gái ông Lê Xuân Nhuận – anh trai ông Lý Tống – thay cha đọc lời vĩnh biệt, theo đó, “Lý Tống là người miệt mài đấu tranh cho tự do dân tộc, người được tổng thống vinh danh qua nhận định ‘Sự can trường bất khuất của Lý Tống là biểu tượng và nguồn cảm hứng cho những ai muốn biết cái giá của tự do.’”
“Lý Tống yêu thương đồng bào như thế nào thì đồng bào yêu thương Lý Tống như thế ấy. Nay đại bàng xếp cánh, xếp lại trang sử oai hùng của mình. Gia đình cám ơn tất cả những tấm lòng của mọi người, các phật tử tăng ni, các cha đã dành cho ông. Lý Tống là người của cộng đồng, Lý Tống không phân biệt tôn giáo, Lý Tống quan trọng tình yêu quê hương, tinh thần tự do hòa đồng tôn giáo,” cô Thu Nguyên nói thay lời anh trai của Lý Tống.

Đặc biệt, trong phần phát biểu này, gia đình Lý Tống đã dành những lời tốt đẹp để thể hiện lòng cảm kích và tri ân đến tỷ phú Hoàng Kiều, người đã “giúp đỡ để Lý Tống có được một tang lễ hoành tráng có một không hai.”

Ông Hoàng Kiều là người đã bỏ tiền ra để mua đất làm huyệt mộ cho Lý Tống tại Westminster Memorial Park, dù như ông Hứa Trung Lập, đại diện nhà quàn Peek Family, có nói, “Ban đầu tôi định chọn một chỗ cho Lý Tống ở trong Nghĩa Trang Quân Đội vì là anh em cùng chiến đấu dưới màu cờ VNCH nên tôi muốn đưa Tống vào nằm chung ở đó, nhưng ý anh Kiều muốn vậy thì tôi theo.”

Nói với phóng viên Người Việt gần nơi huyệt mộ Lý Tống, ông Hoàng Kiều cho rằng ông là người đạo diễn đám tang này và cũng muốn nhân dịp này giới thiệu luôn một chương trình ca nhạc mà ông sắp tổ chức “nhằm hàn gắn lại sự mất đoàn kết trong cộng đồng bấy lâu nay.”

Đúng 1 giờ 25 phút, chuyến bay lần cuối trong đời của Ó Đen Lý Tống hạ cánh.
Những cành hoa trắng lần lượt được mọi người thả nhẹ lên nắp quan tài khi dòng người viếng chầm chập bước qua…
                   Những giây phút chia tay cuối cùng. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
  • Đôi dòng tiểu sử và việc làm đáng nhớ của Lý Tống
Ông Lý Tống qua đời lúc 9 giờ 16 phút tối Thứ Sáu, 5 Tháng Tư, tại bệnh viện Sharp Memorial Hospital, San Diego, vì xơ phổi, hưởng thọ 73 tuổi.

Ông sinh ngày 1 Tháng Chín, 1946 tại Thừa Thiên-Huế, Việt Nam, và bắt đầu phục vụ trong Không Lực Việt Nam Cộng Hòa năm 1965.

Tháng Tư, 1975, chiếc A-37 thuộc Phi Đội Ó Đen do ông lái bị bắn rơi, ông bị “tù cải tạo” 5 năm.

Ông vượt ngục, và vượt biên bằng đường bộ đến Thái Lan, qua ngả Cambodia, rồi xin tị nạn chính trị tại Singapore.

Ông đến Hoa Kỳ năm 1984. Sau đó theo học cao học khoa học chính trị tại đại học University of New Orleans.

Năm 1992, ông uy hiếp phi công chiếc A310 của Vietnam Airlines, bay qua Sài Gòn, rồi thả truyền đơn xuống kêu gọi người dân Việt Nam nổi dậy chống lại chính quyền.

Sau đó ông nhảy dù xuống một ao rau muống, bị bắt, và bị kết án 20 năm tù vì tội cướp máy bay.

Tháng Chín, 1998, ông được tha trong một đợt đặc xá, và bị trục xuất khỏi Việt Nam.
           Nhiều báo đài Việt ngữ đến đưa tin sự kiện này. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Ngày 1 Tháng Giêng, 2000, ông dùng một chiếc máy bay nhỏ, bay từ Florida sang Havana, Cuba, thả truyền đơn kêu gọi người dân Cuba nổi dậy.

Trở về Mỹ, ông bị biên phòng bắt giữ và thẩm vấn, nhưng sau đó được tha bổng, và được người Mỹ gốc Cuba coi như anh hùng.

Sau vụ này, Lý Tống bị Cơ Quan Quản Trị Hàng Không Hoa Kỳ (FAA) rút bằng lái máy bay.

Tuy nhiên, ngày 7 Tháng Mười Một, 2000, ông lại cướp một chiếc máy bay nhỏ tại Thái Lan, bay sang Sài Gòn, thả hơn 50,000 tờ truyền đơn.

Lúc trở về Thái Lan, ông bị bắt giữ và bị kết án 7 năm tù.

Ngày 24 Tháng Tám, 2008, ông thuê một chiếc máy bay huấn luyện của Nam Hàn định bay đi rải truyền đơn ở Bắc Hàn, nhưng bị bắt tại sân bay Seoul.

Giữa Tháng Giêng, 2009, ông tham gia cuộc biểu tình phản đối cuộc triển lãm F.O.B. II mang tên “Nghệ Thuật Lên Tiếng” do Hội Văn học Nghệ thuật Việt Mỹ VAALA tổ chức. Dịp này, ông nói được ban tổ chức cho vào xem phòng triển lãm đã đóng cửa, và nhân dịp đó xịt sơn vào bức hình có vẽ cô gái mặc chiếc áo có biểu tượng của cờ đỏ sao vàng của giáo sư họa sĩ Brian Đoàn. Sau đó ông dí một chiếc quần lót phụ nữ vào bức ảnh chỗ có hình Hồ Chí Minh.

Ngày 19 Tháng Bảy, 2010, tại San Jose, Lý Tống hóa trang tô son mặc váy đóng giả phụ nữ, vờ lên tặng hoa để xịt hơi cay vào mặt ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trong một buổi biểu diễn ca nhạc của các ca sĩ Việt Nam tại đây. Ông bị bắt sau đó.
Trong phiên tòa ngày 21 Tháng Bảy, 2012, Chánh Án Andrea Y. Bryan tuyên phạt ông Lý Tống sáu tháng tù và ba năm quản chế vì tội hành hung.

Ngọc Lan

Liên lạc tác giả: ngoclan@nguoi-viet.com