Lời giới thiệu : Đây là bài nói chuyện của giáo sư Trần Lam Giang tại buổi thuyết trình “38 năm nhìn lại – Hiện tình và tuong lai Việt Nam” với 5 diễn giả là các giáo sư Trần Huy Bích, Phạm Cao Dương, Trần Lam Giang, Lưu Trung Khảo và Nguyễn Xuân Vinh, do hội Ái hữu Cựu Học sinh Bưởi-Chu Văn An Nam California tổ chức ngày 14 tháng 7 năm 2013 tại Westminster, California.
Năm nhâm tuất (1803), chúa Nguyễn Phúc Ánh tức vị, sai sứ sang Tầu cầu phong với quốc hiệu Nam Việt.
Vua Càn Long nhà Thanh không chấp thuận, muốn giữ nguyên tên An Nam và nước Nam Việt có từ thời Triệu Vũ đế, gồm cả Đông Tây Việt (Quảng Đông và Quảng Tây).
Vua Gia Long 3 lần dâng thư biên giải. Sau đó cho biết nếu vua nhà Thanh không chấp thuận thì không thụ phong nữa.
Vua nhà Thanh không muốn hai nước trở thành đối nghịch, bèn dùng quốc hiệu Việt Nam phong cho vua Gia Long với ý nghĩa giòng giống Việt ở Nam Giao.
Tháng 2 năm Giáp Tý (1804), vua Gia Long thụ phong với quốc hiệu Việt Nam.
Nếu Việt Nam chỉ là quốc hiệu do Càn Long ban cho thì đó là một quốc hiệu làm hoen ố lịch sử, làm nhục nhã quốc dân.
Nhưng, không phải chỉ là như vậy. Sử sách của ông cha để lại, cho biết Việt Nam là quốc hiệu đầu tiên của nước ta, nổi chìm qua nhiều thế hệ, thấm vào máu huyết, gắn liền với tình yêu tổ quốc.
1. Hồ Tông Thốc với Việt Nam Thế Chí.
Về ông, có tài liệu ghi là Trạng nguyên đời Trần Nghệ Tông, có tài liệu ghi là học sỹ.
Sử ghi : dưới triểu vua Nghệ Tông (1370-1372) ông làm quan đến chức Hàn Lâm Học Sỹ, được triều đình cử đi sứ Tầu.
Niên hiệu Xương Phù (Trần Phế Đế 1377-1388) ông làm Hàn Lâm Học Sỹ Phụng Chỉ kiêm Thẩm Hình Viện Sứ rồi Trung Thư Lệnh.
Hồ Tông Thốc là tác giả hai pho quốc sử : Việt Sử Cương Mục và Việt Nam Thế Chí, được sử quan triều Trần và triều Lê coi là rất giá trị. Sử gia Ngô Sỹ Liên đã nhận định : “Phép viết sử của Hồ Tông Thốc, chép việc cẩn thận, ngăn nắp, bàn việc xác đáng, đầy đủ.”
Riêng pho Việt Nam Thế Chí gồm 2 quyển : quyển thượng là Hùng Triều Thế Phả, quyển hạ ghi chép sự kiện lịch sử đời Triệu.
Khi giặc Minh xâm chiếm nước ta, với chính sách thực dân văn hóa : đốt sách, tịch thu sách quý đem về Tầu, hai pho quốc sử của Hồ Tông Thốc nay chưa tìm được. Học giả Phan Huy Chú có tìm được bài Tự Đề Tựa của pho Việt Nam Thế Chí chép vào sách Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí.
Nhận định rằng, ghi việc lịch sử đời Hùng. Lấy tên sách là Việt Nam Thế Chí (ghi về các đời của Việt Nam), chứng tỏ qua công trình khảo cứu của tác giả, quốc hiệu Việt Nam có từ thuở ban sơ dựng nước.
Sách được viết trước việc vua Gia Long thụ phong bởi vua Càn Long bên Tầu gần 500 năm.
2. Nguyễn Trãi với Dư Địa Chí (1380-1442).
Ông là một ngôi sao trong lịch sử nước ta. Từ công lao cứu vớt quốc dân thoát ách lầm than nô lệ, đến tư tưởng học thuật, nghệ thuật thẩm mỹ thi ca cũng như đạo đức chính trị nhân bản, ông đều sáng chói.
