Monday, 27 January 2014

Cuối Năm Đọc truyện Tầu Cộng....

Mọi dựa phóng từ Tàu Cộng để "đoán" tương lai kinh tế VN đều có thể vội vàng, nhưng không thể bỏ qua những biến chuyển của anh chàng khổng lồ, giầu nổi và hung hăng này.
Đinh Thế Dũng 


http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20140126-thoi-vang-son-cua-cac-tap-doan-quoc-te-tai-trung-quoc-nay-con-dau

Thời vàng son của các tập đoàn quốc tế tại 

Trung Quốc nay còn đâu !

Thời hoàng kim của các tập đoàn quốc tế tại Trung Quốc đang lùi dần vào quá khứ. Ảnh : Khu tài chính, doanh nghiệp Thượng Hải (Ảnh chụp 20/11/2013).
Thời hoàng kim của các tập đoàn quốc tế tại Trung Quốc đang lùi dần vào quá khứ. Ảnh : Khu tài chính, doanh nghiệp Thượng Hải (Ảnh chụp 20/11/2013).
REUTERS/Carlos Barria/Files


Có lẽ do trùng hợp với ngày Tết Nguyên đán, tuần báo Anh The Economist số đề ngày 25/01/2014 đã dành hồ sơ đặc biệt cho thị trường Trung Quốc. Trên trang bìa màu đỏ là hình chiếc mặt nạ đen/trắng biểu thị cho nhân vật dữ trong tuồng Trung Quốc, bên dưới hàng tựa lớn « Trung Quốc mất sức hấp dẫn » kèm theo câu hỏi « Vì sao tình hình ngày càng trở nên khó khăn hơn cho các công ty nước ngoài ».

Bài xã luận trang trong của tuần báo Anh đã nêu bật một số nguyên nhân khiến cho các tập đoàn đa quốc gia, trước đây rất phấn khởi với thị trường Trung Quốc, nay đang càng lúc càng thấy rằng làm ăn với Bắc Kinh không phải là dễ. Nhiều đại công ty quốc tế đã bỏ cuộc, trong lúc những ai muốn bám trụ thì phải điều chỉnh cung cách kinh doanh.

The Economist đã ngược dòng lịch sử về đầu thập niên 1980, khi đất nước Trung Quốc – thời Đặng Tiểu Bình - bắt đầu mở rộng vòng tay chào đón các doanh nghiệp ngoại quốc, sau khi nền kinh tế bị chính sách tai hại của Mao Trạch Đông đánh gục, và khi mơ ước của người Trung Quốc chỉ đơn giản là có được bốn thứ : Xe đạp, máy may, quạt máy và đồng hồ.

Chính sách mở cửa của Đặng Tiểu Bình đã nhanh chóng biến Trung Quốc thành một trong những thị trường lớn nhất và phát triển nhanh nhất trên thế giới. Và trong ba thập kỷ qua, các tập đoàn đa quốc gia đã đổ xô vào vùng đất hứa này. Thế nhưng hiện nay, cơn sốt có vẻ như đã hạ hẳn xuống, cho dù trong một chừng mực nào đó, thị trường Trung Quốc vẫn thuộc diện hấp dẫn nhất thế giới, nơi mà GM và Apple, hai tập đoàn lớn của Mỹ, đã thu được những món lợi nhuận béo bở.

Thế nhưng, theo The Economist, đối với nhiều công ty nước ngoài khác, mọi thứ đang trở thành khó khăn hơn, một phần là do tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang giảm sút, trong khi chi phí nhân công lại đang tăng lên. Công nhân trẻ lành nghề càng lúc càng khó kiếm, và nếu kiếm được thì tiền lương phải trả lại tăng vọt.

Khó khăn cũng đến từ phía chính phủ Trung Quốc, càng lúc càng gây khó dễ cho các doanh nghiệp ngoại quốc trong một số lĩnh vực. Họ đã giới hạn ngành ngân hàng và chứng khoán đối với các tập đoàn nước ngoài. Họ cũng đã chặn đường các công ty internet, trong đó có Facebook và Twitter, và bắt đầu chĩa mũi dùi vào các hãng chuyên về phần cứng như Cisco, IBM và Qualcomm, đặc biệt từ sau các tiết lộ của Edward Snowden.
GlaxoSmithKline, một hãng dược phẩm, đang vướng vào một cuộc điều tra tham nhũng ; Apple vào năm ngoái đã bị buộc phải xin lỗi một cách nhục nhã vì sơ ý trong vấn đề bảo hành sản phẩm ; dây chuyền cà phê Starbucks thì bị các phương tiện truyền thông nhà nước cáo buộc là bán hàng với giá cắt cổ. Vào tháng Ba tới đây, một đạo luật bảo vệ người tiêu dùng một cách chặt chẽ sẽ có hiệu lực,và khi ấy, các tập đoàn đa quốc gia sẽ lại trở thành đối tượng của một đợt tấn công mới.

Nguyên nhân khó khăn thứ ba, theo tuần báo Anh, là sự cạnh tranh đang càng lúc càng khốc liệt. Vốn đã là chiến trường ác liệt nhất thế giới của các thương hiệu toàn cầu, nay các tập đoàn đa quốc gia đang phải đối mặt với các doanh nghiệp Trung Quốc.

Một số tập đoàn Trung Quốc đang vươn lên trên trường quốc tế, như Tiểu Mễ (Xiaomi) và Hoa Vi (Huawei) đã đưa ra được những chiếc điện thoại thông minh đẳng cấp thế giới, hay Tam Nhất (Sany) với những loại máy công cụ chẳng thua kém gì Hitachi và Caterpillar.
Cái khó cho các tập đoàn ngoại quốc là nhìn chung, người tiêu dùng Trung Quốc chưa có thói quen trung thành với một thương hiệu nhất định, và nhờ sự phát triển của Internet, họ có thể so sánh và trở thành những khách hàng thuộc loại khó tính nhất trên thế giới.

