Monday, 30 December 2013

Mặt Trận Tin Học - Trần Khải

 ©  Flickr.com

Chuyện cơ quan tình báo NSA của Mỹ do thám ồn ào như dường bất tận. Có vẻ như người ta ưa chất vấn Mỹ về những chuyện mà Trung Quốc đã thực hiện từ lâu trong những kiểu rất là thô bạo.

Vì sự thật là, nhà nước Trung Quốc đã xuất trận trong cuộc chiến tin học từ lâu, và có khi rất tục tĩu.

Công ty nhu liệu FireEye tuần qua đã loan tin rằng tin tặc Trung Quốc đã xâm nhập các máy chủ của nhiều Bộ Ngoại Giao Châu Âu, sử dụng một trong những độc chiêu rất là xưa cũ: đó là hình cởi truồng. Và đột nhập kiểu này là từ năm 2010.

Cho dù công ty FireEye nêu đích danh cụ thể các quốc gia bị đột nhập, nhật báo The New York Times nói rõ đó là Bulgaria, Cộng Hòa Czech, Hungary, Latvia, và Bồ Đào Nha là nạn nhân của đột kích kiểu này.

Không có chính phủ nào bình luận về bản tin của báo New York Times, vì câu chuyện nghe y hệt như “không sạch sẽ” tí nào.

Đơn giản vì những kẻ tấn công đã gửi cho các nhà ngoại giao Châu Âu những email với một link nói rõ rằng xin mời vào xem hình khỏa thân của Carla Bruni-Sarkozy, vợ của cựu Tổng Thống Pháp Nicolas Sarkozy.

Thế là có một số nhà ngoaị giao vào xem vì “tò mò” và liền bị mã độc xâm nhập vào máy tính.

Thế rồi một đợt tấn công thứ nhì, là các emails có ghi rõ là “các lựa chọn quân sự của Mỹ tại Syria...” Thế là thêm một số nhà ngoaị giao nghiêm túc khác dính chấu, khi vào đọc các hồ sơ dòm này liền bị mã độc Bắc Kinh gài xuống máy.

Nghĩa là, dâm đãng cũng chết, mà nghiêm túc cũng không thọ.

Đó là chuyện Châu Âu.

Còn tại Việt Nam lại tinh vi hơn: không có mã độc vi tính, nhưng lại gài mã độc lịch sử: in hình bản đồ Hoàng Sa của Tàu vaò trí nhớ học sinh Việt. Chuyện này bực bội tới mức, Báo Đất Việt hôm 26-12-2013 chất vấn qua bản tin tựa đề “Phần mềm đường lưỡi bò: Gỡ được ngay, sao không gỡ?”

Bản tin viết:

“Trước sự việc một số trường THCS đang sử dụng phần mềm tin học có hình ảnh đường lưỡi bò, Bộ GD-ĐT và công ty trực tiếp giới thiệu phần mềm vẫn đang quanh co hai chữ "trách nhiệm".

Bộ Giáo dục không nhận được báo cáo

Lý giải về sự việc đường lưỡi bò trong phần mềm Earth Explorer được công ty mình rao bán, ông Bùi Việt Hà, Giám Đốc Công ty Công nghệ Tin học nhà trường (School@net), đơn vị giới thiệu phần mềm này, khẳng định đã biết trước về vấn đề này và cho rằng không ai để ý.

Bên cạnh đó, ông cho biết, đến năm 2007, phần mềm này chính thức được đưa vào giảng dạy. Tuy nhiên, mãi đến năm 2012 thì phát hiện có đường kẻ vàng mô tả “đường lưỡi bò”.

Ông chia sẻ thêm: "Sau đó, chúng tôi đã báo cáo Bộ GD-ĐT để sửa đổi nhưng bộ cứ họp hành mãi nên năm 2013 mới tiến hành sửa để in mới vào năm 2014".

Thế nhưng, phản đối việc Công ty công nghệ tin học Nhà trường nói đã báo cáo Bộ GD-ĐT, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học lên tiếng: "Công ty công nghệ tin học Nhà trường gửi văn bản cho ai để báo cáo chuyện phát hiện có đường lưỡi bò, ngay bản thân chúng tôi chưa nghe đến bao giờ".

