THƯ GỬI BẠN TA của Bùi Bảo Trúc
Các bài viết hàng tuần của Nhà Báo Bùi Bảo Trúc trong mục Thư Gửi Bạn Ta
Ngày 25 tháng 1 năm 2014
Bạn ta,
Hôm nay cần mua vài ba thứ, tôi ghé một ngôi chợ Việt Nam, và khi đi ngang qua quầy bầy bán hương nến, vàng mã cùng các vật dụng cần thiết để bầy bàn thờ, tôi thấy những tấm giấy viết bằng chữ Hán dùng cho việc cúng kiếng đủ mọi chuyện.
Chuyện cúng ông Công, ông Táo, Thổ thần, cúng cô hồn... đều có người làm cả, và ai cũng đã biết. Nhưng trên cái giá để hàng, tôi thấy cả những thứ cần cho việc "cúng tiểu nhân", những chữ ghi rõ ràng như thế.
Ô hay, tại sao phải cúng cái thứ này nhỉ? Thì trên kệ có đề rõ những thứ để cúng tiểu nhân mà.
Cúng là việc dâng lễ vật lên thần thánh, tổ tiên, là để tỏ bầy tấm lòng tôn kính dành cho các vị đó. Nhưng còn tiểu nhân, tại sao phải cúng, phải tỏ lòng cung kính với tiểu nhân, phải đem lễ vật dâng lên cho cái thứ bụng dạ nhỏ nhen đáng khinh, cái thứ hạ tiện chỉ rình rập, phục kích hại người, đâm chém người khác, ngậm máu phun người, bí mật hại người, bọn ném đá dấu tay... làm tất cả những chuyện tệ lậu đốn mạt trên đời chỉ để gây khổ đau tối đa cho người.
Tiểu nhân là ngược lại với quân tử. Vậy thì nếu có cúng thì cúng người quân tử chứ tại sao lại cúng tiểu nhân? Nhưng mấy chữ ở cái chợ nọ còn lù lù ở đấy. Chắc chuyện cúng tiểu nhân là chuyện có thật, và có nhiều người làm lắm thì mới có nguyên những thứ dùng cho việc cúng kiếng chúng nó.
Thế thì cúng tiểu nhân bằng gì?
Không thể bằng hương đèn thơm ngát được. Hương đèn phải được đặt trên bàn thờ, nơi cung kính nhất trong nhà. Không thể bầy các vật cúng kiếng, mâm cao cỗ đầy cho tiểu nhân về ăn được. Mà nếu tiểu nhân ghé ăn xong, ai dám lấy mấy thứ đồ cúng đó xuống mà ăn? Phí của giời đi.
Không bàn thờ, lư hương, không xôi gà, không thủ lợn, giò chả, bánh trái thì cúng tiểu nhân bằng gì? Còn gì mà cúng nữa đâu?
Thì cứ cho cái bàn thờ, nếu có một cái cái dành cho tiểu nhân, hương tàn khói lạnh. Một nén hương cũng không cho nó. Một miếng xôi cũng không.
Cứ như ông Kim Thánh Thán kể trong 36 lúc vui trong đời mà ông viết lại trong một buổi chiều mưa ngồi trong ngôi miếu cổ. Họ Kim kể là một sáng thức dậy thấy xôn xao tiếng người dưới bếp, ông xuống hỏi xem có chuyện gì thì gia nhân nói rằng trong đêm, một người độc ác, đê tiện, xấu xa nhất trong thành vừa lăn ra chết. Kim Thánh Thán nghe xong liền thốt lên rằng
"Chẳng cũng khoái ư!"
Đó, nếu cần phải cúng tiểu nhân thì cứ thanh thản và khoái trá như Kim Thánh Thán là đủ.
Không cần chúc ác cho nó. Để người khác chúc ác cho nó là đủ rồi. Nó đánh lén mình, kệ nó. Sẽ có người khác xử. Nó lái xe qua mặt mình làm mình suýt gây tai nạn. Kệ thân phụ nó. Sẽ có ngày, một tay súng trong cơn
"road rage" sẽ cho nó một phát. Nó vô cớ đục mình một quả, sẽ có người khác bị nó đục sẽ đục lại nó. Nó sẽ thất cơ lơ vận, không có chỗ dung thân. Nó nói xấu mình thì nó sẽ không còn chỗ mà ... phát thanh nữa, lêu bêu như chó mất chủ, nay đài này, mai đài nọ.
Vì thế, không cần phải mua sắm gì về để cúng nó. Nó sẽ lang thang đầu đường xó chợ, sống vô gia cư , chết vô địa táng cho mà xem.
Nhất định là không cần phải cúng nó.