Ngôi sao ấy là tác giả của Dư Địa Chí. Nơi tác phẩm này, Việt Nam được xác quyết là quốc hiệu đầu tiên của nước ta : “Tiên quân Kinh Dương Vương, sinh hữu thánh đức, thụ phong Việt Nam, vi Bách Việt tổ” (nghĩa là “Vua đầu tiên là Kinh Dương Vương, sinh ra đã có thánh đức,được phong làm vua ở Việt Nam, là tổ của Bách Việt.”)
Với duy một Nguyễn Trãi cũng đủ để bảo đảm giá trị của những điều ghi trong Dư Địa Chí. Tác phẩm càng quý hơn, xứng đáng để đời sau nương tựa vào mà viết lịch sử nước nhà, vì được ba danh nho tuấn kiệt đương thời Nguyễn Trãi đóng góp :
- Nguyễn Thiên Túng viết chú thích
- Nguyễn Thiên Tích viết lời xét rộng thêm cho rõ nghĩa những đoạn tác giả viết quá súc tích.
- Lý Tử Tấn viết lời bàn để độc giả dễ thông hiểu ý nghĩa hàm ngụ trong câu văn của tác giả.
Với công trình ấy, sách được coi là Quốc Thư Bảo Huấn. Nơi sách này, về Kinh Dương Vương, danh nho Nguyễn Thiên Túng chú thích :
“Ngã Việt chi tiên, tương truyền, thủy quân viết Kinh Dương Vương. Viêm Đế chi duệ. Vương phục Đế Minh tuần thú chí Hải Nam, ngộ Vụ Tiên nữ. Nạp chi, sinh Lộc Tục, Thần thái đoan chính, hữu thánh đức. Đế kỳ ái chi, dục lập vi tự. Vương cố nhượng kỳ huynh. Đế Minh nãi phong chi Việt Nam. Thị vi Kinh Dương Vương.”
Nghĩa là :
“Nước Việt ta, đời đời truyền nhau : vua đầu tiên là Kinh Dương Vương, dòng dõi Đế Viêm. Vua cha là Đế Minh, đi tuần thú đến Hải Nam, gặp nàng Vụ Tiên, cưới làm vợ, sinh ra Lộc Tục. Lộc Tục thần thái đoan chính, có thánh đức, vua rất yêu, muốn truyền ngôi. Lộc Tục từ chối, cố nhường cho anh. Đế Minh bèn phong Lộc Tục làm vua ở Việt Nam, tức Kinh Dương Vương.”
Về quốc hiệu Việt Nam, Dư Địa Chí còn ghi : “Kim diệc viết Việt Nam”, nghĩa là “Nay cũng gọi là Việt Nam” (“Nay” tức thời Nguyễn Trãi).
3. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với Việt Nam Sơn Hải Động Thưởng Vịnh (1491-1585).
Ông là bậc tiên thánh trong lịch sử và văn học sử. Một câu khuyên chúa Nguyễn Hoàng : “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” làm cho cõi bờ non nước mở rộng gấp đôi.
Ông có làm hơn trăm bài thơ vịnh phong cảnh nước nhà, gom thành tập Việt Nam Sơn Hải Động Thưởng Vịnh.
4. Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725).
Vị chúa Nguyễn đời thứ 6, có công lớn trong việc mở nước về phía Nam. Nhân dịp tuần thú qua đèo Ải Vân (cũng gọi là Hải Vân) chúa có làm bài tứ tuyệt :
Hình thế hồn như Thục đạo thiên
Đãn kiến vân hoành tam tuấn lĩnh
Bất tri nhân tại kỷ trùng thiên
Dịch nghĩa :
Đỉnh núi này là ải hiểm trở của nước Việt Nam
Hình thế giống như đường vào Ba Thục
Đã thấy mây giăng ngang ba đỉnh núi hùng vĩ
Không biết người ở mấy tầng trời
Bài thơ này được Quốc Sử Quán triều Nguyễn ghi vào Đại Nam Nhất Thống Chí.
5. Hoàng Đế Quang Trung (1789-1792).
Năm 1792 Hoàng Đế Quang Trung tuyên cáo : “đổi quốc hiệu An Nam thành Việt Nam” việc chưa kịp thi hành, hoàng đế đột ngột băng hà.
****
Năm sử kiện kể trên cho thấy Việt Nam là quốc hiệu của ta từ thời rất xa xưa. Qua những thăng trầm lịch sử, với những đổi thay quốc hiệu, hai tiếng Việt Nam luôn luôn tồn tại trong lời ăn tiếng nói, trong đáy con tim của giòng giống Rồng Tiên. Quốc hiệu Việt Nam gắn liền với lòng yêu nước của người dân Việt, không thể tách rời.
Trần Lam Giang
Tháng 7, 2013