Sunday 29 September 2013

Ngô Nhân Dụng - mục tiêu ngoại giao của Tập Cận Bình

Giữa Tháng Tám 2013, Giáo Sư Taylor Fravel viết một bài trên tạp chí Nhà Ngoại Giao (The Diplomat) nhắc mọi người lưu ý về mấy lời tuyên bố của Tập Cận Bình, chủ tịch đảng và nhà nước Cộng Sản Trung Quốc, trong một phiên họp của Bộ Chính Trị. 


Phiên họp vào cuối Tháng Bảy bàn về vấn đề tăng cường sức mạnh trên biển của Trung Quốc. Một điều được các báo của đảng loan tin, mà Taylor Fravel muốn nhấn mạnh, là Tập Cận Bình đã nhắc lại một châm ngôn của Ðặng Tiểu Bình, coi như quy tắc hành động của Cộng Sản Trung Quốc trước các cuộc tranh chấp trên biển.

Ðặng Tiểu Bình nêu ra châm ngôn 12 chữ này trong các bài diễn văn từ 1979 đến 1984, chủ trương giữ chủ quyền trên biển mà không gây tranh chấp, hãy cùng các nước khác khai thác tài nguyên, còn vấn đề khác để các thế hệ sau sẽ giải quyết. Taylor Fravel cho rằng việc nhắc lại các lời của Ðặng Tiểu Bình trong phiên họp 25 người trong Bộ Chính Trị, lại được các báo chí chính thức loan tin, cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc đang chủ trương một thái độ ôn hòa trong các cuộc xung đột về biển, đảo với Nhật Bản và các nước vùng Ðông Nam Á.

Taylor Fravel dẫn lời Tập Cận Bình, nêu ra hai mục tiêu đối ngoại của Trung Cộng, là bảo vệ “ổn định” trong khu vực, và bảo vệ quyền lợi hàng hải của Trung Quốc. Fravel thấy hai mục tiêu “vệ ổn” và “vệ quyền” đối nghịch với nhau, nhưng khi đặt mục tiêu ổn định có tầm quan trọng ngang với quyền lợi trên biển, Tập Cận Bình đã hạ thấp lập trường hung hăng của Trung Cộng trong mấy năm gần đây, khi họ chỉ tính chuyện bành trướng thế lực. Lập trường gây hấn này đã gây phản ứng ngược khiến giới lãnh đạo Trung Cộng lo ngại; như việc “chuyển trục sang Á Châu của chính phủ Mỹ từ năm 2010, và các hoạt động ngoại giao của Nhật giúp các nước Việt Nam và Phi Luật Tân trong các hoạt động bảo vệ hải phận. Khi nhắc lại châm ngôn ngoại giao của Ðặng Tiểu Bình, chủ tịch họ Tập đã cân nhắc hai mục tiêu, cho thấy nếu việc bành trướng thế lực trên biển gây ra bất ổn trong vùng thì Trung Cộng có thể sẽ coi nhu cầu ổn định là quan trọng hơn. Một dấu hiệu mà Fravel nêu ra là Trung Cộng mới cải tổ cơ cấu, đặt tất cả các lực lượng hải giám dưới quyền chỉ huy của một cơ quan dân sự về hải phận; cho thấy họ giảm bớt vai trò của các tướng lãnh trong lãnh vực này.

