Hồi ký của ông Bảo Lộc, bút hiệu Hồng Châu, ông là Phó Tỉnh Trưởng Thừa Thiên (Huế) trong thời gian Tết Mậu Thân, đã bị VC bắt khi chúng đột nhập Huế...
Đây là chuyện thật của một nhân chứng sống sót trong biến cố Mậu Thân tại Huế, ông may mắn không bị CS sát hại, nhưng bị đưa ra Bắc cầm tù 13 năm từ 1968 đến 1980 và đã đào thoát được trong một trường hợp hy hữu.
* * *
Tôi thức dậy với tiếng nổ lớn phía cầu Kho Rèn vọng lại. Từ nhà tôi đến nhà máy điện chỉ nửa cây số. Chấn động lan tỏa làm cửa ngõ và đồ đạc trong nhà rung chuyển dữ dội. Tôi cố bật đèn để tìm chiếc máy điện thoại, nhưng chỉ thấy tối om, điện đã bị cắt. Dưới ánh sáng ngắn ngủi của chiếc bật lửa, tôi cố quay số gọi vài nơi để tìm hiểu tình hình, nhưng vô ích, không nơi nào chuông đổ, đường điện thoại đã bị đứt. Mở chiếc máy thu thanh bán dẫn nhỏ, tôi hy vọng qua những làn sóng xa xôi, có thể bắt gặp vài tin tức hữu ích. Nhưng cố gắng này của tôi cũng chẳng đem lại chút kết quả gì, chỉ có những bản nhạc xa lạ và tiếng sè sè của những băng tần không phát sóng kéo dài chán nản.
- Thôi anh ạ, có gì đợi sáng rồi sẽ hay. Bây giờ mình vào hầm trú ẩn đi, có thể chúng lại pháo kích tiếp như lần trước đấy.
Vợ tôi chia sẻ mối băn khoăn của tôi bằng hành động thực tế là nghĩ đến sự an toàn trước mắt đã. Chúng tôi chạy vội sang phòng kế bên, ẵm đứa con nhỏ đầu lòng mới tròn 6 tháng, đưa vào chiếc hầm nổi cất bằng những bao cát nhỏ xếp lại ở góc hành lang nối liền phòng khách với phòng ngủ, không vững chắc lắm, nhưng cũng đủ che chở cho một gia đình nhỏ chống lại những quả đạn cối bắn trộm.
Trước đó, cũng như nhiều gia đình khác ở khu Tả ngạn, chúng tôi đã mấy lần nếm mùi pháo kích Cộng sản và cảm thấy coi thường cái trò chơi dọa nạt này khi chỉ với một chiếc hầm cất tạm, chúng tôi đã có thể yên tâm tiếp tục giấc ngủ bị phá quấy, để sáng mai trở dậy thấy cuộc sống vẫn bình thường như không có gì đã xảy ra.
Lần này, tuy những dấu hiệu mới cho tôi linh cảm đã có một cái gì khác lạ. Nhưng sự im lặng tạm thời tiếp sau đó đã đánh lừa tính cảnh giác trong tôi, để dần dần du tôi vào nếp nghĩ đã thành quán tính. Thiu thiu ngồi đợi sáng trong căn hầm chật, tôi không còn nghe những tiếng nổ gần và rời rạc như tiếng pháo đã có lúc ran lên giữa đêm.
- Chắc chúng đã rút đi rồi. Giờ nầy chúng không còn dám pháo nữa đâu, sợ lộ tọa độ đó, đại bác của ta câu xuống là chúng hết đường chạy.
Anh Duy, người Cảnh sát Dã chiến trẻ tuổi vừa cưới vợ tháng trước, được tôi cho ở nhờ căn nhà dưới, dè dặt góp ý. Anh đang vận động để được biệt phái giúp việc cho tôi, nhưng chưa được. Anh cũng đang sốt ruột đợi sáng để trở về đơn vị.
Tôi không tỏ ý kiến nào, nhưng trong trí tôi đang diễn lại những lần trao đổi với Thiếu Tá Tham Mưu Trưởng Tiểu Khu (Sau này là Đại Tá Tỉnh Trưởng, còn bị Cộng sản cầm tù) về một biện pháp khả dĩ có thể trừ khử những ổ pháo di động của Cộng sản ngay khi chúng vừa bắn lén vào Thành phố. Thiếu Tá T. vừa khoe, sau nhiều tháng theo dõi, ông đã tóm cổ được bọn đặc công đã tham gia vụ pháo kích Khách sạn Hương Giang trước đây trong một cuộc hành quân lục soát ở quận Phú Thứ. Ông cũng nắm được tin tức về những toán phá hoại khác, thường theo ngã Vân Dương từ phía Nam lên hay Chín Hầm từ hướng Tây xuống để đặt pháo bắn vào Huế. Bọn này chỉ dám bắn cấp tập từng đợt ngắn rồi rút ngay vì sợ phản pháo.
Khi chúng tôi dậy mở cửa nhìn ra đường thì trời đã sáng hẳn. Ngày mùng 2 Tết bắt đầu với một vừng triêu dương xán lạn và những cơn gió Xuân phớt đùa trên ngọn cỏ long lanh sương sớm, thiên nhiên vô tình như không hề hay biết sự chết chóc, nỗi hãi hùng ngạt thở đang diễn ra đâu đây dưới những mái nhà cửa còn khép kín. Con đường Lý Thường Kiệt trải dài trước mắt tôi, vẫn thân thiết với những biệt thự nhu mì ẩn sau hàng dậu gỗ thanh bai, sáng nay ngoài vẻ kín đáo thường nhật, có một cái gì như hoang vắng, im lìm. Tôi vươn vai hít thở cái không khí ban mai tươi mát cho bõ những giờ ngột ngạt dưới hầm. Chung quanh hoàn toàn yên tĩnh. Anh Duy đã thay xong bộ y phục Dã chiến, định ra đi, còn cẩn thận nhắc nhở tôi can thiệp dùm với cấp trên của anh nếu sau này lỡ anh bị kỷ luật vì trình diện trễ.
