THƯ GỬI BẠN TA của Bùi Bảo Trúc
Các bài viết hàng tuần của Nhà Báo Bùi Bảo Trúc trong mục Thư Gửi Bạn Ta
Ngày 30 tháng 9 năm 2013
Bạn ta,
Ba Ếch vừa đi Paris về thì lại bay sang New York dự Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Báo chí nhà nước liền ào ào nhắng lên rằng cả hai chuyến đi của Ếch đều rất thành công, rằng Ếch, trong các lần phát biểu ở Tây và ở Mỹ đều tạo được những tiếng vang đáng kể, gây được sự nể trọng của nhiều người, nhiều nơi trên thế giới.
Nghe mát cả ruột. Cho đến khi được xem một chương trình của Canal +, người ta mới biết tài khéo ngoại giao của Ếch là như thế nào.
Tại cuộc họp báo chung với thủ tướng Jean-Marc Ayarault hôm 25 tháng 9, Ếch đã hiện nguyên hình một con ếch suốt bao nhiêu năm chỉ quanh quẩn ở cái đáy giếng, khi nhẩy ra khỏi miệng giếng, nên đã không biết bất cứ một cách hành xử thông thường ngoại giao nào.
Ngồi cạnh thủ tướng Pháp, không biết vì lý do gì, Ếch nhất định đòi đóng cái cửa sau lưng lại khiến chính ông Ayarault phải nhờ các phụ tá kéo tấm màn lại cho Ếch. Sao không lịch sự, chịu đựng một chút mặt trời sau lưng, để tránh khỏi làm phiền chủ nhà mà cứ nhất định đòi che cái cửa lại?
Xong chuyện cái cửa, thủ tướng Pháp bắt đầu lên tiếng thì Ếch liền khua tay về phía thủ tướng Pháp và đập nhẹ vào tay ông Ayrault, nói bằng tiếng Việt, nguyên văn "Xin lỗi nghe, chưa nghe được." Rồi Ếch lại vung tay lên, đưa bàn tay sát vào mặt ông Ayrault và nói "Xin lỗi nghe…cho dịch trực tiếp". Tại sao không biết nói nhỏ với thông dịch để lời yêu cầu của mình được chuyển sang tiếng Pháp? Tại sao cứ tự nhiên như đang nói chuyện với mấy đồng chí du kích đến xin thợ lụi chích đít như hồi còn trong chiến khu ngày xưa ở trong rừng? Tại sao không biết gọi phụ tá lại gần để nói nhỏ như thủ tướng Pháp đã làm ngay ở đoạn sau đó.
Cuối cùng, ậm ọe mãi cũng đến được khúc Ếch lên tiếng. Cái mặt nhâng nhâng nháo nháo một cách đầy tự mãn không lý do đó nói như thế này: "Thưa ngài thủ tướng … Pháp. Trước hết thay mặt đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, tôi bầy tỏ vui mừng được trở lại thăm nước Pháp ở Âu châu và thế giới…"
Ếch có mấy tờ giấy viết sẵn trước mặt để đọc. Và chính chi tiết đó cũng đã cho thấy Ếch dốt đến mức nào. Tại sao phải ngưng lại một chút trước khi nói tên của nước Pháp? Đọc có một câu viết sẵn cũng không nên thân, cũng không biết ngắt cho đúng chỗ.
Nhưng qua đến câu sau, sự dốt nát của Ếch lại được bầy ra rõ hơn. Tại sao phải dùng một mệnh đề đóng vai tĩnh từ để mô tả thêm nước Pháp là "ở Âu châu và trên thế giới."
Bộ còn có mấy nước Pháp ở những châu lục khác và ở mấy thế giới khác hay sao?
Có vài câu giản dị như thế còn nói không nên thì những chuyện khác làm sao tạo được tiếng vang, ảnh hưởng khắp nơi trên thế giới?