Ðóng góp của Taylor Fravel, một giáo sư chính trị học tại MIT, là ông đã nhìn thấy và nhấn mạnh sự kiện Tập Cận Bình nhắc lại chủ trương của Ðặng Tiểu Bình, trong một phiên họp của Bộ Chính Trị Trung Cộng, mà đa số độc giả không mấy ai kiên nhẫn đọc bản tin chính thức kỹ như thế. Nhưng chúng ta cũng không ngạc nhiên, nếu Bộ Chính Trị Cộng Sản Trung Quốc theo đuổi hai mục tiêu mà Tập Cận Bình nêu ra. Chắc chắn, Trung Cộng muốn bành trướng thế lực trên biển, như bất cứ chính quyền nào nắm quyền cai trị ở Trung Quốc. Và cũng chắc chắn là Trung Cộng coi mục tiêu ổn định, không gây chiến tranh, là quan trọng không kém, hoặc quan trọng hơn nữa. Bởi vì bất cứ một xung đột vũ trang nào xẩy ra trong vùng biển từ Nhật Bản đến Ðông Nam Á sẽ chỉ bất lợi cho Trung Cộng. Nếu chiến tranh bùng lên vì quần đảo Trường Sa thì tất cả các nước vùng Ðông Nam Á sẽ quay sang cầu cứu Mỹ, Ấn Ðộ, Nhật Bản, vân vân. Bàn cờ vùng Biển Ðông sẽ thay đổi. Chưa hết, Nhật Bản, Nam Hàn, Ðài Loan sẽ lo gia tăng vũ trang, xây dựng hải quân, để đối phó với Trung Cộng trong tương lai. Nhưng nguy hiểm nhất cho chế độ cộng sản là kinh tế Trung Quốc sẽ suy sụp khi đường tiếp liệu dầu khí và nguyên liệu từ Phi châu và Trung Ðông bị cắt đứt. Ðảng cộng sản hiện nay chỉ lo dân Trung Hoa nổi dậy nếu số người thất nghiệp gia tăng. Vì nhu cầu bảo vệ chính chế độ độc tài của họ, Trung Cộng cần giữ cho cả vùng Á Ðông được ổn định.

Nhưng giữ ổn định không có nghĩa là họ bỏ tham vọng bành trướng thế lực, mở rộng vùng kiểm soát trên biển, để khai thác tài nguyên. Mục tiêu ổn định chỉ đóng vai trò một mức giới hạn, để lực lượng quân sự của họ biết phải dừng lại, không tiếp tục gây hấn với bất cứ giá nào. Hai vị thượng tướng, Phạm Trường Long (Fan Changlong) và Hứa Kỳ Lượng (Xu Qiliang, Không quân) được cất nhắc lên làm phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương từ Tháng Ba năm 2013, và đang ngồi trong Bộ Chính Trị Cộng Sản Trung Quốc, chắc hẳn họ hiểu rõ giới hạn đó khi nghe những lời của Tập Cận Bình. Họ sẽ biết chương trình bành trướng thế lực quân sự ở biển Nhật Bản cũng như ở Biển Ðông nước ta đều có giới hạn.

Vì vậy, trong các cuộc tranh chấp đang diễn ra ở Biển Ðông, người Việt Nam chắc chắn không nên lo sợ trước sức mạnh của Hải Quân Trung Cộng. Người Việt Nam không thể cứ “nhường nhịn” quá đáng trước các hành động gây hấn của họ. 

Nếu nước Việt Nam cương quyết bảo vệ chủ quyền của mình, thì Trung Cộng cũng không dám vì thế mà gây ra chiến tranh. Chính quyền cộng sản Việt Nam phải tỏ ra cứng rắn hơn trên trường ngoại giao quốc tế cũng như trong các cuộc đàm phán song phương. Tốt nhất là Việt Nam phải liên kết với các nước Ðông Nam Á trong các vụ xung đột chủ quyền trên biển, đảo.

