Ông Lê Duẩn còn để lại một câu nói ngàn năm không quên: “Chúng ta đánh miền Nam là đánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc.” Nói cách khác, hàng triệu chiến binh và đồng bào đã chết cũng là chết cho Liên Xô, cho Trung Quốc. Bây giờ người Việt Nam đang tự hỏi: Còn những bộ đội đã chết trong trận chiến 17 Tháng Hai năm 1979 thì họ đã chết cho ai? Phải đặt câu hỏi đó, vì đến ngày 17 Tháng Hai năm nay, đảng Cộng sản Việt Nam đã cấm không cho dân Việt tổ chức tưởng niệm các tử sĩ trong cuộc chiến tranh kéo dài một tháng đầu năm đó.
Buổi lễ tưởng niệm ở Hà Nội đã bị công an phá rối bằng một trò nhơ bẩn: Tổ chức nhẩy múa ngay tại lễ đài để chiếm chỗ! Ðúng là: Khiêu vũ trên xác chết! Tại Sài Gòn, những người tổ chức lễ tưởng niệm đã lên án chính quyền cộng sản vô ơn: “Những người Việt Nam vừa mới lẫm liệt ngã xuống cho sự sống còn của đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Cha mẹ họ vẫn đang sống trong nỗi ngậm ngùi thương nhớ con. Vợ con họ vẫn đang sống trong nỗi khắc khoải vì sự trống vắng của họ. Nhưng từ sau cuộc gặp Thành Ðô của lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam với lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc, coi sự sống còn của đảng Cộng sản cần thiết hơn sự sống còn của đất nước Việt Nam, cần thiết hơn sự sống còn của dân tộc Việt Nam, đảng cộng sản Việt Nam đã biến kẻ thù cướp đất Việt Nam, giết dân Việt Nam thành bạn vàng ý thức hệ.”
Tháng trước, đảng Cộng sản Việt Nam đã ngăn cấm không cho dân được tưởng niệm các chiến sĩ Hoàng Sa, Nguyễn Tấn Dũng còn lên giọng mạ lị các liệt sĩ Hoàng Sa bỏ mình vì bảo vệ tổ quốc, dám nói rằng họ là những người “hèn nhát.” Tháng này, đảng Cộng sản lại ngăn cấm các lễ tưởng niệm các tử sĩ trong cuộc chiến 1979, mà đồng đội, cha mẹ, vợ con của họ nhiều người vẫn còn sống. Dân Lạng Sơn không tưởng niệm, dân Cao Bằng cũng không. Ðảng Cộng sản đã tìm cách xóa nhòa cả trí nhớ của những người dân biên giới về cái chết thê thảm của cha anh họ.
Trong tuần lễ trước đó 70 nhân sĩ từ cả Hà Nội lẫn Sài Gòn đã phổ biến một bức thư lên án hành động Trung Quốc tấn công Việt Nam hồi năm 1979 là “hèn hạ, đáng sỉ nhục. Bức thư tố cáo thái độ của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam “cũng hèn hạ không kém, nếu không dám công khai và quyết liệt vạch trần tội ác xâm lược của kẻ thù, càng phi lý hơn khi thỏa hiệp với luận điệu xảo trá về cái gọi là “giữ gìn đại cục,” quay lại đàn áp nhân dân biểu tỏ lòng yêu nước lên án giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc.”
Ông Ðinh Hoàng Thắng, ở Việt Nam, nhận xét: Thật đau buồn nếu như ngày mười bảy tháng hai (đã trở) thành làn ranh giữa một bên là những trái tim nguội lạnh, với bên kia là bầu nhiệt huyết của triệu triệu con người chưa bao giờ từ bỏ ý chí đòi lại bất cứ phần bờ cõi nào đang bị cưỡng chiếm.” Ông Thắng đã nói thẳng đến lằn ranh giới đang hiện rõ ràng: Một bên là “những trái tim nguội lạnh,” và bên kia là những người Việt còn “bầu nhiệt huyết” của những người không chấp nhận mất nước. Những người mang bầu nhiệt huyết chắc chắn sẽ không chịu nhục mãi mãi. Trong lịch sử loài người, khi đói rét quá thì người ta hay nổi loạn để có cơm ăn áo mặc. Nhưng các cuộc cách mạng thường xẩy ra khi người ta đã có cơm ăn áo mặc rồi, nhưng không muốn phải chịu một nỗi nhục nhã tập thể.
