Ngoài những người được biết đến như vừa nêu, hiện trong nhà giam ở Việt Nam còn có một số người chỉ được biết đến một cách giới hạn trong vòng gia đình, người thân và cộng đồng nơi họ sinh sống. Đó là trường hợp của ông Ngô Hào ở thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Ông này bị bắt hồi ngày 28 tết năm nay, tức ngày 8 tháng 2 vừa qua. Từ đó đến nay gia đình vẫn chưa được gặp mặt... Ngoài ra còn có trường hợp mà người trong cuộc xem như hành động bắt cóc của phía cơ quan chức năng. Đó là vụ việc của hai ông Ngô Văn Khởi vàNguyễn Văn Hải thuộc giáo họ Trại Gáo, giáo xứ Mỹ Yên thuộc giáo phận Vinh.
*
Gia Minh (RFA) - Hơn 15.500 tù nhân được Hà Nội đặc xá nhân dịp kỷ niệm hai sự kiện 19 tháng 8 và ngày 2 tháng 9 năm nay; tuy nhiên một số những nhà hoạt động cho quyền con người và dân chủ tại Việt Nam tiếp tục bị giam giữ mà chiếu theo những chuẩn mực pháp lý thì việc giam giữ họ là tùy tiện.
Những tên tuổi được biết
Trong những ngày này, sau sự kiện được cho là bất ngờ khi sinh viên Nguyễn Phương Uyênđược giảm án và tuyên trả tự do tại tòa, nhiều đồn đoán trong nước cho rằng sẽ có thêm nhiều người đang bị bắt giữ với nhiều lý do khác nhau sẽ được cho về.
Cho đến ngày 1 tháng 9 vừa qua, những người quan tâm có thêm một tin vui là một thành viên trong Câu Lạc Bộ Nhà báo Tự do, bloggerAnhbaSG Phan Thanh Hải được ra tù trước thời hạn một tháng 17 ngày.
Tuy vậy, có những người bị bắt trong thời gian qua được nhiều người biết đến và hy vọng họ sẽ sớm được tự do như luật sư Lê Quốc Quân, các blogger Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào,Đinh Nhật Uy vẫn còn trong trại giam.
Bà Nguyễn thị Kim Liên, mẹ của sinh viên Đinh Nguyên Kha cùng vụ án với Nguyễn Phương Uyên và blogger Đinh Nhật Uy, vào trưa ngày 2 tháng 9 cho biết thông tin về hai người con của bà trong nhà tù như sau:
Chuyến vừa rồi cũng y như những đợt trước, tôi và Thạch Thảo không được gặp Kha, chỉ có ba cháu mà thôi. Cháu với với ba rằng phải mời luật sư vì ở trong đó bị ép phải nhận tội khủng bố. Tôi có nói chuyện với luật sư Nguyễn Văn Miếng và ông này nói nhiều lần làm đơn xin gặp mặt mà công an nói đang điều tra nên không giải quyết cho gặp. Ba của cháu rất xót xa, nay ông lên tiếng mạnh mẽ nói với cháu là đừng nghe gì họ nói bên trong mà họ nói gì cữ nghĩ ngược lại, ra tòa cứ nói trước tòa việc bị làm sao. Còn Uy rất cứng rắn vì biết không có tội. Hai lần họ làm biên bản điều tra cháu đều nói họ làm sai. Họ phải sửa hai lần đến biên bản kết luận điều tra hôm ngày 24 tháng 8, cháu đồng ý. Nhưng đến nay họ chưa thả cháu ra. An ninh điều tra mời hai vợ chồng tôi xuống yêu cầu làm bảo lãnh về luôn, trước đây họ yêu cầu làm bảo lãnh tại ngoại nhưng nay bỏ chữ tại ngoại mà về luôn; từ bữa hai mươi mấy tây tháng bảy đến nay hơn một tháng rồi!
Em trai của luật sư Lê Quốc Quân, anh Lê Quốc Quyết cho hay mới hôm thứ sáu tuần rồi, tức ngày 30 tháng 8, luật sư bào chữa Trần Thu Nam có vào trại giam Hỏa Lò 1 gặp thân chủ. Sau đó vị luật sư có chia sẻ thông tin với gia đình về luật sư Lê Quốc Quân là tình hình cũng không có gì mới: sức khỏe bình thường, tinh thần vững vàng, ngày xử vẫn chưa có sau khi bị hoãn một cách đột ngột hồi chiều ngày 8 tháng 7 vừa qua.
