**************************************************************************************************************************************
Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế
Cơ quan Thông tin và Phát ngôn của Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
B.P. 60063 - 94472 Boissy Saint Léger cedex (France) - Tel.: (Paris) (331) 45 98 30 85
Fax : Paris (331) 45 98 32 61 - E-mail : pttpgqt@gmail.com
Web : http://www.queme.net - Facebook: https://www.facebook.com/queme.net
**************************************************************************************************************************************
Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế
Cơ quan Thông tin và Phát ngôn của Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
B.P. 60063 - 94472 Boissy Saint Léger cedex (France) - Tel.: (Paris) (331) 45 98 30 85
Fax : Paris (331) 45 98 32 61 - E-mail : pttpgqt@gmail.com
Web : http://www.queme.net - Facebook: https://www.facebook.com/queme.net
**************************************************************************************************************************************
THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÀM TẠI PARIS NGÀY 9.12.2013
Giáo chỉ của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ chấm dứt chức vụ Viện trưởng Viện Hóa Đạo của HT Thích Viên Định và Chủ tịch Văn Phòng II Viện Hóa Đạo của HT Thích Viên Lý
PARIS, ngày 9.12.2013 (PTTPGQT) - Viện Tăng Thống ở Saigon vừa gửi sang Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế để phổ biến Giáo chỉ do Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ ký tại Thanh Minh Thiền Viện ngày 9.12.2013.
Giáo chỉ này chấm dứt chức vụ Viện trưởng Viện Hóa Đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) của Hòa thượng Thích Viên Định, cùng lúc chấm dứt chức vụ Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo và Chủ tịch Văn phòng II Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN, của Hòa thượng Thích Viên Lý.
Đồng thời thỉnh cử Hòa thượng Thích Như Đạt, Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo, lên ngôi vị Quyền Viện trưởng Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN, và Hòa thượng Thích Trí Lãng, Phó Chủ tịch Văn Phòng II Viện Hóa Đạo lên ngôi vị Quyền Chủ tịch Văn phòng II Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN.
Quyết định trên đây của Đức Tăng Thống có hiệu lực kể từ ngày hôm nay, 9.12.2013, ngày ban hành Giáo chỉ.
Sau đây là toàn văn Giáo chỉ ban hành ngày 9.12.2013 :
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN TĂNG THỐNG
| ||
90 Trần Huy Liệu, Phường 15, Quận Phú Nhuận, TP Saigon
| ||
Phật lịch 2557
|
Số : 10/VTT/GC/TT
| |
GIÁO CHỈ
------------------------
ĐỆ NGŨ TĂNG THỐNG
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
- Căn cứ Điều Thứ 11, Chương Thứ Tư của Hiến Chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, ban hành ngày 4 tháng 1 năm 1964, được tu chỉnh lần sau cùng ngày 12 tháng 11 năm 2011 ;
- Căn cứ Điều 5, Chương II của Qui Chế Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương đã được ban hành năm Quý Sửu, Phật Lịch 2517, dương lịch 1973 ;
- Căn cứ vào tiến trình dân chủ hóa Đất Nước và những diễn biến của Thế Giới cũng như trong Khu Vực, Giáo Hội cần có những đáp ứng kịp thời để đồng hành cùng Dân Tộc ;
- Căn cứ vào hiện tình của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
Xét rằng tại Quốc Nội :
- Trong thời gian gần đây, Hòa Thượng Thích Viên Định, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN, đã tự ý cùng vài người thân tín quyết định những vấn đề quan trọng của Giáo Hội mà không thông qua Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo cũng như không thỉnh thị ý kiến của Tăng Thống ;
- Hủy bỏ những phiên họp định kỳ, ra những Thông Bạch sai sự thật, vô hiệu hóa Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế, là tiếng nói chính thức của Giáo Hội trong Pháp nạn hiện nay ;
- Đã khâm tuân việc tẫn xuất Hòa Thượng Chánh Lạc nhưng lại làm văn bản minh xác chức vụ Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo và Thành Viên Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương cho vị Tăng phạm trọng giới nầy. Đồng thời đề nghị Tăng Thống cùng ký vào văn bản, đó là việc xưa nay chưa từng có.
