Có dấu hiệu rõ ràng cho thấy tình trạng trấn áp các nhà hoạt động ôn hòa đang tăng mạnh tại Việt Nam, Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) nói hôm thứ Hai, 13/5, trong đó có nhiều trường hợp chỉ vì đăng bình luận trên mạng xã hội như Facebook.
Ân xá Quốc tế kêu gọi Hoa Kỳ phải thách thức chính quyền Việt Nam trong cuộc đối thoại nhân quyền sẽ diễn ra trong tuần này.
'Các vụ bỏ tù tăng vọt'
Ân xá Quốc tế nêu con số các tù nhân lương tâm bị tống giam một cách không thỏa đáng đã tăng vọt lên một phần ba.
Ân xá Quốc tế định nghĩa 'tù nhân lương tâm' là những ai không cổ vũ, không dùng bạo lực nhưng bị tù vì quan điểm hay niềm tin.
Theo thống kê của Ân xá Quốc tế, chính phủ hiện đang giam giữ ít nhất 128 người. Con số này hồi năm ngoái là 97 trường hợp.
Ân xá Quốc tế cũng nói rằng những người này bị giam giữ trong điều kiện tồi tàn.
"Có bằng chứng cho thấy các tù nhân bị tra tấn hoặc bị đối xử tồi tệ, thường bị giam cấm cố hoặc bị biệt giam, bị nhốt trong điều kiện dơ dáy, không được chăm sóc y tế, không có nước sạch, không khí sạch," thông cáo của Amnesty International nói.
Trấn áp các hoạt động trên mạng xã hội
Đáng chú ý, tổ chức này nêu ra con số gần 10% những người bị bỏ tù là do đăng bình luận trên các mạng xã hội như Facebook.
Ân xá Quốc tế quan ngại rằng với việc Luật An ninh mạng bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2019, giới chức sẽ càng tăng cường các biện pháp theo dõi gắt gao nhằm trấn áp tiếng nói chỉ trích.
"Trong năm ngoái, giới chức Việt Nam rõ ràng đã nỗ lực trấn áp trên mạng xã hội," Reuters dẫn lời ông Nguyễn Trường Sơn, nhà vận động của Amnesty về Việt Nam, nói.
Việt Nam hồi tháng Giêng đã cáo buộc Facebook là vi phạm quy định pháp luật khi cho phép người dùng đăng các bình luận chống chính quyền.
Tại Việt Nam, Facebook cho đến nay vẫn là nơi trọng yếu được giới bất đồng chính kiến dùng làm nơi bày tỏ quan điểm.
Mới đây nhất, một tòa án ở tỉnh Đồng Nai hôm thứ Sáu 10/5 đã kết án tù đối với hai phụ nữ về tội "sử dụng nhiều tài khoản Facebook" để "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam", theo truyền thông nhà nước.
Kết quả nghiên cứu mà Ân xá Quốc tế vừa công bố cho thấy tại Việt Nam, giới chức đang "siết chặt thòng lọng ở mọi lĩnh vực", Nicholas Bequelin, Giám đốc vùng Đông và Đông Nam Á của Amnesty International nói.
Không chỉ đàn áp bất kỳ dấu hiệu đối lập chính trị nào, mà giới chức còn trấn áp cả những người dám "thách thức tình trạng tham nhũng, hoặc muốn nâng cao chất lượng cộng đồng thông qua các hoạt động về nhân quyền", ông Bequelin nói thêm.
Đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt
Amnesty thúc giục Hoa Kỳ phải "thách thức Việt Nam trong cuộc đối thoại về nhân quyền" sắp diễn ra.
Được biết phái đoàn Hoa Kỳ sẽ tới thăm Việt Nam và sẽ tham vấn ý kiến giới hoạt động xã hội dân sự ở Việt Nam trước khi bước vào cuộc đối thoại đó.
Đây là sự kiện được tổ chức thường xuyên kể từ 2006 tới nay, tuy có một đợt gián đoạn trong hai năm.
Với việc hai bên sắp có cuộc đối thoại định kỳ trong tuần này, Amnesty kêu gọi chính phủ Mỹ phải "lặp lại ở cấp cao nhất rằng nếu không có tiến bộ thực sự về nhân quyền thì sẽ có những hạn chế về mức độ tiến triển trong mối quan hệ Mỹ-Việt".