Monday, 16 December 2013

Tiếng Việt thời nay: nên cười hay nên khóc?

    Một buổi tối cuối năm đi dạo một vòng trên net, tôi vô tình sưu tầm được một số hình ảnh mà những người đăng lên cho là ảnh vui cười. Mới xem thì đúng là nhịn cười không nổi, bà xã tôi đang nằm ngủ giật mình la lên tưởng rằng tôi phát khùng giữa đêm khuya. Nhưng một lúc sau, suy nghĩ kỹ thì tôi cười hết nổi rồi. Có nên cười hay nên khóc ?. Cười vì sự dốt nát, ẩu tả của tác giả các bảng quảng cáo, bảng hiệu, bài báo trên hay khóc cho Tiếng Việt của người Việt thời nay ?

 
Theo tôi thì việc này nó có nhiều nguyên nhân sâu xa liên quan giữa người viết và người đọc, từ cách sống, cách nghĩ và mối quan hệ trong xã hội của người Việt chúng ta .
Cách sống và cách suy nghĩ hiện nay : viết chữ theo phát âm, nói sao thì viết vậy, không cần biết đúng hay sai. Viết chữ không cần biết đến chính tả và văn phạm chỉ cần người ta hiểu là được rồi. Đó là hậu quả của mấy chục năm trước, cách dùng chữ của chính các cơ quan nhà nước ta, lúc đó ai dám lên tiếng sửa sai. Một loạt các “ Cửa hàng thịt tươi sống Phụ Nữ “, “ Cửa hàng chất đốt Thanh Niên “, “ Cửa hàng May đo Thiếu nhi “ tràn ngập cả nước. Dân ta thì khi đó chỉ cần đến đó sắp hàng mua được là mừng rồi, ai cần quan tâm đến thịt của phụ nữ hay của thanh niên, ai quan tâm đến cửa hàng không đo mà may được.

 
- Trong cuộc sống, chúng ta làm gì cũng phải tuân theo  luật, chính tả và văn phạm cũng là luật cho người viết chữ. Dân ta bây giờ không cần biết luật gì, cứ nghĩ sao là làm vậy. Đi đường có kẹt xe một chút là lấn sang lề trái, leo lên vĩa hè miễn sao có đường chạy là được rồi. Viết chữ cần gì theo luật, viết ra chữ là có trình độ rồi.
 

 
DienDan/Dd_Vanhoa/TiengVietNN/TVnn_03.jpg
    Mưa lâu thấm dần, người dân lâu ngày cũng bị lây nhiểm theo. Người dân bây giờ là lớp con cháu của mấy chục năm trước nên làm sao ta trách họ được.

 
- Mối quan hệ xã hội : đến bây giờ mà vẫn còn nhan nhản những bảng hiệu sai của nhà nước thì làm sao không ảnh hưởng đến người dân được, nhất là các em mới bắt đầu học chữ. Cũng từ các bác, các chú cán bộ ta sử dụng từ lộn xộn, hiểu sao viết vậy, tự sáng tạo, tự ghép chữ mà ra. Thận chí có phóng viên tự đặt từ ngữ mới hoặc khi viết bài bí quá ghép đại chữ nào cho người đọc hiểu là được rồi. Từ lâm tặc, hải tặc rồi sáng tạo ra nghêu tặc, cát tặc….Ăn cướp thì gọi là cướp, cần gì phải ghép nửa Việt, nửa Hán đọc nghe kỳ cục. Xã hội lộn xộn, không biết nhà báo ta có thấy nhiều cướp quá mà không biết đặt tên, tôi xin dự báo trước giúp các nhà báo ta : tôm tặc, đất tặc, tiền tặc, vàng tặc, đô tặc, nhà tặc, xe tặc và  cả hoa tặc ở Hà Nội nữa . Ban giải tỏa quy hoạch có quy định lộ giớithì lại sáng tạo ra bảng để hẻm giới, trời ! thật là dễ hiểu và đơn giản quá phải không các bạn.

