TƯỜNG THỤY
7 anh em, bác cháu đi du lịch ở nước Chương Dương. Ở đây có luật pháp riêng nhưng không bằng văn bản mà bằng miệng. Bất cứ cá nhân nào là công an – lưu manh – côn đồ đều có thể ban hành luật từ những cái gọi là miệng nhưng không đánh răng bao giờ nên thường gây cảm giác muốn nôn mửa cho khách. Khi đến du lịch nước này, lữ khách thấy mình như đang sống ở thời kỳ trung cổ. Tuy vậy, chúng tôi càng cần phải trở lại quốc gia có diện tích 4,16 km2 này nhiều lần nữa, vì mỗi chuyến đi lại phát hiện thêm những điều quái đản nhưng thú vị.
Nói thế cho có hình ảnh, bởi những câu nói “nổi tiếng” của nhà chức trách: ”Luật là tao, tao là luật“, “Ở đây xử theo luật riêng, không giống các nơi khác“. Thực ra đó là xã Chương Dương thuộc huyện Thường Tín, cách trung tâm thủ đô hơn 20 km về phía nam, trước thuộc tỉnh Hà Tây, nay thuộc Hà Nội trong vụ sáp nhập vào thủ đô cho nó to thứ 3 thế giới.
Còn đoàn chúng tôi vừa qua là đoàn thứ ba đến thăm Trội bị bắt.
Chính vì họ muốn dằn mặt chúng tôi để cô lập Phạm Văn Trội nên chúng tôi càng thấy cần phải đến với anh. Lúc này, Phạm Văn Trội cần chúng tôi hơn lúc nào hết.
Hôm ấy là buổi chiều 20/1/2014. Sau khi đi chúc Tết được một số gia đình tù nhân lương tâm, thăm xong nhà Vũ Hùng thì trời đã tối. Lịch trình đi thăm do tôi sắp xếp nhưng lúc này, tôi thấy cần phải hỏi ý kiến cả đoàn. Tôi nhìn bác Quang A, bác Lê Hùng và nhìn bao quát một lượt, nói:
- Theo lịch trình, tiếp đến là thăm Trội. Cám ơn các bác và mọi người đã theo đúng kế hoạch em đã định. Nhưng bây giờ em thấy thấy cần phải xin ý kiến tất cả. Thứ nhất là trời đã tối, mà đến nhà Trội vào buổi tối lại càng nguy hiểm. Thứ hai là có một số bác cao tuổi, liệu về muộn có mệt lắm không. Lại còn cháu Thảo vướng bận gia đình, các cháu còn bé. Vậy có tiếp tục đi thăm Trội hay để đi vào hôm khác. Còn em thì đi hết đêm nay cũng được.
Chỉ cần một người không muốn đi hay không đi được, chúng tôi đành hủy kế hoạch. Nhưng tất cả đều quyết tâm, không một ai bàn lùi. Tôi nhìn qua một lượt: bác Quang A, Bác Lê Hùng, Thầy Vũ Mạnh Hùng, Nguyễn Lân Thắng, Nguyễn Kim Môn, Mai Phương Thảo – những gương mặt thân thuộc và tin cậy, thấy vui và cảm động quá. Mọi người thống nhất đi tiếp đến nhà Trội sau đó về HN thăm Nguyễn Văn Đài, vì chắc chắn buổi tối Đài có mặt ở nhà. Còn chuyện bao vây, canh giữ nhà Đài là việc của họ.
*
Phạm Văn Trội sinh năm 1972, bị bắt ngày 11/9/2008, sau đó anh bị kết án 4 năm tù và 4 năm quản chế theo điều 88 Bộ luật hình sự. “Tội” của anh là “đòi đa nguyên, đa đảng, nhân quyền dân chủ” (theo bản luận tội của tòa án). Anh ra tù ngày 11/9/2012. Ngay sau khi ra tù, tôi và Luật sư Lê Quốc Quân cùng một số anh em khác đã đến thăm anh. Hôm ấy tuy không bị bắt nhưng những tên mật vụ đi trên 2,3 xe máy luôn bám sát chúng tôi kể cả khi đi và khi về. Sau đó tôi còn đến thăm Trội nhiều lần nữa.
