Wednesday 19 February 2014

Chọn Đường - Huỳnh Thục Vy

2013 DEC 1 ROTATE HTVY 200Số phận một quốc gia nhược tiểu nằm cạnh gã hàng xóm khổng lồ bất hảo đã để lại những dấu ấn lớn trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam. Một quá khứ đen tối vì bị đô hộ và ngay cả khi đánh thắng được quân ngoại xâm phương Bắc thì cũng phải triều cống, đã ảnh hưởng rất lớn đến cách nhìn nhận về mối quan hệ với Trung Quốc của người Việt. Ngày nay, dưới sự cai trị của tập đoàn lãnh đạo cộng sản Việt Nam, dù là đang ở trong thế kỷ 21, Việt Nam vẫn bị Trung Quốc thao túng, chèn ép về mọi mặt. Dù không ưa Trung Quốc, có không ít người dân Việt Nam nhìn nhận sự lệ thuộc ngày hôm nay của Việt Nam là điều gì đó mang tính cố hữu. Vậy đó có phải là số phận không thể thay đổi của một nước nhỏ?
Số phận hay lựa chọn?
Nên nhớ, thời trung cổ và trước đó, Việt Nam gần như chỉ biết có Trung Quốc bởi thế giới đối với chúng ta khi ấy chỉ là Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia lận cận ở Đông Nam Á. Dù muốn hay không, Việt Nam phải phụ thuộc vào Trung Quốc để duy trì sự độc lập tương đối và chủ quyền lãnh thổ của mình. Nhưng thật vô cùng biết ơn tổ tiên chúng ta rằng, trong thời kỳ lịch sử tăm tối ấy, khi bị nhốt cùng một kẻ đồ tể hung bạo trong một thế giới bán khai, ít nhất họ đã giữ được những vùng địa đầu quan trọng của lãnh thổ quốc gia như thác Bản Giốc, ải Nam Quan…, vẫn giữ gìn để trao truyền cho chúng ta ngày hôm nay một đất nước duyên dáng nằm bên bờ Thái Bình Dương. Đó là nỗ lực từ máu và nước mắt của bao thế hệ người Việt.
Thật mỉa mai thay, những thời kỳ khó khăn nhất của quá khứ, lãnh thổ Việt Nam vẫn nguyên vẹn mà ngay trong thời đại văn minh này lãnh thổ Việt Nam lại dần bị kẻ ngoại bang xâm chiếm không mất một viên đạn nào trong sự đắc chí của kẻ “đồng chí tốt” và trong sự im lặng đáng hổ thẹn của tập đoàn lãnh đạo Việt Nam. Mấy ngàn năm không bị đồng hoá, mà chỉ mấy mươi năm dưới sự cầm quyền của Đảng cộng sản, sự đồng hoá diễn ra ngày càng mạnh đối với vùng sắc tộc phái Bắc của đất nước. Người Trung Quốc ngày nay hiện diện hợp pháp lẫn bất hợp pháp ở khắp Việt Nam, thậm chí có mặt trong ngành an ninh của chế độ. Ngoài Biển Đông, tàu Trung Quốc cấm cản, bắn giết, cướp của, tịch thu tài sản của ngư dân. Thác Bản Giốc đã mất một nửa, ải Nam Quan đã thuộc về phương Bắc, Trường Sa chỉ còn thuộc Việt Nam một phần, Hoàng Sa đã bị xâm lăng cưỡng chiếm (19/1/1974). Lịch sử dài của đất nước chưa bao giờ chứng kiến tình trạng đáng căm phẫn này.
Thế giới ngày hôm nay là một không gian liên lập, sáng sủa với những mối quan hệ quân sự, kinh tế, văn hoá đa phương, tương hỗ. Trung Hoa chẳng còn là một quốc gia nằm ở trung tâm thế giới mà Hoa Kỳ mới là quốc gia trung tâm trên vũ đài chính trị quốc tếâ, một đàn anh dẫn đâu thế giới tự do.Tàu bè thương mại của quốc tế hàng ngày qua lại ngoài biển Đông, chiến hạm của Hoa Kỳ tuần tiễu ngoài khơi Thái Bình Dương, Việt Nam chẳng còn bị trói buộc vào mối quan hệ chẳng đặng đừng với Trung Hoa. Vậy mà, chính quyền cộng sản vì những toan tính,  đổi chác và hứa hẹn trong quá khứ và hiện tại vẫn cố tình trói chặt Việt Nam vào mối quan hệ chư hầu vô lý và ngu xuẩn với Tàu cộng. Đó không còn là số phận nữa mà là một sự lựa chọn có cân nhắc quyền lợi. Nhưng điểm mấu chốt là “quyền lợi” ở đây là quyền lợi của tập đoàn lãnh đạo và của Đảng chứ không phải quyền lợi của quốc gia.