Ngày 26 tháng 1 năm 2014
Bạn ta,
Tôi không biết những dòng chữ viết trên một bức tường ở đoạn giữa Lai Châu đi Điện Biên có còn không, hay đã bị xóa đi mất rồi.
Một nhóm vài ba sinh viên ở vùng Tây Bắc xuống học ở các thành phố ở dưới đồng bằng , trong một chuyến đi về thăm nhà, một nơi rất gần biên giới Việt Trung, đã quyết định dùng sơn viết những hàng chữ Hoàng Sa Trường Sa Việt Nam, để bầy tỏ thái độ yêu nước của họ trên thành cầu, trên những bức tường sát bên đường xe đi.
Lúc đầu họ chỉ viết những chữ tắt HS.TS.VN. nhưng sợ người đọc không hiểu nên họ viết thẳng ra là Hoàng Sa Trường Sa Việt Nam. Rồi họ lại nghĩ là viết như thế chưa rõ, nên trên một bức tường khác, họ viết rõ hơn: "Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam."
Viết xong hàng chữ này, họ nghĩ điều muốn nói đã được nói lên rất rõ. Những chữ viết trên tường rất đẹp và rất rõ mầu sơn đỏ trên bức tường xi măng mầu xám rất dễ đọc.
Các sinh viên này cho biết là vừa viết xong thì một người đàn ông trung niên đến hỏi tại sao lại viết thế. Khi được các sinh viên giải thích là họ muốn khẳng định các hải đảo là của Việt Nam, ý nói không phải là của Trung quốc. Người đàn ông trung niên cho biết ông là bộ đội từng đánh nhau với quân đội Trung quốc, có thể là hồi xẩy ra cuộc chiến Việt Trung những năm 1984-1988. Ông nói viết dòng chữ như các sinh viên vừa viết có thể dân chúng đọc không hiểu. Ông lấy sơn viết thêm ở dưới bốn chữ, không cần tới phương châm 16 chữ của Giang Trạch Dân nhét vào mồm bọn lãnh đạo Hà Nội, mà nay đọc lên chỉ muốn giết hết mấy cái đứa nô dịch theo Tầu.
Bốn chữ mà ông trung niên viết thêm là, nguyên văn đọc thấy rõ trong bức hình chụp: "Đéo phải của Tầu".
Chao ôi, chữ "đéo" nghe đã đời làm sao!
Không phải là một câu phủ định tầm thường như "không phải của Tầu", mà là "đéo phải".
Lối nói phủ định dùng những từ ngữ hoặc để nói về việc giao hợp (đéo) hay về một bộ phận cơ thể (đếch) có mục đích là làm cho ý nghĩa của câu mạnh hơn, khẳng định hơn, rõ ràng hơn, pha thêm ít nhiều sự phẫn nộ ở trong. Những chữ đó thường không được viết xuống, chỉ thường xuất hiệ trong văn nói.
Trên bức tường, hai dòng chữ viết bằng sơn đỏ, một của mấy sinh viên, một của một người đàn ông trung niên, nhưng cả hai đều là nhũng thông điệp chính trị.
Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam.
Đéo phải của Tầu.
Đéo phải của Tầu.
Câu của các sinh viên được câu của người bộ đội từng đánh nhau với Tầu đã được làm cho mạnh hơn, quyết liệt hơn, và dễ hiểu hơn với những người dân quê ở cái vùng gần biên giới Việt Trung đó.
Chuyện xẩy ra đã mấy năm không biết những hàng chữ đó có còn không, hay đã bị bọn tay sai của Tầu cạo đi rồi. Nhưng tôi tin là còn, vì một người đàn ông khác đã hứa với mấy sinh viên rằng nếu có ai xóa những chữ ấy đi thì anh ta sẽ viết lại vì anh là người làm đường ở đó.
Lời nói của anh nghe đầy giọng của Phùng Quán:
"...Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn trên đá."
Tôi sẽ dùng dao viết văn trên đá."
Như vậy, nếu những hàng chữ ấy bị bôi xóa đi, thì nó sẽ được viết lại.
Có điều là nhà cầm quyền không bắt... bức tường đem nhốt như đã nhốt ông Điếu Cầy chỉ vì ông đã khẳng định bằng một câu tương tự về Hoàng Sa và Trường Sa.
Có giỏi thì lôi bức tường ra tòa coi nào.
- Mẹ, ở đây miền ngược không như dưới xuôi, cái gì cũng phải thẳng luôn. Chúng mày sợ không dám làm thì sơn làm gì. Mày viết đi để bà con đây đọc xong, tao sẽ giải thích. Chứ viết của Việt Nam thì người ta chả hiểu gì hết. Chúng mày có viết không thì để tao viết.