Gia đình Trội là một gia đình rất mến khách. Mỗi lần đến thăm Trội, chúng tôi đều hẹn trước và bao giờ anh cũng chuẩn bị làm cơm trước để mời chúng tôi. Tôi cũng muốn ăn ở nhà Trội để giành cho anh và gia đình thêm niềm vui, sự ấm áp. Nhưng lần này, phải đi nhiều nơi nên tôi dặn ngay từ đầu là “không đủ thời gian ngồi ăn cơm đâu nhé”.
Thăm Phạm Văn Trội
Đến nhà Trội đã 7h30 phút tối. Khỏi phải nói, vợ chồng Trội, mẹ anh và các cháu vui mừng như thế nào. Biết không thể giữ chúng tôi ăn cơm được, gia đình đành mang bưởi Diễn ra mời chúng tôi, còn bao nhiêu bắt mang hết về. Ngồi chơi một lúc, tôi nhớ đến cây táo quen thuộc đầu ngõ. Dưới ánh sáng mờ mờ từ trong nhà hắt ra, tôi cũng bứt được mấy quả to và chín. Tôi chia cho cháu Phương Thảo, còn mình cũng đưa lên miệng ăn rất ngon lành. Trái cây, không ăn cách nào ngon hơn là ăn ngay ở cây. Trang (vợ Trội) gọi con cầm đèn pin và chiếc rổ con ra. Rồi con soi, mẹ hái “để cho các bác mang về Hà Nội“.
Nấn ná ở nhà Trội chừng 30 phút, chúng tôi đành ra về để còn đến thăm Nguyễn Văn Đài. Lịch trình ban đầu của chúng tôi hôm nay là thăm nhà Đài trước tiên. Nhưng khi bắt đầu đến thì nhận được cuộc gọi gấp gáp của Đài: “em bị gọi lên phường nên không có nhà. Cảm ơn các anh chị”. Sau này Đài cho biết, khi gọi xong câu báo tin ngắn ngủi ấy, điện thoại của Đài bị khống chế. Tất nhiên, chúng tôi không thể đến thăm một người mà không có mặt ở nhà. Đành phải đảo việc thăm Đài xuống cuối lịch trình.
Chào hỏi xong, cầm tay nhau mãi, chúng tôi bịn rịn chia tay.
Nhưng ra khỏi cổng, một lũ người không biết là ai, từ đâu, ào ào kéo đến, mang theo tiếng động cơ xe máy rú ga ầm ỹ, đến bao vây chúng tôi, yêu cầu vào ủy ban xã để làm việc.
Ký sự Chương Dương: 2. Bây giờ đ. mời nữa
TƯỜNG THỤY
Lúc đầu đám người này chỉ có 5-7 đứa. Sau chúng tiếp tục kéo đến, và khi chúng cưỡng bức chúng tôi vào trụ sở lên chừng 30 đứa. Chúng tôi thì chỉ có 7 người.
Trước yêu cầu vô lý, tất nhiên chúng tôi phản ứng. 3 đoạn băng của Nguyễn Lân Thắng rất dài, tôi sắp xếp lại nội dung đối thoại chính như sau:
- Chúng tôi cần phải biết các anh là ai?
- Là ai thì các anh về ủy ban sẽ biết
- Cơ sở pháp luật nào mà các anh bắt chúng tôi về ủy ban
- Anh Trội thuộc diện chúng tôi quản lý ở địa phương, các anh đến nhà anh Trội nhưng không trình báo chúng tôi.
- Các anh quản lý anh Trội là việc của các anh, còn chúng tôi đến thăm là việc của chúng tôi. Tôi yêu cầu các anh đưa ra văn bản qui định cấm đến thăm anh Trội, văn bản qui định đến nhà anh Trội phải trình báo ủy ban?
- Tôi mời các anh, các anh có đi không?
- Chúng tôi không chấp nhận lời mời ấy. Các anh không có quyền. Các anh đã vi phạm pháp luật rất trắng trợn. Nhà anh Trội không phải trại tù mà các anh cấm chúng tôi.
- Đây là đối tượng chúng tôi quản lý. Các ông đến đất của chúng tôi, chúng tôi phải kiểm tra.
- Các anh làm thế chỉ xấu mặt chính quyền, xấu mặt nhà nước.
- Xấu thì xấu chùng mày trước , đéo xấu gì chúng tao cả.
- Chúng tôi là những công dân bình thường, đến thăm anh Trội cũng là việc bình thường.