Những sự kiện nêu trên vừa vi phạm Hiến Chương và Truyền Thống của GHPGVNTN, sẽ đưa đến nạn độc tài, phe phái, để khuynh loát Giáo Hội trong hiện tại và tương lai.
Xét rằng tại Hải Ngoại :
- Kể từ khi được bổ nhiệm Chủ Tịch Văn Phòng II Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN, Hòa Thượng Thích Viên Lý đã đi ngược lại Đường Hướng của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, mà cụ thể nhất là việc mời Tu Sĩ thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam lên đài truyền hình IBC của Hòa thượng thuyết giảng, mời tham dự Đại Hội Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ và cố tình đề cử Tu Sĩ nầy vào hàng ngũ lãnh đạo của Giáo Hội, nhưng đã bị các thành viên của Văn Phòng II Viện Hóa Đạo phản đối.
- Hành động trên đây của Hòa Thượng Chủ Tịch Văn Phòng II Viện Hóa Đạo là biểu hiện sự cấu kết với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam trong chiều hướng hòa hợp, hòa giải với chế độ Cộng Sản hiện nay.
NAY BAN HÀNH GIÁO CHỈ :
ĐIỀU I :
- Kể từ hôm nay, chấm dứt chức vụ Viện trưởng Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN, của Hòa Thượng Thích Viên Định ;
- Thỉnh cử Hòa Thượng Thích Như Đạt, Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo vào ngôi vị Quyền Viện Trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN.
ĐIỀU II :
Hòa Thượng Quyền Viện Trưởng Viện Hóa Đạo Thích Như Đạt có nhiệm vụ kiện toàn thành phần nhân sự Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo trong thời gian sớm nhất đệ trình Viện Tăng Thống tấn phong.
ĐIỀU III :
- Kể từ hôm nay, chấm dứt chức vụ Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN, và Chủ Tịch Văn phòng II Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN, của Hòa Thượng Thích Viên Lý ;
- Hòa Thượng Thích Trí Lãng, Phó Chủ Tịch Văn Phòng II Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN, được thỉnh cử vào ngôi vị Quyền Chủ Tịch Văn Phòng II Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN.
ĐIỀU IV :
Hòa Thượng Quyền Chủ Tịch Văn phòng II Viện Hóa Đạo Thích Trí Lãng có nhiệm vụ kiện toàn thành phần nhân sự Văn Phòng II Viện Hóa Đạo trong thời gian sớm nhất đệ trình Viện Hóa Đạo, để Viện Hóa Đạo trình lên Viện Tăng Thống duyệt y.
ĐIỀU V :
Giáo Chỉ nầy có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Mọi Quyết Định trái với Giáo Chỉ nầy đều hủy bỏ.
ĐIỀU VI :
Chư Tôn Giáo Phẩm thuộc Hội Đồng Lưỡng Viện GHPGVNTN và các Đương Sự có tên trong Giáo Chỉ nầy chiếu nhiệm vụ thi hành.
ĐIỀU VII : Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế có nhiệm vụ phổ biến Giáo Chỉ nầy.
Phật Lịch 2557,
Thanh Minh Thiền Viện ngày 9 tháng 12 năm 2013
Đệ Ngũ Tăng Thống
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
(ấn ký)
Sa Môn THÍCH QUẢNG ĐỘ
Ghi chú của Viện Tăng Thống : Dù được lệnh Đức Tăng Thống, nhưng Văn phòng Viện Hóa Đạo không chịu giao nộp khuôn dấu nên phải dùng ấn tín riêng của Đức Tăng Thống cho Giáo chỉ này.
Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam
& Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam
B.P. 60063 - 94472 Boissy Saint Léger cedex (France) - Tel.: (Paris) (331) 45 98 30 85
Fax : Paris (331) 45 98 32 61 - E-mail : queme.democracy@gmail.com
Web : http://www.queme.net - Facebook: https://www.facebook.com/queme.net
*******************************************************************************************************************************************
THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÀM TẠI PARIS NGÀY 10.12.2013
Việt Nam : Ngày Quốc tế Nhân quyền và Tuyên ngôn Quốc tế Bảo vệ những Người đấu tranh cho Nhân quyền
PARIS, 10.12.2013 (Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam) – Hôm nay thế giới kỷ niệm Ngày Quốc tế Nhân quyền và 65 năm bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, thì tại Việt Nam các nhà hoạt động cho nhân quyền đang đối diện với hăm dọa, sách nhiễu, bắt giam chỉ vì nói lên các quyền cơ bản của họ. Từ cuối tuần vừa qua, đông đảo quần chúng và giới trẻ chào mừng Ngày Quốc tế Nhân quyền tại các tỉnh Saigon, Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng đã bị công an (quần chúng gọi là Côn an, tức bọn an ninh côn đồ thay vì an ninh công chúng) cùng với an ninh thường phục đã đàn áp và tấn công những bloggers và giới trẻ.
Giới trẻ chào mừng Ngày Quốc tế Nhân quyền tại Saigon - Hình Dân Làm Báo
|
Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam mạnh mẽ lên án cuộc đàn áp này của nhà cầm quyền Cộng sản. Ủy ban muốn nhắc nhở nhà cầm quyền Việt Nam rằng quyền thăng tiến nhân quyền là những hành động chính đáng - “Tuyên ngôn Về Quyền và Trách vụ của các cá nhân, đoàn thể và các cơ quan trong xã hội nhằm thăng tiến và bảo vệ các Quyền Con Người cũng như những Tự do căn bản được công nhận trên toàn thế giới” thường được biết như“Tuyên ngôn Quốc tế Bảo vệ những Người Đấu tranh cho Nhân quyền”.
Tuyên ngôn nói trên được thông qua năm 1998 tại Hội đồng Nhân quyền LHQ ở New York nhân kỷ niệm 50 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, là công trình vận động và chuẩn bị suốt 10 năm của tập thể các quốc gia và các xã hội dân sự. Tuyên ngôn định nghĩa quyền của mỗi con người không những được hưởng nhân quyền, mà còn phải dấn thân để bảo vệ quyền của những người khác. Tuyên ngôn còn định rõ vai trò và trách vụ của các Quốc gia và xã hội dân sự trong việc thiết lập các cơ chế an toàn để bảo vệ quyền này cũng như những người đấu tranh bảo vệ nhân quyền khiến họ yên tâm hoạt động mà chẳng phải sợ hãi bị đàn áp hay bị truy tố.
Để bảo đảm việc thực hiện Tuyên ngôn này, năm 2000 Liên Hiệp Quốc cho ra đời chức vụ Báo cáo viên đặc biệt về tình trạng những Người đấu tranh Bảo vệ Nhân quyền, mỗi ba năm thay đổi một lần. Công tác của Báo cáo viên đặc biệt là thu nhận những đơn kiện và thông tin về các Người đấu tranh bảo vệ nhân quyền, can thiệp với chính quyền quốc gia họ về những trường hợp này, rồi phúc trình cho Hội đồng Nhân quyền LHQ và Đại hội đồng LHQ để đến khảo sát tại quốc gia này. Năm 2012, trước những làn sóng đàn áp nghiêm trọng các người đấu tranh bảo vệ nhân quyền, Báo viên đặc biệt LHQ, chuyên gia pháp luật nước Uganda, bà Margaret Sekaggya, đã đề xuất đến thăm Việt Nam. Nhưng nhà cầm quyền Hà Nội từ chối. Trong cuộc báo cáo theo cơ chế Kiểm điểm Phổ cập Định kỳ (UPR, Universal Periodic Review) năm 2009, Việt Nam đã khước từ những khuyến thỉnh của Vương quốc Na Uy về tiến trình bảo vệ hữu hiệu hơn cho những người đấu tranh bảo vệ nhân quyền, là những người chỉ mong muốn tranh luận trên các vấn đề dân chủ đa nguyên và cải cách chính trị.