Một số công ty đã lần lượt tháo chạy. Tháng 12 vừa qua, Tập đoàn mỹ phẩm Revlon cho biết là họ sẽ rút khỏi Trung Quốc. Đối thủ cạnh tranh của họ là L'Oréal, công ty mỹ phẩm lớn nhất thế giới, cũng cho biết là họ sẽ ngừng bán Garnier, một trong những thương hiệu chính của họ. Best Buy, một nhà bán lẻ điện tử của Mỹ, và Media Markt, một đối thủ cạnh tranh người Đức, cũng đã bỏ cuộc, tương tự như Yahoo, một tập đoàn internet khổng lồ…

Các công ty còn cố bám trụ thì đang gặp khó khăn. Vào đầu tuần này, tập đoàn máy tính IBM cho biết doanh thu tại Trung Quốc giảm 23% trong quý cuối cùng của năm 2013. 
Rémy Cointreau, hãng rượu của Pháp thì cho biết doanh số bán hàng loại Cognac Rémy Martin của họ đã giảm hơn 30 % trong ba quý đầu tiên của năm ngoái vì sự sụt giảm tiêu thụ ở Trung Quốc... Danh sách này ngày càng dài.

Đối với The Economist, thực tế đã rõ, thời kỳ vàng son của các tập đoàn ngoại quốc tại Trung Quốc đã qua rồi.

0o0

Người già Nhật Bản sập bẫy mafia Trung Quốc

Ngoài Thái Lan, tạp chí Courrier International còn nhìn sang Nhật Bản, nơi những người cao niên bị mafia Trung Quốc lừa đảo. Phương thức lừa đảo rất tinh vi, như tờ báo chạy tựa : « Đơn giản như một cú điện thoại ». Quả thật các vụ lừa đảo được thực hiện qua điện thoại gọi từ Trung Quốc ! Tạp chí Courrier International trích dẫn báo Nhật Asahi Shimbun thuật lại câu chuyện do chính một kẻ lừa đảo kể lại.

Bài báo trước tiên mô tả cảnh khoảng một chục người Nhật ở trong một tòa nhà chọc trời ở Phúc Kiến, Trung Quốc, bám vào điện thoại vẻ đang thuyết phục kẻ bên kia đầu giây. Những người họ nói chuyện được biết là những người cao niên ở tại Nhật Bản.

Những người lừa đảo qua điện thoại này được gọi là Kakeko – tức là kẻ gọi (điện thoại), họ được một ‘ông chủ’ Trung Quốc thuê mướn, hoạt động theo từng nhóm 3 hay 4 người, phối hợp nhịp nhàng. Họ được trao một danh sách tên những người cần lừa đảo ở Nhật, thường là những người trên 60. Họ gọi qua đường dây trên mạng, ít tốn tiền, khó bị phát hiện hơn.

Cách thức đánh lừa : Một người giả danh là cảnh sát, thông báo với người bị lừa là có tiền bất chính được đưa vào trương mục, nếu không muốn tài sản bị phong tỏa thì phải làm thủ tục điều chỉnh, và một nhân viên ngân hàng sẽ giải thích thủ tục cần làm. Thế là đến lượt nhân viên ngân hàng giả mạo lên tiếng, hỏi khỏan tiền mà nạn nhân có, yêu cầu rút ra để chuyển lại cho một lãnh đạo ngân hàng. Đến đây thì một nhân vật thứ 3 xuất hiện, với danh nghĩa là một luật sư, trấn an nạn nhân là tất cả các điều này là hợp pháp. Khi mọi chuyện đã xong, họ báo lên người ‘xếp’, một người Trung Quốc nói tiếng Nhật. Người này gọi ngay đến một căn cứ ở Nhật, để một ‘lãnh đạo ngân hàng’ đến nhà nạn nhân nhận tiền.

Theo lời kể của một người kakeko đã làm công việc này, thì một người Trung Quốc nói tiếng Nhật như nói trên quản lý, giám sát mọi việc. Các kakeko phải theo những quy định chặt chẽ : Họ phải gọi liên tục không được nghỉ, có khi gọi đến 300 lần trong ngày ; và mọi người phải ăn tại một nhà hàng quy định, mỗi khi muốn đi ra phố thì phải xin phép, vì người quản lý giữ chìa khóa, và ở ngoài đường họ không được nói tiếng Nhật.

Theo giao ước, thì mỗi vụ thành công, người kakeko được hưởng 5% tiền lừa. Có người trong ba tháng đã nhận được 5 triệu yen, tức đã lừa được đến 100 triệu yen. Người Kakeko kể lại câu chuyện đã thừa nhận là trong số nạn nhân của anh, có một cụ già 90 tuổi. Phương thức lừa đảo này đã khá thành công, theo bài báo, danh sách người cao niên ở Nhật ngày càng dài ra, tổ chức lừa đảo ngày mở rộng hoạt động và thuê thêm người.

Những tổ chức lừa đảo như ở Phúc Kiến cũng có tại các thành phố Trung Quốc khác như ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Đại Liên, và chỉ nhắm vào người ở Nhật Bản, vì lừa người ở Trung Quốc dễ bị phát hiện hơn và cũng dễ bị tử hình.

