Monday 16 December 2013

Tàu Trung Quốc lao vào tàu Mỹ: trả đũa B-52 vào ADIZ?

 Một tàu chiến TQ đã lao thẳng khiến tuần dương hạm Mỹ phải bẻ lái dù đang hoạt động trên vùng biển quốc tế. Phải chăng hành động này có những toan tính riêng từ phía Trung Quốc?

Một hành động nguy hiểm
 
Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ngày 13/12 thông báo, hồi tuần trước tàu tuần dương trang bị tên lửa dẫn đường USS Cowpens hoạt động ở vùng biển quốc tế thuộc Biển Đông đã buộc phải bẻ tay lái đột ngột để tránh va quệt khi một tàu của Hải quân Trung Quốc cứ tiến thẳng lúc chỉ còn cách tàu Mỹ khoảng hơn 500 mét.
 
Theo giới chức quốc phòng Mỹ, tàu tên lửa USS Cowpens của họ đang thực hiện nhiệm vụ giám sát tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc ở vùng lãnh hải quốc tế thì các tàu chiến của Trung Quốc ra lệnh cho tàu Mỹ không được đi tiếp.
 
Tuy nhiên, tàu USS Cowpens đã kiên quyết từ chối không theo lệnh của phía Trung Quốc bởi tàu của Mỹ đang hoạt động ở khu vực hoàn toàn là vùng lãnh hải quốc tế. 
 
Một quan chức quân sự khác cho biết tàu Mỹ đã phát tín hiệu "tất cả dừng" nhưng tàu Trung Quốc đã phớt lờ, và đáp trả bằng cách lao thẳng vào USS Cowpens. Quan chức quân sự Mỹ cho biết, nếu không bẻ lái kịp thời đã có những sự va chạm đáng tiếc và có thể đưa sự việc leo thang ngoài tưởng tượng.
 
Tuần dương hạm USS Cowpens trong đội hình tác chiến. Được biết, đây là một chiến hạm giàu kinh nghiệm trận mạc, đã từng bắn gần 40 tên lửa Tomahawk trong cuộc chiến tranh Iraq
Tuần dương hạm USS Cowpens trong đội hình tác chiến. Được biết, đây là một chiến hạm giàu kinh nghiệm trận mạc, đã từng bắn gần 40 tên lửa Tomahawk trong cuộc chiến tranh Iraq
 
Vô tình hay hữu ý?
 
"Vụ việc này nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo các tiêu chuẩn chuyên môn, chuyên nghiệp cao nhất, bao gồm cả việc thông tin liên lạc giữa các tàu, để giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố ngoài ý muốn", một quan chức Mỹ cho biết.
 
Tuy nhiên, đây có phải là một hành động vô tình do liên lạc giữa các thiết bị hay là cố tình không hiểu, không “tất cả dừng” như tàu Mỹ đã phát tín hiệu?
 
Việc Trung Quốc phát tín hiệu cảnh báo buộc tàu Mỹ phải dừng lại và đã có những cuộc trao đổi qua lại giữa hai tàu về việc đây là vùng biển quốc tế cho thấy cả hai phía đều nhận được tín hiệu của nhau. Tuy nhiên, trong hành động này, Trung Quốc đã xử rắn hơn hẳn những lần trước.
 
Đây cũng là động thái đầu tiên chứng tỏ sự đối đầu trực tiếp giữa hai cường quốc này trong vấn đề Biển Đông.
 
Trong việc này, không riêng gì Trung Quốc có toan tính mà Mỹ cũng có dụng ý riêng. Mỹ rất hiểu tàu chiến của mình đang hoạt động trong vùng mà Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố chủ quyền, nhưng Mỹ dương lên lá cờ vùng tự do hàng hải theo quy định của luật pháp quốc tế.
 
Đường chín đoạn (đường lưỡi bò) phi lỹ, phi pháp  mà Trung Quốc đơn phương áp đặt ở Biển Đông
Đường chín đoạn (đường lưỡi bò) phi lỹ, phi pháp mà Trung Quốc đơn phương áp đặt ở Biển Đông
 
Màn trả đũa vụ B-52 vào ADIZ Hoa Đông?
 
Vì sao Trung Quốc phải lựa chọn mạo hiểm như vậy? Không kể những toan tính thiệt hơn về đường chín đoạn tại Biển Đông thì Trung Quốc cũng không hề muốn có thêm một sự giễu cợt nào từ nước Mỹ sau vụ 2 máy bay B-52 dạo chơi trong vùng nhận diện phòng không (ADIZ) Trung Quốc lập ở Hoa Đông.
 
Trước đó, ngày 23/11, Trung Quốc đã đơn phương lập vùng nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông, bao gồm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (Nhật Bản đang tuyên bố chủ quyền) và một đảo của Hàn Quốc. Tuy nhiên, chỉ sau đó 2 ngày, Mỹ đã đưa hai pháo đài bay B-52 vào vùng ADIZ này.
 
Hai chiếc máy bay B-52, niềm tự hào của quân đội Mỹ nhưng của 50 năm trước đã cho Trung Quốc một phen xấu hổ. Hoặc radar Trung Quốc không phát hiện được hai chiến binh già nua này, hoặc Trung Quốc biết mà không dám chặn. Dù hiểu theo cách nào, Trung Quốc cũng nhận về điều tiếng không đủ sức mạnh để bảo vệ chính cái mình vừa lập nên.
 
Đó là biển Hoa Đông, còn đây là Biển Đông, Trung Quốc nếu không cương quyết với lần này, thì uy danh của cường quốc thứ hai thế giới sẽ tan thành mây khói. Do đó, buộc Trung Quốc phải liều mình làm theo cách “đường ta ta cứ đi”.
 
Để vớt vát lại thể diện, Trung Quốc buộc phải chấp nhận mạo hiểm. Việc chiếc tuần dương hạm của Mỹ né tàu chiến Trung Quốc, có lẽ người vui mừng và thở phào nhẹ nhõm nhất chính là Bắc Kinh.