Sunday 9 February 2014

Bao giờ cho đến ngày xưa? - Lê Khả Sỹ Theo Thăng Long


Cái ngày xưa chẳng tốt đẹp gì mà như chúng ta đã thấy và lịch sử đã ghi lại, nào là hàng nghìn năm Bắc thuộc rồi hàng trăm năm Pháp thuộc, nào là các triều đình phong kiến chiếm đoạt tài sản, đè đầu cưỡi cổ dân, tiếp đến chiến tranh liên miên…cảnh nghèo đói ở Việt Nam cứ tiếp nối dài dài.
Đến thời hòa bình, đất nước đổi mới, tưởng cơ chế thị trường mở cửa “có định hướng” như người ta nói, khoảng cách giàu nghèo sẽ rút ngắn, không ngờ càng ngày nó càng dãn ra quá lớn. Khoảng cách giàu nghèo là biểu hiện bất công xã hội ! Sự bất công ấy, ai có quyền kiểm soát và chịu trách nhiệm trước dân ? Đó là điều cần bàn trong bài viết ngắn này.

Trước hết phải nói, không thể đòi hỏi công bằng một cách vô lý như con ăn cơm với muối thì bố mẹ cũng phải ăn cơm với muối mới là “công bằng”, anh lớn làm nhiều cũng chỉ được ăn một bát như thằng em nhỏ ăn rồi đi chơi ! Nhưng không thể chấp nhận bố mẹ ăn sơn hào hải vị mà để bầy con ăn cơm độn, anh lớn ở nhà lầu mà để mấy đứa em trú ngụ dưới gầm cầu ! Trước đây, thời bao cấp ở ta cũng có các cửa hàng chuyên cung cấp đầy đủ thực phẩm ngon lành cho các vị đại thần, có cả ba nghìn mẫu ruộng đất chuyên canh tác lúa đặc sản, chăn nuôi gia súc đặc sản cung cấp cho trung ương, nhưng đặc quyền đặc lợi ấy chưa đủ tác động gây nên phân hóa giàu nghèo trong xã hội.

Ngày nay, nhìn chung mặt bằng cả nước thì phải công nhận đời sống dân chúng cóhơn lên nhiều, sự hơn lên ấy có thể đánh giá khoảng 60% nhờ vào chính sách, cơ chế thay đổi như khoán ruộng đất cho nông dân, chấp nhận nhiều thành phần kinh tế được chủ động sản xuất kinh doanh - một phần được Nhà nước hỗ trợ và được thông thương với các nước; còn khoảng 40% nhờ vào các khoản tài trợ của nước ngoài không hoàn lại và qua các dự án, du lịch  > được đền bù có tiền xây dựng nhà cửa khang trang và sản xuất kinh doanh, có thêm công việc làm ăn cộng với nguồn kiều hối Việt kiều gửi về và xuất khẩu lao động . Các nguồn lợi ấy đã làm cho con người và đất nước đẹp hơn về mặt hình thức cùng sự khấm khá hơn về đời sống.

Bên cạnh đó, ngày càng xuất hiện nhiều người giàu và siêu giàu từ các nhóm lợi ích, tập đoàn lợi ích và quan tham lại nhũng cỡ bự. Tầng lớp này thao túng quyền lực, chi phối mọi hoạt động có lợi cho việc thâu tóm của cải, tài nguyên đất nước và đặc quyền đặc lợi ngang nhiên tham nhũng quỹ công. Chẳng hạn: Các Cty lớn sản xuất kinh doanh bằng vốn Nhà nước, lãi chia nhau ăn, lỗ đất nước gánh chịu ; mua bán, đổi chác bất động sản với giá mua rẻ của quốc dân, bán đắt cho nngười dùng, sập tiệm thì được “tái cơ cấu” bằng nguồn vốn do sức dân làm ra ; khai thác tài nguyên khoáng sản vô tội vạ ; buôn lậu xuyên quốc gia có bảo kê, thâu tóm nguồn tài chính…Xin đơn cử từng đối tượng: Vinashin, Vinalines, EVN, nợ xấu và không có khả năng thu nợ của Ngân hàng, cho thuê rừng ở các tỉnh phía bắc, cho đại gia khai thác rừng lấy gỗ quý ở Hương Khê và hàng trăm vụ tham ô, nhận hối lộ (cả của doanh nghiệp nước ngoài) đã bị và chưa bị xử án…Hàng ngũ đại gia giàu lên từ các nguồn lợi bất chính, phi pháp nói trên dù chưa có con số cụ thể, nhưng tất nhiên là số ít so dân nghèo và càng rất ít so với gần chín chục triệu dân Việt Nam.

Như vậy, người nghèo là đa số họ sẽ nghĩ gì khi thừa biết sự giàu có kếch sù của một số ít người mà chắc chắn bằng cách nào cũng do rút ruột tài sản của đất nước và mồ hôi xương máu của dân ! Họ sẽ nghĩ gì về năng lực kiểm soát và trách nhiệm của các vị chăm dân trị nước ? Nếu quá hơn, họ sẽ nghĩ gì về tình trạng nhóm lợi ích, tập đoàn lợi ích và vùng lợi ích không hơn không kém mafia có những bình phong che chắn ? Đây chính là một trong những yếu tố mất lòng tin, dẫn đến phản đối quyết liệt khi công khai khi thầm lặng, nơi lộ diện đương đầu với công quyền, nơi phản ứng ngầm tạo nên những "dây cháy chậm" ! Tất nhiên, đang còn đủ sức thì các vị dẹp được và mỗi nhiệm kỳ chỉ 5 năm hoặc có ham hố thì cũng 10 năm, quan chức sẽ “hạ cánh” có thể an toàn, nhưng cũng nên lo lường trước để bảo vệ lấy cái chính thể mà người dân đã từng theo và không muốn nó sụp đổ, chỉ mong chính thể cho ra chính thể (!) Muôn dân muốn được sống trong hòa bình, hạnh phúc, dân chủ, công bằng và quyền con người được tôn trọng !
 altalt                      
  Đại gia ở lâu đài 170 tỷ VNĐ                     đi xe 40 tỷ VNĐ
alt alt
Đại gia đãi tiệc Trung thu bày cỗ trên thân nude, mỗi cỗ 320 triệu VNĐ / 10 người x 4 cỗ

altalt alt
  Các tiểu gia: ăn “sơn hào hải vị”, ở “lâu đài tranh tre” và mặc "quần vô hình"
 
Các vị đứng đầu đất nước hãy tỉnh táo nghĩ xem, nên theo và phục vụ đa số hơn hay theo và phục vụ thiểu số hơn ?!
Cứ thầm nghĩ khôn nghĩ dại: Bao giờ cho đến ngày xưa / Để cho dân bớt sớm trưa phiền lòng ?

05-02-2014

Công dân Lê Khả Sỹ