Giữa khi đó thì tôi phát giác có những toán quân đang im lặng di chuyển trên đường. Họ đi từng người một, cách nhau vài trăm thước, ở cả hai phía vệ đường, từ phía cầu Kho Rèn hướng thẳng xuống nhà Bưu Điện Trung Ương và Khu Đại học. Lặng lẽ, rất lặng lẽ, những bóng người áo vàng, đầu trần, súng hờm sẵn đang tiến dần đến nhà tôi. Việt Cộng xuất hiện trên đường phố giữa thanh thiên bạch nhật - cho đến giờ phút ấy thật tình vẫn chưa hề có trong ý nghĩ tôi. Trong cái ấn tượng đột ngột ở ngoài nhận thức, tôi cứ cho họ là một thứ quân nào đó của Quốc gia và chỉ có thể là như thế. Vả lại, trông họ không giống với những hình ảnh của những Việt Cộng nằm chết ngài trận địa mà tôi đã mấy lần trông thấy từ mặt trận Cùa (Cam Lộ) cho đến Gia Đẳng, Nhan Biều (Triệu Phong) trên mình chỉ có chiếc quần đùi và mảnh áo bà ba đen, với nắm cơm vắt tung tóe bên người. Bọn này mặc Kaki, trên tay áo lại buộc một giải băng màu.
Tôi khép bớt cánh cửa để có thể tự do quan sát kỹ hơn. Tên đi đầu đã ngang tới cổng nhà tôi. Một cảm giác lành lạnh chợt chạy suốt người tôi. Tôi đã thấy rõ những ống quần xắn móng lợn cao thấu gối, những đôi dép Bình Trị Thiên trên đôi chân đen đủi, nét mặt vàng vọt, với khẩu AK băng đạn cong trên tay, lăm lăm họng súng đen ngòm. “Đúng là Việt Cộng rồi.” Tôi tự nhủ thầm như thế, rồi như một phản xạ tự nhiên, tôi chạy vội vào phòng lấy khẩu Carbine dấu sau cánh tủ, lắp đạn vào, đoạn trở lại phòng khách, đứng sau cánh cửa khép hờ, nơi tôi có thể nhìn rõ mọi cử động của chúng. Hồi đó, công chức chưa có lệnh vũ trang nhưng bác Thẩm, Trưởng Ty Nội An, đã dúi cho tôi một khẩu Carbine Ấp chiến lược còn mới nguyên, với lời dặn dò “Ông Phó cứ đem về nhà cất để dùng, biết đâu lại chẳng có lúc phải cần tới nó.”
Đúng, giờ phút này tôi mới thấy một cây súng trong tay là cần biết bao và tôi thầm cảm ơn bác bạn già đã biết lo xa cho tôi.
Toán quân Cộng Sản này không di chuyển trên đường chính, mà chạy lom khom dọc theo hai bên đường mương, mắt dáo dác nhìn quanh những ngôi nhà cửa đóng kín. Những tên đi đầu đã vượt qua nhà tôi, đang xây lưng lại phía tôi trong khi còn giữ một khoảng cách khá xa với những tên phía sau . Tôi không ghìm được mình, hướng mũi súng về một tấm lưng gần nhất sẵn sàng bóp cò. Tôi chưa hề giết người và cũng ghê tởm sự giết người, vốn là một giới cấm trong tín ngưỡng của tôi. Nhưng hôm nay, khi đặt tay lên cò súng, tôi như thấy mình đang làm một việc chính đáng.
Bỗng một bàn tay đặt lên vai tôi rồi một giọng nói nghe như van lơn, can gián :
- Đừng, đừng bắn, ông ơi. Họ đông lắm, ngã sau vườn mình cũng có họ nữa. Nếu biết có mình trong này, họ tràn vào thì mình chống không nổi đâu. Trong nhà còn có cô, có em nữa (Vợ và con tôi) ông cố đừng để cho họ biết. Người Cảnh sát trẻ cố can ngăn tôi trong một cử chỉ thật đầy lo âu.
Tôi thở dài, hạ mũi súng xuống đất, và ngẫm nghĩ : “Nếu ai cũng như mình, tránh né trước kẻ thù thì đại cuộc sẽ đi về đâu ?” - Nhưng lời nói của Duy cũng có lý, còn sinh mệnh của những người vô tội trong ngôi nhà này nữa. Tôi không thể vô trách nhiệm đối với họ. Tôi bảo anh Duy đi đóng chặt cửa ngõ lại, quyết tâm cố thủ, nếu chúng có ý định tấn công nhà tôi. Chúng tôi củng cố lại chiếc hầm, đặt chướng ngại vật trên lối đi, đoạn leo lên trần nhà quan sát. Từ chiếc cửa tò vò trên mái, tôi thấy những hàng quân Cộng sản cứ tiếp tục đổ về hướng nhà Bưu Điện, chậm chạp và thận trọng. Ngôi biệt thự hai tầng sơn trắng xế trước nhà tôi, tư thất của Manhard, viên đại diện cao cấp nhất của Mỹ ở Huế, vẫn yên lặng, nhưng thấp thoáng có bóng Việt Cộng ra vào. Tôi nhận rõ mối nguy hiểm mới. Tòa Đại Diện Mỹ đã bị chiếm và Cộng Sản đang đóng chốt ở đây dùng nơi này làm bàn đạp xuất phát cho những cánh quân tiền tiêu của chúng. Sớm muộn gì chúng cũng khám phá ra tôi, vì nhà tôi đã bị lọt vào thế bao vây của chúng.
Bỗng tiếng nổ chợt ran lên phía nhà Bưu Điện và ngã tư Lê Thánh Tôn - Lý Thường Kiệt, một đầu mối giao thông quan trọng dẫn đến nhiều cơ sở đầu não Việt, Mỹ. Cánh quân Cộng sản đã bị chận ở đây và chiến trận đang diễn ra ác liệt. Tiếng nổ đủ loại súng đã tạo ra một lưới đạn khủng khiếp đan chéo nhau ngay giữa mặt đường, đâm thẳng vào ngôi nhà tôi từ cả 2 phía. Chính lưới đạn tai ác nầy, kéo dài từ ngày này qua ngày khác, đã làm nhụt lòng những ai muốn tìm lại sinh lộ xuyên qua con đường bị Cộng sản khống chế ngay từ phút đầu này.