Cho đến hiện tại, khi phát hiện ra, Bộ GD-ĐT đã gỡ bỏ tài liệu bài đó và thay bằng bài khác, nhưng theo ông Chuẩn, việc thay đổi cần có quy trình, không thể trong một ngày thay đổi được...” (hết trích)

Than ôi, Bộ cứ họp mãi, chẳng lo chuyện Giáo dục trẻ em... Thế mới hỏng. Nhưng đây là kinh nghiệm vàng, vì phải xảy ra như thế để biết rằng chiến tranh mạng đã phát khởi rồi vậy.

Bây giờ bàn tới chuyện phần mềm TQ gài vào máy tính chính phủ Nhật Bản.

Bản tin NHK hôm 26-12-2013 có tưạ đề “Nhật Bản kêu gọi không dùng phần mềm của Baidu” đã viết như sau:

“Chính phủ Nhật Bản kêu gọi các bộ, các trường đại học và các cơ quan nhà nước khác, không nên sử dụng phần mềm tiếng Nhật của công ty internet Trung Quốc Baidu.

Hôm nay, 26/12, các viên chức của Văn phòng Nội các và Bộ Giáo dục đưa ra lời kêu gọi này, sau khi phần mềm Baidu IME bị phát hiện là đã gửi toàn bộ dữ liệu của người sử dụng vào máy chủ của công ty này.

Mã nhận dạng được gửi cùng với việc cài đặt. Và việc truyền tải này được thực hiện mà người sử dụng không biết.

Các viên chức cảnh báo rằng, việc sử dụng phần mềm của Baidu có thể bị lộ tin mật.

Sáng nay, ông Suga Yoshihide, Chánh Văn phòng Nội các nói rằng, chính phủ sẽ tăng cường các biện pháp, để bảo đảm không có viên chức nào sử dụng phần mềm Baidu trong văn phòng.

Ông Suga cho biết, mặc dù chính phủ đã có lệnh cấm, nhưng phần mềm này vẫn được cài đặt tại 5 máy tính của Bộ Ngoại giao.

Phần mềm Baidu IME được sử dụng miễn phí trên internet. Phần mềm này cũng được cài đặt trước trong 1 số máy tính.”(hết trích)

Nhật báo Yomiuri Shimbun giaỉ thích về nhu liệu này là Baidu chuyên theo dõi các phím gõ. Nghĩa là, khi bạn gõ chữ “Việt Nam triều cống Tàu...” thì trên một màn hình thật xa tại Hoa Lục cũng hiện lên hàng chữ “Việt Nam triều cống Tàu...”

Thế là Nhật Bản nổi giận, liền cảnh báo 140 cơ quan cấp Bộ, Sở, các đaị học và các viện nghiên cứu ngưng tức khắc việc sử dụng nhu liệu gõ chữ Baidu...

Thế là Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo làm một việc mà nhà nước Bắc Kinh nổi giận: tới thăm viếng đền Yasukuni nơi thờ tất cả những người đã ngã xuống trên chiến trường trong đó có các tướng lãnh Nhật Bản từng cai trị Trung Quốc thời Nhật chiếm đóng TQ...

Có phải đó là cách chọc giận khi khám phá ra mã độc TQ đã cài đặt vào hàng loạt máy tính Nhật Bản?

Cuộc chiến này cần cảnh giác vậy. Câu hỏi bây giờ là, có bao nhiêu maý tính trong các cơ quan chính phủ Việt Nam đã bị dính mã độc Hoa Lục?

Bản đồ chủ quyền: Báo Trung Quốc khai thác  trong giáo dục của Việt Nam
Bản đồ yêu sách lãnh hải tại biển Đông, trong đó có yêu sách của Trung Quốc mang tên gọi
Bản đồ yêu sách lãnh hải tại biển Đông, trong đó có yêu sách của Trung Quốc mang tên gọi "đường lưỡi bò", hay hình chữ U. eia.doe.gov


Từ một tuần lễ nay, dư luận báo chí tại Việt Nam đã sôi nổi hẳn lên sau phát hiện của báo Thanh Niên, theo đó, Bộ Giáo Dục Việt Nam, từ năm 2007, đã bắt học sinh phải sử dụng một phần mềm tin học bản đồ công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Sau khi vụ việc bùng lên, Bộ Giáo dục Việt Nam đã ra lệnh cấm, nhưng vụ này đã lập tức bị báo Trung Quốc khai thác để nhấn mạnh rằng Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền Trung Quốc tại Biển Đông.