Việc phân biệt đối xử của trại giam đối với vị luật sư nhân quyền này cũng như cũ theo như lời của anh Lê Quốc Quyết:
Vấn đề nước sạch anh Quân vẫn bị hạn chế, không cho gửi quá 10 chai. Mặc dù nhiều lần anh nói với luật sư thiếu nước sạch để uống, nhưng có chỉ đạo từ trên chỉ cho nhận 10 chai. Họ khống chế nước có thể họ nghĩ anh có nhiều nước có thể lại tuyệt thực chỉ uống nước thôi. Thăm gặp vẫn chưa được cũng như tài sản kết thúc vụ án lâu rồi vẫn không trả lại. Sách báo kể cả Kinh Thánh từ ngoài gửi vào không được. Đồ ăn gia đình nấu sẵn cũng không được gửi vào như những phạm nhân khác, mà chỉ ghi mua những thức ăn có sẵn ở trại mà thôi. Được biết do anh có đấu tranh nên nay được đọc báo của trại.
Những người đấu tranh thầm lặng
Ngoài những người được biết đến như vừa nêu, hiện trong nhà giam ở Việt Nam còn có một số người chỉ được biết đến một cách giới hạn trong vòng gia đình, người thân và cộng đồng nơi họ sinh sống.
Đó là trường hợp của ông Ngô Hào ở thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Ông này bị bắt hồi ngày 28 tết năm nay, tức ngày 8 tháng 2 vừa qua.Từ đó đến nay gia đình vẫn chưa được gặp mặt. Bà Nguyễn thị Kim Lan, vợ của ông Ngô Hào, nói về điều đó:
Lâu quá rồi không được gặp mặt, chỉ có gửi đồ ăn vô thôi. Mấy lần trước anh chỉ ghi có nhận đồ ăn, lần vừa rồi anh có ghi nhận đủ canh bí đỏ, nhiều, đặc. Tôi không hiểu nhưng sợ trong đó anh bị đánh nhiều. Tôi lo sợ lắm.
Gia đình của ông Ngô Hào vừa có đơn kêu cứu vì theo họ ông này không hề làm gì chống phá nhà nước. Việc làm của ông trước khi bị bắt là lên tiếng cho những người bị đàn áp bất công về mặt xã hội cũng như tôn giáo như trường hợp của một số tín đồ Phật giáo Hòa Hảo không theo hệ thống Nhà nước, hay trường hợp của những vị tu sĩ Phật giáo Việt Nam Thống Nhất là thượng tọa Thích Thiện Khánh ở Phú Yên, thầy Thích Nhật Ban ở Đồng Nai...
Ngoài ra còn có trường hợp mà người trong cuộc xem như hành động bắt cóc của phía cơ quan chức năng. Đó là vụ việc của hai ông Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải thuộc giáo họ Trại Gáo, giáo xứ Mỹ Yên thuộc giáo phận Vinh. Ông Ngô Văn Khởi bị bắt khi đang đi đưa dâu một người cháu họ. Ông Nguyễn Văn Hải bị bắt khi đưa cháu đi khám bệnh về. Cả hai bị bắt hồi ngày 27 tháng 6 và một tuần lễ sau gia đình mới nhận được thông báo của cơ quan chức năng về việc bắt giữ họ.
Lên tiếng về sự tùy tiện bắt giam
Nhiều lý do khác nhau được đưa ra để bắt giữ những người vừa nói; ví dụ đối với luật sư Lê Quốc Quân là trốn thuế, đối với các bloggers Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào là vi phạm điều 258 Bộ Luật Hình sự ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ vi phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân; còn đối với hai giáo dân Trại Gáo là ‘gây rối trật tự’.
Tất cả những qui định nêu ra để bắt giữ các đối tượng vừa nói bị cho là suy diễn một cách tùy tiện theo ý của cơ quan chức năng, chứ trong thực tế những người đó không làm gì sai phạm mà trái lại họ thực thi những quyền của người dân được qui định trong Hiến pháp và Pháp luật Việt nam, cũng như trong Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam tham gia.
Tổ chức Phóng Viên Không Biên giới từng lên tiếng cho rằng Việt Nam là nhà tù lớn thứ hai trên thế giới đối với blogger và người bất đồng chính kiến trên mạng. Vị trí thứ nhất thuộc về Trung Quốc.