0o0

Nuôi các thái tử đỏ để dễ đầu tư vào Trung Quốc

Ngân hàng Thụy Sĩ Crédit Suisse tuyển dụng
Ngân hàng Thụy Sĩ Crédit Suisse tuyển dụng "con ông cháu cha" để làm ăn thuận lợi hơn ở Trung Quốc - REUTERS /Arnd Wiegmann


Tài liệu mật Chinaleaks về tiền tham nhũng của thế hệ « con ông cháu cha » tại Trung Quốc tiếp tục được báo Le Monde tiết lộ. Trong khi đó, thông tin và bình luận về phong trào tranh đấu chống độc tài tại Ukraina cũng như lò lửa Syria chiếm toàn bộ trang nhất của báo chí Pháp hôm nay, 25/01/02014.

Giới lãnh đạo Trung Quốc từ ngày Đặng Tiểu Bình mở cửa đến nay đã áp dụng một cách triệt để phương châm tham nhũng « hy sinh đời bố, củng cố đời con ». Nhờ khai thác tâm lý hám lợi này của con cháu Mao Trạch Đông, một số ngân hàng Mỹ và Thụy Sĩ ăn nên làm ra tại Hoa lục. Hai bên móc ngoặc với nhau như thế nào ?

Nhật báo Le Monde giải thích : Nhiều ngân hàng lớn của Mỹ và Thụy sĩ đang bị bỏng tay vì hối lộ cho các hoàng tử đỏ. Các cơ quan điều tra của Mỹ đã nhập cuộc. Cảnh sát Thụy sĩ cũng chuẩn bị sau khi vụ tai tiếng « China Leaks » được công bố trên nhiều nhật báo lớn của Hồng Kông, Đài Loan, Pháp, Anh. Từ gia đình cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo đến chủ tịch Tập Cận Bình đều nhận tiền đút lót hàng trăm triệu đô la qua nhiều hình thức. Đó là chiếc chìa khóa bắt buộc nếu muốn làm ăn lớn với Trung Quốc.

Trong bài « Bí ẩn thành công của ngân hàng Thụy Sĩ tại Trung Quốc » nhật báo độc lập Le Monde đặt câu hỏi : Có phương thức nào thu hút được ân sủng của giới lãnh đạo Trung Quốc hiệu quả hơn cách giúp cho con cái của họ được giàu lên ? Đó là « cánh cửa phải đi qua nếu muốn xâm nhập vào thị trường Trung Quốc. Trong số các ngân hàng Tây phương, hai ngân hàng Thụy sĩ là Crédit Suisse chi nhánh Hồng Kông, ngân hàng UBS và JP Morgan của Mỹ đều là cao thủ.

Khoảng 2,5 triệu hồ sơ từ hai công ty chuyên làm dịch vụ chuyển ngân sang các thiên đàng thuế khóa, được ghi vào đĩa cứng và được một kẻ ẩn danh cung cấp cho nhóm phóng viên điều tra ICIJ là bằng chứng không thể chối cãi được. Do vậy, Crédit Suise buộc phải thú nhận từ 15 năm nay, ngân hàng Thụy Sĩ này đã thiết lập quan hệ mật thiết với gia đình cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo, từ lúc ông còn đang ở giai đọan chuẩn bị làm Thủ tướng.

Hai đứa con của ông là Ôn Vân Tùng và Ôn Như Xuân đã lợi dụng uy quyền của cha như thế nào, rồi tẩu tán tài sản bất chính ra sao. Vì ở Trung Quốc, thành lập công ty ở hải ngoại là chuyện bất chính, chuyển ngân 50 ngàn đôla thôi cũng phải có giấy phép đặc biệt.

Cách thường sử dụng nhất là giả mạo giá hàng nhập khẩu và xuất khẩu. Chỉ trong năm 2010, theo thú nhận của chính phủ Trung Quốc, hơn 6,1 tỷ đô la đã rời Hoa lục chạy sang các thiên đàng thuế ở đảo Virgin của Anh, đảo Caimans, Luxembourg, Thụy Sĩ. Trong số 22 ngàn người Hoa trong danh sách có chương mục tại các thiên đường thuế có con trai và con gái của cựu Thủ tướng Ôn Gia Bão. Chính Ngân hàng Crédit Suisse từ năm 2006 đã mở công ty bình phong cho Ôn Vân Tùng.

Con cháu các quan chức cao cấp Trung Quốc, cũng như Ôn Vân Tùng, được gọi là các hoàng tử đỏ, đóng vai trò then chốt trong mạng lưới tham ô đang làm lũng đoạn đảng cộng sản Trung Quốc. Các ngân hàng lớn trên thế giới tuyển dụng các hoàng tử này để có thể an toàn làm ăn trong chế độ Hoa lục. Ôn Vân Tùng từng được ngân hàng JP Morgan trả thù lao 75.000 đôla mỗi tháng trong vòng hai năm với tư cách « tư vấn ».

Từ năm 1999 đến năm 2001, cô con gái Ôn Gia Bảo tên Ôn Như Xuân, dưới biệt danh Lily Chang, được Crédit Suise thu dụng. Do vậy, không phải là chuyện ngẫu nhiên mà ngân hàng Thụy Sĩ này đứng đầu thị trường tài chính Trung Quốc, quản lý một khối tiền khổng lồ 24 tỷ đôla tính đến ngày 18/06/2013. Tài sản của gia đình họ Ôn cũng rất dồi dào khoảng 2,7 tỷ đôla.

Tuy nhiên theo Le Monde , lối làm ăn « móc ngoặc đôi bên cùng có lợi » cũng có phần rủi ro. Năm 2013, ngân hàng JP Morgan bị phỏng tay vì cơ quan kiểm tra thị trường chứng khoán Mỹ vào cuộc và nghi ngờ có tham ô. Từ khi tai tiếng China Leaks nổ ra, thoạt đầu giới ngân hàng Thụy Sĩ tránh né, nhưng khi các phóng viên điều tra đưa bằng cớ thì họ phải tuyên bố miễn bình luận nhưng cảnh sát Thụy Sĩ cho biết sẽ nhập cuộc.