Những người trong chương trình truyền hình cứ thỉnh thoảng lại ngừng lại để cười với nhau. Phải nói là toàn những nụ cười đểu, chẳng có được một lời nhận định tử tế nào về Ếch hết trơn.
Và khi nhắc đến tên của thủ tướng Pháp, thì cách phát âm của Ếch cũng lại làm trò cười cho các thành viên của chương trình Les Off de Domenach.
Như thể chưa đã, họ cho nhắc lại tới hai lần để cười với nhau về cách đọc tên ông Ayrault một cách thất học của một anh bằng giả xuất thân thợ chích đít ở trong rừng.
Đó, sự đón nhận mà người ta dành cho Ếch là như thế đó.
Ở đó mà tiếng vang khắp thế giới như những bài viết phét lác và ngu dốt ở trong nước.
Khổ ơi là khổ!
Ngày 1 tháng 10 năm 2013
Bạn ta,
Đã có một thời, những tác phẩm của ông được thấy ở gần như khắp mọi nơi. Trên những bìa báo xuân, trên những bìa sách và ở bìa những bản nhạc.
Nhưng cũng đã lâu lắm, người ta không còn thấy chúng nữa. Những bìa báo, bìa sách, bìa của những bản nhạc ngày nay đều dùng những hình ảnh khác. Và để minh họa cho những bài báo, những tác phẩm văn vần cũng như văn xuôi, người ta cũng không dùng những minh họa của ông nữa.
Từ năm 1975, tôi không còn được nhìn thấy những bức họa có chữ ký chân phương nhưng bay bướm của ông nữa.
Không biết ông có còn ở với chúng ta nữa hay không. Nếu còn, ông cũng phải đã trọng tuổi lắm. Năm sinh của ông được ghi là 1919, và nơi sinh là Châu Đốc. Mấy dòng tiểu sử rất ngắn cho biết ông học ở trường Mỹ Nghệ Gia Định và trường Mỹ Thuật Hà Nội.
Ông là họa sĩ Lê Trung. Tác phẩm của ông gần như đều là chân dung phụ nữ. Ngó qua là nhận ngay ra nét vẽ của ông. Các phụ nữ của ông đều rất đẹp, phúc hậu, đầy đặn. Tất cả đều mang nét đẹp của miền Nam. Cặp lông mày đậm, mắt đen nhánh mở lớn. Cái mũi cao thanh tú và đôi môi đỏ mọng.
Bao giờ ông cũng vẽ phụ nữ như vậy. Các cô đều trong hạng tuổi mà tôi nghĩ là khoảng từ hai mươi đến hai mươi lăm tuổi. Những chiếc áo mà ông mặc cho các phụ nữ trong tranh của ông theo rất sát với thời trang của các phụ nữ thời ấy. Có lúc cổ cao, lúc cổ thấp. Thân áo có vẻ hơi … chật, đầy đặn.
Lần đầu tiên tôi được xem nét vẽ của ông là trên bìa của tờ Sài Gòn Mới xuân Quí Tị do một người bạn của ông bố tôi gửi từ Sài Gòn ra Hà Nội.
Rồi những năm sau đó ở miền Nam, tôi lại được thấy gần như các tờ báo xuân đều do ông vẽ bìa nên tờ nào cũng giống tờ nào. Những bức họa đó rất nhiều mang bối cảnh đằng sau là những mái nhà tranh của đồng quê miền Nam, có những cây dừa, có dòng sông, có chiếc thuyền nhỏ, người phụ nữ cũng được cho phục sức hợp với cảnh sông nước, cũng có lúc có chiếc khăn rằn vắt trên vai.
Nhưng tất cả nhưng khuôn mặt phụ nữ đều rất giống nhau những con mắt đen, đôi môi mọng đỏ.
Những cái bìa báo xuân, những tấm phụ bản có tác phẩm của ông sau mấy ngày xuân, rất nhiều người đem dán lên vách nên chúng lại được lưu giữ trong những căn nhà ở cả những vùng nông thôn.