Thế giới ngày nay nhìn từ hai cường quốc dẫn đầu
Trước tiên, xin nói về gã hàng xóm bất hảo của Việt Nam: Trung Quốc. Sau mấy thập kỷ phát triển nhảy vọt để vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đủ nguồn lực và phương tiện để bước chân vào lĩnh vực thám hiểm không gian, phát triển quân sự, mở rộng ảnh hưởng ngoại giao, kinh tế, chính trị đến nhiều khu vực trên thế giới như châu Phi, châu Mỹ La Tinh, Trung Á và Đông Nam Á, và có tham vọng trở thành cường quốc đại dương, thách thức với quyền bá chủ của Hoa Kỳ, Trung Quốc dường như sắp bước đến điểm cuối cùng của nó trong tiến trình phát triển đáng ngạc nhiên này. Bằng chứng rõ ràng nhất báo hiệu một tương lai kinh tế ảm đạm của Trung Quốc là tháng 6 vừa qua, tập đoàn Fitch Ratings, một tập đoàn chuyên đánh giá về rủi ro tài chính, đã báo động con số nợ công của Trung Quốc đã tăng từ 9 ngàn lên đến 23 ngàn tỷ đô la trong 5 năm qua. Nhiều chuyên gia đã đưa ra những dự đoán với bằng chứng thuyết phục về sự “hạ cánh nặng nề” của nền kinh tế này vì, tiếp tục thổi bong bóng cho nền kinh tế không được mà hạ nhiệt cho nó cũng nhiều rủi ro. Không chỉ có thế, Trung Quốc còn đang phải đối mặt với vô số những vấn nạn quốc nội như xung đột sắc tộc, ô nhiễm môi trường, mất cân bằng và lão hoá dân số, mâu thuẫn và mất cân bằng trong mô hình kinh tế vùng miền… Biết sai mà không thể sửa, đó là bi kịch. Tương lai nào cho một con bệnh nan ý như thế?
Thứ đến là Hoa Kỳ, sau khi vướng vào cuộc khủng hoảng bắt đầu từ năm 2008, mấy năm qua nền kinh tế nước này suy trầm, nhiều tranh cãi và các biện pháp cấp cứu cũng như giải quyết đã được đưa ra. Và cho tới nay, nền kinh tế nước này có những dấu hiệu rõ ràng là đang phục hồi. Một nền kinh tế dẫn đầu thế giới đang dần bước ra khỏi khủng hoảng, một nền chính trị dân chủ tự do luôn có khả năng tự sửa sai để tiến bộ với sự đóng góp lớn của các think tank và các tổ chức xã hội dân sự khác, khối dân số cân bằng và vẫn tiếp tục tăng trưởng…Đó là những ưu điểm không thể chối cãi của siêu cường này. Hơn nữa, sau mấy thập kỷ tập trung chiến lược vào vùng Trung Đông và hơn một thập kỷ dồn sức lực cho các cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, Hoa Kỳ giờ đây có thể nói đã rảnh tay rảnh mắt để tập trung chuyển dịch trọng tâm chiến lược về châu Á Thái Bình Dương với chính sách “xoay trục” của mình. Dù giải pháp tương lai cho mối quan hệ Mỹ Trung là chiến tranh trên Thái Bình Dương hay chỉ là những biện pháp ngăn chặn về kinh tế, ngoại giao và quân sự nhằm đối phó với  sự bành trướng của Trung Quốc, Hoa Kỳ đang có những ưu thế lớn nếu không muốn nói là có một không hai, khả năng chiến thắng và tiếp tục lãnh đạo thế giới là rất thuyết phục. Tương lai luôn dành cho những quốc gia nào có cơ chế để tự sửa chữa sai lầm và trở nên tiến bộ từ trong khủng hoảng.