Mặc dầu đạn vẫn bắn xối xả, phòng khách, phòng ăn nhà tôi đã bắt đầu lỗ chỗ những vết đạn lớn nhỏ, tôi quyết trụ ở rầm thượng để dễ bề đối phó với địch. Nếu xuống hầm, tôi sẽ bị mất khả năng theo dõi mọi động tịnh chung quanh và trở nên bị động một cách nguy hiểm. Từ trên, tôi nhìn thấy bao quát khu vực quanh tôi đang hoang vắng, một quang cảnh chết chóc. Vắt ngang ngôi nhà kế bên của ông Thẩm phán Phạm Văn Hiền là một chiếc dù hỏa châu màu trắng từ đâu rơi xuống nằm sóng sượt như một giải băng tang. Bên kia đường là nhà ông Chánh án Nguyễn Khoa Hoàng, cửa vẫn đóng im, không ngờ một bi kịch thương tâm đã xảy ra. Ngay hôm đó, ông và người con, một luật sư trẻ tuổi, đã bị Cộng sản ập vào bắt dẫn đi. Và cho đến nay, gia đình vẫn chưa biết họ đã chết ở đâu. Nhìn về hướng đường Đống Đa, ngôi nhà sơn trắng nằm dưới hàng xoan xanh, nhà của Đại tá Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn I, vẫn kín cổng, chưa có vẻ gì bị đột nhập. Tôi tự hỏi giờ phút này ông ở đâu, đang cầm quân cự địch hay cũng kẹt lại như tôi. Nhưng mối quan tâm của tôi hướng nhiều hơn đến góc đường Lê Thánh Tôn, nơi mà các đợt xung phong dành kho bạc, nhà giây thép, trụ sở Dân Ý Vụ vẫn xảy ra dữ dội. Tôi nghe như có cả tiếng xích xe tăng đang nghiến mặt đường.
Cái biệt thự cao cao nằm kế bên nhà hàng Chaffanjon cũ đang phơi mình hứng đạn từ bốn phía kia, là công ốc dành cho ông Chưởng Lý Bùi Hòe Thực. Cụ Thực đã mấy lần đến năn nỉ tôi đổi nhà với cụ, vì muốn ở gần những bạn đồng tòa như cụ Biện Lý Phạm Trung Côn, ông hội thẩm Hiền, đều là láng giềng của tôi. Nếu tôi đồng ý với đề nghị của cụ, không hiểu số phận gia đình tôi đã thế nào, có thể tốt hơn nhưng cũng có thể xấu hơn. Cách đó trăm thước là tư thất Tướng Ngô Quang Trưởng. Ngôi nhà hai tầng chỉ có một công sự nhỏ bằng bao cát để lính gác kiểm soát người ra vào, nơi mà ông sống với gia đình, liệu có đứng nổi trước sức tràn ngập của quân Cộng sản ? Nhớ lại tình hình chiều 29 Tết, khi Sĩ quan các đơn vị lễ mễ mang những cành mai đến chúc Tết vị Tư Lệnh theo phong tục cổ truyền, tôi đã thấy Tướng Trưởng nghiêm khắc ra lệnh cho họ phải về ngay đơn vị để chuẩn bị đối phó với tình thế mới. Chứng kiến thái độ cảnh giác của ông hôm ấy, tôi bớt thấy bồn chồn khi cảm thấy Việt Cộng như có vẻ đã làm chủ tình hình khắp nơi. Thực tế, sau khi ban hành lệnh cấm trại 100% cho tất cả Quân nhân, Tướng Trưởng đã có mặt tại Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn ngay đêm mồng một và từ đó ông đích thân Chỉ huy các cuộc phản kích bảo vệ căn cứ, khi cuộc tấn công bắt đầu xảy ra.
Tôi đang loay hoay dựng lại những khúc gỗ cản đạn trên trần thì bỗng “xoẹt, xoẹt”. Mái ngói trên đầu tôi vỡ toang hai lỗ lớn, hai viên đại liên ghim thẳng xuống cách tôi vài phân. Một chiếc trực thăng vũ trang UH-I A của Mỹ đang nghiêng nghé quan sát bên trên nhà Manhard, bỗng một tràng thượng liên từ bên trong bắn lên làm chiếc máy bay hoảng hốt vọt lùi và bắn trả nhiều loạt đạn dài, tiếng vang như sấm trước khi bay đi. Viên đạn suýt trúng tôi là từ máy bay bắn xuống. Trong trí viên Phi công, cả khu này đều đã lọt vào tay Cộng sản rồi, nhà nào cũng có thể có Cộng sản ẩn núp bên trong, nên đã tự cho mình cái quyền tự do oanh kích. Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu của tai họa khác.
Với việc di động ngày càng nhiều các đơn vị Cộng sản xuất phát từ trường Thiên Hựu và các dinh thự bị chiếm cứ ven đường, khu Lý Thường Kiệt bổng trở nên một bàn đạp nguy hiểm để Cộng sản phóng ra những trận tấn công mới. Lực lượng giải tỏa đã thấy điều đó và những quả đạn cối thăm dò đã bắt đầu rơi xuống. Lúc đầu còn thưa, nhưng sau càng ngày càng dồn dập. Ngày đầu tiên chỉ có loại 60 ly, về sau là 80 ly, rồi đến đại bác. Đạn rơi ngoài đường, đạn rơi quanh nhà, xuống nhà hàng xóm. Ngôi nhà tôi vật vã dữ dội dưới sức ép và tiếng nổ như một cây nhỏ trước cuồng phong, một đồn hoang sắp bị hạ. Hai con chó Nhật bản khôn ngoan thường không rời chúng tôi nửa bước cũng quá khiếp đảm, tông cửa phóng chạy như điên ra đường để rồi gục xuống trước những luồng đạn hung bạo. Đó đây tôi cũng nhìn thấy thất thểu đoàn người chạy loạn, xô tới, dạt lui không biết tránh vào đâu lưới lửa tứ bề, cuối cùng , từng người, từng người gục ngã dần, xác gối vỉa đường, cho đến khi không còn ai.
Tình thế của tôi mỗi lúc mỗi hiểm nghèo thêm. Dưới nhà, vợ tôi không dám di chuyển nửa bước khỏi hầm núp. Con tôi không có nước pha sữa, đành cho ngậm Soda cầm hơi. Tinh thần ai cũng căng thẳng chờ đợi những nguy hiểm mới. Bỗng một quả đạn cối rơi trúng ngay phòng ngủ tôi, khói bụi bay mù mịt, vôi vữa rơi đổ rào rào. Tôi cảm thấy rát ở trán, sờ có máu. Một mảng đạn đã sướt qua đầu tôi, may chỉ bị thương nhẹ. Mái nhà bị sạt một bên làm lộ chỗ tôi đang ẩn núp. Việt Cộng đứng trên lầu nhà Manhard nhìn sang có thể thấy tôi. Một câu ngạn ngữ Pháp mà tôi tin chợt lóe ra trong trí tôi lúc đó khiến tôi phải xét lại quyết định của mình…”Jamais deux sans trois” (Việc gì đã xảy ra hai lần thì không tránh được sẽ xảy thêm lần thứ ba). Tôi đã hai lần hụt chết, làm sao tôi có thể thoát khỏi lần thứ ba, khi mà cái chết chưa biết sẽ ập xuống khi nào. Phải xuống nhà ngay, rồi tìm cơ hội thoát sau, tôi nhủ mình như thế và đưa mắt đảo qua tình hình chung quanh trước khi tôi không thể nhìn thấy chúng được nữa. Bọn cộng sản lỳ lợm hình như không sợ pháo của ta. Chúng vẫn đi lại, bố trí không ngừng. Quãng nào trống chúng chạy vội qua, đến chỗ kín, chúng lại di chuyển bình thường. Phía ruộng rau muống sau vườn nhà tôi nhấp nhô những mái tóc để rẽ theo lối trẻ con, nửa người lớn trên bộ Quân phục vừa vàng vừa xanh lá cây. Có những quả đạn B 40 như bắp chuối trên vai, khi phân tán, lúc tập trung, nham hiểm, rình rập.