Le Monde còn kể ra tên tuổi của nhiều gia đình lãnh đạo khác như con gái của Uông Dương, nguyên bí thư Quảng Châu, người có tiếng cải cách, được ngân hàng Đức Deutsche Bank tuyển dụng. Con gái của Hàn Chính, lúc cha làm thị trưởng Thượng Hải, con rễ của Ngô Bang Quốc, nhân vật số hai của đảng Cộng sản đều là nhân viên của các ngân hàng quốc tế nổi tiếng.

Ngân hàng là nơi thu hút đông đảo con ông cháu cha ở Trung Quốc nhưng không phải là lãnh vực độc quyền. Jeffrey Li, con gái của Lý Nhụy Hoàn, ủy viên bộ chính trị từng điều khiển công ty dược phẩm Novartis trong năm năm từ 2004 đến 2009. Các tập đoàn nhà nước muốn được niêm yết trên sàn giao dịch cũng phải nhờ các thái tử, hoàng tử đỏ.


0o0

Tẩu tán tài sản : «Lãnh đạo Trung Quốc bị bắt quả tang»

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Bắc Kinh, tháng 09/2013
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Bắc Kinh, tháng 09/2013
REUTERS/Kim Kyung-Hoon/Files


Những người thân của giới lãnh đạo Trung Quốc cất giấu một phần tài sản của họ ở thiên đường thuế khóa như thế nào ? Câu hỏi này được làm rõ qua các tiết lộ của Hiệp hội các nhà báo điều tra ICIJ, có trụ sở tại Washington, với sự tham gia của nhiều tờ báo lớn trên thế giới, trong đó có báo Le Monde. RFI phỏng vấn ông Serge Michel, trưởng ban « grands reporters » của nhật báo.

RFI : Xin chào Serge Michel. Ông đã phối hợp với Hiệp hội các nhà báo điều tra, tiến hành một cuộc điều tra được đặt tên là « Offshore Leaks », tiết lộ những thông tin về tài sản mà các Hoàng tử đỏ Trung Quốc đã cất giấu, tẩu tán. Làm thế nào mà các ông có được những thông tin này ?

Serge Michel : « Có thể mọi người còn nhớ vụ Offshore Leaks, hồi tháng Tư 2013, một khối lượng lớn tài liệu bị rò rỉ và được chuyển đến Hiệp hội các nhà báo điều tra ICIJ. Đối với đống tài liệu này, rất nhiều việc cần phải làm, như thẩm tra, đối chiếu tên và những người liên quan. Vào thời điểm đó, chúng tôi đã quyết định đặt sang một bên những tài liệu liên quan đến tên những người Trung Quốc, bởi vì việc thẩm tra và đối chiếu phức tạp hơn rất nhiều so với các tài liệu khác.

Việc ghi chép cũng không nhất quán trong các tài liệu khác nhau và thực sự cần phải thẩm tra xem ai đứng tên các tài khoản đã được thể hiện trong các tài liệu hồi tháng Tư 2013. Lúc đó, chúng tôi không có danh sách các chủ tài khoản. Giờ đây, chúng tôi cho công bố phần tài liệu liên quan đến những người Trung Quốc trong hồ sơ « Offshore Leaks » và chúng tôi đặt tên là « China Leaks ». Hồ sơ « China Leaks » bao gồm tên của hơn 22 ngàn người Trung Quốc có tài khoản ở thiên đường thuế khóa và chúng tôi đã xác định được họ là chủ sở hữu các công ty offshore ».

RFI : Số lượng khách hàng quả thực là lớn và đó là những khách hàng người Trung Quốc. Chắc chắn đó không phải là những người Trung Quốc bình dân ?

Serge Michel : « Thực ra, trước tiên, chúng tôi tìm thấy tên của những người Trung Quốc có tài sản lớn nhất. Chúng tôi có toàn bộ 15 tỷ phú Trung Quốc giầu có nhất nước, tên tuổi của họ xuất hiện trong các tài liệu. Chúng tôi gọi họ là « các doanh nhân », « những người cực giàu ». Thế rồi, bên cạnh đó, có một loại người thực sự điển hình Trung Quốc mà người ta gọi là «các Hoàng tử đỏ ». Đây là những người thân cận trực tiếp của giới lãnh đạo, như con cái, vợ chồng, con rể v.v. Và những người lãnh đạo này không ngoài ai khác là Tập Cận Bình, đương kim Chủ tịch nước hay người tiền nhiệm của ông ta, ông Hồ Cẩm Đào và đặc biệt là ông Ôn Gia Bảo, người giữ chức Thủ tướng cho đến năm ngoái và tên hai người con của ông đã được tìm thấy ở thiên đường thuế khóa ».

RFI : Các ông có biết được mỗi người có bao nhiều tiền không ?

Serge Michel : « Rất tiếc là không. Chúng tôi không xác định được tài sản của từng nhân vật này, bởi vì các tài liệu chỉ cho thấy các mối quan hệ - rất nhiều quan hệ - giữa một người, một luật sư, một ngân hàng, một công ty offshore v.v. Họ trao đổi thư từ với nhau rất nhiều, nhưng trong các thư từ này không nhất thiết xuất hiện các khoản tiền. Ngược lại, chúng tôi có thể mường tượng được tổng số tiền đã ra khỏi Trung Quốc để đến các thiên đường thuế khóa. Và đó là những con số lớn khủng khiếp, kể từ đầu công cuộc cải cách do Đặng Tiểu Bình khởi xướng.

RFI : Từ đâu mà họ có được những khối tài sản này ?