Chọn đường
Với hệ thống tình báo và các mối quan hệ đa phưong cũng như song phưong cấp nhà nước của mình, thiết nghĩ những người lãnh đạo cộng sản ở Hà Nội đủ khôn ngoan để hiểu rõ mối tương quan lực lượng của Hoa Kỳ và Trung Quốc, cũng như có khả năng dự phóng về tương lai của khu vực Đông Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng, để từ đó họ có những biện pháp đối phó hợp lý nhằm tìm sinh lộ trước tiên là cho họ, chứ chưa nói gì đến lòng yêu nước. Thế nhưng, dù có nhiều phân tích về hai chuyến đi của Trương Tấn Sang sang Trung Quốc và Mỹ, chúng ta vẫn chưa thấy được dấu hiệu gì của những thay đổi khã dĩ mà chính quyền Việt Nam có khả năng áp dụng trong tương lai gần.
Tất nhiên, nếu cộng sản Việt Nam đủ bản lĩnh để thoát khỏi vòng nô lệ của Tàu cộng, noi gương tập đoàn quân phiệt Miến Điện, đưa đất nước vào lộ trình dân chủ, thân phương Tây, tìm kiếm sự bảo vệ của Hoa Kỳ để chống lại sự hà hiếp của Bắc Kinh như nước Philippines, dù yếu và nhỏ nhưng vẫn kiên quyết bảo vệ quyền lợi quốc gia, thì đó là một may mắn cho Việt Nam. Vì một cuộc chuyển hoá ôn hoà sẽ đỡ hao phí sinh lực quốc gia hơn, dù thực sự cũng có không ít rủi ro trong cuộc chơi thoả hiệp  này.
Nhưng quả thực chúng ta chưa có bằng chứng xác đáng về “thiện chí” này của họ nên không thể ngồi chờ họ một cách bị động. Mối quan hệ Mỹ Trung là một khúc mắc lớn trong tình hình chính trị quốc tế đương đại mà những người đấu tranh cần hiểu biết và tận dụng. Một Hoa Kỳ vẫn tiếp tục phát triển dẫn đầu thế giới, cũng như là một biểu tượng của thế giới tự do; với một Trung Hoa đã từng bước đi vào con đường thoái trào với những bế tắc không có cách giải quyết và ngày càng trở nên hung hãn đe doạ vị trí số một của Hoa Kỳ. Hai lực lượng đó không thể cùng tiếp tục tồn tại và phát triển như những lời lẽ phô trương về mặt ngoại giao được đưa ra.
Tàu cộng là kẻ xâm lăng nguy hiểm  đối với người Việt Nam, nhưng lại là người đỡ đầu của Việt cộng. Cộng sản Việt Nam không thể tồn tại nếu không có người đàn anh Trung cộng. Thế nên, sự suy yếu và có thể là sự sụp đổ của đế chế đỏ này trong sự đối đầu với Hoa Kỳ tạo nên sự thuận lợi đột biến cho phong trào đấu tranh đòi dân chủ của chúng ta. Việt cộng không còn chỗ bám dựa thì chúng ta không cần mất quá nhiều công sức để loại bỏ chướng ngại vật này ra khỏi lộ trình tìm kiếm một tương lai tốt đẹp cho đất nước.
Vấn đề của những người đấu tranh ngày hôm nay là phải xây dựng được những tổ chức đủ mạnh để đối trọng và khi thời cơ đến là thay thế đảng Cộng sản. Tổ chức mà người viết muốn nói ở đây là cả đảng phái chính trị lẫn xã hội dân sự, thiếu một trong hai đều không thể xây dựng xã hội dân chủ. Một sự cần thiết khác là sự hỗ trợ nhiều phương diện của hải ngoại cho quốc nội và đặc biệt chú trọng đến những tôn giáo bị đàn áp, lực lượng dân oan và thanh niên. Phật giáo Hoà hảo là  tôn giáo bị ngược  đãi tàn ác và dã man nhất từ mấy chục năm qua; họ là những con người lương thiện với cuộc sống giản đơn nhưng sức mạnh tinh thần thì vô cùng mạnh mẽ. Dân oan là thành phần bị chế độ độc tài ngược đãi, xâm phạm quyền lợi trực tiếp và chịu nhiều cay đắng. Thanh niên là những người có tri thức nền tảng và giàu nhiệt huyết. Ba lực lượng này là thành phần quan trọng trong cuộc cách mạng sẽ diễn ra ở đường phố trong tương lai, khi tập đoàn lãnh đạo đã suy yếu vì mất chỗ dựa ở Trung Quốc (vì lúc đó Trung Quốc cũng đã rơi vào khủng hoảng toàn diện).