- "Tình hình này thì cũng khó phá vòng vây của chúng đây”, tôi vừa mở nắp trần nhà để trụt xuống dưới vừa nghĩ bụng như thế.
Vào hầm thấy vợ tôi mệt mỏi, hốc hác ngồi tựa vào bao cát ôm con, đứa bé mềm oặt khóc không ra tiếng, trên tay lần dở cuốn kinh nhỏ in hình Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, lòng tôi chợt mềm nhũn một tình cảm mến thương vô hạn. Tội nghiệp, người vợ trẻ còn nguyên nét học trò nếu không về với tôi, giờ đây có lẽ vẫn là một Sinh viên vô tư hồn đầy mộng ước, thả bước lá hoa trên ngưỡng trường Đại học, có đâu phải chia sẻ với tôi một số kiếp đoạn trường, lê lết những giờ phút kinh hoàng bấn loạn trong chiếc hầm tối đen ngột ngạt như địa ngục này. Và con tôi mới hôm kia còn hồng mởn, thanh tú như một nụ sưng, giờ đã gầy rộc, tái xanh như một tàu lá héo. Thế mà những hình ảnh thân yêu này chưa biết phút nào đây rồi sẽ phải xa lìa vĩnh viễn. Tôi phải phá vây tìm một sinh lộ, may ra đến được chốn an toàn, nhưng cũng rất nhiều rủi ro sẽ âm thầm ngã xuống tại một bụi bờ nào đấy ở ven đường. Tôi thấy trước số phận mình qua hình ảnh những đoàn chạy loạn gục dần, gục dần, đến khi không một ai còn lại trên đường. Nhưng cũng không thể bó mình trong chiếc hầm nhỏ để chờ giặc đến. Điều đó còn tệ hại hơn chết. Tôi hôn con và nắm tay vợ tôi như một dấu hiệu giã từ. Bên ngoài đại bác vẫn rơi đều, treo lơ lửng lưỡi hái tử thần trên chiếc hầm mong manh. Tôi nóng ruột đợi trời tối xuống để thoát ra khỏi nhà, định bụng sẽ băng qua hàng rào kẽm gai sau hè, men theo thửa ruộng cạn dẫn đến con đường tắt xuống Tiểu Khu, ở đó tôi hy vọng sẽ gặp được những đồng bạn đang chiến đấu. Tôi bảo anh Duy dấu bớt những thứ có thể làm lộ hình tích để lỡ bất chợt gặp địch, vẫn linh động đối phó được với chúng. Vũ khí chỉ sử dụng trong trường hợp tối cần thiết để tự vệ.
Chúng tôi vừa sửa soạn xong, đang chất lại mấy bao cát đã quá xiêu vẹo vì sức nổ lớn, để thêm chút vững chãi cho chiếc hầm thì bỗng “đoàng, đoàng, đoàng”. Ba tiếng nổ đanh lạnh vang lên từ phía bếp, tiếp đó một tiếng quát lớn giọng Bắc dội vào :
- "Ra ngay ! Tất cả mọi người trong nhà phải ra ngay. Chậm trễ hay kháng cự sẽ bị tiêu diệt. Ra, ra mau.”
Tôi vội ra ngay nhà ngoài xem cái gì đã xảy ra, vừa ngang ngưỡng cửa phòng khách, bỗng hai họng súng đen ngòm dí ngay vào hông, chận tôi lại. Hai tên lính Việt Cộng còn trẻ, mặt mày lạnh lẽo, phục sẵn từ hồi nào, im lặng chĩa súng vào người tôi. Chúng hất mũi súng, ra hiệu bảo tôi đi tới. Tiến thêm ít bước, tôi thấy nép sau tấm bình phong ngăn đôi phòng khách với phòng ăn, hai tên khác, súng hờm sẵn cũng đang chĩa về phía tôi. Và trấn ngay khung cửa dẫn xuống nhà để xe, nơi tôi định theo đó thoát ra ngoài, lại hai tên nữa, đương gườm gườm, sẵn sàng yểm trợ cho bọn đã lẻn sâu vào bên trong. Thì ra, khi những quả đạn oan nghiệt buộc tôi phải rời vị trí quan sát để tạm ẩn vào hầm thì bọn Cộng sản thâm hiểm đã lợi dụng hông cửa bị đạn pháo làm bung vỡ, lén đưa cả một bán tiểu đội vào phục sẵn trong nhà. Sự bất ngờ làm tôi không kịp trở tay, đứng sững nhìn những tên địch lần đầu đối diện, đau đớn nhận ra tình cảnh thất thế của mình. Chúng đã bố trí kỹ thế này, cho dù tôi muốn chúng phải trả giá cho sự hy sinh của tôi cũng không còn được nữa rồi. Chúng sẽ hạ tôi trước khi tôi kịp có một phản ứng nhỏ.
Bọn bên ngoài đã bắt đầu kéo vào. Một tên trung niên không mang chút phù hiệu nào trên người ngoài tấm vải nhỏ màu vàng buộc ngang cánh tay áo xắn cao, có vẻ là chỉ huy, thận trọng tiến lên, mắt nhớn nhác nhìn các gác phòng, nhìn lên trần nhà, như sợ có những mũi súng vô hình còn mai phục đâu đây.
- "Anh là Tỉnh phó ? ” Hắn hỏi, giọng cấp bách .