Serge Michel : « Đương nhiên, các khối tài sản này có được là nhờ sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc. Hiển nhiên là đối với các doanh nhân, thì có những vụ tư nhân hóa mang lại nhiều lợi nhuận cho họ. Đương nhiên là có cả các vụ tham nhũng. Ở đây, chúng tôi tìm thấy mối quan hệ qua lại chặt chẽ giữa những nhân vật có dính líu tới tham nhũng và những người trong các công ty ở thiên đường thuế khóa.

Một lần nữa, điều này cho thấy lợi thế của việc có công ty ở thiên đường thuế khóa để cấu giấu các tài sản bất chính. Vả lại, còn có một hiện tượng khác, rất Trung Quốc : Hiện tượng « các Hoàng tử đỏ ». Đó là những người gần gũi giới lãnh đạo và họ kinh doanh khả năng tiếp cận quyền lực tối cao này, kể cả bán cho những người phương Tây.

Ví dụ, một ngân hàng Thụy Sĩ tuyển dụng con gái ông Thủ tướng trong số các nhân viên của họ làm việc tại Bắc Kinh. Nhờ vậy, ngân hàng này bước đầu có thể tiếp cận Thủ tướng, sau đó, họ chiếm lĩnh được thị trường ngân hàng tư nhân, rồi trở thành ngân hàng hàng đầu, quản lý khoảng 33 tỷ đô la trên thị trường Trung Quốc. Do vậy, đây thực sự là việc buôn bán thế lực, ảnh hưởng mà con cái, vợ chồng, người thân của những vị lãnh đạo đã tiến hành từ 15 năm qua và thu được những khoản tiền rất lớn ».

RFI : Phải chăng các tài liệu này cho thấy một đất nước Trung Hoa mới mẻ ?

Serge Michel : « Tôi không nghĩ đó là một nước Trung Hoa mới. Tôi hy vọng là nước Trung Hoa mới sẽ minh bạch hơn, bởi vì tất cả những giao dịch, tiền bạc nói trên hoàn toàn bị che phủ, kể cả đối với báo chí Trung Quốc. Vả lại báo chí cũng không được quyền nói tới những việc này. Tại Trung Quốc, trang mạng của báo Le Monde bị kiểm duyệt. Do vậy, chúng ta đang thấy thực trạng một đất nước Trung Quốc hiện nay và hy vọng là thực trạng này sẽ chấm dứt một ngày nào đó.

Tại Trung Quốc, có một phong trào các công dân đòi minh bạch hóa. Phiên tòa xử một trong những thành viên của phong trào này mở ra ngày 22/01 vừa qua. Như vậy, tại Trung Quốc, ai đòi minh bạch hóa sẽ bị trừng phạt nặng nề. Chúng ta hy vọng rằng đó là đất nước Trung Quốc của ngày hôm qua, chứ không phải của ngày mai. Ngược lại, Trung Quốc tương đối hội nhập toàn cầu, do vậy, các luồng tài chính dịch chuyển từ Trung Quốc đến các thiên đường thuế khóa và đôi khi, từ các thiên đường thuế khóa này, chúng lại đầu tư vào Châu Âu.

Ví dụ, mọi người còn nhớ vụ ông Bạc Hy Lai mua biệt thự tại Pháp như thế nào. Cách nay một năm rưỡi, ông ta đã bị thất sủng. Mọi người không hề biết là chính ông ta đứng đằng sau vụ mua biệt thự này. Thực ra, đối với người Trung Quốc, việc chuyển tiền đến quần đảo Vierges là một cách để đầu tư vào các nơi khác trên thế giới.

RFI : Ông vừa nói đến việc báo chí bị kiểm duyệt. Vậy phải chăng các tiết lộ trên đây sẽ không có nhiều tác động đối với công luận Trung Quốc ? Hay là tình hình có thể trở nên căng thẳng hơn sau các tiết lộ này ?

Serge Michel : « Tôi nghĩ rằng với vụ này, người dân Trung Quốc bình thường sẽ hiểu biết nhiều hơn về quy mô tài sản của giới lãnh đạo. Chính quyền không thể nào kiểm duyệt được tất cả. Một số thông tin, một số yếu tố, sẽ rò rỉ. Trên các mạng xã hội, người ta đặc biệt theo dõi rất kỹ mạng Vi Bác, một loại Twitter của Trung Quốc.

Người ta thấy một số thông tin xuất hiện đâu đó, rồi sau khoảng 15 phút thì bị xóa. Nhưng tại Trung Quốc, khi một thông tin tồn tại trong vòng 15 phút trên internet, thì có đến vài chục ngàn người biết. Tôi có cảm giác rằng sự hiểu biết chung sẽ tăng lên, liên quan đến nạn tham nhũng và tiền của mà giới lãnh đạo giấu diếm.

RFI : Xin hỏi câu cuối, các ông lúc đầu có hy vọng là phát hiện ra vụ việc này hay không ?

Serge Michel : « Cũng không hy vọng nhiều lắm. Đương nhiên là khi liên quan đến con trai một vị Thủ tướng, thì có thể phải thận trọng hơn. Đằng này, chúng ta thấy rõ là có những người đã bị bắt quả tang ».

0o0

Không còn nghi ngờ về nguy cơ Trung Quốc vỡ nợ

Công nhân trên một công trường xây dựng ở Bắc Kinh, Trung Quốc, 20/01/2014
Công nhân trên một công trường xây dựng ở Bắc Kinh, Trung Quốc, 20/01/2014
REUTERS/Kim Kyung-Hoon


Nợ Trung Quốc tăng nhanh trong một thời gian ngắn kỷ lục : tăng 400 % trong vỏn vẹn 4 năm. Sự ngông cuồng của các chính quyền địa phương là nguyên nhân đẩy nợ công của Trung Quốc lên cao. Kịch bản Trung Quốc vỡ nợ chỉ còn là vấn đề thời gian. Hậu quả sẽ tai hại hơn so với khủng hoảng ở Mỹ năm 2008-2009.