Mới đây, có một bài báo nhắc đến ông, nói rằng tranh của ông cũng như những bản nhạc bị đặt cho cái tên là nhạc sến, ý nói tác phẩm của ông không ở một trình độ mỹ thuật cao như các họa sĩ danh tiếng khác của Việt Nam.
Tôi nghĩ ông là một họa sĩ giỏi . Ông vẽ nhiều bằng phấn tiên. Ông cũng vẽ cả sơn dầu. Có thể đề tài nghệ thuật của ông không như của các họa sĩ xuất thân cùng trường với ông nhưng nổi tiếng hơn ông. Hội họa của họ không bình dân như hội họa của ông.
Nhưng chắc chắn có nhiều người nghĩ là ông vẽ đẹp. Và như thế là đủ rồi.
Nhớ lại tranh của ông, tôi thấy ông chắc phải yêu quê hương miền Nam lắm. Tranh của ông toàn là hình ảnh của miền Nam. Những phụ nữ của ông đẹp cũng rất miền Nam của những năm tháng đẹp nhất mà tôi đã được sống ở đó.
Trong internet, người ta hình như chỉ tìm được có một bức vẽ mầu của ông. Bức chân dung ấy không còn lành lặn, nhìn kỹ sẽ thấy những dấu vết nhầu nát như đã bị vo viên khiến khuôn mặt người phụ nữ bị sứt sát nhiều.
Bức in có thể đã được cứu thoát từ những trang báo cũ. Ông vẽ biết bao nhiêu bức mà nay, ở hải ngoại, chỉ còn một chút tội nghiệp ấy.
May mà người ta còn giữ được bức ảnh đen trắng chụp ông đang vẽ một phụ nữ trên giá vẽ. Tôi nghĩ bức ảnh đó phải đươc chụp hồi thập niên 60, vì người mẫu mặc chiếc áo dài có cái cổ cao của thời ấy.
Đã nửa thế kỷ. Người phụ nữ ngồi làm mẫu cho ông bây giờ ra sao. Còn ông nữa, họa sĩ Lê Trung, ông còn ở với chúng ta không, và nếu như thế, ông đang ở đâu.
Ở đây vẫn có người nhớ ông vô cùng.
Ngày 2 tháng 10 năm 2013
Bạn ta,
Người khác mà nói ra những chuyện này thì các sếnh sáng lại rít lên đùng đùng, nào là xúc phạm tới tình cảm, danh dự, nào là gây sứt mẻ cho tình bạn của nhân dân Trung quốc với các dân tộc trên thế giới.
Nhưng tập sách 64 trang với những lời khuyên nhắm vào các du khách Trung quốc khi du lịch sang các nước ngoài lại là của Văn phòng Du Lịch Quốc gia ấn hành. Tập sách với những căn dặn lưu ý các công dân khi ra ngoài nên hành xử ra sao để những chuyến du lịch là những chuyến đi "văn minh", tránh để người nước ngoài mất đi những cảm tình với người Trung quốc.
Căn dặn, khuyên bảo mà phải dùng tới 64 trang thì những điều căn dặn đó phải nhiều lắm.
Đọc cuốn Người Trung Quốc Xấu Xí của ông Bá Dương viết về đồng bào của ông, người ta đã thấy người Hoa quả là có nhiều điều phải sửa đổi trong cách sống hàng ngày của họ. Thí dụ cái tính ăn người, bất lịch sự, kém văn minh, thô tục, lỗ mãng, ào ào ở những nơi công cộng hóa ra chỉ là phần nhỏ. Bề gì thì cũng người Hoa với nhau, có không văn minh với nhau thì cũng là trong nhà với nhau, chịu khó ngửi nhau tiếp cũng chẳng sao. Nhưng đem bằng ấy thứ chuông ra nước ngoài mà đánh thì kỳ chết.