Tôi để ý đến một thằng đeo cái túi sau lưng. Thằng này có phong cách rất lấc cấc, lúc thì lại có vẻ dặt dẹo, người lúc la lúc lắc. Nó nói nhiều câu rất ngớ ngẩn nên thường làm cho mọi người phì cười.
- Tôi là công dân bình thường đới, tôi nghi vấn đới, đừng có cười.
- Thế anh đại diện cho cái gì?
- Đại diện cho nhân dân Việt Nam đới.
Chúng tôi lại cười phá lên. Trang bảo nó là an ninh huyện Thường Tin đây. Trội cho biết thằng này được giao nhiệm vụ chuyên theo dõi anh.
Tôi nói:
- Nghi vấn là việc của các anh. Nhưng bắt chúng tôi phải có dấu hiệu vi phạm. Cũng như cảnh sát giao thông chỉ được phép dừng xe khi có dấu hiệu vi phạm.
Một thằng bảo:
- Văn ấy cũ mẹ nó rồi.
Vâng, tất cả những gì gọi là luật đối với chúng đều cũ hết. Luật là thứ quá xa xỉ với chúng Cái mới mà chúng nói ở đây là luật rừng.
Chúng lại dằn giọng:
- Bây giờ mời các ông về trụ sở, các ông có đi không?
Bác Quang A hỏi lại:
- Yêu cầu hay là mời?
Nó nói:
- Bây giờ tôi yêu cầu, tôi đéo mời nữa. Rõ ràng quan điểm rồi đấy. Nhá
Chúng tôi kinh ngạc bởi văn hóa làm việc của những kẻ gọi là đại diện cho chính quyền ở đây. Lũ lưu manh chứ chính quyền gì chúng nó. Hay là văn hóa của chính quyền chỉ ở mức như thế này?
Mấy thăng ba trợn cố tình nói để chúng tôi nghe thấy:
- Lâu nay không có án tử hình nào, ngứa chân ngứa tay quá.
Thằng thì lại cầm roi điện bấm tanh tách, tóe lửa. À, ra chúng dọa dẫm chúng tôi. Chúng chẳng hiểu gì về chúng tôi cả.
Chúng giằng co với bác Quang A nhiều nhất. Một bầy xúm đông xúm đỏ quanh bác. Bác phản ứng cũng rất kiên quyết. Tôi giơ máy ra định quay cảnh chúng khống chế bác Quang A, lập tức chúng đập vào máy:
- Không quay chụp gì ở đây cả. Chúng tôi tịch thu máy bây giờ.
Cứ thế, cuộc giằng co kéo dài khoảng 1 giờ ở ngoài đường. Chúng bắt vợ chồng Trội quay về nhưng không ai chịu về. Trội và Trang đấu tranh bảo vệ chúng tôi rất kiên quyết
Lúc này, quân chúng kéo đến đã rất đông, lên đến chừng 30 người. Chúng liên tục thúc giục chúng tôi. Chúng tôi bảo:
-Chúng tôi không đi. Các anh có áp giải thì áp giải chứ nhất định chúng tôi không đi.
Rồi cứ một tốp kéo một người chúng tôi, kẻ lôi, người đẩy. Cuối cùng chúng cũng áp giải được chúng tôi vào trụ sở ủy ban.
Thầy giáo Vũ Mạnh Hùng và mẹ đẻ Phạm Văn Trội
Đây là 2 trong 3 đoạn băng Nguyễn Lân Thắng ghi được, mời các bạn nghe thêm ở ở các đường dẫn sau:
Ký sự Chương Dương: 3. Liệu em có bị đi tù không anh?
TƯỜNG THỤY
Vào đến sân ủy ban, Trội chỉ một phòng làm việc và nói:
- Hôm trước anh Huỳnh Ngọc Tuấn bị nhốt và bị Lê Văn Điệp, phó công an xã đánh ở phòng này đây này.
Một đứa gạt đi:
- Làm gì có chuyện đó.
Hôm nay tuyệt nhiên không thấy bóng tên Điệp đâu.
Chúng áp giải chúng tôi và cả hai chiếc xe vào sân (một chiếc xe của Nguyễn Kim Môn, còn một chiếc tắc xi chúng tôi thuê). Thoạt đầu, chúng cứ tưởng cả 2 chiếc chúng tôi thuê cả nên chỉ bắt 6 người vào phòng. Trội yêu cầu làm việc thì làm việc chung, không được tách người ra các phòng. Chúng đồng ý.
