Monday 16 September 2013

“Cũng Cần Có Nhau”



Vũ Hoàng Thư

“ Cũng Cần Có Nhau 

Sỏi đá hay thịt da


đọc và giới thiệu


Nóng hắt cuối mùa một lần chót. Đầu tháng 9 âm âm tĩnh điện nhớ về một hâm hả ngày xa. Đọng từng giọt mồ hôi lăn tròn nhọc nhằn trầm uất một thời. Không cần gọi nắng vì nắng đã nung chín trên những làn da sạm của trái và dàu màu của hoa cuối mùa. Vàng võ lẩn khuất nét xanh xao trắng xám… Em gầy từng nỗi phúc âm im lìm tường trắng giáo đường. Cũng Cần Có Nhau – Hoàng Xuân Sơn đến như một chờ đợi đã lâu. Một vài chương trong sách đã đăng trên mạng trước đây từ tiềm thức ngủ yên về đánh động cơn sấm gọi bừng.  
Đã có một thời như thế… Ông Hoàng mở đầu như vậy. Nhà thơ không dùng 6-8 sở trường khơi vơi gùn ghè thang bậc, loại bước thang nhìn phía dưới chông chênh địa vực, ngước lên trên khốc liệt ngôn từ. Thi sĩ gọi lần này là một phóng bút vẽ lại sương hoa đã không còn, ôi phù du
Sương và hoa. Sắc rồi cũng nhạt. Hương rồi cũng tàn. Hi vọng làm sao mầu mực hãy còn đượm chút tươi tắn khi vẽ lại người và việc muôn năm cũ đã chìm dần mờ mờ trong mây khói…!
(Cũng Cần Có Nhau – Vào Tập)
Có một thời như thế. Thời nào nhỉ ? Thời dài tay em mấy, thời ngựa hồng đã mỏi vó trên đồi quê hương ? Hay một thời kinh, Kinh Việt Nam ? Tiếng rầm rì của Mạ đêm khuya đều đều gõ vào thinh không một thời khói lửa nhiễu nhương. Lời nguyện thanh vắng của Mạ và đàn con nhân danh Mạ nhảy múa. Thời của đàn bò lầm lì vào thành phố như chốn sa mạc vì loài người đã chết, chỉ còn tiếng hạt chuông, đàn bò vào thành phố gieo buồn tiếng hạt chuông.  Tiếng lục lạc của hạt đánh vào chuông hay là âm vô thanh nơi tràng hạt lần tay trong đêm gọi hồi chuông đổ trên sông vọng về thành phố. Âm thầm đời kiếp. Trầm trầm hỏa diệm chờ ngày phún thạch. Chỉ có ở Huế.
Huế, nơi những cơn mưa cuồng thâm nặng lòng đất,  Hoàng Lãng tử và nhóm bằng hữu ngự lâm pháo thủ, thật nhiều bè bạn kể trước nhất phải Ngô Vương Toại, trụ trì ở những quán café, thơ văn đàn đúm các thứ. Nói về Huế có lẽ phải vận dụng đến tiếng thơ thay vì thẳng bằng phóng bút,
khum bàn tay che giùm ngọn gió
đốm hồng đốt cháy thảo hương
thở tràn trề
thở mù sương, sớm mai Huế
Bằng hữu có thâm tình như lâu năm quán chợ
những chiếc ghế cao cẳng đong đưa thời trai
sợi thừng bò quanh miệng tách
cà phêđen ý nghĩ hồng
linh hồn ơi trói buộc
như sông
và dịu dàng kỹ nữ
(Cũng Cần Có Nhau – Chương Một, Huế, Trói Chân Những Cơn Mưa Buồn)
Cũng Cần Có Nhau là hành trình của một thanh niên Huế theo hoàn cảnh đưa đẩy cùng với nhóm bạn thiết trở thành nhân chứng của một khoảng thời vũ bảo hao hư. Trung tâm điểm là Quán Văn, nơi Hoàng Xuân Sơn và bạn hữu cất công kéo màn khai trương, khởi đầu cho hiện tượng Trịnh Công Sơn – Khánh Ly với Ca Khúc Da Vàng.  Không Quán Văn, có thể âm nhạc đó đã không hớp được làn hơi sáng sinh ban đầu để phà một nhịp mới vào hàng triệu con tim sau này chăng ? Thật sự không chỉ ở miền Nam, nhạc Trịnh đã len lỏi và xâm nhập miền Bắc qua đài phát thanh VNCH tạo nên phong trào Nhạc Tím vào những năm 70 ở Hà nội. Người chủ xướng Nguyễn Văn Toán biệt danh Toán Xồm ở phố Bạch Mai lãnh 14 năm tù vì tội phổ biến và hát nhạc của miền Nam. Cùng với anh có ca sĩ Mộng Long, tự là Long Vàng, người ở phố Triệu Việt Vương, và Hải Thoại. Long Vàng bị 7 năm tù và Hải Thoại án treo (*).
Nhập Quán Văn, Hoàng thi sĩ như rồng gặp nước vì chính chàng cũng là tay đàn hát nghề nghiệp. Mối liên hệ thân tình của ông với Trịnh Công Sơn từ những ngày ở Huế như một duyên đưa đẩy cho sự kết hợp lúc bấy giờ. Qua đó ông vẽ lại cho chúng ta đầy đủ từ những ngày phôi thai, những chuyển biến mấu chốt làm Quán Văn thành nơi hội tụ tài danh.
Nơi đó, đêm qua đêm, tiếng lục huyền vang lên thân phận đất nước màu da hừng khí lồng ngực, dạy cho con tiếng nói thật thà, mẹ mong con chớ quên màu da.
Nơi đó, giữa máu đạn và chém giết, hư vô ngự trị, thân phận người hiện sinh rã rời cất tiếng, Tay hư vô che dấu chiều quatruông mây sâu / Rồi tình yêu cũng qua mau chia người một bãi sầu…
Nơi đó, tác giả kể về huyền tích tuột giày, vịn vai và sự ra đời của La Diva Aux Pieds Nus, chân trần Khánh Ly.
Nơi đó không chỉ riêng nhạc Trịnh, trầm ca của phong trào du ca Nguyễn Đức Quang nức tiếng ngạo nghễ về một quê hương,Bước tiến ta tràn tới tung xiềng vào mặt nhân gian…
Nơi đó, những cư dân thường trú, hay những lưu dân đặc biệt, tạo nên một thứ Lương Sơn Bạc thời đại. Không thảo khấu, chỉ đậm lòng người, văn nghệ tới bến, nghèo và lang bạt nhưng giàu ý hướng giúp đời qua những thiện nguyện cứu trợ khắp miền đất nước từ Hậu giang đến miền Trung nghèo đói lầm than.