Hãng xe Pháp, Peugeot, chịu áp lực của chính phủ để mở cửa mời đối tác Trung Quốc, Đông Phương, tham gia vốn. Đối lập Syria đồng ý tham dự hội nghị Genève 2. Iran chính thức thi hành thỏa thuận tạm thời về hạt nhân. Hàng chục ngàn người biểu tuần hành trên đường phố Paris, chống dự luật nới lỏng các biện pháp cho phụ nữ phá thai. Đó là những chủ đề chiếm nhiều trang báo trong ngày. Dù vậy các tờ báo dành khá nhiều chỗ cho Châu Á.

Phần trang kinh tế của tờ Libération mở ra với bức ảnh tháp Eiffel đồ sộ ngự tọa ngay giữa tại Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang – Trung Quốc. Đây là nơi được mệnh danh là một Paris thu nhỏ : Nhà ở được kiến trúc theo mô hình của khu phố Haussmann sang trọng tại Paris, tháp Eiffel, đồi Montmartre, Khải Hoàn Môn. Thông tín viên của tờ báo mở đầu bài viết bằng một câu hỏi : Phải chăng Trung Quốc đang theo chân Hy Lạp, trở thành một quốc gia nợ nần chồng chất ? Tháng trước Viện kiểm toán quốc gia công bố một bản báo cáo, theo đó tổng nợ công của Trung Quốc đã tăng 400 % trong bốn năm qua : Tỷ lệ nợ công so với GDP của nền kinh tế số 2 trên thế giới đang từ 17 % nhảy vọt lên thành 58%.

Tích chung cả nợ của Nhà nước lẫn tư nhân, thì tỷ lệ này tăng từ 131 % năm 2008 lên thành 215 % vào năm 2013. Đành rằng nợ công của Trung Quốc không thấm vào đâu so với Nhật Bản (250 % GDP) hay của Hy Lạp (160 % GDP), nhưng các con số nói trên cho thấy khu vực kinh tế Nhà nước Trung Quốc mắc nợ quá nhanh trong thời gian từ 4 đến 5 năm trở lại đây. Các con số nói trên càng đáng quan ngại hơn, khi biết rằng tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc có khuynh hướng giảm sụt.

Tại sao nợ công của Trung Quốc lại tăng vọt trong thời gian gần đây ? Tác giả bài báo trả lời : Đó là do thái độ ngông cuồng, tiêu xài quá trớn của các chính quyền địa phương. Trong hai năm rưỡi vừa qua, tổng nợ công ở cấp địa phương tăng thêm 67 %, đạt ngưỡng 2.200 tỷ euro.

Chỉ cách thủ đô Bắc Kinh có một giờ lái xe, khoảng 3 000 ngôi biệt thự sang trọng vẫn chưa tìm được chủ. Tại một thành phố khác ở miền đông bắc Trung Quốc thì có tới hàng chục ngàn căn hộ do chính quyền bỏ tiền ra xây để rồi « ngồi trên một núi nợ cao không thua gì dãy Hy Mã Lạp Sơn » ! Thế rồi vùng Nội Mông, thành phố Hàng Châu, hay tỉnh Hồ Nam, chính quyền cũng đang « dở khóc dở cười ». Nơi thì ủy ban nhân dân thành phố không có sáng kiến nào hay hơn là dựng lên một chiếc tháp Eiffel cao 100 mét để phô trương sự phồn thịnh, chỗ thì đầu tư đến 10 triệu đô la để xây một bức tượng hình con cá khổng lồ ngay cổng vào của thành phố.

Libération nhận xét : Sự điên rồ đó không chỉ dừng lại ở các tỉnh lẻ, mà đã ngấm vào cả các thành phố lớn từ Bắc Kinh đến Vũ Hán, từ Trùng Khánh tới Quảng Đông … Hiện nay, cứ trên 100 tòa cao ốc đang được xây dựng trên thế giới thì có tới 60 công trình đang mọc lên tại Trung Quốc. Như lời một chuyên gia kinh tế người Mỹ đang làm việc tại Bắc Kinh, Michael Pettis, « một phần lớn các khoản đầu tư ở Trung Quốc được dùng để xây các tòa cao ốc không người ở, để kiến thiết những phi trường không bóng người qua lại hay những nhà máy vô dụng, để rồi nợ nần cứ tăng lên mãi ». Còn theo lời một người trong cuộc thì tình trạng nợ nần ở cấp địa phương Trung Quốc đã « hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát ». Không còn ai nghi ngờ về viễn cảnh Trung Quốc bị vỡ nợ. Tất cả chỉ là vấn đề thời gian. Chuyên gia này nói thêm khi đó thì tác động sẽ còn nguy hại hơn so với những gì đã xảy ra tại Mỹ hồi năm 2008/2009.

Phật giáo và bạo lực ở Sri Lanka

Vẫn về Châu Á, trong lĩnh vực xã hội độc giả của Le Figaro không khỏi bất ngờ vì bài phóng sự mang tựa đề « Bạo hành của Phật giáo tại Sri Lanka ». Thông tín viên của tờ báo nhắc lại một sự kiện đã xảy ra từ tháng 8/2013 khi một nhóm các tu sĩ Phật giáo ném đá vào một ngôi đền Hồi giáo, bắt giữ và hành hung một số tín đồ theo đạo Hồi. Tác giả ghi nhận : Trong năm qua (2013) đã có khoảng 20 ngôi đền của người Hồi giáo bị tín đồ theo đạo Phật tấn công. Khó có thể nghĩ rằng con cháu nhà Phật lại có những hành vi thô bạo như vậy. Nhưng tại Miến Điện, cộng đồng Hồi giáo, người Rohingya, bị cộng đồng người theo đạo Phật sách nhiễu. Ở miền nam Thái Lan, người dân đã từng trông thấy các vị tu sĩ tay cầm gậy gộc để tự vệ trước các làng sóng nổi dậy của người theo đạo Hồi.