 
- Các cơ quan truyền thông cũng ảnh hưởng đến người dân không nhỏ : đài truyền hình muốn đọc theo kiểu gì là quyền của họ, miễn sao có người hiểu là được . Có lúc là hát – tê – vê, có lúc là đờ - cờ - sờ, có lúc phát âm chữ Anh theo kiểu Việt, có lúc đọc chữ Việt theo kiểu Anh. Bây giờ không ai phân biệt được giữa văn nói và văn viết. Nói sao viết vậy, người đọc hiểu đúng, đừng hiểu bậy là được rồi.

 
Nguyên nhân kế tiếp cũng từ chế độ tuyển dụng của nhà nước ta, thực tế người tài, có học, học giỏi thì không ai muốn làm trong các cơ quan vì đụng chạm đến bè phái tùm lum. Muốn vào làm trong các cơ quan thì một là phải có lý lịch này nọ,người thân, quen còn không thì phải có tiền. Mục tiêu họ vào cơ quan làm việc là tìm chỗ ấm nương thân chứ không phải vì yêu thích công việc. Lãnh đạo cơ quan thì trình độ không bằng nhân viên, viết sai thì ai dám nói và thực tế là quan dốt mà lính cũng dốt thì ai biết chỗ nào sai để sửa.

 
    Sách giáo khoa mà còn sai, điều chỉnh liên tục thì tránh sao những người dân thường viết không bị sai. Tôi xin đoán ( không biết có phạm tội bôi bác không?), những vị soạn sách giáo khoa sẽ không cho con cháu mình học sách do mình soạn, thì tốt nhất là lo cho chúng đi nước ngoài học chắc ăn. Phải chi có thống kê xem thử trong số du học sinh VN có bao nhiêu phần trăm con ông cháu cha đi học nước ngoài. Theo tôi đoán số này sẽ làm ta giật mình.
- Cả nước không thống nhất về cách sử dụng từ ngữ Tiếng Việt, không cơ quan nào chịu trách nhiệm, tài sản vô giá của dân tộc không ai bảo vệ thì làm sao gìn giữ lâu dài được. Rồi còn rắc rối về việc sử dụng tiếng Việt ở địa phương nữa, người Bắc nói và viết theo kiểu người Bắc, người Nam nói và viết theo kiểu người Nam , đưa lên báo, đài thì người đọc, người nghe tự hiểu lấy.

 
- Còn nguyên nhân là thói vô trách nhiệm, làm lấy có của các quan ta nữa. Thử hỏi trình tự làm một bảng thông báo, một ấn bản thì phải qua mấy giai đoạn : dự trù chi phí, trình duyệt mẫu chữ, nội dung, nghiệm thu, đưa ra chỗ công cộng ( gắn , treo, dán, phát hành…). Quá trình này qua biết bao nhiêu người mà không phát hiện chỗ sai. Nguyên nhân là quan ta không đi đâu kiểm tra, chỉ cần ký hợp đồng giao cho tay nào thầu, hoa hồng đầy đủ, giao lính đi xem có treo, gắn bảng là được rồi. Quan bất cần hiệu quả của bảng thông báo, ấn phẩm có kết quả thế nào. Cuối cùng chỉ là người dân phát hiện mà thôi. Còn quan có bị bắt lỗi thì quan nói đó là lỗi của thằng đánh máy, thế là xong.

 
    Càng nghĩ, tôi càng nhức đầu, Tiếng Việt chúng ta muốn được người Việt sử dụng đúng thì phải cần cả xã hội quan tâm và cần các guồng máy nhà nước thúc đẩy, điều chỉnh cách làm, cách nghĩ của cán bộ, quan chức trước tiên trong một thời gian dài. Có rất nhiều bài của những nhà báo, học giả nổi tiếng viết về vấn đề này rất sâu sắc nhưng tôi cảm thấy rất khó để mà sửa chữa nếu toàn xã hội không đồng lòng điều chỉnh lại sai lầm. Con em chúng ta vẫn tiếp tục sử dụng Tiếng Việt sai chính tả , sai văn phạm dài dài trong vài chục năm nữa. Coi chừng mai sau này chữ Tiếng Việt sẽ được con cháu ta viết và đọc thành chữ Tiếng Vịt hay Tiếng Vẹt, khi đó chắc nhà văn, nhà báo, nhà giáo chạy hết quá.