Chúng đưa chúng tôi lên tầng 2, vào một phòng họp. Nhìn qua cách bài trí, chúng tôi biết được đó là phòng họp của Đảng ủy.
Người làm việc với chúng tôi là Phạm Nhật Cường. Khi Cường bắt đầu thì bác Quang A chặn trước:
- Trước khi làm việc với tôi, anh phải cho biết anh là ai, phải có đầy đủ giấy tờ, thẻ ngành để chứng minh anh đủ tư cách làm việc với chúng tôi.
Trội gỡ bí cho Cường:
- Anh gọi anh Hải công an huyện lên, anh ấy có thẻ ngành, xong anh ấy có thể giới thiệu anh làm việc.
Có hai viên an ninh huyện Thường Tín lên, nói chúng tôi có mặt để “trợ giúp pháp lý”. Tôi mang máy ra định quay clip nhưng chợt thấy rất nhiều bọn lâu la đứng ở ngoài hành lang như sẵn sàng lao vào nếu có chuyện gì. Nếu tôi quay, lập tức sẽ bị chúng nó sẽ khống chế nên tôi đứng lên:
- Tôi yêu cầu được quay clip. Vì tôi e ghi chép hay nghe suông không tiếp thu hết được ý kiến của các anh.
Tay Hải gạt đi:
- Các anh có thể ghi chứ quay là không được.
Loanh quanh một lúc thì Phạm Nhật Cường chủ trì làm việc với chúng tôi. Ngoài ra, lúc thì một tay an ninh huyện, lúc thì công an viên địa phương bên cạnh để giúp việc.
Nội dung làm việc chẳng có gì đáng nói. Anh ta hỏi giấy tờ tùy thân. Bác Quang A nói lẽ ra anh phải có mặt ở nhà anh Trội, trưng thẻ công an của mình ra và với tư cách trưởng công an xã, anh giải thích rằng theo quy định luật pháp anh có quyền kiểm tra giấy tờ tùy thân theo đúng thủ tục thì chúng tôi đã đưa CMT cho anh rồi. Nhưng việc làm làm của các anh là hoàn toàn trái luật và vi phạm nghiêm trọng quyền con người. Việc áp giải chúng tôi về đây là không cần thiết, không cần tới mức như thế này.
Sau đó, ai có chứng minh nhân dân thì đưa ra, ai không mang thì nói miệng. Rồi họ loay hoay làm biên bản, viết lách những gì lâu lắm. Rất nhiều khi họ bỏ đi, chắc là bàn bạc hay xin ý kiến gì đó, để mặc chúng tôi ngồi với nhau.
Trội sợ chúng tôi đói, bảo vợ về luộc con gà mang ra cho chúng tôi, chúng tôi gạt đi, anh lại bảo vợ làm cơm để tí nữa các bác về ăn. Tôi bảo:
- Thôi, biết họ giữ đến bao giờ mà cơm với nước. Hết đêm nay, vài ngày nữa, thậm chí vài năm. Rồi nhỡ làm cơm xong, họ trục xuất khỏi địa phương, không cho ăn thì sao.
Trội vẫn áy náy, đi vét các quán được hai hộp bánh. Mỗi chúng tôi ăn vài chiếc.
Đang loay hoay ghi biên bản, Cường hỏi:
- Chúng tôi muốn biết các anh đến nhà anh Trội để làm gì?
- Chúng tôi nói rồi, đến thăm gia đình, thế thôi.
- Các anh mang quà gì đến cho anh Trội? Hoa quả à. Có đưa tiền không?
- Ơ cái anh này, đó là việc riêng của chúng tôi. Chúng tôi không cần phải trả lời câu hỏi ấy.
Gã ma mãnh:
- À, có nghĩa là có cho nhưng không muốn nói chứ gì?
- Chúng tôi đã bảo là chúng tôi không trả lời.
Tới khoảng 9 giờ 30, chúng tôi nhận được thông tin có 3 xe từ dưới Hà Nội lên với khoảng hai chục người. Chúng tôi đoán là Bộ công an hoặc Công an Thành phố “tăng viện”
Cường chạy xuống rồi lại chạy lên:
- Các anh dưới kia mới bác Nguyễn Quang A xuống để hỏi vài chuyện.