Chính vì lo lắng trước tương lai sụp đổ cho nên đảng Cộng sản Việt Nam đã mạnh tay ngăn cấm những người muốn tưởng niệm các tử sĩ trong cuộc chiến Hoàng Sa 1974 và Chiến tranh Biên giới 1979. Năm 1979, Ðặng Tiểu Bình tuyên bố tấn công sang nước ta để “dạy cho Việt Nam một bài học.” Thực ra đó là một bài học dành cho Lê Duẩn và toàn thể đảng Cộng sản Việt Nam. Phải đợi tới mười năm sau, đảng Cộng sản Việt Nam mới thấm thía bài học đó. Khi “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Liên Xô” của Lê Duẩn tan rã, Nguyễn Văn Linh và toàn ban lãnh đạo đảng Cộng sản phải chịu nhục nhã sang yết kiến các lãnh tụ Trung Cộng ở Thành Ðô xin cúi đầu quy thuận. Và kết quả là cho tới nay cả nước ta đang bị đảng Cộng sản ép phải cúi đầu chịu mối nhục chung.
Còn dân tộc Việt Nam, chắc chắn chúng ta không chấp nhận bài học năm 1979. Mà đây không phải lần đầu tiên. Dân tộc Việt Nam từ hai ngàn năm trước đã từng thấy “thiên triều” nhiều lần đem quân sang dạy cho một bài học. Mà bao giờ dân Việt cũng đáp lễ, dạy cho thiên triều một bài học khác. Năm 938, Ngô Quyền đã dạy cho quân Nam Hán một bài học. Lý Thường Kiệt đã dạy cho vua quan nhà Tống một bài học. Vua và dân nhà Trần ba lần dậy cho quân Nguyên ba bài học. Năm 1428 Lê Lợi đã dạy cho Minh Thành Tổ một bài học. Lần sau cùng, năm 1789, Quang Trung dạy cho nhà Thanh một bài học nhớ đời.
Năm nay, đảng Cộng sản Việt Nam cho công an nhảy múa trên xác chết ngăn không cho đồng bào ta tưởng niệm cuộc chiến 1979. Ðây là “những trái tim nguội lạnh” muốn “dạy một bài học” cho những người Việt còn “bầu nhiệt huyết.”
Ông Ðinh Hoàng Thắng nhìn thấy có hàng “triệu triệu người” còn bầu nhiệt huyết. Có thể tin rằng hàng triệu triệu con người mang bầu nhiệt huyết sẽ thay đổi thế cân bằng. Vì con số hàng triệu đó sẽ tăng lên không ngừng. Còn con số những trái tim nguội lạnh chắc chắn đang co lại, ngày càng giảm đi. Ðã tới lúc chỉ còn một thiểu số tham ô cố bám lấy Trung Cộng để giữ nguyên địa vị và quyền lợi của họ. Ðó là một dấu hiệu báo trước hiện tượng “Ðảng tan rã.”
Vậy những anh bộ đội, những người dân lành đã chết trong trận chiến 17 Tháng Hai năm 1979 họ đã chết cho ai? Họ tưởng mình đang hy sinh cho tổ quốc, nhưng kết quả chỉ là giúp cho một lũ tham ô nắm đầu dân Việt, cho đến ngày hôm nay. Không những thế, đám lãnh tụ đỏ “coi sự sống còn của đảng Cộng sản cần thiết hơn sự sống còn của đất nước Việt Nam, cần thiết hơn sự sống còn của dân tộc Việt Nam,” nên họ còn ngăn cản không cho con cháu, anh em của các nạn nhân và tử sĩ dù còn “ngậm ngùi thương nhớ” cũng phải quên đi, không được tưởng nhớ đến cha anh mình nữa. Sẽ tới lúc người dân Việt sẽ dạy cho bọn này một bài học.