Anh em chúng tôi nhìn nhau, sau cũng đành gật đầu chiều ông cựu chiến binh máu nóng đó. Thế là thành dòng chữ Hoàng Sa Trường Sa Là Của Việt Nam lại thêm cái đoạn Đéo Phải Của Tầu ở phía dưới là vậy.
Ngày 27 tháng 1 năm 2014
Bạn ta,
Kim Phạm thiệt mạng một cách lảng xẹt. Thực ra thì không có cái chết nào là hợp lý, là không lảng xẹt cả. Nhưng Kim là một phụ nữ rất không nên chết một cách lảng xẹt như thế bao giờ.
Cô còn quá trẻ, xinh đẹp, thông minh, học thức và là một cây viết đầy triển vọng. Cô có thể trở thành một nhà văn. Hai tiểu luận của cô rất được người đọc ưa thích. Nhưng hơn tất cả những điều vừa kể, cô là một người tốt. Cô rất tốt với bạn bè, và luôn cả những người cô không quen, không biết. Cô luôn luôn nghĩ tới người khác trong chiều dài đời sống quá ngắn ấy của cô. Cô cẩn thận viết xuống giấy là nếu có chuyện gì xẩy ra cho cô, cô muốn hiến tặng các bộ phận của cơ thể để cứu những người khác.
Cô nghĩ đến cách khi chết cô vẫn còn có thể cứu được những người khác. Cô đã cứu được 5 người bằng các bộ phận cô hiến tặng.
Cô là người luôn luôn nghĩ đến chuyện giúp đỡ người khác. Ngay cả khi cô vĩnh biệt đời sống. Cô chỉ có thể mô tả là một cách chính xác nhất bằng chữ
selfless. Một người không nghĩ tới mình. Cô chỉ nghĩ tới người khác.
Cô qua đời sau khi bị hành hung trí mạng trong một buổi đi chơi với vài ba người bạn. Cảnh sát đã bắt giữ hai phụ nữ bị tình nghi dính líu vào vụ đả thương. Tiền thế chân để được tại ngoại của mỗi người được đặt ra là 1 triệu đô la. Cảnh sát chắc chắn phải có trong tay một số bằng cớ để có thể giữ các đương sự. Nhưng cảnh sát vẫn cần thêm các nhân chứng có mặt ở nơi xẩy ra vụ bạo động.
Nạn nhân buổi tối hôm ấy (19/1/2014) có đi cùng với mấy người bạn gốc Việt khác nhưng chưa có một người nào chịu gặp cảnh sát để trả lời các câu hỏi của cảnh sát trong nỗ lực điều tra vụ hành hung gây ra cái chết của cô Kim. Tờ LA Times nói rằng những người này đã từ chối không nói chuyện với cảnh sát vì không tin vào việc làm của cảnh sát và sợ bị trả thù. Tờ báo nói rằng những người cùng đi với cô có thể đã trông thấy người đánh nạn nhân đến bất tỉnh cũng như ai đã đá vào đầu nạn nhân khi cô ngã xuống. Nhưng mọi nỗ lực của cảnh sát muốn có lời khai của những người bạn của nạn nhân đã không có kết quả. Một người nói thẳng với cảnh sát là không muốn gặp cảnh sát.
Cuộc điều tra vẫn có thể tìm ra manh mối nhưng có thể sẽ mất công hơn dù có hay không có lời khai hay sự hợp tác của những người-gọi-là-bạn-của-nạn-nhân. Vậy thì đúng là "khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai".
Cô Kim khi còn sống, ai quen biết cô cũng đều nói rằng cô là người bao giờ cũng nghĩ tới người khác. Nay cô chết đi thì những người biết cô, đi chơi với cô và chắc thế nào chẳng đã có người từng được cô đối xử tử tế, đã không chịu mở miệng ra nói được đôi ba điều để làm sáng tỏ cái chết của cô. Họ đi chơi với cô, có mặt ở nơi xẩy ra vụ bạo hành, có thể đã nhìn thấy tận mắt những hung thủ đánh hội đồng cô. Nhưng tất cả, cho đến hôm nay, vẫn giữ im lặng, thậm chí nói thẳng là không muốn dính vào chuyện cô bị sát hại.
Họ có nêu ra lý do gì, nại ra cái cớ nào đi chăng nữa thì nghe cũng không ổn, khi cô Kim là bạn của họ, hay chỉ quen biết họ khi cô còn sống.
Bạn bè mà đối xử với nhau như vậy hay sao? Biết đâu trong số những người không chịu giúp cảnh sát điều tra nội vụ lại chẳng có người từng được cô Kim đối xử rất tốt khi cô còn sống?
Người Mỹ hay nói câu này: với bạn bè như vậy thì ai còn cần phải có kẻ thù nữa (With friends like these, who needs enemies?)
Đúng làm sao là đúng!