Sinh Viên Ngô Vương Toại bị VC bắn, đang nằm bệnh viện Bình Dân Saigon - tháng 12/1967
Xoay quanh Quán Văn nhiều tình tiết và những khuôn mặt văn nghệ đương thời được tác giả tiết lộ rành rọt chi tiết mà ông đã sống và cận kề. Nhưng cuộc đời không chỉ là những hương ca vô tận. Nhiệt huyết và tuổi xanh bị chà đạp bởi bạo lực và toan tính. Người ta nhân danh tổ quốc để đặt những chiếc kẹo đồng vào lồng ngực đang hấp nóng lý tưởng. Súng đạn thay thế cho tiếng nói của lương tri, của lập luận yêu thương và thuyết phục. Hoàng Xuân Sơn có mặt tại hiện trường lúc Ngô Vương Toại lãnh đạn vào bụng vì cản trở âm mưu cướp công tuyên truyền của Mặt Trận Giải Phóng trong đêm văn nghệ Đại học Văn Khoa. Lê Khắc Sinh Nhật trả giá cho tự do bằng chính sanh mạng của mình tại Luật Khoa, Trần Văn Chương bị xô té xuống lầu ở Y Khoa… Và biết bao những thanh toán khác trong bóng tối của một thời xảo trá, lừa bịp. Ngay chính Hoàng Xuân Sơn cũng nhận một miểng pháo kích giải phóng vào mông trong khuôn viên Quán Văn.