Tôi nhận ra là cái giọng vừa quát gọi phía sau nhà. Tôi không trả lời, đang nghĩ có nên có một hành động kháng cự để ngã trước mũi súng của chúng, ngay trên mảnh đất Huế, quê hương mà tôi cảm thấy đã không làm tròn trách nhiệm bảo vệ, hay cứ để xem, tìm một cơ hội khác. Thật tình, tôi không còn biết sợ mà chỉ thấy điếng tê một cảm giác chát chua. Cuộc đời tôi coi như đã hết. Có điều nên tự hủy cho tròn khí tiết một kẻ sa cơ hay chờ cái chết sẽ đến từ tay kẻ thù thì tôi chưa quyết định. Vừa lúc ấy vợ con tôi và anh Duy bị uy hiếp dưới những họng súng, được đưa ra từ cửa hầm, đứng sắp thành một hàng ngang bên tôi. Có tiếng lên đạn lách cách. Tôi rùng mình nghĩ đến hành động dã man thường có của Cộng sản. Tên chỉ huy sấn đến, chĩa súng vào vợ tôi, mặt đầy sát khí :
- Chị phải nói cho thật, hắn chính là Tỉnh phó phải không ?
Khi đó, tôi thấy vợ tôi bình tĩnh một cách kỳ lạ, bình tĩnh theo linh cảm đàn bà. Vừa cố dỗ cho đứa con khỏi khóc, vợ tôi nhìn thẳng vào tên chỉ huy, rành rọt đáp, sắc mặt không đổi.
- Nếu ông biết có Tỉnh phó nào trong nhà này thì ông cứ việc lục soát. Riêng tôi, tôi không biết ai như vậy cả.
- Được rồi, chúng tôi hỏi là để thử xem sự thành khẩn của các người thôi. Cách mạng đã theo dõi và nắm đủ tin tức trong tay, các người đừng hòng ngoan cố che mắt Cách mạng.
- Các đồng chí, dẫn tên này đi. Hắn cười gằn rồi quay lại ra lệnh cho đồng bọn.
Mặt tôi đanh lại, nhớ đến những tên học sinh thường lượn lờ trước cổng nhà tôi và nhà Manhard. Chính bọn chỉ điểm nầy đã làm tai mắt trước cho những tên bắt người. Tôi thấy nóng ở cổ khi hai tên rút cuộn thừng dắt sẵn ở thắt lưng, tiến lại phía tôi. Tôi như không còn chịu đựng nổi cái ý nghĩ phải thúc thủ nhìn chúng nó trói mình, thà chết chứ không như thế này được. Tôi vừa rướn người trong một tư thế định vùng dậy thì vợ tôi chợt nhìn thấy.
- Anh cứ đi đi, đừng lo nghĩ gì đến em và con.
Tôi hiểu vợ tôi đoán biết ý nghĩ liều lĩnh của tôi và không muốn trông thấy cái chết của chồng xảy ra ngay trước mắt mình. Ánh mắt đau thương của người vợ trẻ đã cầm chân tôi lại trong cái ý định nửa chừng. Một lần nữa, tôi lại thở dài. Tôi sắp vĩnh viễn chia lìa vợ con, hình ảnh cuối cùng để lại trong lòng người thân thương không thể là một hình ảnh đầy máu. Vợ tôi khó sống nổi với cái ám ảnh chết chóc của chồng. Hai tên Bộ đội bắt đầu đẩy tôi đi. Ngoái nhìn, tôi thấy vợ tôi nước mắt ràn rụa, đứng sững trông theo não nùng như pho tượng vọng phu. Đó là lần cuối chúng tôi trông thấy nhau trên phần đất Tự do của Tổ quốc.
Tôi ra đi mang theo hình ảnh Huế đô điêu tàn vật vã và người vợ chờ đơn độc đứng ôm con. Phải 13 năm sau, chúng tôi mới gặp lại nhau sau khi đã nếm trải đủ mùi đày đọa và tưởng nhau đều đã chết, duy quê hương thì mãi mãi đã không còn. Tôi bước đi như cái xác không hồn theo sự xô đẩy của hai tên Bộ đội người Bắc. Qua cung cách hành hạ của chúng, tôi biết chúng muốn tôi chết đi cho rảnh thân hơn là phải mất công coi ngó, giữa lúc bom rơi đạn lạc như thế này. Bắt đầu ra khoảng trống, nhất là lúc băng qua mặt lộ, chúng đẩy tôi lên, bắt chạy trước, còn chúng thì nằm xuống vệ đường để tránh đạn, mũi súng luôn chĩa thẳng vào lưng tôi. Thâm ý chúng là dùng tôi làm cái bia hứng đạn, chỉ khi nào thấy tôi vượt qua không hề hấn gì, chúng mới vội vàng nhổm dậy chạy theo. Đó cũng là cách thức giải người thường thấy của Cộng sản trong những khu vực còn giao tranh ở Huế. Biết bao nhiêu người đã không vượt qua khỏi lằn đạn như tôi, phải ngã xuống giữa đường khi vừa bị Cộng sản bắt đi. Những con đường Huế đầy xác người vắt ngang hay sắp lớp bên lề, phải chăng là hình ảnh không chối cãi của một tội ác tày trời.
Tôi tưởng chúng sẽ dẫn tôi đến tận đâu, ai ngờ chúng chỉ đưa tôi đến nhà Manhard rồi trói lại, bỏ tôi ngồi đấy. Một người đeo kính trắng bị trói, ngồi ủ rũ gần cửa ra vào. Nhìn kỹ tôi mới biết là người láng giềng, dạy Pháp văn ở trường Quốc Học, có lẽ cũng mới bị bắt sáng nay. Một lát sau, tên Chỉ huy bước vào, hắn cật vấn lại vài câu, đoạn ra lệnh cởi trói và cho người này về. Chỉ mình tôi còn lại trong phòng khách trống hoác, không còn chút đồ đạc gì ngoài những vỏ chai rượu vỡ vứt nằm lỏng chỏng đó đây. Cũng tại căn phòng này, hôm 29 Tết, Manhard còn ngồi tiếp tôi trong chiếc ghế bành sang trọng và một tủ rượu đầy ắp rượu quý. Hôm đó, vừa theo phái đoàn Thủ Tướng Lộc đi thăm ấp chiến lược kiểu mẫu ở quận Hương Thủy về, thì Manhard cho người mang cặp rượu sang biếu Tết. Tiện đường, tôi ghé thăm đáp lễ, đem theo bức tranh sơn dầu “Người đội mũ đỏ”, một tác phẩm có giá trị nghệ thuật của họa sĩ Đinh Cường mà tôi vừa mua trong một cuộc triển lãm hội họa mùa Đông của anh, tặng lại Manhard. Viên đại diện Mỹ đầu tiên thuộc ngạch ngoại giao và có một lối giao tế nhân sự cũng hết sức… ngoại giao (Và cũng để nhân đó giới thiệu với người Mỹ một sinh hoạt Nghệ thuật địa phương).