Trong một bản tin công bố vào hôm nay, 29/12/2013, ấn bản trên mạng của tờ báo Đài Loan Want China Times đã loan tin về quyết định của chính quyền Việt Nam, yêu cầu trường học trên toàn quốc đình chỉ việc dùng một tấm bản đồ điện tử, theo đó, Biển Đông và các quần đảo trong vùng thuộc chủ quyền Trung Quốc. 

Tờ báo Đài Loan đã trích dẫn một bản tin ngày 27/12 trên tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc cho biết là Bộ Giáo dục Việt Nam đã ban hành lệnh cấm nói trên vào ngày 24/12, yêu cầu các trường trung học không được sử dụng phần mềm tin học bản đồ đó trong chương trình địa lý.
 
Tuy nhiên, nhân sự kiện diễn ra tại Việt Nam, tờ Hoàn cầu Thời báo đã khẳng định rằng chính Việt Nam đã công nhận là vùng Biển Đông thuộc chủ quyền Trung Quốc trước năm 1975, vì vào năm 1974, bản đồ và sách vở tại Việt Nam, trong phần giới thiệu về Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đều nói rằng các hòn đảo ở Biển Đông đã tạo thành một bức tường lớn bảo vệ lục địa Trung Quốc. 

Cũng theo Hoàn cầu Thời báo, từ năm 1975, Việt Nam thay đổi quan điểm và bắt đầu đòi chủ quyền trên một phần của Biển Đông, và cho quân đội chiếm đóng một số đảo. 
Tờ báo dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc như vậy là đã khéo lợi dụng một kẽ hở tại Việt Nam để quảng bá cho các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với vùng Biển Đông và đặc biệt là hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. 

Vấn đề là ngay tại Việt Nam, nhận thức về nhu cầu quảng bá và giáo dục nhận thức về chủ quyền biển đảo vẫn chưa cao, và vụ phần mềm tin học bản đồ lần này nằm trong một chuỗi những vụ tương tự, như bản đồ in trên giấy, bản đồ trên các quả địa cầu thể hiện lập trường Trung Quốc về Biển Đông đã từng được lưu hành tự do trên thị trường Việt Nam. 

Tuy vậy, vụ việc lần này được cho là nghiêm trọng hơn vì phần mềm tin học xác định chủ quyền của Trung Quốc bên trong đường lưỡi bò ở Biển Đông lại được giảng dạy chính thức trong trường học, trong chương trình tin học và địa lý của lớp 7, và từ năm 2007 đến nay. 

Theo các nguồn tin báo chí trong nước, phần mềm đó mang tên là Earth Explorer, do Trung Quốc sản xuất và được Bộ Giáo dục Việt Nam cho nhập và đưa vào bắt buộc sử dụng trong nhà trường. 

Về phần mềm này, báo Người Lao Động ở Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận : « Trong chương trình tin học lớp 7, bài học Học địa lý thế giới với Earth Explorer, học sinh vừa mở phần mềm Earth Explorer, vừa quan sát, vừa làm bài tập theo yêu cầu. Điều lạ là cũng trong phần mềm này, khi học sinh thao tác xem đường biên giới các nước, hình ảnh “đường lưỡi bò” cũng hiện ra rõ nét… 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn bộ hệ thống các trường trung học cơ sở đều dạy tin học theo quyển sách này từ năm 2007. Thông tin từ các giáo viên tin học một số trường trung học cơ sở ở quận 5, quận Tân Bình, quận 3 (Thành phố Hồ Chí Minh) và một số chuyên viên công nghệ thông tin các phòng giáo dục đều xác nhận có “đường lưỡi bò” trong phần mềm ». 

Sau khi vụ việc bị tiết lộ, ngày 24/12 vừa qua, Bộ Giáo dục Việt Nam đã ra lệnh cấm dùng phần mềm này, và yêu cầu nhà xuất bản sửa đổi các sai sót. 

Các quyết định trên được cho là hợp lý, nhưng vấn đề đặt ra là giới chức chịu trách nhiệm cho lưu hành các tài liệu sai lạc kể trên đã có nhận thức ra sao về vấn đề chủ quyền biển đảo của Việt Nam vì tranh chấp với Trung Quốc trong hồ sơ Biển Đông đã xẩy ra từ lâu. 
Dẫu sao thì trên mặt trận thông tin, tuyên truyền, sơ suất từ phía Việt Nam đã nhanh chóng bị Trung Quốc khai thác. Bài báo trên tờ Hoàn cầu Thời báo hôm 27/12/2013 là một ví dụ điển hình.