Riêng tại Sri Lanka, liên hệ giữa bạo lực và đạo Phật là một nét đặc trưng lịch sử. Trong quá khứ người Tích Lan theo đạo Phật từng kiểm soát đời sống chính trị, kinh tế và xã hội tại quốc gia nhỏ bé này. Trong mắt họ, các cộng đồng Hồi giáo đến Sri Lanka lập nghiệp từ hơn một ngàn năm trước và chủ yếu là các thương gia, luôn là những « kẻ xâm lược ». Hiện tại, 8 % trên tổng số 21 triệu dân Sri Lanka theo đạo Hồi.

Vào tháng 7/2012, giới tăng ni Sri Lanka đã lập ra một tổ chức quá khích mang tên mang tên BBS (Bodu Bala Sena) với mục đích « bảo vệ các giá trị nền tảng văn hóa của người Tích Lan Phật giáo ». Tổ chức này thu hút rộng rãi quần chúng, đặc biệt là giới trẻ. Trong các cuộc hội họp, người ta thường trông thấy các nhà sư mặc áo cà sa màu vàng nghệ hô hào những khẩu hiệu như là « người Hồi giáo cướp việc làm của chúng ta, họ thâu tóm các hoạt động kinh tế của nước nhà để rồi cai trị luôn cả chúng ta ». Tệ hơn nữa là khi các vị tu sĩ trẻ không ngớt lời thóa mạ cộng đồng Công giáo và Hồi giáo.

Một nhân chứng được Le Figaro trích dẫn tiếc là có những kẻ « khoác áo nhà tu để làm điều ác, để reo rắc nỗi sợ hãi cho những người chung quanh ». Đáng quan ngại hơn cả là có những phần tử cực đoan mượn áo nhà Phật để tuyên truyền, kích động quần chúng, bởi họ biết rằng không một ai dám lên tiếng chống đối một nhà tu hành. Tiến trình hòa giải dân tộc do Tổng thống Sri Lanka Rajapaksa khới xướng còn nhiều chông gai.

Mỹ tha thứ cho Snowden ?

Nhìn sang phần thời sự nước Mỹ, Le Monde trở lại với một loạt những thông báo của Tổng thống Obama, cải tố hoạt động của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ khi đưa ra nhận định « Vụ Snowden buộc Obama cải tổ NSA ». Báo Les Echos nói tới một chính sách cải tổ khá « hạn chế » đã được Tổng thống Hoa Kỳ đã phác thảo ra vào cuối tuần qua.
Nhìn từ Berlin, sau tiết lộ của Snowden là Hoa Kỳ đã nghe lén điện thoại của Thủ tướng Đức, Angela Merkel, những tuyên bố của ông Obama không đảo ngược được tình thế : Sự tin cậy lẫn nhau giữa hai đồng minh này đã phần nào bị sứt mẻ.

Còn đối với nước Brazil sát cạnh, thì Brasilia vẫn chưa « nuốt trôi » viên thuốc đắng, sau khi biết là Tổng thống Dilma Rousseff và tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras trong tầm ngắm của NSA. Tờ báo kinh tế này nhận định : Không phải tình cờ mà Brazil tổ chức một hội nghị quốc tế về internet vào cuối tháng 4/2014 để bàn thảo về vấn đề quản lý thông tin trên mạng.

Trong khi đó tại Hoa Kỳ hình ảnh của Edward Snowden trong công luận bắt đầu thay đổi : Cựu nhân viên tình báo người Mỹ này không còn là « kẻ phản bội » như khi anh trú ẩn ở Hồng Kông hay trốn ở phi trường quốc tế Matxcơva. Vào giữa tháng 12 năm ngoái, một trong những ông trùm của NSA, Rick Ledgett, từng nửa úp nửa mở khi cho rằng ông sẵn sàng « ân xá » cho Snowden nếu như « đứa con hư » của ngành tình báo Hoa Kỳ này ngưng tiết lộ những thông tin mật ra bên ngoài.

Đương nhiên Nhà Trắng đã lập tức bác bỏ luận điểm của Ledgett. Nhưng gần đây, nhật báo New York Times số ra ngày mồng 1 Tết dương lịch đã tỏ ra khoan hồng hơn với Snowden khi đánh giá : Những đóng góp « hết sức to lớn » của Snowden về phương diện thông tin. Do vậy, nhân vật này cần bảo đảm được có một cuộc sống xứng đáng hơn thay vì phải sống lưu vong.

Lập trường này của tờ báo đã được nhiều nhân sĩ trí thức Hoa Kỳ tán đồng. Theo một cuộc thăm dò dư luận do đài ABC và báo Washington Post thực hiện chỉ có 35 % giới trẻ ở Mỹ cho là Snowden phải bị truy tố. Nhưng tỷ lệ đó tăng lên tới 57 % đối với những người được hỏi trong độ tuổi ngoài 30. Tóm lại, dư luận Mỹ còn rất chia rẽ về số phận của Snowden !

Học trượt tuyết ở Thụy Sĩ bằng tiếng Hoa

Trước khi khép lại các tờ báo trong ngày, xin được hỏi quý thính giả rằng, theo quý vị hiện nay, trào lưu thời thượng ở trạm trượt tuyết nổi tiếng Davos của Thụy Sĩ là gì ? Davos trong hai ngày nữa là nơi đón cả ngàn phái đoàn đến dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Từ lâu nay, các đại gia Nga có thói quen đến Courchevel vùng Savoie, Rhône Alpes của Pháp trượt tuyết. Tránh « đụng hàng » với du khách Nga, các nhà tư bản Trung Quốc chọn Davos, một thị trấn nhỏ ở mãi tận miền đông Thụy Sĩ để đọ sức với thiên nhiên. Theo tờ Le Figaro, sở du lịch của Davos đang tuyển chọn thầy dậy trượt tuyết biết nói tiếng Hoa để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của những vị du khách đến từ rất xa.