Vào năm 1967, “Việt Nam hóa chiến tranh“, mới còn là một khái niệm chỉ thỉnh thoảng xuất hiện một cách dè dặt trên báo chí Mỹ. Nhưng nhìn vào những thay đổi nhân sự trong cơ cấu viện trợ Mỹ tại địa phương, thì hình như kế hoạch đã được khởi động từ những ngày sớm hơn người ta biết. Nếu trước đó, những đại diện USAID, thường là những người, hoặc là có cái xông xáo, ôm đồm của một cán bộ tận tình với công tác, dám hy sinh vì lý tưởng, hoặc mang cái tinh thần hẹp hòi, cứng ngắc của một loại thư lại máy móc, coi thủ tục giấy tờ nặng hơn mục tiêu chính trị, thì từ sau ngày được biến cải thành Cơ quan CORDS, những đại diện mới rõ ràng đã đem lại một phong cách mới, không chỉ trong công tác, mà cả trong quan hệ đối xử với đồng minh.
Ở Quảng Trị, khi Whitfield, viên đại diện USAID nói tiếng Việt sõi như người Việt, giữa hoàng hôn vẫn dám một mình một xe lên Cam Lộ, ra Gio Linh, vào Hải Lăng thâu thập tin tức, kiểm chứng tình hình, mãn hạn hợp đồng về Mỹ thì người thay thế là một cựu lãnh sự Mỹ ở Ý, cao gần hai thước, nhưng rất nhỏ nhẹ hiền lành, đến với tỉnh địa đầu giới tuyến như một sứ giả của Hữu nghị và Hòa bình, hơn là một đồng minh đang chiến đấu. Cũng thế, khi trụ sở CORDS ở Huế thôi đặt bên cạnh Tòa Hành Chánh tỉnh, để dời về địa điểm mới phía sau nhà Bưu điện, thì cũng là lúc chấm dứt cái thời kỳ trì trệ của Lofton, viên đại diện già quá nhiệt thành với nguyên tắc kiểm soát, đến thành cản trở chương trình yểm trợ và làm vẩn đục mối quan hệ cộng tác giữa đôi bên.
Đến đảm nhiệm chức vụ đại diện CORDS thay thế Lofton, Manhard vẫn mang ngạch số ngoại giao và hành sử công việc như thể vẫn còn là một lãnh sự ở Milan. Bên cạnh công tác bình định, giờ được phối hợp uyển chuyển hơn, Manhard chú trọng nhiều đến việc xây dựng mối quan hệ hiểu biết với các nhân vật có tên tuổi, các nhóm áp lực có ảnh hưởng tại địa phương. Qua những cố gắng mới, có thể thấy, vị trí và tiềm năng của Việt Nam Cộng Hòa đã bắt đầu được chú ý đến một cách đáng kể trong chương trình bình định và nỗ lực chống cộng. Trong những ngày còn bận rộn với chương trình bình định cuối năm, Manhard đã tỏ vẻ thực sự lo ngại về tin tức một cuộc tấn công vào Huế của Cộng sản. Đoàn Công Lập cho tôi hay Manhard đã nhiều lần đích thân đến gặp Lập để xin cho người đến bảo vệ. Đây là một hành động khá khác thường đối với một giới chức cao cấp Mỹ.
Thẳng thắn mà nói, hồi đó người Mỹ thường không mấy tin tưởng vào khả năng bảo vệ của cơ quan an ninh Việt Nam. Các cố vấn Mỹ bằng phương tiện riêng, tự tổ chức lấy việc bảo vệ an ninh cho bản thân mình. Thường cứ vài người thuê chung một biệt thự, có lính Lôi Hổ đứng canh gác. Lôi Hổ là một đơn vị đặc biệt do người Mỹ trực tiếp tuyển mộ và trả lương, gồm những thanh niên ngang tàng không sợ đánh nhau và không sợ cả kỷ luật, đa số là người Việt gốc Hoa ở Chợ Lớn. Ở khu vực hữu ngạn, khi cộng sản - được chỉ điểm trước - tấn công bao vây nhà các cố vấn Mỹ, đã bị các binh sĩ Lôi Hổ đánh trả dữ dội, chúng bị chết rất nhiều. Có nhiều nhà quân Cộng sản chết sắp lớp mà vẫn không chiếm được, sau chúng phải dùng quỷ kế dụ hàng và vây hãm nhiều ngày cho hết đạn bên trong mới chịu buông súng. Những anh em Lôi Hổ cùng đường này, khi bị bắt lên núi, ngồi nhìn cái chết chậm vì đói rét, bệnh tật đang từ từ đến, đã đấm ngực tự trách sao không quyết tử đến cùng với quân Cộng sản, để dù có ngã xuống thì vẫn còn nhẹ nhàng hơn “Sống như chết” thế này.
Yêu cầu của Manhard được Ty Cảnh sát Huế thỏa mãn và vào những ngày giáp Tết, nhìn qua nhà viên đại diện Mỹ, tôi bắt đầu thấy có Cảnh sát Dã chiến đến canh ở cổng.
Khi ngôi nhà bị chiếm, tôi không biết có sự kháng cự nào không, nhưng giờ đây, ngồi giữa căn phòng đã được Cộng sản biến thành một cứ điểm tiền tiêu của chúng, tôi không thấy một ai còn lại trong nhà, ngoại trừ những tên lính chiến đấu Việt Cộng mặt mày âm u hiểm ác, lưng choàng tấm vải dù loang lổ, ẩn hiện đi về như những cánh dơi ăn đêm. Dấu vết phá phách, đập vỡ và sự tan biến của mọi đồ vật chứng tỏ ngôi nhà đã bị lục soát, cướp bóc nhiều lần. Sau này, tại một vùng hẻo lánh rất xa Huế, tôi thấy chiếc xe của Manhard nằm bẹp dí dưới một lùm tre bên đường khi tôi bị Cộng sản đưa lên núi. Bọn Cán bộ đã dùng xe này đi lại để che mắt máy bay rồi khi hết nhiên liệu, chúng vứt lại bên đường. Đó là dấu vết duy nhất của Manhard mà tôi được biết sau khi cuộc tấn công xẩy ra.
