Tôi có được hai năm sống thong dong hợp pháp như tất cả mọi người đàng hoàng đứng đắn trên mặt đất. Muốn được thế, tôi đã phải đánh đổi bằng gần sáu mươi ngày nhịn đói tuyệt đối trong hai năm, mỗi năm 30 ngày nhịn đói liên tiếp trước khi trình diện khám sức khỏe để nhập ngũ, để đạt được cái mức độ không đủ tiêu chuẩn sức khoẻ để làm một người lính. Nhưng muốn xuống kí-lô nhanh còn phải không ngủ và uống thêm thuốc Diamox, một thứ thuốc rút nước trong các tế bào ra. Qua năm thứ ba tôi không ra trình diện nữa vì thấy không đủ sức khoẻ để nhịn đói nữa. Trốn lính gần như là một cái “nghề” đầy tính chất phiêu lưu của hàng triệu thanh niên miền Nam lúc bấy giờ. Thái độ phản kháng ấy, dù được nhìn dưới một góc độ nào đó còn mang tính thụ động, vẫn phải được nhắc đến như một nốt nhạc trong trẻo đã ngân lên trong một giai đoạn u ám, nhiễm độc, giữa những đô thị miền Nam.
Thế đấy, nhưng chính những năm này là những năm sôi động nhất của đời tôi. Sống trong tình trạng bấp bênh như thế tôi vẫn phải làm việc không ngừng để sống. Tôi vẫn viết đều tay và vẫn tiếp tục đi hát. Những ca khúc của tôi được in ra từng tờ rời và từng tuyển tập. Công việc in ấn và phát hành do người em ruột của tôi, cũng trốn lính, chăm lo. Việc in ấn càng lúc càng khó khăn, nhất là sau khi có lệnh tịch thu của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu toàn bộ các tập ca khúc và băng nhạc của tôi. Cảnh sát lúc bấy giờ vào tận các nhà in để truy lùng. Thế là phải đổi kế hoạch. Thay vì in trong một nhà in, nay phải rải ra trong ba bốn nhà in khác nhau. Tịch thu nơi này còn nơi khác, và dĩ nhiên, chuyện đi đứng không phải dễ dàng. Đi từ một nhà in ở vùng Sài Gòn đến một nhà in ở vùng Chợ Lớn phải qua biết bao nhiêu là trạm xét hỏi.
Sau lệnh tịch thu, tất cả báo chí trong và ngoài nước đều đưa tin . Các hãng thông tấn và truyền hình truyền thanh nước ngoài ào ạt đổ xô về những nơi ăn chốn ở rất là ” híp-pi” đó của tôi càng lúc càng đông. Mỗi ngày trung bình ít lắm cũng phải ba lần phỏng vấn, thu hình, thu mặt. Tôi bỗng trở nên người nổi tiếng bất đắc dĩ.
Ban đầu sự kiện này cũng mang đến cho tôi chút niềm vui nhưng càng về sau càng trở thành một tai nạn. Ký giả, chuyên viên TiVi ngoại quốc săn đuổi tôi đến những chỗ tôi lánh mặt xa nhất. Từ Sài Gòn tôi ra Huế, chỉ vài hôm sau đã thấy có mấy mạng người đủ các màu da, xứ sở khác nhau xuất hiện ở cửa nhà tôi ở. Đời sống bỗng chốc mất đi cái tự do được quyền không nói năng, được quyền ngồi yên tĩnh một mình mà suy ngẫm cho đến nơi đến chốn bao nhiêu điều mình chưa biết trong cõi đời rộng lớn này. Tôi phải sống những khoảnh khắc phù phiếm trên báo chí và trước ống kính ấy cho đến mười ngày trước ngày thành phố được hoàn toàn giải phóng. Giờ đây sau hai mươi năm thành phố đã mang tên Bác, thỉnh thoảng vẫn còn những cuộc phỏng vấn của người nước ngoài, nhưng việc đó không còn là một nỗi ám ảnh kinh hoàng nữa.
Nhẩm tính lại, tôi đã hùn hạp tất cả vốn liếng của mình vào cái đại gia đình trốn lính vừa tròn chẵn mười ba năm.
TCS