Tờ báo châm biếm nhận xét : Đương nhiên, nhu cầu tuyển dụng thầy dậy trượt tuyết đó không phải là để phục vụ 5 vị khách mời người Trung Quốc đến thuyết trình tại Diễn đàn Davos, mà là để phục vụ số lượng du khách ngày càng đông đến từ quê hương Mao Trạch Đông.

Theo thống kê, có khoảng từ 5 đến 10 triệu người Trung Quốc ngày nay say mê với môn thể thao này và những thành phần có điều kiện nhất chê « bụt nhà không thiêng ». Họ chê tuyết của Trung Quốc mà chỉ thích đi nghỉ ở vùng núi Alpes hùng vĩ mà thôi.

Trong năm 2013, khối lượng du khách Trung Quốc giữ phòng khách sạn tại Davos đã nhân lên gấp ba so với mùa đông 2012. Trung bình, một du khách Trung Quốc tiêu xài nhiều gấp đôi so với một du khách người Đức.


0o0

2013: Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc tiếp tục ở mức 

thấp nhất kể từ 1999

Công nhân làm việc trên một công trường ở tỉnh An Huy, Trung Quốc (Ảnh chụp 30/12/2013)
Công nhân làm việc trên một công trường ở tỉnh An Huy, Trung Quốc (Ảnh chụp 30/12/2013)
REUTERS/China Daily


Theo thông báo của chính phủ Trung Quốc hôm nay 20/01/2014, tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2013 ở mức 7,7%, tương đương với năm 2012 là năm có tăng trưởng thấp nhất kể từ 1999. Bắc Kinh cũng cảnh báo về vấn đề nợ công và tình trạng mất cân bằng vẫn tiếp diễn.

Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho biết đến quý IV 2013, tổng sản phẩm nội địa tăng 7,7%. Như vậy tăng trưởng trong năm qua của nền kinh tế thứ nhì thế giới đã vượt qua mục tiêu do Bắc Kinh đặt ra là 7,5%, phù hợp với dự báo của 14 nhà kinh tế được hãng tin Pháp AFP tham khảo.

Ông Mã Kiến Đường (Ma Jiantang), Tổng Cục trưởng hồ hởi loan báo : « Kinh tế Trung Quốc đã chứng tỏ một sự năng động đáng khích lệ trong năm 2013, với mức tăng trưởng ổn định và khiêm tốn, đạt được nhờ nỗ lực cao độ ». Tuy nhiên ông cũng nhìn nhận là « còn phải giải quyết những vấn đề đã bắt rễ sâu sắc ».

Sau khi kinh tế chựng lại hẳn trong sáu tháng đầu năm, đến tháng 7/2013 Bắc Kinh đã thông qua các biện pháp tái thúc đẩy, chủ yếu về thuế khóa. Quyết định này đã giúp các hoạt động kinh tế khởi sắc, nhưng chỉ tạm thời. Không còn có thể mơ đến tăng trưởng hai con số như trong thập kỷ trước, kinh tế Trung Quốc đang tăng chậm lại dưới sự kiểm soát.

Lên cầm quyền từ tháng 3/2013, Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường có khuynh hướng phát triển kinh tế ít lệ thuộc hơn vào xuất khẩu và đầu tư vào công nghiệp nặng – một lãnh vực đang quá tải nghiêm trọng, và chú trọng đến tiêu dùng nội địa. Chính sách tái cân bằng này nhắm vào lợi ích dài hạn, nhưng trước mắt có thể làm tăng trưởng chậm lại.

Và con đường trước mặt hãy còn dài : Theo Tổng cục Thống kê, tỉ lệ của đầu tư năm vừa qua đã tăng lên, chiếm 54,4% tổng sản phẩm nội địa, trong khi tỉ lệ tiêu dùng thụt lùi. Một loạt con số thống kê hàng tháng được công bố hôm nay cho thấy một bức tranh không mấy lạc quan, sản xuất công nghiệp tháng 12/2013 tăng thấp nhất từ năm tháng qua.
Nhà kinh tế Vương Đào (Wang Tao) của UBS Securities giải thích : « Vấn đề đang đè nặng nhiều nhất là đầu tư vào cơ sở hạ tầng giảm đi trong những tháng gần đây, trong khi chính phủ trung ương kiên quyết tái khẳng định ý hướng kiểm soát cả tín dụng lẫn nợ công của các địa phương ».

Bắc Kinh lo ngại trước nợ công đang phình to của các định chế địa phương (theo kiểm toán cuối tháng 12/2013, tăng đến 67% trong vòng hai năm), do chính quyền các nơi thoải mái vay nợ cho các dự án đầu tư không hiệu quả. Chính phủ trung ương đã cố gắng hạn chế nợ công, ngăn chận nạn đầu cơ và vay nợ bừa bãi cũng như tín dụng đen. Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc hạn chế bơm tiền vào hệ thống tài chính, duy trì áp lực lên các hoạt động kinh tế.

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế được AFP tham khảo, tăng trưởng năm 2014 sẽ chậm lại ở mức 7,5%. Khó khăn nhất đối với chính quyền là duy trì mức tăng trưởng vừa đủ, đồng thời bảo vệ mục tiêu cải cách cơ cấu như đã hứa hẹn. Đó là việc dành một vai trò lớn hơn cho lãnh vực tư nhân, trong một nền kinh tế vẫn đang do Nhà nước kiểm soát chặt chẽ.