Để tái khẳng định các quyền của những người Việt Nam đấu tranh bảo vệ nhân quyền nhân Ngày Quốc tế Nhân quyền, Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam xin nhắc lại một số điều chủ yếu trong “Tuyên ngôn Quốc tế Bảo vệ những Người Đấu tranh cho Nhân quyền” :
“Điều 1 : Mỗi người, tự cá nhân mình hay liên hợp với những người khác, đều có quyền thăng tiến việc bảo vệ và thực hiện các quyền con người và các tự do căn bản trên bình diện quốc gia và quốc tế.
“Điều 5 : Nhằm thăng tiến và bảo vệ quyền con người và các tự do căn bản, mỗi người, tự cá nhân mình hay liên hợp với những người khác, đều có quyền trên bình diện quốc gia hay quốc tế : (a) Hội họp và tụ tập một cách thuần hòa ;(b) thành lập những tổ chức, những hội đoàn hay những nhóm phi chính phủ, gia nhập và tham dự vào những tổ chức, những hội đoàn, những nhóm phi chính phủ ấy ; (c) thông báo với những tổ chức phi chính phủ hay liên chính phủ.
“Điều 6 : Mỗi người, tự cá nhân mình hay liên hợp với những người khác, đều có quyền : (a) Lưu giữ, tìm kiếm, thu đạt, nhận và bảo quản những thông tin về tất cả các quyền con người và tất cả các tự do căn bản, nhất là được toàn quyền tiếp xúc với những thông tin liên quan đến cách ứng dụng các quyền và các tự do qua những hệ thống lập pháp, tư pháp hay hành chính quốc gia ; (b) Xuất bản, thông báo cho người khác hay phổ biến tự do mọi ý kiến, mọi thông tin và mọi kiến thức về các quyền con người và các tự do căn bản, y theo sự quy định của những văn bản quốc tế liên quan đến các quyền con người và những văn bản quốc tế khác có thể áp dụng ; (c) Nghiên cứu, thảo luận, đánh giá và lượng định sự tôn trọng, trên pháp lý cũng như trong thực hành, tất cả các quyền con người và tất cả các tự do căn bản, và làm cho công chúng chú ý đến vấn đề này bằng cách này hay mọi cách thích hợp khác.
“Điều 7 : Mỗi người, tự cá nhân mình hay liên hợp với những người khác, đều có quyền dự kiến những nguyên tắc mới và những ý kiến trong lĩnh vực nhân quyền, thảo luận về nhân quyền và làm thăng tiến sự hiểu biết về nhân quyền.
“Điều 8 : 1. Mỗi người, tự cá nhân mình hay liên hợp với những người khác và trên căn bản không phân biệt đối xử, đều có quyền tham gia hữu hiệu vào chính quyền nước họ và vào việc quản lý việc công. 2. Nhất là quyền này bao hàm quyền, tự cá nhân mình hay liên hợp với những người khác, đệ trình các cơ quan và các thiết chế quốc gia, cũng như các cơ cấu đảm lãnh việc công, những phê phán và những đề nghị nhằm cải thiện sự tiến hành các cơ quan này và báo hiệu về mọi mặt công tác của họ có nguy cơ gây trở ngại hay ngăn cản sự thăng tiến, bảo vệ và thực hiện nhân quyền cùng các tự do căn bản.