Bởi thế nên mới có cuốn sách dầy 64 trang dậy bảo người dân Trung quốc sống cho lịch sự, văn minh.
Du khách từ Hoa lục đã làm tởn hồn người dân ở nhiều nơi. Ở Thái, ở Singapore, ở Philippines, ở Nhật người dân địa phương, tuy cũng là Á châu với nhau, cũng phải khiếp các du khách nói tiếng Hoa, mặc dù các du khách này mang tiền đến tiêu.
Ở Âu châu thì mối kinh hoàng do các du khách người Hoa mang đến còn khủng khiếp hơn nhiều. Một khách sạn ở Paris đã nói thẳng là không tiếp các du khách người Hoa. Các nước Đức, Thụy Sĩ, Hà Lan cũng rất sợ du khách Hoa lục.
Họ sợ những gì mà ghê thế? Theo tập chỉ nam dầy 64 trang ấy thì các du khách từ Hoa lục đến đã làm những chuyện sau đây khiến dân địa phương rất kinh hãi. Móc mũi chẳng hạn. Cứ hồn nhiên vừa đi vừa cậy dỉ mũi, khạc nhổ, phun đờm rãi ở khắp nơi, quăng rác bất cứ nơi nào, ở công viên, đường phố, viện bảo tàng Louvre cũng không tha phải dựng bảng cảnh cáo. Vào bể bơi, trước khi leo ra thì tiểu tiện một cái, ngồi tầu bay thì ăn cắp cả cái áo phao cấp cứu mang về. Chưa hết, đứng bên cạnh bảng cấm hút thuốc thì vẫn cứ làm cái đầu tầu nhả khói um một góc, nói chuyện với nhau thì hào phóng cho cả một góc phố nghe chung.
Tập tài liệu còn căn dặn là ở Đức, hành động búng tay chỉ để gọi chó , ở Nhật thì đừng sửa tóc, áo quần trong tiệm ăn… Cũng trong tập tài liệu, các du khách còn được căn dặn là phải cắt tỉa lông mũi cho gọn, không dùng tay móc răng sau khi ăn, xỉa răng phải cho kín đáo.
Cả việc dùng phòng vệ sinh cũng được căn dặn kỹ như đừng tử thủ quá lâu khiến người bên ngoài đau khổ. Không nên ngồi chồm hổm, dùng xong thì nhớ giật nước, đừng để lại vết giầy trên bệ cầu.
Tại một tiệm ăn ở Hương Cảng, khách khứa được một phen kinh hoàng khi thấy một du khách Hoa lục cho con đái vào một cái chai ngay tại bàn ăn. Mấy tháng trước, một thiếu niên đã dùng một vật nhọn khắc vào một bức phù điêu ở một ngôi đền cổ có từ hơn 3 ngàn năm ở Luxor thuộc Ai Cập.
Tập chỉ nam nên được dịch sang tiếng Việt như nhiều cuốn sách bố lếu bố láo mua ở Trung quốc được dịch sang Việt ngữ để dậy cho các em bé Việt Nam. Nên thêm vào cuốn sách dịch ấy vài ba điều khác. Thí dụ nói với nhau thì nói nhỏ thôi, đừng có người Việt hồn nhiên oang oang cái mồm lên bằng tiếng Việt. Cần gì thì nói tử tế, đừng dùng tay đập đập vào tay người ta. Khách lên tiếng thì không ngắt lời để đòi đóng cái cửa đằng sau lưng lại chẳng hạn. Nên học và tập kỹ để gọi tên khách ngoại quốc cho đúng.
Dịch xong, đem in và ấn vào tay mấy đứa như Ba Ếch, Trọng Lú, Triết Khùng … cho chúng nó biết cách hành xử khi ra nước ngoài kẻo mà xấu mặt cả nước, báo chí có phét lác mấy cũng không tẩy rửa được những trò vô học, bất lịch sự, phản ngoài giao của chúng được.