Saturday, 18 January 2014

Đoàn Kim Chung thành lập ngoài Bắc, an cư lạc nghiệp trong Nam

kim-chung-bau-long-305.jpg
Nghệ sĩ Kim Chung và ông Bầu Long
Photo courtesy of cailuongvietnam.com

Trước 1954 đoàn Kim Chung thành lập ở ngoài Bắc, cũng là một đoàn hát có bề thế, nổi tiếng, chủ nhân là ông Trần Viết Long, một công tử con nhà giàu ở Hà Nội. Ông Long từng đi du học bên Pháp, bên Đức nhưng khi về nước đã không làm cho cơ quan nào, mà đi... làm cải lương. Do bởi ông phải lòng cô đào tài sắc Kim Chung, rồi đứng ra thành lập đoàn Kim Chung - tiếng chuông vàng Bắc Việt vào năm 1950. Kế đó cùng với ông Phạm Thọ Minh, lập đoàn Kim Chung - tiếng chuông vàng Hải Cảng (Hải Phòng).

Khán giả đông chật rạp

Khi đình chiến Pháp – Việt 1954, theo làn sóng đồng bào di cư, ông Long mang đoàn Kim Chung vào Nam. Khi mới vào Nam đoàn Kim Chung phải đi lưu diễn như các gánh trong Nam. Thế nhưng, đoàn đã thất bại ngay trong đợt đầu tiên này, bởi tuy là cải lương đó, nhưng đồng bào ở đây lại không quen với lối ca hát của đào kép đất Bắc. Lại nữa lúc mới vào cũng không thông thạo đường đi nước bước gì hết. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa cũng không kinh nghiệm như các gánh trong Nam. Hơn nữa đoàn Bích Hợp mới ra đời thời gian ngắn đã chết, làm cho Kim Chung cũng phải bối rối. Ấy thế là Bầu Long phải đánh liều, thuê rạp Aristo để nằm hát thường trực vậy chớ biết làm sao.
Nghe nói ông Bầu Long mướn rạp dài hạn để gánh Kim Chung hát thường trực thì giới cải lương đã mỉm cười, thậm chí có người còn nói rằng chỉ có ở Biên Hòa về mới làm như vậy (đó là câu nói mà thiên hạ dùng để nói người bị tâm thần, vì Biên Hòa là nơi có Bệnh Viện Dưỡng Trí, mà thông thường người ta gọi là “nhà thương điên”. Thiên hạ có cái nhìn như vậy là vì từ trước tới giờ gánh hát diễn một tuần là không còn khán giả, xưa nay chưa gánh nào hát một chỗ thời gian 2 tháng. Có ngon lắm, tuồng hay lắm, thì cũng hơn một tháng mà thôi, như gánh Năm Châu hát tuồng Tây Thi Gái Nước Việt của những năm đầu thập niên 1950.
Rồi giờ đây một đoàn cải lương từ miền Bắc vào, lại thuê một rạp hát dài hạn, mà rạp đó lại là rạp Aristo, các gánh cải lương trong Nam không gánh nào muốn về rạp này, trừ trường hợp bị kẹt rạp. Bởi nếu như đem so sánh với những rạp hát khác ở Sài Gòn, thì rạp Aristo nằm ở địa điểm bất lợi, chỉ có một con đường phía trước rạp, không có đường chạy ngang thông ra nhiều hướng như rạp Thành Xương, và còn kém xa hơn nữa nếu so với rạp Nguyễn Văn Hảo rộng rãi, lại là địa điểm thuận lợi cho khán giả từ miền Lục Tỉnh lên đậu ghe ở bến sông Cầu Ông Lãnh, vừa mua bán, vừa đi coi hát giải trí. Do vậy mà hiếm đoàn hát muốn về đây, trừ trường hợp các rạp khác không còn trống, thì mới thuê mướn rạp Aristo này. Rạp Aristo là một rạp hát cải lương ở ngay trung tâm Sài Gòn mà giờ đây người ta không còn thấy nữa, có còn chăng là trong ký ức những người hâm mộ cải lương, họ sẽ hình dung được ngay, nếu như có ai nhắc tới. Rạp Aristo, còn có tên là Trung Ương Hí Viện, nằm trên con đường chạy dọc theo bờ tường rào nhà ga xe lửa, mà thời Pháp có tên là Colonel Grimaux (đường Lê Lai sau này).
Thuở đầu tiên nó chỉ là một khán trường nhỏ nằm trong một nhà hàng, nhưng vào khoảng những năm thập niên 1940, do khán giả đông, chủ nhân đã xây cất, mở rộng biến thành rạp hát. Có lẽ do yếu thế, ít đoàn hát thuê mướn, nên khi được đoàn Kim Chung thuê dài hạn (hợp đồng 5 năm và trả tiền từ năm một) thì chủ rạp đồng ý ngay, dù rằng giá thuê quá rẽ. Nghe nói khoảng một phần ba giá tiền cho các gánh nếu như thuê chỉ một tuần. Ông bầu Long có cái suy nghĩ nếu như giá thuê rạp rẻ thì dù ít khán giả vẫn không lỗ lã, vì không tốn kém di chuyển như hầu hết các gánh.
Thế nhưng, cái may mắn của đoàn Kim Chung là khi ký hợp đồng rồi thì đêm nào khán giả cũng đông chật rạp, là điều không ai ngờ được. Tuồng có sẵn ngoài Bắc mang hát lại hằng đêm, khán giả xem đông, không phải là khán giả của Sài Gòn, mà là khán giả thuộc đồng bào di cư miền Bắc, vào đây còn nằm tại Sài Gòn chưa được biết định cư đâu cả. Họ còn tiền bạc, họ đang nhớ đến quê hương miền Bắc, chợt có gánh hát ngoài Bắc vào, đương nhiên họ ủng hộ hết mình. Giai đoạn đầu của Kim Chung kiếm tiền dễ dàng, ăn bạc là vì thế.