Dù là cuộc cách mạng ôn hoà và diễn ra ở thời điểm tương đối thuận lợi, thì nỗ lực gắn kết, tiến trình trật tự, tính chất ôn hoà và trình độ tổ chức là những yêu cầu nghiêm khắc cho sự thành công. Và điều đó sẽ không thể thực hiện được nếu không có thành phần lãnh đạo có uy tín, tri thức lớn và tinh thần thần dân chủ tự do kiên định. Vai trò đó phải giao cho những nhà đấu tranh và các tri thức cả trong nước và hải ngoại. Trí thức dân chủ phải là thành phần dẫn dắt cuộc cách mạng để nó không bị những kẻ chính trị cơ hội bất hảo và những người cộng sản đội lốt dân chủ  lợi dụng, thao túng làm cuộc cách mạng thất bại hoặc đi chệch hướng, hoặc gây những tổn thất lớn cho quốc gia, làm ảnh hưởng đến tiến trình xây dựng dân chủ sau này.
Lý trí và tri thức  phải dẫn dắt nhiệt tâm và sự bức xúc đi đúng hướng và theo cách có lợi nhất cho cuộc cách mạng và sau đó cũng chính lý trí và tri thức phải  lãnh đạo công cuộc khôi phục quốc gia hậu cộng sản. Không có lý trí và tri thức hay nói đúng hơn là lý trí đặt trên nền móng tri thức, thì mọi nỗ lực xây dựng dân chủ tự do sẽ dễ dàng thất bại trước những thách thức nhiều mặt trong bối cảnh một quốc gia hậu độc tài.
Là một tiểu quốc, trong một bối cảnh toàn cầu hoá, tình hình Việt Nam không thể được xem xét và giải quyết độc lập với bản đồ địa chính trị quốc tế. Những người đấu tranh trong và ngoài nước hiện nay đã nhận thức được sự tác động mạnh mẽ của những biến động chính trị quốc tế đến tương lai Việt Nam, và từ đó, có những hành động thích hợp. Chúng ta không ngồi chờ sự thay đổi của chính quyền độc tài, mà quan sát thận trọng các chuyển biến chiến luợc ở Đông Á. Trông chờ vào những cải thiện nhân quyền  từ nhà cầm quyền độc tài cộng sản và cả vào thiện chí bảo vệ nhân quyền của chính quyền Hoa Kỳ có thể khiến nhiều người thất vọng. Bởi thế, những người đấu tranh cho dân chủ phải phối hợp với nhau thành một lực lượng lớn mạnh và đủ phẩm chất trong thời gian chờ đợi những diễn biến quốc tế thuận lợi cho sự thành công của một cuộc cách mạng. Đến khi đó, sự sụp đổ của đảng cộng sản và chế độ độc tài là không thể tránh khỏi.
Cách duy nhất để Việt Nam vĩnh viễn thoát ra khỏi vòng kềm kẹp của Trung Quốc, ra khỏi vũng lầy nhầy nhụa của mối quan hệ song phương bất công, đó là Dân chủ hoá, trở thành đồng minh của Hoa Kỳ và phương Tây để được bảo vệ trong tinh thần của Công pháp quốc tế. Vì vậy, cách giải quyết bài toán hiểm hoạ Bắc thuộc chính là phải đấu tranh cho một chế độ dân chủ tự do. Dù hung hăng, Trung Quốc cũng không thể tránh được nhưng vấn nạn của mình, Việt cộng mất chỗ dựa, và tiếp theo là cơ hội của chúng ta. Vì thế, mặc dù tình thế Việt Nam vẫn ở giai đoạn tranh tối tranh sáng, Trung Quốc vẫn ngang ngược,  sự đàn áp đối lập của chính quyền Việt Nam vẫn gia tăng nhưng người viết rất tin vào một tương lai tốt đẹp của Việt Nam, tin vào tấm lòng cũng như trí tuệ của những người Việt Nam khắp nơi trên thế giới sẽ đưa đến thành công trong cuộc đấu tranh này.
Huỳnh Thục Vy