Thân nhân họ hàng nhận xương cốt của người thân từ mồ chôn tập thể của VC Mậu Thân 68.(Nguồn: Google)
Thập niên 60 và những chịt chằng lung tráo đưa chàng thanh niên từ Huế vào tụ điểm Quán Văn. Định mệnh lại đưa chàng trở lại Huế tết Mậu Thân để chứng kiến thời của dây thép gai trói tréo xâu người. Thời của mồ chôn tập thể, thời hát trên những xác người.
trăng hóa điên một tầng xạ ảnh
có T có X hung hăng nhảy xuống đường
em thơ vùi chôn đáy dầu cặn
màu trời đục mắt cá ươn
người cụt đầu trên tháp canh già hơn đại thụ
xin để yên
xin để cho Huế muôn đời thầm lặng
(Cũng Cần Có Nhau – Chương Mười, Mậu Thân Trong Lòng Cuộc Chiến)
Không dễ gì Huế được thầm lặng. Lịch sử tái diễn, tiếng khóc từ Nam Hòa, Bãi Dâu… đồng rú tiếng nghẹn của Phạm Văn Thông mấy chục năm trước từ mùa kháng chiến. Thơ Quách Thoại như một nhắc nhở,
“Tôi tên Phạm văn Thông… Tôi không !
Tôi không tôi không”
“Mặc kệ nó cứ nhận đầu chôn sống”
“Không ! Không !”
“Kệ xác nó, cứ nhận đầu chôn sống”…
(Quách Thoại, Phạm văn Thông)  
Trở lại Sàigòn sau Mậu Thân, Quán Văn bắt đầu khép cửa dần, người vật đổi thay. Như chuyện đời đến và đi, nhóm khởi xướng từng người một hoặc an cư lạc nghiệp hay nổi trôi theo hoàn cảnh. Chẳng mấy chốc chuyến đổi đời bi thảm tháng tư 1975 ập đến. Đói khổ, ly ngộ tang thương sau ngày đứt phim tháng tư đó,
Dưới ánh mặt trời thân phận rõ mồn một: đây là cõi dương gian hay miếu đền âm phủ?
Ta về nhang khói lắt lay
thôi âm hồn nọ
vẫn ngày dương gian
tả tơi một nắm hương vàng
cỏ xanh mồ mới
tro tàn cuộc yêu
(Cũng Cần Có Nhau – Chương Cuối, Tạm Thay Lời Kết: Vạn Nẻo Mây Tần)
Hội ngộ nơi đất khách, kẻ mất người còn, ơi ới gọi nhau. Tận cùng chữ nghĩa của Cũng Cần Có Nhau không gì khác hơn là tình bạn thâm giao khít khăng chung thủy lưu giữ được qua những thăng trầm và biến động, đã có một thời như thế… Nghe được tiếng lòng Hoàng Xuân Sơn kết ở cuối sách,
Vết mực này. Mong vết mực này ghi lại được một chút thân thương, dù mỏng manh, giữa người còn sống và kẻ đã khuất. Điểu-Lộc-Yến, Nghiêu Đề, Ngô Mạnh Thu (giờ mới thêm Nguyễn Đức Quang) bên kia đường biên tái . . . Mai- Toại-Nhuệ Giang vẫn còn đó, một thời . . .
Ôi phù du  từng tuổi xuân đã già một ngày kia đến bờđời người như gió qua.
Rồi ra, nghiệm thấy một điều. Chỉ xin nghiệm một điều: Bạn ơi! Lúc tuổi đã dần dà ám sương, dù đã bằng hữu hay chưa bằng hữu; hãy đến với nhau, nhìn ngắm nhau thân thiện. Hãy thăng hoa lòng tử tế. Và đừng nên nói với nhau những lời cay đắng. Để làm gì?
Lồng trong mười ba chương sách, một quãng đời gió bụi trải dài, điềm đạm chứng nhân. Không ít thì nhiều, thâm trầm tương ứng trong lòng người đọc mở dồn. Chưa kể mười sáu chương “viết thêm” và lật chồng ảnh cũ mới để tưởng nhớ bằng hữu xa gần, mất còn. Hoàng Xuân Sơn phóng bút thật tự nhiên và gần gũi, không cầu kỳ, nghe như lời kể từ một người bạn thiết về một câu chuyện mới tựa hôm qua. Nhân hậu như chính bản thân ông. Thật nhớ về người, dù người đã xa, dù người đã mất, dù mộng mơ hồ trở giấc. Ừ nhỉ, nói gì sau chót qua cuộc biển dâu ngoài cũng cần có nhau, sỏi đá hay thịt da…


Trương Vũ, Lê Thiệp, Hoàng Xuân Sơn, Ngô Vương Toại
tại tư gia của Ô/bà Nguyễn Minh Diễm – Virginia Hoa Kỳ 2011.
Hình: Nguyễn Minh Diễm

Vũ Hoàng Thư
Đầu Thu 2013

Phát hành trong tháng 10-2013 :  C Ũ N G  C Ầ N  C Ó  N H A U
phóng bút của Hoàng Xuân Sơn – Nhân Ảnh xuất bản
viết về thời kỳ sinh hoạt thanh niên sinh viên
 từ CPS, Du Ca, Quán Văn (Trịnh Công Sơn/Khánh Ly . . .) tại Sài Gòn (1965/1975)
Sách dày 380 trang, gồm nhiều hình ảnh xưa; hiếm

Giá bao gồm cước phí :
Gia Nã Đại và Hoa Kỳ :  25 Mỹ kim -  Ngoài Bắc Mỹ :  30 Mỹ kim
Liên lạc:  son_hoang42@yahoo.com
Điện thoại:  (450) 689-8291
Chi phiếu & lệnh phiếu xin đề Hoang Xuan Son, gởi về địa chỉ:
813 Etienne-Lavoie
Laval, Quebec H7X-4H8 CANADA

____________________________


(*) Thi Vũ, Hà nội một mối buồn dài, Gọi Thầm Giữa Paris, Nxb Quê Mẹ Paris, 1986



© gio-o.com 2013