Nổi đình nổi đám

bich-hop-huynh-thai-200.jpg
Bích Hợp, đệ nhất đào thương miền Bắc và Huỳnh Thái trên sân khấu Kim Chung – 1950. Ảnh Huỳnh công Minh/diendan.cailuongso.com.










Như vậy rạp Aristo, nơi trụ diễn của đoàn cải lương Kim Chung thuở đầu lập nghiệp tại Sài Gòn, sân khấu cải lương Sài Gòn đón nhận đoàn hát từ ngoài Bắc vào an cư lạc nghiệp. Và cũng từ đó sân khấu Aristo “nổi đình nổi đám”, rầm rộ luôn hàng đêm từ 1955 đến 1960. Đương thời ít có đoàn cải lương nào trụ diễn thường trực tại một rạp hát, mà thường chỉ ghé ở mỗi rạp khoảng một tuần và diễn mỗi đêm một vở khác. Thế nhưng, đoàn cải lương Kim Chung không những trụ diễn lâu dài tại rạp Aristo mà còn gây kinh ngạc cho giới cải lương qua việc diễn nhiều ngày chỉ có một vở hát “Trăng Giãi Đêm Sương” được diễn liên tục trên 40 đêm. Có thể nói rằng, đây là vở cải lương được hát liên tục trên sân khấu lần đầu tiên xuất hiện ở Sài Gòn. Và từ đó, chuyện hát nhiều ngày một vở diễn bắt đầu được các đoàn cải lương khác áp dụng.
Có thể nói phần lớn tài danh sân khấu cải lương đã ở dưới trướng của Bầu Long. Các nghệ sĩ tên tuổi phục vụ cho Kim Chung người ta phải kể: Út Trà Ôn, Hùng Cường, Tấn Tài, Út Bạch Lan, Thanh Hải, Diệu Hiền, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Thanh Kim Huệ, và 3 chàng Minh: Minh Cảnh, Minh Phụng, Minh Vương...
Sang đến đầu thập niên 1960, một loạt rạp hát ra đời với tầm cỡ lớn hơn, tiện nghi hơn đã kéo dần khán giả của Aristo. Hơn nữa rạp Aristo lại nằm ở vị trí không thuận tiện, một bên là nhà ga xe lửa bít bùng, một bên là đường cùng. Do đó rạp Aristo gần như bỏ trống và khoảng thời gian sau đó cũng dần biến mất.
Vậy là hơn 20 năm tồn tại, rạp Aristo từng là điểm diễn của rất nhiều đoàn cải lương, với những kỷ niệm buồn vui khắc ghi trong tâm trí của các nghệ sĩ đương thời. Rạp Aristo cũng chính là “chứng nhân” cho sự ra đời của hai đoàn cải lương nổi tiếng là Kim Chưởng và Kim Chung. Và mỗi khi nhắc đến hai đoàn hát đó, người ta thương nhắc đến tài quán xuyến, lãnh đạo đoàn hát rất giỏi của hai vị bầu gánh.
Thêm một lần nữa giới cải lương đã thán phục ông Bầu Long, là vấn đề đoàn Kim Chung đi Pháp. Khi nghe tin đoàn cải lương Thanh Minh Thanh Nga thành công rực rỡ ở Pháp, thì tại Sài Gòn ông Bầu Long của đoàn Kim Chung cũng xin lên Bộ Thông Tin cho đoàn được nối gót Thanh Minh Thanh Nga thì được chấp thuận dễ dàng, bởi lúc bấy giờ chính quyền đã ý thức được tầm quan trọng của văn nghệ tại nơi có hòa đàm. Vả lại đoàn Kim Chung tự túc mọi vấn đề, có nghĩa là lời ăn lỗ chịu, ngay cả việc đổi ngoại tệ cho người trong đoàn cũng bị giới hạn và phải đổi theo hối xuất tự do. Tóm lại là Kim Chung được đi nhưng không được hưởng quyền lợi đi “công tác” như đoàn Thanh Minh Thanh Nga dù rằng hình thức hoạt động cũng như nhau.