“Điều 9 : 2. …Mọi người khi bị vi phạm các quyền hay các tự do, đều có quyền khiếu nại, hoặc tự cá nhân họ hoặc qua trung gian của một người đại diện được luật pháp cho phép, và đòi cứu xét nhanh chóng đơn khiếu nại trước cử tọa công cộng của tòa án hay trước bất cứ cơ quan quyền lực được luật pháp thiết chế, cơ quan này phải độc lập, không thiên vị và có thẩm quyền, để cơ quan quyền lực ấy lấy quyết định chiếu theo luật pháp dự kiến cho việc sửa sai, kể cả việc bồi thường tổn hại, nếu đã thực tình vi phạm các quyền hay các tự do của họ, cũng như áp dụng không trì hoãn thái quá khi có quyết định và sự tuyên xử ; 3. Cùng với mục tiêu này, mọi người, tự cá nhân mình hay liên hợp với những người khác, đều có quyền nhất là : (a) Khiếu nại chính sách và hành động của các viên chức và các cơ quan Nhà nước đã vi phạm các quyền con người hay các tự do căn bản, bằng cách gửi kiến nghị hoặc bằng những phương tiện thích hợp khác đến các cơ quan quyền lực tư pháp, hành chính hay lập pháp quốc gia có thẩm quyền, hay đến mọi cơ quan quyền lực có thẩm quyền khác thuộc hệ thống tư pháp Quốc gia. Các cơ quan quyền lực này phải lấy quyết định cho đơn khiếu nại mà không được trì hoãn thái quá ;(b) Được tham dự các phiên tòa, các trình tự tố tụng và các buổi xử án công cộng, để có thể đánh giá sự tuân thủ các luật pháp quốc gia cùng sự áp dụng những nghĩa vụ và những cam kết quốc tế.
“Điều 12 : 1. Mỗi người, tự cá nhân mình hay liên hợp với những người khác, đều có quyền tham gia các hoạt động hòa bình để đấu tranh chống mọi vi phạm nhân quyền và các tự do căn bản”.
Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam kêu gọi Việt Nam là quốc gia vừa đắc cử làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ trong năm tới, hãy tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế của mình, bằng cách trả tự do tức khắc cho những người đấu tranh bảo vệ nhân quyền bị bắt giam vì những hoạt động ôn hòa để thăng tiến và bảo vệ các quyền con người được thế giới công nhận. Đó là trường hợp của nhà lãnh đạo Phật giáo, nhà bất đồng chính kiến nổi danh Thích Quảng Độ bị giam cầm, lưu đày về quê quán, rồi quản thúc suốt 30 năm qua chỉ vì đòi hỏi cho tự do tôn giáo, hay nói lên thảm trạng cướp đất của nông dân, hoặc đại họa sinh thái trong việc khai thác Bauxite trên Cao nguyên Trung phần ; blogger và nhà tranh đấu bảo vệ nhân quyền Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, nhà bảo vệ quyền đất đai Nguyễn Ngọc Cường, các nhà hoạt động công đoàn Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hưng và Đoàn Duy Chương ; hai tín đồ Hòa Hảo Mai Thị Dung và Nguyễn Văn Lía ; nhà thơ chống tham những Nguyễn Hữu Cầu, v.v…
Tuyên ngôn Quốc tế Bảo vệ những Người Đấu tranh cho Nhân quyền trên Trang nhà LHQ đã được dịch ra 42 thứ tiếng - ngoại trừ tiếng Việt.
Nhân kỷ niệm 15 năm bản Tuyên ngôn quan trọng này ra đời, Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam đã dịch ra tiếng Việt và gửi cho Cao ủy Nhân quyền LHQ hôm nay. Bạn đọc có thể vào xem Trang nhà Quê Mẹ www.queme.net bản dịchTuyên ngôn này, cùng với Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Công ước Quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị,và Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa. Tập sách bao gồm các Công ước Việt dịch đã được in và phát hành từ năm 2001.