Tuần trước, Trung Cộng và các nước Ðông Nam Á trong khối ASEAN đã họp cấp bộ trưởng ở Tô Châu, trong hai ngày 14 và 15 Tháng Chín. Mục đích của phiên họp là bàn về việc thực hiện các quy tắc hành động trên mặt biển (COC) đã được hai bên nêu lên từ năm 2002. Sau 11 năm, đây là lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc đồng ý thảo luận về bản tuyên bố này, chứng tỏ họ đang thi hành chính sách của Tập Cận Bình. Vì từ trước đến nay chính quyền Trung Cộng vẫn từ chối không bàn về vấn đề Quy tắc Hành động COC, cho tới phiên họp ở Brunei vào Tháng Bảy vừa qua. Cuộc họp ở Tô Châu không đưa tới một kết luận cụ thể nào, ASEAN và Trung Quốc chưa hề bàn gì với nhau về nội dung của COC, mà chỉ ấn định một chương trình cho các cuộc họp tương lai. Trung Cộng đã đề nghị và được các nước ASEAN chấp thuận sẽ thành lập một “ủy ban các chuyên gia” nhằm giải quyết các xung đột. Tương lai của ủy ban này, và nội dung của các quy tắc hành động sẽ được ấn định sau; nhưng thái độ của Trung Cộng tỏ ra đã hòa hoãn hơn mười năm vừa qua.

Tuy nhiên, lập trường mới của Tập Cận Bình không có nghĩa là từ nay Trung Cộng sẽ tử tế hơn với các nước Ðông Nam Á. Mặc dù không muốn, và không dám gây chiến tranh, họ sẽ tiếp tục chính sách lấn áp các nước láng giềng, theo lối tầm ăn dâu, với thủ đoạn “được đằng chân lân đằng đầu” quen thuộc!

Tại Hội Chợ Nam Ninh, quy tụ các công ty của Trung Quốc và 10 nước ASEAN, thủ tướng Trung Cộng Lý Khắc Cường tuyên bố rằng mối bang giao giữa Trung Quốc và các nước Ðông Nam Á đang bước vào một giai đoạn mới, mà ông gọi là “Thập kỷ Kim cương.” Tuy Lý Khắc Cường nói ngon ngọt như vậy, nhưng trong phiên họp ở hội chợ này, tổng thống Phi Luật Tân đã không được mời tham dự! Nhưng nếu kim cương quý hơn vàng, thì chắc người Việt Nam có thể bắt lấy hình ảnh "Thập kỷ Kim cương,” đặt giá trị ưu tiên cao hơn “16 chữ vàng” mà hai đảng cộng sản Việt Trung đã thỏa thuận với nhau!

Một cách cụ thể, Việt Nam phải ủng hộ đơn kiện của chính phủ Phi Luật Tân trước Liên Hiệp Quốc. Từ tháng Giêng năm nay, Tổng thống Benigno Aquino đã đưa ra trước Tòa án Quốc tế về Luật biển (ITLOS) vấn đề “Ðường Chín Ðoạn” (cũng gọi là Ðường Lưỡi Bò) mà Trung Cộng đã công bố, gom tất cả vùng Biển Ðông của nước ta và Biển Tây của Phi Luật Tân vào hải phận Trung Quốc. Theo Bộ Ðất đai và Tài nguyên của chính phủ Trung Quốc, dưới đáy vùng biển này chứa 30 tỷ tấn dầu thô và 20 ngàn tỷ mét khối dầu khí. Tòa án ITLOS đang yêu cầu chính phủ Phi trình bày các bằng chứng về vấn đề này, vào tháng Ba năm 2014.

Một chính quyền Việt Nam biết bảo vệ tổ quốc phải hành động giống như Phi Luật Tân đang làm. Vì vùng “Ðường Chín Ðoạn” này rõ ràng xâm phạm chủ quyền của nước ta trên mặt biển. Ðây là một vấn đề sống còn của đất nước, cũng là một vấn đề thể diện của quốc gia. Một chính quyền biết thể hiện nguyện vọng của dân tộc phải xóa bỏ những thứ “16 chữ vàng” và “bốn cái tốt” do hai đảng cộng sản ký kết. Phải hòa mình với các nước Ðông Nam Á cùng nhau đối đầu với Trung Cộng. Khi biết rằng Bộ Chính Trị đảng Cộng sản Trung Quốc cũng không thể nào hy sinh nền kinh tế của họ nếu để mất ổn định trong vùng, thì người Việt Nam không có lý do nào mà phải sợ hãi trước sự dọa nạt hung hăng của đám quân cướp biển đang hoành hành trong vùng biển nước mình.