Thế nhưng, việc ấy đâu có thành vấn đề đối ông Bầu Long, do bởi ông có đủ điều kiện tài chánh, và tin tưởng Kim Chung sẽ gặt hái khả quan, vì tuồng loại “hương xa” của Kim Chung hiện thời đang ăn khách ở quốc nội, thì ở hải ngoại chắc cũng thế thôi. Ông Bầu Long có nhà ở bên Pháp, con cái cũng đang học hành bên đó, đào Kim Chung và ông đi Tây như đi chợ vậy!
Là bầu gánh hát từ ngoài Bắc vô Nam, làm ăn phát đạt nhờ cải lương, ông Bầu Long đã có cái nhìn của một nhà kinh doanh nghệ thuật, mà những đồng nghiệp khác đã khâm phục, chẳng hạn như chuyến đi Pháp nói trên, thay vì như đoàn Thanh Minh Thanh Nga cho đoàn trình diễn ở Paris trước, rồi sau đó mới đi tỉnh, bởi thủ đô nước Pháp là nơi tập trung đông đảo người Việt hơn ở những nơi khác, nhưng ông Bầu Long lại áp dụng đường lối cho đoàn Kim Chung đi về miền Nam nước Pháp trình diễn trước, và Paris là địa điểm sau cùng. Trước tiên đoàn diễn 5 đêm tại Nice, một thành phố có đông Việt kiều, và tiếp đó là các tỉnh cũng rất nhiều kiều bào ta. Cái đang nể của ông Bầu Long là làm được cái việc mà trước đó đoàn Thanh Minh Thanh Nga đã phải chịu thua.
Số là trước đó nhà tiền đạo Nguyễn Văn Quận, quản lý của đoàn Thanh Minh Thanh Nga đã cố hết sức cũng không tìm mướn được rạp ở các tỉnh Lyon và Toulouse, đến đỗi đề nghị với đại diện Việt kiều ở đây tìm rạp tổ chức lấy, đoàn sẽ đến hát không lấy tiền (chỉ lấy tiền do khan giả tặng) nhưng đại diện ở đây cũng không tìm được rạp. Vậy mà ông Bầu Long đã thuê được rạp ở 2 tỉnh có đông Việt kiều này và dĩ nhiên thành công thích đáng. Còn thành phố Marseille thì Kim Chung hốt bạc suốt cả tuần Địa điểm sau cùng trước khi về nước là thủ đô Paris và tuy đoàn không được Tòa Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa chiếu cố như Thanh Minh Thanh Nga, nhưng lại được ông Đại Sứ Nguyễn Quốc Định đại diện thường trực của phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa cạnh Unesco tiếp đón, và ông Nguyễn Đình Hưng phụ tá cũng có mặt, đồng thời đãi nghệ sĩ một bữa ăn trưa tại trụ sở Unesco.
Sau 1975, ông Bầu Long và đào Kim Chung cùng gia đình đi Pháp. Đến năm 1981 thì ông về nước mang theo dự tính xây dựng lại đoàn Kim Chung. Nhưng rồi đã không làm gì được “lực bất tòng tâm”. Lại thêm tuổi già sức yếu, ông đành ẩn thân cho đến năm 81 tuổi, năm 2003 thì về với Tổ nghiệp cải lương. Và bà vợ, đào Kim Chung thì mất sau ông 5 năm tại Tân Bình, thọ 85 tuổi.