Bác Quang A cương quyết:
- Các anh cưỡng bức chúng tôi vào đây. Hỏi chúng tôi là ai thì chúng tôi cho biết rồi, thế là xong chuyện. Không còn chuyện gì để nói với các anh cả.
Gã lại chạy xuống báo cáo.
Một lúc sau thì Trội lên cho biết, hiện nay, họ đã phát cho mỗi đứa một cái bút và một tờ giấy. Chắc là chúng sẽ tách riêng từng người ra để thẩm vấn.
Chúng tôi bảo nhau không đi đâu cả. Còn cố tình dùng sức mạnh cưỡng bức tách riêng ra thì không nói câu nào hết. Mọi người đều thống nhất như thế.
Khoảng 10h, thấy Kim Môn bị áp giải lên. Thì ra ban đầu họ tưởng anh là lái xe thuê, đến khi thấy anh đứng gần Trang với cách nói chuyện thân mật, họ mới biết là anh nằm trong đoàn đi thăm.
Sau khi cho họ biết danh tính, Kim Môn giả bộ rụt rè:
- Anh ơi, thế liệu em có bị đi tù không ạ?
Cường bảo:
- Không. Nếu các anh vi phạm pháp luật thì chúng tôi mới bắt.
Như vậy gã thừa nhận chúng tôi không vi phạm pháp luật nhưng chúng tôi vẫn bị áp giải về đây.
Kim Môn tiếp tục trêu:
- Thế ạ. Em mừng quá. Cứ tưởng các anh bắt đi tù.
Đang bức xúc nhưng tôi vẫn phải phì cười.
10h30′ đến tiết mục yêu cầu ký vào biên bản. Chúng tôi trả lời việc các anh kiểm tra danh tính đã xong. Chúng tôi không liên quan gì đến cái văn bản do các anh tự viết ra. Cường nói thế thì làm “biên bản không ký”.
Ồ, lại còn “biên bản không ký” nữa. Thật là lắm “biện pháp nghiệp vụ”.
Cường bảo, các bác ký cho xong rồi còn về. Tôi cũng mệt lắm rồi. Chúng tôi nói cái đó là việc của các anh, chúng tôi không liên quan. Bây giờ thì chúng tôi cũng chẳng cần về, nhỡ hết việc rồi. Các anh muốn giữ đến bao giờ cũng được.
Lúc này, họ cho 3 tên mang máy quay chĩa chúng tôi, đủ mọi góc. Tôi đứng dậy phản đối:
- Bắt đầu vào làm việc, tôi yêu cầu được quay clip nhưng các anh không cho. Bây giờ các anh lại cho gười quay chúng tôi là sao. Các anh quay hay không, chẳng ảnh hưởng gì đến chúng tôi, nhưng lối làm việc như thế là không đàng hoàng.
Một tên chống chế:
- Tôi quay phía này chứ (tức là phía Phạm Nhật Cường)
Chúng tôi chỉ 2 tên kia, trong đó một tên đang quay ngang, ống kính chĩa thẳng vào tôi, một tên quay từ dưới lên:
- Thế hai cậu này đang quay ai đây?
Bất chấp sự phản đối của chúng tôi, ba tên vẫn tiếp tục.
Chúng lại phá thối buổi họp mặt tất niên của chúng tôi
Sau vụ bị công an Chương Dương (Thường Tín) bắt khi đến chúc Tết Phạm Văn Trội hôm 20/1, tối nay, 21/1 chúng tôi lại bị phá thối khi họp mặt tất niên tại tầng 2, nhà hàng 58/116 Nhân Hòa, Nhân Chính.
Buổi họp mặt ngoài những gương mặt quen thuộc còn có một số học viên Pháp Luân Công tham gia. Khi chúng tôi đến, đã có một bàn gồm 5 tên ngồi trước. Dãy bàn chúng tôi kê dài vào phía trong. Năm tên này, đều mặc áo phao màu đen, loại áo mà tôi thường nhìn thấy mỗi khi bị theo dõi. Một vài người nói: “Để ý cái bàn kia”. Người thì gạt đi: “Kệ chúng nó”.
Chúng tôi gặp gỡ nhau rất vui vẻ, nói chuyện tự nhiên, không cần biết đến sự có mặt của ai xung quanh.