Bọn Việt Cộng mải mê với việc tiếp viện cho đồng bọn gần đấy, có lúc tưởng như đã quên tôi. Nhưng không, dụng ý của chúng gian ác hơn nhiều. Ngôi nhà mà chúng giữ tôi đang là mục tiêu bắn phá của nhiều loại pháo không hiểu từ đâu câu lại. Chúng trói bỏ tôi ngồi ngay ngưỡng cửa nhìn ra chiếc sân cỏ chốc chốc khói bụi và đất cát lại nẩy lên vì đạn rơi trúng. Đạn nổ sát bên tôi nhiều lần, nhưng không hiểu sao tôi lại chưa chết. Việt cộng muốn mượn bom đạn ta để giết người của ta - như chúng đã lùa đồng bào chạy loạn bên Thành Nội lên cửa Chánh Tây để cho máy bay Mỹ bắn chết - nhưng thêm lần nữa, mưu định của chúng không thành. Trong chiến tranh, bom rơi đạn lạc là sự thường tình nhưng nhiều khi muốn chết cũng không phải là dễ.
Một lát sau, dãy tường cao, cổ kính ảm đạm dưới trời mây của ngôi trường Thiên Hựu đã hiện ra trước mắt tôi. Những khung cửa lớn màu nâu mở toang hoang, trống trải cho thấy nhiều bóng người đi lại bên trong. Nhưng không phải hình ảnh thường thấy của những linh mục người Pháp cao lênh khênh trong bộ áo chùng đen thậm thượt, hay những Học sinh nội trú hiền lành mà là sự chuyển động đen tối của bóng dáng yêu ma, lấy mái học đường làm nơi tụ ác. Bước qua những mảnh cửa kính vỡ dọc hành lang ngôi trường và xác những con lợn lai to lớn, không hiểu tại sao nằm chết ở đó, tôi bị dẫn vào một phòng học bỏ trống, cửa ngõ mở banh, không khí rùng rợn như một trạm hành quyết. Góc tường, nhiều vết đạn lỗ chỗ và một vũng máu lớn lan đọng trên nền, chỗ còn đỏ tươi, chỗ đã đen thẫm, bốc lên một mùi tanh khó tả của máu người. Cổ họng tôi nghẹn đắng một cảm giác căm hận. Không nghi ngờ gì nữa, đây là chỗ Việt Cộng thủ tiêu người. Bao nhiêu người đã bị xô vào góc tường này để hứng lấy những phát đạn bắn gần. Máu họ còn đó, nhưng thân xác bị vùi dập nơi đâu ?
Lúc đó, thật tình tôi không biết ở khu vực quanh tôi nhiều người cũng bị bắt đến đây như tôi và càng không thể ngờ rằng trong số những người không may đó, có rất nhiều gương mặt, quen cũng như không quen, đến nay vẫn tuyệt mù tăm tích, không biết sống chết ra sao. Trường học là nơi đóng quân trong Thành phố của Cộng Sản, cũng là bãi giết người tập thể. Hầu như ít ai đã lọt vào đây mà được trở về. Tôi bị bắt khi Cộng quân đang chuẩn bị rút. Chúng bận rộn lo di tản thương binh và chống đỡ với phi pháo nên hoạt động khủng bố phần nào bị hạn chế. Suốt hôm đó tôi không thấy có ai thêm bị đưa vào trường ngoại trừ anh Luận. Nhưng những xác chết trong đêm mà tôi thấy nằm rải rác trên đường đi từ ngã tư Nguyễn Huệ - Lý Thường Kiệt cho đến phía bên kia Cầu Kho. Hèn chi Cộng sản bắt đầu đưa tôi lên núi, thì rất có thể họ là nạn nhân của những vụ hành quyết tại chỗ.
Càng gần thất bại, Cộng quân càng trở nên dã man. Diễn tiến tình hình tại Huế đã cho thấy như vậy. Chỉ tiếc màn đêm và sự canh chừng của Cộng sản đã không cho phép tôi nhận diện được họ rõ hơn. Chỉ biết đấy là xác những thường dân, trên người còn mặc bộ áo quần ngủ. Tôi thông cảm sâu sắc niềm đau miên viễn của gia đình những người bất hạnh. Mười mấy năm qua vẫn chưa thôi truy tìm dấu vết người thân, dầu là một chứng tích bi thảm cũng đành lòng, hơn chút ảo tưởng sống còn, ngày càng mơ hồ vô vọng. Bản thân tôi, gia đình tôi không chỉ hết nước mắt nhớ thương, mà hết luôn cả hy vọng nhặt xác con về. Có hầm chôn tập thể, khe suối vùi người nào được khai quật mà gia đình tôi không đến lật tìm từng mảnh vải còn vương, đến hàm răng, chiếc sọ bầy nhầy, để xem có di thể tôi trong đó không. Những người thân yêu nhất trong đời tôi, mẹ tôi, chị tôi - khi nhắm mắt vẫn còn yên trí tôi đã là một hồn ma không còn trên cõi thế.
Trở về sau 13 năm trôi dạt ngục tù, tôi xem ra thành kẻ chứng nhân cho một chuỗi ngày khổ tận. Không phải tất cả những người mất tích đều đã chết. Nhưng sự sống sót chỉ là hạt cát trong biển máu không lồ. Mỗi trại giam lụp xụp giữa Trường Sơn là một khu mồ dựng sẵn. Nhưng bản năng sinh tồn cũng có những sức đề kháng kỳ lạ. Có những lời nhắn gởi bị dìm đi, nhưng cũng có những lá thư nhà đầy khí khái của kẻ sĩ sa cơ, coi nước đã mất thì nhà không còn…
Nhìn chúng đi lại tôi ước lượng khoảng một đại đội Việt cộng đang chiếm đóng khu trường. Nhiều tên ghé lại đứng nhìn ngắm chúng tôi rồi chỉ trỏ bàn tán với nhau. Có vẻ chúng đang chuẩn bị đem chúng tôi ra bắn. Một tên du kích mặt non choẹt, toàn thân vàng bủng nhưng điệu bộ cực kỳ hung ác được giao canh giữ chúng tôi. Bằng một giọng Thừa Thiên quê đặc, hắn vừa phun ra những lời chửi rủa độc địa, vừa dí mũi súng Carbine vào người tôi, ngón tay cong lại như sắp bóp cò. Vừa khi đó hai chiếc trực thăng vũ trang bỗng từ đâu sà đến, nhả liền mấy quả rốc kết vào bọn Việt cộng trên lầu. Khói bụi bốc mù mịt, vôi vữa rơi đổ ào ào. Mấy tên du kích hốt hoảng tìm chỗ ẩn núp, quên khuấy chúng tôi. Ngồi trên chiếc bục giảng bài của thầy giáo, tôi ngẫu nhiên được chứng kiến cảnh chiến đấu đang diễn ra. Tôi thầm cảm phục sự can đảm của hai viên Phi công trực thăng. Từ các cửa sổ tầng trên ngôi trường, các họng súng đại liên, trung liên, cộng với hằng trăm cây súng cá nhân Cộng sản thi nhau nhả đạn vào hai chiếc máy bay, tưởng như thế nào cũng bị tiêu cháy đến nơi. Nhìn từ phía trận địa địch, rõ ràng trong chiến đấu, trực thăng là một đối tượng rất dễ bị tổn thương. Thế mà cái khối chậm chạp lắc lư đó như không biết sợ là gì, vẫn bình tĩnh lượn gần quan sát, thỉnh thoảng nghiêng mình bắn trả những đường đạn chính xác. Tôi nghe rõ nhiều tiếng kêu la trên lầu vọng xuống.
Bọn Cộng sản đã bị trừng trị. Trong tiếng la thất thanh tôi nghe cả giọng đàn bà. Chúng điên cuồng hò nhau bắn trả, nhưng hai chiếc trực thăng chỉ dạt ra rồi lại sà xuống tiếp tục bắn phá. Ở những vòng lượn thấp, tôi nhìn thấy viên xạ thủ người Mỹ phơi mình bên khẩu đại liên, giữa lúc lao vào ổ địch mặt vẫn lạnh băng như không biết sợ là gì. Cũng những người lính viễn chính ấy tôi thường gặp trong những phi vụ đưa đón phái đoàn, từ sân bay Thành Nội, bãi đáp MACV đến không trạm quân đoàn, trông họ rất đỗi bình thường, lặng lẽ và lễ độ. Thế mà giờ đây trong mắt tôi họ bỗng trở thành một thứ Hiệp sĩ thần kỳ, phù nguy diệt bạo. Tôi hoàn toàn không nghĩ là mình đã được giải cứu, nhưng vẫn cảm thấy một cái gì như hả dạ khi biết rằng bọn sát nhân đang bị những đòn giáng trả đích đáng. Có thể chúng sẽ giận dữ hơn, tàn bạo hơn đối với những người rơi vào tay chúng, nhưng ít ra chúng cũng hiểu không kẻ nào gieo gió mà không gặt bão.
Nhưng tiếc thay sự hiện diện của lực lượng Đồng minh hôm đó chỉ có thế. Sau khi hai chiếc trực thăng bỏ đi, bầu trời im ắng trở lại, trả cho bọn Cộng Sản cái quyền thao túng mặt đất mà chúng đang nắm giữ bằng sắt và máu. Cũng như tất cả những người bị cô lập với bên ngoài, tôi có cảm tưởng lực lượng ta đã rã hết rồi. Và chiếc máy bay chợt đến rồi lại chợt đi như đóm lửa chưa kịp bùng cháy mà đã vội tắt. Thấy tạm yên, mấy tên du kích đanh ác lại ngóc đầu lên. Nhưng lần nầy chúng có vẻ hơi gờm, chỉ gườm gườm nhìn chúng tôi chứ không chửi rủa và đòi dọa bắn.
Đến tối, hình như có lệnh mới, chúng tôi được dẫn tới một phòng khác có vẻ là nơi chuẩn bị để di chuyển. Đi qua những hành lang dài hun hút nhưng tuyệt không một ánh đèn, chúng tôi bước mò mẫm trên những mảnh kính vỡ và nhiều chướng ngại không tên, để cuối cùng dừng lại trước một cánh cửa tối om. Chúng đẩy tôi vào và bảo ngồi đấy đợi. Quơ tay, tôi sờ thấy một chiếc mền dạ không hiểu của ai vứt lại trên thềm. Tối quá tôi không biết ngoài tôi và anh Luận còn có ai trong phòng nữa không. Nhưng chắc chắn là có người vừa từ ở đây bị dẫn đi và vì vội quá nên không kịp đem theo chăn mền của mình. Chiếc khăn dạ tốt, loại nhà binh Pháp để lại, nhất định không phải thứ mà Cộng sản có được. Đêm tháng Giêng trời lạnh, trên mình lại chỉ phong phanh một bộ đồ mỏng, không dày dép, tôi và anh Luận quấn luôn chiếc mền vào người và cũng không có ý định giao nó lại cho những tên Việt cộng tham lam. Sau này, khi chuyển trại, chiếc chăn được xé làm đôi, tôi một nửa, anh Luận một nửa. Chính nhờ mảnh chăn đó mà tôi đã có thể cầm cự nổi với cái rét cắt da thịt của Trường Sơn, và đã không sớm ngã xuống như nhiều anh em khác. Khi đưa ra giam ở Miền Bắc, tuy có được phát mền sợi Trung cộng, nhưng tôi vẫn giữ mảnh chăn bên người với ý định sau này nếu có cơ hội sẽ tìm gia đình người có tấm chăn trả lại như một dấu tích của người thân để lại.
Càng về đêm, bọn Cộng sản lại càng đi rộn rịp. Như một loài ma ăn đêm, chúng có vẻ quen thuộc với bóng tối. Mọi sự chuyển vận, hoạt động đều không cần tới ánh sáng. Tiếng dép lốp nghiến xào xạc trên mảnh chai, tiếng súng khua lách cách. Thỉnh thoảng có ánh diêm chớp lóe đỏ, soi lên tường những bóng đen qua lại. Bỗng trong sâu thẳm của tối tăm nổi lên nhiều tiếng rên rỉ đau đớn. Tiếng rên đau phát ra từ dãy phòng phía hữu gần cổng chính ngôi trường. Ở đó có các thương binh của chúng nằm dài trên nền xi măng chờ được cáng đi. Qua thoáng nhìn vội, tôi thấy được cảnh tượng mà Cộng sản ít khi để lộ ra ngoài. Những thân người sắp lớp từ phòng này qua phòng khác, cái đã bất động, cái còn cựa quậy rên la, chứng tỏ khi đi gây tội ác, chúng đã tổn thất. Dấu giếm là sở trường của Cộng Sản. Sợ dân chúng biết, chúng đã dồn hết những đồng bọn không may vào đây, chờ đêm tối mới bắt đầu chuyển về sào huyệt. Những chiếc khăn màu xám dơ bẩn buộc túm hai đầu luồn dưới một thanh tre dùng làm đòn khiêng là cáng tải thương đường dài của chúng. Trong khi những tên bị thương khóc lóc, kêu khát đòi xin nước thì những tên khác vẫn thản nhiên bước qua, không buồn dừng lại hỏi han một tiếng.
Hồng Châu