Buổi tiệc bắt đầu được khoảng 30 phút. Nhân viên nhà hàng bê nồi lẩu lên, nói, cẩn thận, nóng đấy nhá rồi đưa vào hướng giữa tôi và Nguyễn Xuân Diện. Lúc này, 5 tên bàn bên cạnh đều đứng dậy. Một thằng chủ động ngã vào Xuân Diện (đang quay lưng ra). Từ Anh Tú tưởng nó trượt chân ngã nên đến đỡ thằng này dậy. Cùng lúc, tất cả chúng nó cầm cốc, bát đĩa cùng đồ ăn dở, cầm ghế ném tới tấp vào phía chúng tôi. Áo Xuân Diện bị ướt hết. Cũng may, nồi lẩu đưa vào qua lối giữa tôi và Diện, nhân viên bê hết sức cẩn thận chứ không thì chúng tôi đã bị bỏng. Khu vực trực tiếp bị chúng tấn công, phía ngoài có hai vợ chồng tôi, Xuân Diện, Hưng Việt Nguyễn, đối diện có JB Nguyễn Hữu Vinh, bác Ngô Ngọc Trai, Lê Hoàng Vũ Mạnh Hùng. Chị chủ nhà hàng bị chúng đập một cái chai vào đầu khi định ngăn không cho cúng bê một mâm ăn đổ đi.
Sự việc diễn ra quá bất ngờ. Chúng tôi hơn 30 người, hoàn toàn có quyền tấn công lại và bắt giữ chúng. Nhưng vì không muốn buổi họp mặt bị bỏ dở và không muốn gây nên tổn thất cho nhà hàng, mọi người chỉ né tránh những thứ chúng đang ném vèo vèo.
Cảnh tượng lúc này vô cùng hỗn độn. Mặc dù biết xáp mặt chúng lúc này là rất nguy hiểm nhưng tôi buộc phải chạy đến giữ chiếc ghế chúng định ném tiếp vào:
- Không được làm thế. Tất cả dừng tay.
Sau phút hoảng loạn, vợ chồng chủ nhà hàng đã chạy đến van xin.
Có lẽ, biết nếu tiếp tục sẽ như thế nào nên chúng rút quân. Trước khi rút, chúng còn đạp đổ thêm mấy chiếc bàn khác. Bát đĩa, cốc chén rại vỡ loảng xoảng.
Khoảng 10 phút sau thì một tốp công an đến. Họ đứng nói chuyện với chủ nhà hàng một lúc rồi đi xuống. Dưới đường thấy có xe công an và rất nhiều đứa mặc thường phục đứng xung quanh.
Sau đó thì chủ nhà hàng đến xin lỗi và thông báo công an yêu cầu nhà hàng ngừng phục vụ và chúng tôi phải giải tán.
Trước yêu cầu vô lý không thể chấp nhận được, chúng tôi tỏ thái độ quyết liệt, yêu cầu tay công an nào ra cái lệnh vô lý này đến đối chất với chúng tôi.
Có mà cho kẹo chúng cũng không dám đối thoại. Trong những trường hợp này, hoặc là chúng phải nhượng bộ, hoặc là dùng quân đông với danh nghĩa đảng và chính quyền để cưỡng chế.
Cuối cùng thì cuộc vui của chúng tôi vẫn tiếp tục.
Khi về, tôi nghĩ lại, vẫn thắc mắc tại sao chúng không cắt điện nhà hàng. Đây là “biện pháp” nghiệp vụ khá quen thuộc của chúng
Về đến nhà thì nhận được thông tin, trên đường về, Lê Thiện Nhân bị 4 tên xông vào tấn công. Đến khi anh la lên cướp! cướp! chúng mới thôi. Còn Ngô Quỳnh bị bắt ở 107 Ngụy Như Kon Tum. Một học viên Pháp Luân Công chạy thoát. Đến 4h sáng nay, 22/1, CA Bắc Giang đã áp giải đưa Quỳnh về địa phương.
Chắc chắn chúng tôi phải chịu đựng những cuộc phá thối hay bắt bớ khi làm những việc hợp pháp. Đành chấp nhận thôi. Không lẽ, người đàng hoàng lại chùn bước trước lũ lưu manh côn đồ với bản chất đê tiện, hèn hạ, cho dù chúng mang danh nghĩa người của Đảng, Nhà nước và do cấp nào chỉ đạo đi chăng nữa.
21/1/2014
Tường Thụy